Khoa Lịch sử

https://his.ussh.vnu.edu.vn


Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ đại và trung đại

 
BỘ MÔN LỊCH SỬ VIỆT NAM CỔ TRUNG ĐẠI
 
 
            Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại là một trong số ít bộ môn của khoa Lịch sử ra đời ngay từ ngày đầu thành lập khoa, đến nay vừa tròn nửa thế kỷ.
            Người sáng lập và là Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn là nhà sử học, nhà văn hoá lớn Đào Duy Anh (1904-1988). Thế hệ các học trò đầu tiên được GS Đào Duy Anh dìu dắt, giúp đỡ và trở thành những cộng sự thân thiết của ông trong sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Bộ môn sau này trở thành những nhà khoa học danh tiếng. Đó là các giáo sư Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn. Trong những ngày đầu xây dựng, bên cạnh những cán bộ trẻ mới được giữ lại, Bộ môn còn bổ sung thêm một số cán bộ từ các cơ quan khác chuyển đến như PGS Vương Hoàng Tuyên, nhà sử học Trần Văn Khang, nhà nghiên cứu Chu Thiên và đặc biệt GS Đào Duy Anh còn mời được các nhà Hán học uyên thâm như các cử nhân Trần Lê Nhân, Ngô Lập Chi, các cụ Đoàn Thăng, Phan Duy Tiếp, Trần Lê Hữu làm công tác biên dịch và hiệu đính tài liệu Hán - Nôm. Tham gia dịch các sách Trung văn, xây dựng bản đồ lịch sử còn có những cán bộ đầy tâm huyết như các bác Lại Cao Nguyện, Lê Quốc Tuý và Nguyễn Đậu Tân. Dưới sự lãnh đạo của GS Đào Duy Anh, chỉ trong vòng hai năm, Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại (khi ấy gọi là tổ Cổ sử) đã nhanh chóng trở thành một đơn vị đào tạo và nghiên cứu có uy tín của Khoa Lịch sử. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, với một khối lượng tư liệu khá phong phú, Bộ môn đã hoàn thành một số giáo trình chuyên đề như: Giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến; Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam; Nguồn gốc dân tộc Việt Nam; An Dương Vương và nước Âu Lạc; Văn hoá Đông Sơn và trống đồng của người Lạc Việt. Cùng thời gian đó, hai bộ giáo trình cơ sở đầu tiên là Cổ sử Việt NamLịch sử Việt Nam (quyển thượng và hạ) do chính GS Đào Duy Anh biên soạn cũng được xuất bản.
            Năm 1958, GS Đào Duy Anh chuyển công tác khác. Người kế tục sự nghiệp   lãnh đạo Bộ môn là GS Phan Huy Lê. Một năm sau, vào tháng 9 năm 1959, Bộ môn được bổ sung thêm ba cán bộ vừa mới tốt nghiệp khoá I của Khoa là GS Phan Đại Doãn, PGS Phạm Thị Tâm và GS.TS Trịnh Nhu. Trong vòng bốn năm, với tinh thần lao động khoa học nghiêm túc và say mê, các cán bộ của Bộ môn đã lần lượt cho ra đời những bộ giáo trình có giá trị không chỉ đối với các thế hệ thầy và trò khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mà còn là cơ sở cho việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam trên quy mô cả nước và ở nước ngoài. Đó là các tập sách Chế độ cộng sản nguyên thuỷ Việt Nam, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập I) của GS Trần Quốc Vượng và GS Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập II) của GS Phan Huy Lê, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập III) của GS Phan Huy Lê, nhà nghiên cứu Chu Thiên, PGS Vương Hoàng Tuyên và GS Đinh Xuân Lâm.
            Ngoài ra, cán bộ của Bộ môn còn cho công bố một số sách chuyên khảo như: Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ của GS Phan Huy Lê; Tình hình công thương nghiệp Việt Nam trong thời Lê mạt của PGS Vương Hoàng Tuyên. Đặc biệt, trong thời kỳ này, một loạt các công trình dịch thuật và chú giải những tác phẩm sử học quan trọng như Việt sử lược (khuyết danh), Dư địa chí, Quân trung từ mệnh tập (của Nguyễn Trãi) do các giáo sư Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê tiến hành đã được hoàn thành và xuất bản.
