Chiều ngày 31 tháng 10 năm 2019, tại phòng 201 nhà B đã diễn ra buổi gặp mặt giữa Trưởng khoa Lịch sử và các Thầy Cô với các học viên khóa 1(QH-2019-X), chuyên ngành Quản lý văn hóa. Tham dự buổi gặp mặt có PGS.TS Vũ Văn Quân – Trưởng Khoa Lịch sử; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa học và lịch sử văn hóa Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Hoài Phương – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa học và lịch sử văn hóa Việt Nam; TS. Đỗ Thị Hương Thảo – Giảng viên thuộc Bộ môn Văn hóa học và lịch sử văn hóa Việt Nam; ThS. Trịnh Văn Bằng - Trợ lý đào tạo Sau đại học, cùng các học viên chuyên ngành Quản lý văn hóa.
PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng Khoa Lịch sử tại buổi gặp mặt
Phát biểu trong buổi gặp mặt, PGS.TS Vũ Văn Quân chúc mừng các học viên đã xuất sắc vượt qua các kỳ thi tuyển sinh Sau đại học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa, của quản lý văn hóa trong xã hội ngày nay, sự cần thiết trong việc mở chương trình thạc sĩ quản lý văn hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đòi hỏi ngày càng lớn của thị trường lao động, Thầy Trưởng khoa động viên anh chị em học viên không ngừng cố gắng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để theo học tập tại khoa Lịch sử. Chương trình đào tạo sẽ cung cấp cho học viên một nền tảng kiến thức sâu về chuyên môn, giỏi về kỹ năng quản lý, hoàn toàn tự tin trong công việc.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa học và lịch sử văn hóa Việt Nam tại buổi gặp mặt
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Thầy nguyên là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử thông qua buổi gặp mặt Thầy đã cùng học viên Quản lý Văn hóa ôn lại một thời kỳ vẻ vang, với bề dày truyền thống của khoa Lịch sử - Đơn vị anh hùng lao động. Điểm qua các mốc phát triển quan trọng của Khoa Lịch sử nói chung, Bộ môn Văn hóa học và lịch sử văn hóa Việt Nam nói riêng, Thầy truyền cho học viên niềm tự hào bởi những thành tựu mà Khoa, cũng như Bộ môn đã đạt được trong suốt chiều dài phát triển và tin tưởng rằng những bước đi sẽ còn mang lại nhiều thành công hơn nữa. Thầy cũng không ngừng động viên anh chị em học viên sớm lựa chọn những hướng nghiên cứu cho bản thân để ngay từ khi vào học đã có thể bắt tay vào tìm tư liệu cho đề tài của mình. Thông qua những chia sẻ về kiến thức, cũng như kinh nghiệm nghiên cứu quý báu của Thầy, học viên có thể hình dung rõ nét hơn về những bước tiếp theo trong quá trình học tập tại Khoa.
TS Đỗ Thị Hương Thảo phát biểu tại buổi gặp mặt
TS Đỗ Thị Hương Thảo - Cô chính là người được Chi ủy-Ban Chủ nhiệm Khoa phân công xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý văn hóa thông báo tới học viên lịch trình đào tạo, hướng dẫn quy chế và nhấn mạnh các mốc thời gian quan trọng trong quá trình học tập để học viên thực hiện.
Tại buổi gặp mặt, các học viên đã giới thiệu về bản thân và bộc bạch một vài suy nghĩ với tinh thần phấn chấn, hồ hởi khi được vào học trong một môi trường với bề dày truyền thống. Các học viên, thể hiện niềm tự hào khi đã trở thành một phần trong sự phát triển của khoa Lịch sử. Thông qua lời phát biểu, anh chị em cũng thể hiện quyết tâm học tập và hứa sẽ thực hiện các công việc theo đúng lịch trình đào tạo, thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ theo đúng quy chế đào tạo Sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nôi, các quy định của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, của Khoa Lịch sử. Buổi gặp gỡ đã kết thúc trong không khí phấn chấn, tin tưởng của anh chị em học viên, cũng như các Thầy Cô trong Khoa Lịch sử.
Chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản lý Văn hóa được giảng dạy tại Khoa Lịch sử đã mở ra cơ hội học tập cho rất nhiều cá nhân hiện công tác tại các cơ quan, tổ chức… có nhu cầu cấp thiết trong các vấn đề liên quan đến văn hóa, quản lý văn hóa và cả sinh viên mới ra trường. Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý văn hóa được xây dựng với triết lý: trên nền tảng cơ bản của lịch sử văn hóa Việt Nam, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm lịch sử và thực tiễn của vấn đề quản lý văn hóa kết hợp với sự vận dụng của các lý thuyết và kinh nghiệm quản lý văn hóa của các nước trong khu vực và trên thế giới, chương trình đào tạo được xây dựng nhằm đưa đến sản phẩm được đào tạo không chỉ có năng lực trong quản lý văn hóa mà còn có khả năng tư vấn và thiết kế, xây dựng chính sách quản lý văn hóa trên bình diện quốc gia và địa phương. Chương trình ThS. Quản lý Văn hóa nhằm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, tổ chức, tư vấn, tham mưu và thực thi các vấn đề trong lĩnh vực quản lý văn hóa ở cả cấp vĩ mô và vi mô.
Website Khoa Lịch sử