[VIDEO] Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích chùa Tĩnh Lự (thôn An Quang, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh)

Thứ năm - 11/08/2022 11:19
Sau 4 tháng nỗ lực khai quật trong điều kiện thời tiết nhiều bất lợi, ngày 9/8/2022, tại xã Lãng Ngâm (Gia Bình), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh và Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Văn hóa Việt tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích chùa Tĩnh Lự (thôn An Quang, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).
 

Điều hành hội nghị có ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV; PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam và PGS.TS Vũ Văn Quân – Trưởng Khoa Lịch sử, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên Văn hóa, Trường ĐHKHXH&NV.
 

Tham dự Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan chuyên môn và quản lý: Cục Di sản Văn hóa; UBND tỉnh Bắc Ninh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh; UBND huyện Gia Bình; UBND xã Lãng Ngâm; Trường Đại học KHXH&NV; Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển; Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên Văn hóa thuộc Đại học KHXH&NV; Viện Khảo cổ học; Viện Nghiên cứu Hán Nôm Viện Sử học; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Hội Khảo cổ học Việt Nam; Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bắc Ninh; các nhà khoa học ngành Lịch sử và Khảo cổ học; Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh….
 

Chùa Tĩnh Lự nằm bên sườn nam núi Yên Sơn dãy núi Thiên Thai (còn gọi là núi Đông Cứu hay núi Đông Cao) là một ngôi chùa cổ có từ thời Lý Thánh Tông (1023-1072). Theo Việt sử lược và Đại Việt Sử ký toàn thư, chùa-tháp Tĩnh Lự được xây dựng vào năm 1055, đây là ngôi chùa đầu tiên được vua Lý Thánh Tông xây dựng sau khi lên ngôi. Dưới thời Lý, chùa Tĩnh Lự giữ vai trò như một “Quốc tự”. Theo Thiền uyển tập anh, chùa Tĩnh Lự là một trung tâm Phật giáo lớn, có nhiều nhà sư nổi tiếng đến tu tập như thiền sư Chân Không (1046-1100), Thảo Nhất… Đến thời Lê Trung hưng, chùa Tĩnh Lự được trùng ty quy mô lớn vào hai giai đoạn 1645-1648 thời chúa Trịnh Tráng và 1705-1719 thời chúa Trịnh Cương. Năm Ất Dậu (1654), chùa Tĩnh Lự được chúa Trịnh Tráng giao Quận công Nguyễn Công Hiệp lo việc trùng tu kiến thiết, công việc hoàn thành, chúa Trịnh Tráng còn cho dựng bia Tĩnh Lự thiền tự bi năm 1648 để ghi chép việc trùng tu và ghi tên các tín chủ quyên góp tiền xây dựng chùa. Đến khoảng cuối thế kỷ XVIII, chùa vẫn còn “nguyên như thời xưa” theo ghi chép của Lê Quý Đôn. Khoảng đầu thế kỷ XIX, chùa dần trở nên hoang phế, đổ nát và chỉ còn nền móng. Thời Pháp thuộc, khu vực núi Thiên Thai trở thành nơi đóng đồn Yên Sơn của quân Pháp để lợi dụng cao điểm khống chế các khu vực xung quanh. Lúc này, các cấp nền của núi đã bị san gạt và thay đổi phần nào. Sau năm 1954, núi Thiên Thai tiếp tục trở thành điểm cao quân sự của quân đội Việt Nam và thuộc quyền quản lý của Hạt Kiểm lâm Gia Thuận, một phần nền đất bằng phẳng dưới chân núi trở thành kho lương thực thuộc Cục Dự trữ Quốc gia chi nhánh Gia Bình tỉnh Bắc Ninh cho đến ngày nay. Năm 1992-1993, người dân trong vùng đã xây dựng một ngôi chùa nhỏ trên nền chùa Tĩnh Lự xưa, gồm các kiến trúc Tam bảo, nhà Tổ và nhà Tăng.
 
Năm 2002, UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng cấp tỉnh cho tấm bia đá Tĩnh Lự thiền tự bi năm 1648. Năm 2014, Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ học trên đỉnh núi và xung quanh tòa Tam bảo mới dựng năm 1995. Các hố khai quật đã phát hiện dấu tích móng cột đào xuống nền đá gốc, dấu tích nền gạch và một số loại hình vật liệu kiến trúc, di vật gốm sứ có niên đại thời Trần, Lê – Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn.
 

Từ năm 2008 cho đến nay, quá trình cải tạo và xây dựng Chùa đã làm xuất lộ nhiều di vật khảo cổ học có niên đại thời Đông Hán, Lý - Trần, Lê, Nguyễn. Các hiện vật đang được Chủ trì chùa - Đại đức Thích Minh Đạt bảo quản và lưu giữ tại chùa với số lượng khoảng gần một ngàn tiêu bản, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị, gợi mở ra giả thuyết khoa học lý thú về tính chất của chùa Tĩnh Lự.

Với các giá trị lịch sử văn hóa lâu đời trên, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội (trực tiếp là Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên Văn hoá) đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tiến hành nghiên cứu khảo cổ học về ngôi cổ tự Tĩnh Lự với các mục tiêu: tổng hợp dữ liệu thư tịch lịch sử và Phật giáo về chùa Tĩnh Lự; khảo sát, thu thập và chỉnh lý di vật đã phát hiện và đang lưu giữ tại chùa; khai quật khảo cổ học về nền móng chùa Tĩnh Lự trong lịch sử từ thời Lý đến thời Lê Trung Hưng. Chủ trì khai quật là PGS.TS Đặng Hồng Sơn – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ tháng 4/2022 đến hết tháng 7/2022, công trường khai quật đã có những kết quả tương đối khả quan và tạm dừng khai quật để chuyển sang giai đoạn chỉnh lý hiện vật và hoàn thiện báo cáo. Tham gia Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học chùa Tĩnh Lự năm 2022, các đại biểu đã được thăm công trường khai quật, tham quan gian trưng bày các hiện vật, đánh giá cao kết quả của cuộc khai quật và đưa ra nhiều ý kiến thảo luận quan trọng.
 
 
Ảnh: Đoàn đại biểu tham quan và nghe PGS.TS Đặng Hồng Sơn thuyết minh tại hiện trường khai quật khảo cổ học di tích chùa Tĩnh Lự (Lãng Ngâm, Gia Bình).

Hội nghị đã được lắng nghe ý kiến quý báu của các nhà khoa học. Các nhà khoa học đều khẳng định, đây là một cuộc khai quật thành công. Cuộc khai quật đã phát hiện các dấu tích kiến trúc thời Lý-Trần và Lê Trung Hưng gồm dấu tích móng cột, bó nền, khoảng sân, đường đi, cống nước... và một số di tích khác (mộ gạch Đông Hán, cụm gạch ngói, hố đất, hố vôi, vòng tường đất nung...). Tại di tích chùa Tĩnh Lự, đoàn khai quật đã thu được nhiều vật liệu kiến trúc với số lượng lớn và loại hình gạch, ngói và trang trí trên mái kiến trúc, chân tảng, cối cửa đá cát... Đáng chú ý là bộ đầu đao kiến trúc kích thước lớn, dài khoảng 90cm, nặng khoảng 30-35kg bằng gốm men thời Lý. Đây là những hiện vật tiêu biểu, hiếm gặp của thời Lý và lần đầu tiên tìm thấy trên các công trường khai quật. Kết quả khai quật khảo cổ học đã góp phần nhận diện quy mô kiến trúc chùa Tĩnh Lự trên ba cấp nền, nằm trên một trục dọc của sườn núi. Đây là một mô hình khá quen thuộc trong các chùa tháp mang tính chất “quốc tự” thời Lý.
 
 GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV điều hành thảo luận
 
Ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Tĩnh Lự
 
PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng Khoa Lịch sử, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài Nguyên Văn hoá (ĐHKHXH&NV) điều hành thảo luận
Chủ trì chùa Tĩnh Lự - Đại đức Thích Minh Đạt trao đổi ý kiến về tính chất và vị trí của chùa Tĩnh Lự trong hệ thống chùa tháp Phật giáo thời Lý ở Bắc Ninh
 
GS.TS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia phát biểu ý kiến về giá trị di tích chùa Tĩnh Lự
 
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổng thuật giá trị lịch sử, văn hoá của di tích chùa Tĩnh Lự
 
GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia bình luận về vị trí của Tĩnh Lự và dãy núi Thiên Thai trong hệ thống thương mại đường sông ở Băc Bộ thời Lý
 
GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển phát biểu tại Hội nghị
 
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tổng thuật các ý kiến trao đổi tại Hội nghị về giá trị khảo cổ học của chùa Tĩnh Lự


Ths. Lê Quốc Vụ - Cục Di sản Văn hoá thảo luận về quy trình xây dựng hồ sơ di tích



Ảnh: Hiện vật được phát hiện trong khuôn viên Chùa Tĩnh Lự



Ảnh: Các đại biểu thảo luận về các loại hình hiện vật
 
Kết quả nghiên cứu tại chùa Tĩnh Lự đã cung cấp những nguồn thư tịch và vật chất quan trọng, góp phần giải quyết một số vấn đề liên quan đến sự xác thực về tính chất, quy mô, niên đại của di tích này. Trong thời gian tiếp sau, cần tiếp tục quan tâm bảo vệ di tích, mở rộng thu thập nghiên cứu và khai quật khảo cổ học ở ba cấp nền và khu vực xung quanh núi Thiên Thai nhằm bổ sung tư liệu, xác minh rõ hơn quy mô, cấu trúc, tính chất của di tích; cần tổ chức Hội thảo khoa học về chùa Tĩnh Lự trong không gian Phật giáo Kinh Bắc và trong hệ thống chùa tháp hoàng gia thời Lý, Lê Trung hưng. Từ những kết quả nghiên cứu, cần tiến hành việc xây dựng hồ sơ công nhận di tích cấp Quốc gia. Để thấy được vị trí của chùa Tĩnh Lự không chỉ làm rõ những giá trị của những hiện vật đã có mà còn cần đặt chùa trong sự kết nối với các di tích lịch sử, văn hóa Phật giáo vùng Kinh Bắc, từ đó tổ chức nghiên cứu, quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích của chùa.

Mô hình hợp tác Nhà Quản lý (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh) – Nhà Khoa học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trực tiếp thực hiện là Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên văn hóa) – Nhà Doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Văn hóa Việt) đã đem đến những thành công bước đầu của cuộc khai quật khảo cổ học. Mô hình này rất cần được nhân rộng, phát huy trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Phật giáo tại Bắc Ninh nói riêng và di tích lịch sử văn hóa nói chung ở các địa phương trên cả nước.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây