9h50 ngày 29/8/2022, một trái tim đã ngừng đập, nhưng ngọn đèn ấy không bao giờ tắt.
PGS.TS Vũ Quang Hiển sinh ngày 21/12/1951 tại Ninh Bình. Năm 1970, thầy nhập ngũ khi đang là giáo viên tại quê nhà, lần lượt gia nhập Tiểu đoàn 567 của tỉnh Ninh Bình tăng cường cho chiến trường miền Nam rồi Tiểu đoàn 80 bộ binh, sau đó là Trung đoàn Đặc công 493 của Quân khu V. Năm 1973, thầy bị thương nặng và được điều trị tại Quảng Nam. Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước kết thúc thắng lợi, thầy trở lại giảng đường đại học, rồi được giữ lại Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) làm giảng viên.
Ở PGS.TS Vũ Quang Hiển, phẩm chất người lính và người thầy hòa quyện, không khi nào tách biệt. Thầy Hiển chưa từng kể về các chiến công của mình, thậm chí thầy hay nói về những vết thương và mảnh đạn còn sót lại trong cơ thể một cách trào phúng, nhưng một người mũi trưởng đặc công chiến đấu tại một trong những mặt trận quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ không chỉ bằng lòng dũng cảm mà còn bằng trí tuệ, mưu lược của một người thầy. Trong suốt những năm tháng làm nghề giảng dạy và nghiên cứu, PGS.TS Vũ Quang Hiển luôn giữ vững phẩm chất của người Cộng sản trung kiên, sáng ngời tinh thần xung phong của người lính, xông pha vào những “điểm nóng” của mặt trận giáo dục. Là tác giả và đồng tác giả của 26 cuốn sách, 264 bài báo khoa học, tham gia 16 đề tài nghiên cứu, hướng nghiên cứu trọng tâm làm nên tên tuổi của PGS.TS Vũ Quang Hiển là lịch sử chiến tranh cách mạng gắn liền với Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Thầy dành tâm huyết cả đời để nghiên cứu và làm rõ trí tuệ đánh giặc của Đảng, của các lực lượng vũ trang và cả dân tộc. Là một người lính từng vào sinh ra tử, nghiên cứu và giảng dạy về chiến tranh cách mạng, những nghiên cứu và bài giảng của thầy luôn khúc triết, mạch lạc, vừa có tính khái quát lại vừa cụ thể, sinh động. Tuy nhiên, nghiên cứu và bài giảng của thầy không bao giờ chỉ dừng lại từ trải nghiệm cá nhân mà luôn được soi sáng bởi tư duy khoa học, sử liệu phong phú, cách lập luận, diễn giải đa chiều. Ít người biết rằng, PGS.TS Vũ Quang Hiển sử dụng khá thành thạo cả tiếng Pháp và tiếng Đức. Vốn ngoại ngữ, tư duy cởi mở đã giúp thầy vượt ra nhiều giới hạn để đạt được những thành tựu nghiên cứu mới. Với tôi, PGS. TS Vũ Quang Hiển là một trong những người viết và giảng về lịch sử Đảng hay nhất mà tôi từng biết. Trong một bài viết về so sánh nguồn sử liệu trong nghiên cứu lịch sử Đảng, thầy đã kết luận: Lịch sử Đảng không bao giờ được lãng quên vấn đề thuộc phương pháp luận là so sánh các nguồn sử liệu; phải xuất phát từ thực tiễn khách quan, quán triệt quan điểm toàn diện và lịch sử cụ thể, tranh luận học thuật công khai và vô tư, để khoa học lịch sử hoàn thành cả hai chức năng: nhận thức khoa học và giáo dục tư tưởng.
Điều đặc biệt ở PGS.TS Vũ Quang Hiển là sự gắn bó sâu sắc với giáo dục lịch sử ở bậc phổ thông. Có thể nói, thầy chính là một trong những cầu nối để đưa kết quả nghiên cứu khoa học hàn lâm đến với giáo viên và học sinh trong cả nước. Từ rất lâu, những bài giảng trên truyền hình của thầy không chỉ là tài liệu học tập quan trọng với nhiều thế hệ học sinh mà còn trở thành bài giảng mẫu mực cho nhiều thầy cô giáo. Trong những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển, facebook cá nhân của thầy có hàng ngàn người theo dõi, và trở thành kênh thông tin hữu ích nơi giáo viên và học sinh được cập nhật kiến thức mới, được học hỏi tư duy và phương pháp làm việc từ thầy.
Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, biết mình bệnh trọng, thường xuyên bị những cơn đau dày vò, thầy vẫn không ngừng trăn trở, chủ yếu ở hai vấn đề lớn. Một là, công cuộc tìm mộ đồng đội thầy âm thầm làm trong nhiều năm, nhưng vẫn có những bạn chiến đấu đến nay chưa tìm được hài cốt. “Đước ơi, em ở đâu? Sẽ còn tìm nữa, tìm mãi…”; “Xin đừng quên họ” là những điều day dứt của thầy đến tận những giây phút cuối cùng. Hai là, những trăn trở về đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông. Khi tôi nghe lại đoạn ghi âm của thầy về giải pháp tổng thể trong giáo dục, về chương trình và sách giáo khoa, về sự khác biệt giữa giáo dục lịch sử và dạy lịch sử trong nhà trường… tôi chợt nhận ra rằng, những quan điểm của thầy còn có thể soi sáng cho nhiều người đang trực tiếp làm giáo dục phổ thông nhiều năm sau nữa.
Trong sự nghiệp của mình, thầy đã hướng dẫn 54 luận văn thạc sĩ, 18 luận án tiến sĩ; thầy đã nhận được giải thưởng cao quý: Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Phát thanh và Truyền hình; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Những con số và danh hiệu phần nào nói lên đóng góp của PGS.TS Vũ Quang Hiển nhưng còn những giá trị cao quý cao quý không đo đếm được là sức ảnh hưởng, tình cảm yêu mến của đồng nghiệp và rất nhiều thế hệ học trò trong cả nước.
Cuộc đời thầy đã dừng lại ở tuổi 72 nhưng ánh sáng từ ngọn đèn ấy thì không bao giờ tắt. Chúng tôi vẫn tiếp tục được học hỏi nhiều điều từ thầy. Đó là tinh thần không ngại khó, không ngại khổ, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ quốc cần. Đó là tinh thần cởi mở, bước qua những giới hạn của thời đại để tiếp cận những tri thức mới, tư duy mới hiếm có ở lứa tuổi và xuất phát điểm như thầy. Đó là sự nâng đỡ, bao dung và tận tâm với giáo viên, học sinh của nước… Với tôi, PGS, TS Vũ Quang Hiển luôn là một ngọn đèn luôn soi sáng ngay cả khi Thầy đã dời cõi tạm về với Tiên cảnh.
Xin kính cẩn thắp một nén tâm nhang kính nhớ Thầy - một người chiến sĩ kiên gan, nhà khoa học, người thầy mẫu mực, luôn tận hiến đến giây phút cuối cùng!
Học trò: TS. Trương Thị Bích Hạnh