            Những thành tựu khoa học kể trên có thể coi là một thang bậc mới trong quá trình phát triển của Bộ môn nói riêng và đối với sử học Việt Nam nói chung.
            Trước yêu cầu phát triển của sự nghiêp đào tạo và nghiên cứu khoa học, vào năm 1960, Khoa Lịch sử mở thêm Bộ môn Khảo cổ - Dân tộc học. Lực lượng của Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại được chia sẻ để xây dựng bộ môn mới. Một số cán bộ như GS Trần Quốc Vượng (sau nay trở thành Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học), PGS Vương Hoàng Tuyên (sau này trở thành Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học), GS Hà Văn Tấn, GS.TS Trịnh Nhu đã chuyển sang bộ môn khác từ thời điểm đó. Để bổ sung cán bộ, năm 1963, Bộ môn tiếp nhận thêm PGS.TS Trần Bá Chí. Ngay từ khi tách tổ, Bộ môn đã tính đến việc đào tạo chuyên ban. Lứa sinh viên chuyên ban khoá I của Bộ môn cũng chính là những sinh viên đầu tiên của Khoa Lịch sử được đào tạo theo chuyên ngành.
            Tháng 8-1964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Để duy trì công việc giảng dạy và học tập trong điều kiện chiến tranh, Bộ môn cùng với cả Khoa Lịch sử sơ tán về Đại Từ (Thái Nguyên). Hoàn cảnh gian khổ, cực nhọc và nguy hiểm trong thời kỳ sơ tán đã không ngăn cản được tinh thần phấn đấu vươn lên của cả thầy và trò. Dưới sự lãnh đạo của GS Phan Huy Lê, Bộ môn đã nhanh chóng chuyển hướng nghiên cứu sang các đề tài về lịch sử chống ngoại xâm, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không quản ngại khó khăn, thầy và trò trong Bộ môn đã cùng nhau tiến hành nhiều cuộc khảo sát, điều tra thực địa tại các địa bàn đã từng diễn ra những sự kiện quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm. Nhiều khoá luận tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành thời kỳ này là kết quả của quá trình lao động đó. Trong thời gian hướng dẫn sinh viên thực tập, lấy tư liệu viết khoá luận, các thầy giáo của Bộ môn còn đồng thời là những tuyên truyền viên về lịch sử và truyền thống yêu nước chống ngoại xâm. Các giáo sư Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn đã từng có nhiều buổi nói chuyện về cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, về khởi nghĩa Lam Sơn, về cuộc kháng chiến chống Thanh của phong trào Tây Sơn... ở nhiều địa phương, cơ quan, trường học và các đơn vị quân đội, được mọi đối tượng nghe hưởng ứng nồng nhiệt. Trong điều kiện vô cùng thiếu thốn nơi núi rừng Việt Bắc, năm 1967, thầy và trò trong Bộ môn đã làm nòng cốt của Khoa Lịch sử kết hợp với chính quyền địa phương huyện Đại Từ tổ chức thành công một cuộc hội thảo khoa học về Nguyễn Trãi, để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp trong lòng nhân dân địa phương. Cũng trong thời gian này, một số sách chuyên khảo về đề tài chống ngoại xâm như Tìm hiểu thêm về phong troà nông dân Tây Sơn của GS Phan Huy Lê, Khởi nghĩa Lam Sơn của GS Phan Huy Lê và GS Phan Đại Doãn, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII của GS Hà Văn Tấn và PGS Phạm Thị Tâm (công trình đạt Giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2006) lần lượt được xuất bản.
            Cũng theo hướng nghiên cứu này, các cán bộ trong Bộ môn còn công bố nhiều công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, góp thêm những nhận xét mới về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, về những trận đánh có ý nghĩa quyết định trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm. Những kết quả nghiên cứu trên đây, sau này đã được thể hiện trong một công trình mang tính tổng kết: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc của các tác giả Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Trần Bá Chí.          
            Trong những đợt thầy và trò đi thực địa, mặc dù chưa có ý niệm đầy đủ về phương pháp nghiên cứu khu vực sau này, những xuất từ yêu cầu thực tế và ý thức được rằng không dễ gì có thể trở lại những địa điểm khảo sát, các thầy cô trong Bộ môn đã hướng dẫn sinh viên một phương pháp sưu tầm tư liệu, khi ấy còn rất mới mẻ với nhiều người, đó là thu thập toàn bộ những thông tin, tư liệu ở địa phương. Để làm việc này, thầy và trò đã sớm biết vân dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu.
            Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ còn chưa kết thúc, Bộ môn đã chú ý đến việc bồi dưỡng cán bộ trẻ làm lực lượng kế cận. Năm 1974, Vũ Minh Giang được tiếp nhận về từ quân đội, rồi năm sau (1975), Nguyễn Hải Kế cũng được giữ lại bổ sung cho đội ngũ cán bộ của Bộ môn.
            Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhiệm vụ của giới khoa học nói chung và của Khoa Lịch sử nói riêng ngày càng thêm nặng nề. Cuối năm 1975, cùng với một số cán bộ của Khoa Lịch sử, các giáo sư Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Vũ Minh Giang được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp điều vào công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh một thời gian, giúp các trường phía nam tổ chức các lớp học về lịch sử dân tộc. Yêu cầu về cán bộ cả về số lượng và chất lượng trở nên bức xúc. Năm 1977, Bộ môn giữ lại hai cán bộ trẻ là Nguyễn Quang Ngọc và Lương Gia Tĩnh (là sinh viên khoá 14 và khoá 15, tham gia lực lượng vũ trang từ năm 1972 đến năm 1975, sau này Lương Gia Tĩnh chuyển sang làm việc tại Khoa Triết học). Mặc dù công việc bộn bề nhưng Bộ môn vẫn quyết tâm dành thời gian và điều kiện cho việc đào tạo cán bộ. Các cán bộ trẻ lần lượt được tạo điều kiện làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài hoặc trong nước. Năm 1980,Vũ Minh Giang được cử sang Trường đại học Lômôlôxốp (Matxcơva) và năm 1988, Nguyễn Hải Kế sang Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Cũng trong khoảng thời gian đó, ở trong nước Nguyễn Quang Ngọc tiến hành làm luận án tiến sĩ theo chế độ đặc cách. Vào đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, một lần nữa Bộ môn được bổ sung thêm lực lượng: PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chuyển về (1990) và TS Vũ Văn Quân, nghiên cứu sinh chuyển tiếp vừa bảo vệ xong luận án (1992). Năm 2004 và 2005, Bộ môn giữ lại ba sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của Khoa về làm cán bộ giảng dạy: Nguyễn Ngọc Phúc (khoá 41), Phạm Đức Anh và Đỗ Thuỳ Lan (khoá 44).
            Sau khi chiến tranh kết thúc, cả nước bước vào một thời kỳ mới. Cùng với Khoa Lịch sử, Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại cũng có những bước chuyển biến mới trong phương hướng nghiên cứu và đào tạo. Một mặt, Bộ môn tiếp tục nghiên cứu các vấn đề về lịch sử chống ngoại xâm mà trước đây chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu. Một trong những nội dung đó là dấu ấn của phong trào Tây Sơn trên vùng đất phía Nam. Trong thời gian từ năm 1977 đến năm 1987, thầy và trò của Bộ môn đã nhiều lần tiến hành khảo sát, điền dã và có những phát hiện mới quan trọng về các lãnh tụ Tây Sơn và hoạt động của phong trào ở Bình Định, Gia Lai và Mỹ Tho. Kết quả của những đợt khảo sát này cùng với việc nghiên cứu hệ thống các tư liệu thành văn về phong trào Tây Sơn đã được công bố thành bốn tập sách: Trên đất Nghĩa Bình (do GS Phan Huy Lê, GS Phan Đại Doãn, GS.TSKH Vũ Minh Giang, PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc biên soạn năm 1988), Khởi nghĩa diệt Nguyễn và chống Xiêm (do GS Phan Đại Doãn biên soạn năm 1993), Lật đổ vua Lê chúa Trịnh, đại phá Mãn Thanh (do PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc biên soạn năm 1994), Xây dựng đất nước (do GS.TSKH Vũ Minh Giang và TS Vũ Văn Quân biên soạn năm 1995).
            Mặt khác, hướng nghiên cứu ưu tiên của các cán bộ trong Bộ môn dần chuyển sang các đề tài về kinh tế-xã hội và văn hoá. Một trong những mảng đề tài được quan tâm nghiên cứu là làng xã, nông thôn và lịch sử nông nghiệp. Hàng loạt các công trình về loại đề tài này đã được công bố, trong đó phải kể đến các chuyên khảo như: Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVIII-XIX của PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Một làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, Làng xã Việt Nam một số vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội của GS Phan Đại Doãn (công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005)...
            Nét mới trong công tác nghiên cứu khoa học của Bộ môn là chú trọng áp dụng các phương pháp nghiên cứu mới để xử lý các nguồn tư liệu quý nhưng còn ít được khai thác và gắn chặt việc nghiên cứu với những yêu cầu của thực tiễn.
            Trong nhiều năm dưới sự lãnh đạo của GS Phan Huy Lê, các cán bộ của Bộ môn kết hợp với lực lượng cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá (nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tiến hành việc ứng dụng tin học vào nghiên cứu địa bạ, châu bản... Kết quả của những nghiên cứu này bước đầu đã được công bố thành các bộ sách có giá trị, trong đó đáng kể là các bộ:
            - Địa bạ Hà Đông, xuất bản năm 1995 (Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân, Phan Phương Thảo).
            - Địa bạ Thái Bình, xuất bản năm 1997 (Phan Huy Lê, Nguyễn Đức Nghinh, Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân, Phan Phương Thảo).
            - Mục lục châu bản triều Nguyễn (tập II), xuất bản năm 2000 (Phan Huy Lê, Dương Văn Khảm, Nguyễn Thanh, Trần Bá Chí, Ngô Thiếu Hiệu, Nguyễn Văn Nguyên, Vũ Văn Sạch)
            - Địa bạ cổ Hà Nội (tập I) xuất bản năm 2005 (Phan Huy Lê, Vũ Văn Quân, Phan Phương Thảo, Nguyễn Ngọc Phúc, Vũ Văn Sạch, Nguyễn Duy Điệp).
            Do có sự chuyển hướng kết hợp nghiên cứu chuyên sâu với nghiên cứu tổng hợp, nhất là theo khu vực, Bộ môn đã sớm thích ứng với những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Ngoài các đề tài khoa học cấp bộ, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, cấp trường, hầu hết các cán bộ của Bộ môn đều đã tham gia làm chủ nhiệm các đề tài khoa học cấp nhà nước. Trong số đó, phần lớn đều là những đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cấp bách.
Bảng 1: Danh sách các đề tài khoa học cấp nhà nước
do cán bộ của Bộ môn làm Chủ nhiệm
TT
Đề tài
Thời gian
Chủ nhiệm
1
Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (mã số KX.07-02)
1993-1995
GS Phan Huy Lê
2
Về thiết chế chính trị-xã hội nông thôn (mã số KX.08.09)
1993-1995
GS Phan Đại Doãn
3
Hệ thống chính trị trong lịch sử ViệtNam (mã số KX.05.03)
1993-1995
GS.TSKH Vũ Minh Giang
4
Lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (mã số BĐHĐ.01.01)
1993-1997
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
5
Lịch sử chủ quyền biên giới Tây Nam (Đề tài độc lập cấp nhà nước)
1995-1997
GS.TSKH Vũ Minh Giang
6
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại (mã số KHXH.01.10)
1996-2000
GS Phan Huy Lê
7
Sự phát triển của Việt Nam học thế giới (Đề tài độc lập cấp nhà nước)
1999-2001
GS.TSKH Vũ Minh Giang
8
Lịch sử Việt Nam (Đề tài độc lập cấp nhà nước)
2001-2005
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
9
Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ Đổi mới (mã số KX.10.08)
2003-2005
GS.TSKH Vũ Minh Giang
10
Thăng Long-Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước-những bài học về quản lý và phát triển (mã số KX.09.02)
2004-2007
PGS.TS Vũ Văn Quân
11
Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý nhà nước đặc thù các thành phố trực thuộc Trung ương ở nước ta (Đề tài độc lập cấp nhà nước)
2007-2010
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
Kết quả nghiên cứu từ các đề tài nghiên cứu khoa học trên đây đã có hàng trăm công trình được công bố dưới dạng các báo cáo hội thảo, các bài viết đăng trên tạp chí trong và ngoài nước và các tập kỷ yếu.
Cũng trong phương hướng đưa khoa học vào phục vụ thực tiễn, Bộ môn đã tích cực tham gia đóng góp vào các công trình địa chí và lịch sử địa phương:
- PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc làm Tổng chủ biên công trình Địa chí Nam Định (trong đó GS.TSKH Vũ Minh Giang chủ biên Phần II; GS Phan Đại Doãn đồng chủ biên Phần III; PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế đồng chủ biên Phần IV).
- PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc và TS Vũ Văn Quân làm Đồng chủ biên công trình Địa chí Cổ Loa.
Từ cuối những năm chín mươi trở lại đây, các cán bộ của Bộ môn đã tham gia tích cực vào các hoạt động nghiên cứu khoa học hướng tới kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long-Hà Nội. Một số đề tài khoa học đã và đang được triển khai như Nghiên cứu xây dựng bản đồ Thăng Long-Hà Nội qua các triều đại do PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc và TS Vũ Văn Quân đồng chủ trì, Lịch sử Thăng Long - Hà Nội do GS Phan Huy Lê chủ trì...
Với tư cách là một tập thể nghiên cứu khoa học có uy tín, trong nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Bộ môn đã tích cực tham gia và làm nòng cốt cho việc tổ chức nhiều hội thảo khoa học quan trọng. Trong khoảng mười lăm năm trở lại đây là các hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An vào năm 1989, về Phố Hiến vào năm 1992, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất vào năm 1998, về Quan hệ Việt-Nhật thế kỷ XV-XVIII qua giao lưu gốm sứ vào năm 1999, về Nghiên cứu Bách Cốc và làng xã Việt Nam 1993-2003 vào năm 2003, Hội thảo quốc tề về Việt Nam học lần thứ hai vào năm 2004 và các hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học từ các trường đại học và địa phương khác như: Lê Thánh Tông vào năm 1997, Ngô Sỹ Liên và Đại Việt sử ký toàn thư vào năm 1998, Lý Công Uẩn và Vương triều Lý vào năm 2000, Bối cảnh định đô và sự nghiệp của Lê Hoàn vào năm 2005. Các cán bộ của Bộ môn cũng đã tham gia tích cực vào việc tổ chức hai hội thảo khoa học quan trọng về vùng đất Nam Bộ: Văn hoá Óc Eo và Vương quốc Phù Nam vào năm 2004 và Vùng đất Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX vào năm 2006.
Cho đến nay, số lượng công trình khoa học đã được công bố ở trong và ngoài nước của cán bộ trong Bộ môn (không kể cán bộ đã chuyển công tác sang các bộ môn và cơ quan khác) đã là trên dưới 900 công trình. Đây là sự đóng góp đáng kể cho thành tích của Khoa Lịch sử, của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và của ngành lịch sử cả nước nói chung.
Trong chặng đường tiếp theo, các hướng nghiên cứu chính của Bộ môn sẽ vẫn tiếp tục là các vấn đề kinh tế, xã hội và văn hoá trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam, trong đó tập trung vào một số công trình có tính tổng kết về lịch sử kinh tế, về đô thị, về bộ máy tổ chức và quản lý đất nước, về các vấn đề lịch sử vùng đất phía Nam, nhất là khu vực Nam Bộ.
Về công tác đào tạo, ngoài chương trình giảng dạy cơ sở, Bộ môn đảm nhiệm giảng dạy 6 chuyên đề cho chuyên ngành Lịch sử Việt Nam và 6 chuyên đề cho chương trình đào tạo cao học ngành Lịch sử và chuyên ngành Lịch sử Việt Nam và nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại
Bên cạnh việc đảm nhiệm chương trình giảng dạy chung cho toàn khoa và các đơn vị khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội, cán bộ của Bộ môn còn tham gia giảng dạy ở nhiều đơn vị trong cả nước như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Đà Lạt, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh... Cho đến nay, riêng Bộ môn đã đào tạo được trên 300 cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại và cán bộ có trình độ trên đại học, trong đó có 13 tiến sĩ, 12 thạc sĩ
Một trong những hoạt động nổi bật của Bộ môn là không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, khẳng định vị thế khoa học của mình ở nước ngoài. Các cán bộ của Bộ môn như GS Phan Huy Lê, GS Phan Đại Doãn, GS.TSKH Vũ Minh Giang, PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc... đã từng được nhiều trường đại học nước ngoài và các hội thảo quốc tế mời đi giảng dạy và trình bày tham luận. Ngoài việc nâng cao trình độ và uy tín khoa học của các cán bộ trực tiếp ra nước ngoài, những hoạt động trên đây đã góp phần vào việc xây dựng các đề tài, chương trình hợp tác quốc tế, vận động tài trợ về tư liệu, cơ sở vật chất và học bổng cho Khoa và Trường.
Sự trưởng thành của Bộ môn còn được thể hiện qua đợt phong chức danh khoa học (học hàm) của Nhà nước. Đến nay đã có 8 cán bộ của Bộ môn được phong chức danh khoa học giáo sư và phó giáo sư:
Bảng 3: Các cán bộ của Bộ môn được phong chức danh khoa học
TT
Họ và tên
Chức danh
Năm phong
1
Phan Huy Lê
Giáo sư
1980
2
Phan Đại Doãn
Giáo sư
1992
3
Vũ Minh Giang
Giáo sư
2002
4
Phạm Thị Tâm
Phó giáo sư
1984
5
Trần Bá Chí
Phó giáo sư
1992
6
Nguyễn Thừa Hỷ
Phó giáo sư
1996
7
Nguyễn Quang Ngọc
Giáo sư
2007
8
Nguyễn Hải Kế
Phó giáo sư
2002
9
Vũ Văn Quân
Phó giáo sư
2006
Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhiều cán bộ của Bộ môn còn tích cực tham gia nhiều công tác xã hội và công tác quản lý, đóng góp vào sự nghiệp chung của Khoa, Trường và ngành Sử học:
- GS Phan Huy Lê, sau khi thôi giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn, từ năm 1988 đến nay liên tục là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam các khoá II, III, IV, V; làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá của Đại học Quốc gia Hà Nội (1989-2002), Chủ nhiệm Khoa Đông Phương học (1996-2001)...
- GS.TSKH Vũ Minh Giang làm Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam các khoá II, III, IV; Chủ nhiệm khoa Lịch sử (1992-1996); Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá của Đại học Quốc gia Hà Nội (2002-2003), Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (từ 2003).
- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1996-2004), Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (từ 2004)...
- PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (từ 2004)
- PGS.TS Vũ Văn Quân làm Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (từ 2008)
Do những cống hiến và thành tích lao động xuất sắc, nhiều năm liền Bộ môn được công nhận là Tổ lao động XHCN và năm 1996, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Những thầy, cô giáo biêu biểu của Bộ môn cũng được nhận những phần thưởng cao quý:
- GS Đào Duy Anh được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
- GS Phan Huy Lê được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Hai, Huân chương Lao động háng Nhất, Nhì, Ba; năm 1996, được nhận Giải thưởng Văn hoá châu Á Fukuoka, Nhật Bản; được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
- GS Phan Đại Doãn được tăng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Hai, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
- PGS Phạm Thị Tâm được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Hai, Giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
- PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Hai; Huân chương Lao động hạng Ba, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
- GS.TSKH Vũ Minh Giang, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, số cán bộ đã từng công tác ở Bộ môn có người đã khuất bóng, có người đã nghỉ hưu, nhưng tất cả đã góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp xây dựng Bộ môn ngày càng vững mạnh.
Trong nửa thế kỷ đó, sau công lao xây đắp nền tảng đầu tiên của GS Đào Duy Anh phải kể đến những đóng góp hết sức to lớn của GS, NGND Phan Huy Lê. Bằng tài năng và nhân cách trong sáng, với tầm nhìn xa trông rộng và tình cảm chân thành, GS Phan Huy Lê là người đã tạo nên phong cách sống và làm việc của Bộ môn, là người thầy mẫu mực trên mọi phương diện của các cán bộ thế hệ tiếp theo. Trong nửa thế kỷ đó, góp phần quan trọng làm nên những thành tựu và truyền thống tốt đẹp của Bộ môn còn là thế hệ các thầy cô giáo tiếp theo như GS NGND Phan Đại Doãn, PGS NGƯT Phạm Thị Tâm, PGS.TS Trần Bá Chí, PGS.TS NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ...
 
GS.TSKH Vũ Minh Giang
PGS.TS Vũ Văn Quân

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây