Khoa Lịch sử

https://his.ussh.vnu.edu.vn


Những tháng ngày không quên

“Thưa thầy, tại sao trong sách giáo khoa Lịch sử chúng em chỉ được học toàn những chiến thắng? Có phải Việt Nam rất giỏi đánh nhau không ạ?“
Tôi vẫn nhớ như in nét mặt, ánh mắt của em học sinh lúc đứng dậy hỏi tôi câu hỏi đó trong tiết học đầu tiên của năm học. Thực sự tôi hơi choáng váng xen lẫn một chút bực mình, nhưng rồi nhanh chóng trấn tĩnh và tôi mỉm cười xem như đó là một cách thầy trò làm quen với nhau trong tiết học đầu tiên. Tôi không trả lời, nhưng tôi tự nhủ và cảm thấy rằng đó là thắc mắc rất chính đáng của học trò hiện nay khi học về lịch sử Việt Nam.

Câu hỏi này không khó nhưng hoàn toàn không dễ trả lời thấu đáo để thỏa mãn sự kì vọng của học sinh. Thú thật, trong rất nhiều tuần sau đó tôi cố tình không nhắc đến vấn đề này trên lớp, nhưng thật ra về nhà tôi vẫn luôn theo đuổi ý nghĩ về “học Lịch sử”, “biết Lịch sử” và “yêu Lịch sử”…

Cách đây hơn 5 năm tôi là cậu sinh viên “mới toanh” gia nhập vào Khoa Lịch sử của trường Nhân văn. Thực ra, nhiều người không hiểu về mô hình đào tạo của Khoa Sư phạm – Đại học Quốc gia Hà Nội nên cứ nghĩ chúng tôi là “con nuôi” của Khoa Lịch sử. Nhưng tôi rất ấn tượng với câu trả lời của đương kim Chủ nghiệm Khoa, thầy Nguyễn Hải Kế: “muốn thành người, con nào chẳng phải được bố mẹ, thầy cô nuôi dạy“. Trong Khoa Lịch sử đã từ lâu vẫn tồn tại 3 lớp mỗi khóa: lớp chuẩn, lớp chất lượng cao và lớp sư phạm. Tôi là cậu con trai duy nhất của lớp sư phạm khóa 50. Lớp tôi có 43 sinh viên và tôi được xem như là “mì chính cánh” thời hiện đại.

Còn nhớ hôm nhập học, tôi đã rất bàng hoàng khi biết rằng mình là đấng nam nhi duy nhất của lớp. Tuy rằng sinh viên nam hệ sư phạm là rất ít nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình là một nửa trong tập thể 43 người. Những ngày tháng đầu tiên trôi đi thật nặng nề, những môn học mà tôi chưa bao giờ được học, cách học mà tôi chưa bao giờ thấy và cách giảng bài rất khác của các thầy cô.

Và… lần đầu tiên tôi nghe khái niệm “vòng tròn đồng tâm” mà thầy Nguyễn Văn Ánh đã mang đến cho cả lớp. Tôi nhận ra rằng chương trình lịch sử mà chúng tôi sẽ được học trong những năm tiếp theo sẽ giống với những gì mà tôi đã được học ở các bậc học dưới, chỉ có điều phạm vi kiến thức sẽ rộng hơn, sâu hơn và thú vị hơn rất nhiều. Có lẽ, cấu trúc chương trình như vậy là hoàn toàn hợp lí.

Dần dần tôi quên đi cái cảm giác đơn độc ở trong lớp. Mỗi buổi sáng tôi thường đến lớp rất sớm và “say mê” với công việc của mình là đi lấy micrô và máy chiếu giúp thầy. Dường như cũng chính vì nhiệm vụ này mà tôi không dám nghỉ học một buổi nào chứ đừng nói là đến lớp muộn. Tôi còn nhớ một câu nói, mà đúng hơn là lời khen của thầy Vũ Văn Quân giành cho tôi: “Anh Mạnh, Khoa Sử sẽ còn có dịp nhắc đến anh…”.

Năm học đầu tiên trôi qua với kết quả không được tốt lắm, tôi hơi buồn – mà có lẽ vì sĩ diện bị tổn thương. Đáng lẽ ra không học giỏi nhất lớp thì tôi cũng phải có tên trong Top 10 chứ. Tôi không làm được điều đó! Tuy nhiên, điều mà tôi nhớ nhất trong năm thứ nhất là chuyến thực tập khảo cổ học ở Thạch Hà – Hà Tĩnh. Trước chuyến đi tôi đã lo lắng, hoảng hốt vì nếu như đoàn chỉ có mình tôi là con trai thì chắc là tôi chết mất. Rất may không phải như vậy, lớp tôi và lớp chuẩn cùng thành lập một đoàn, dưới sự dẫn dắt của thầy Nguyễn Chiều. Chuyến đi dài 15 ngày nhưng có lẽ ấn tượng về nó sẽ còn dài mãi, dài mãi trong cuộc đời tôi. Vì ở đó lần đầu tiên tôi được đi xa, lần đầu tiên tôi được làm một nhà khảo cổ, lần đầu tiên tôi cảm nhận sự nhiệt tình, nghiêm khắc và rất tận tụy của một người thầy – thầy Nguyễn Chiều.

Cứ như vậy, tôi và các bạn trong lớp đã gắn bó với Lịch sử, với Khoa Sử một cách giản dị và gần gũi. Và dần dần tôi hiểu ra rằng quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam có quá nhiều điều để nói, để học, để nhớ và để yêu… Và Lễ kỉ niệm 50 năm thành lập Khoa Lịch sử thực sự là những ngày thầy – trò các thế hệ gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi, hân hoan chúc mừng những thành tựu mà Khoa đã đạt được trong 50 năm – một chặng đường hình thành và phát triển rực rỡ.

Đến năm thứ 3, chúng tôi còn một chuyến đi thú vị nữa ở Lạng Sơn, những ngày mùa đông lạnh buốt với không khí Noel ngập tràn… và chúng tôi xa Hà Nội. Một tuần ở Lạng Sơn giúp chúng tôi biết thêm về văn hóa của những dân tộc ít người nơi biên cương của Tổ quốc.

Học ở Khoa Sử nhưng chúng tôi đâu chỉ có học mình Lịch sử, chúng tôi học cách nghiên cứu, “học cách học” – như thầy Ngô Đăng Tri đã từng nói. Kết thúc năm thứ 3, mỗi người trong lớp tôi đều cảm thấy quyến luyến và xúc động khi phải tạm chia tay mái nhà thân yêu – Khoa Lịch sử – để trở về với Khoa Sư phạm – nơi mà mọi người vẫn thường nói đó là nhà của chúng tôi. Thật sự không muốn rời xa, không muốn chia tay nơi mà chúng tôi đã gắn bó trong 3 năm trời. Nơi mà thầy Ngô Đăng Tri vẫn miệt mài từng giờ lên lớp, thầy Vũ Văn Quân hào hoa đầy uyên bác trong những bài giảng, thầy Nguyễn Hải Kế thâm thúy và rất đậm “văn hóa” trong những câu chuyện đời thường, câu chuyện phong tục, thầy Phạm Xanh đầy lôi cuốn trong mắt sinh viên…

Kết thúc năm học cuối cùng ở Khoa Sư phạm – chúng tôi ra trường, mỗi đứa một nơi, mỗi đứa một lựa chọn. (…) Tôi chỉ muốn nói rằng, để trở thành một Giáo viên dạy sử như ngày hôm nay, tôi đã trưởng thành từ Khoa Lịch sử Anh hùng!
Nguyễn Xuân Mạnh – K50 Sư phạm Lịch sử – Trích từ sách “55 năm ấy”. NXb Thế giới.H2011.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây