ASEAN và lựa chọn của Việt Nam trong giải quyết xung đột ở biển Đông (PGS.TS Phạm Quang Minh)

Thứ sáu - 11/08/2023 23:29
Trân trọng giới thiệu bài viết "ASEAN và lựa chọn của Việt Nam trong giải quyết xung đột ở biển Đông" của PGS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á 2014, số 1 tr.3-9. – 2014.

ASEAN VÀ LỰA CHỌN CỦA VIỆT NAM TRONG GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT Ở BIỂN ĐÔNG
 

1. Đặt vấn đề

Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam được coi là đã thành công trong việc khéo léo vận động hai cường quốc Liên Xô và Trung Quốc, mặc dù mâu thuẫn với nhau sâu sắc và gay gắt, vẫn đồng tình ủng hộ Việt Nam. Vậy Việt Nam phải có lựa chọn như thế nào trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay? Mục đích chính của bài viết này là trả lời câu hỏi có phải ASEAN sẽ là lựa chọn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh phức tạp về lợi ích ở Biển Đông hiện nay chủ yếu là giữa ba chủ thể chính là Trung Quốc, Mỹ và ASEAN. Để trả lời câu hỏi này, ngoài phần mở đầu và kết luận, bài viết gồm 04 phần, trong đó phần một phân tích tham vọng của một Trung Quốc đang “trỗi dậy” (rise) và chiến lược “xoay trục” (pivot) hướng về Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Phần hai sẽ hệ thống hóa những cơ chế giải quyết xung đột giữa các quốc gia của ASEAN. Phần ba trình bày thực tế quản lý xung đột của ASEAN trong thời gian qua. Phần bốn liên hệ với tình hình ở Biển Đông hiện nay và những hàm ý đối với Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ. Bài viết kết luận, mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng ASEAN có lẽ là lựa chọn tốt nhất của Việt Nam trong xung đột ở Biển Đông hiện nay.

Cho đến nay, về nguyên nhân căng thẳng ở Biển Đông, vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau. Phần lớn các học giả đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do chính sách “quyết đoán” (assertive) của Trung Quốc; trong khi đó một số khác lại cho rằng, sự gia tăng căng thẳng trong khu vực này có thể là do sự quay trở lại của Mỹ. Ngoài ra, một số quan điểm khác thì lại cho rằng chính các nước ASEAN đã làm cho tình hình phức tạp thêm.

Tình hình căng thẳng ở Biển Đông như vậy cho thấy, có ba nhân tố chủ yếu đó là Trung Quốc, Hoa Kỳ và ASEAN. Sự phức tạp của vấn đề xoay quanh chủ yếu giữa ba chủ thể chính này. Với tư cách là một quốc gia trong khu vực, Việt Nam cũng như các nước khác rất băn khoăn và lo lắng về tình trạng này. Điều đó có lý bởi vì một nước nhỏ không thể tự mình giải quyết được khi đó là vấn đề phức tạp, có tính chất đa phương. Lịch sử cho thấy sự nỗ lực của bản thân là vô cùng quan trọng và Việt Nam đã thành công trong giai đoạn Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy thiếu sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước khác, Việt Nam khó có thể có được lợi thế và giành thắng lợi.

2. Cạnh tranh quân sự Mỹ – Trung

Năm 2010, Trung Quốc công bố Sách trắng Quốc phòng (Defense White Paper), trong đó nêu lên 4 mục tiêu chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia; bảo đảm ổn định và hài hòa xã hội; đẩy nhanh hiện đại hóa quốc phòng và lực lượng vũ trang; giữ gìn ổn định và hòa bình thế giới.

Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đề ra Đường lối chiến lược quân sự cho giai đoạn mới (National Military Strategic Guidelines for the New Period) với học thuyết hành động có tên gọi là “Phòng thủ tích cực” (Active Defence). Liên quan đến lĩnh vực biển, Trung Quốc dự định thực hiện một học thuyết phòng thủ có tên gọi “Phòng thủ ngoài khơi” (Offshore Defense) hoặc là “Phòng thủ các biển gần” (Near Seas Defense). Các biển gần bao gồm Hoàng hải, Biển Đông Trung Hoa, Biển Nam Trung Hoa và các biển này là ưu tiên trong chiến lược của Hải quân Trung Quốc. Theo lời của Đô đốc Mullen, mưu đồ chiến lược đằng sau sự phát triển tiềm năng của Trung Quốc “dường như tập trung vào lực lượng hải quân Mỹ và các căn cứ của chúng ta ở trong khu vực này của thế giới”.

Chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc gồm 9 bộ phận chủ yếu: tên lửa đạn đạo chống tàu, tên lửa chống tàu tuần tra, tàu ngầm, tàu sân bay, lực lượng chiến đấu trên biển, tàu đổ bộ, máy bay đặt trên bộ và phương tiện không người lái trên không, vũ khí nguyên tử và điện từ, hải giám và hệ thống do thám.

Đến cuối năm 2010, Hải quân Quân giải phóng Trung Quốc (PLAN) đã có 31 tàu ngầm tấn công hạng tương đối mới. Dự báo đến năm 2020-24, con số này có thể sẽ tăng lên 75 tàu ngầm hiện đại . Trong lực lượng hải quân của Quân giải phóng Trung Quốc, hạm đội Nam hải, có trụ sở chính ở Zhanjing, tỉnh Quảng Đông, là mạnh nhất. Trong những năm gần đây, căn cứ hải quân Yulin ở đảo Hải Nam được đầu tư xây dựng cầu tàu, vũng tàu đậu và bến tàu ngầm, được coi là một cơ sở quân sự có tầm chiến lược quan trọng trong những năm tới. Ngày 19/7/2012, Trung Quốc đã thành lập Lực lượng quân sự đồn trú ở Shansa (Shansa Military garrison). Chỉ trong năm 2010, Trung Quốc đã tiến hành ba cuộc tập trận hải quân với quy mô lớn. Ngoài lực lượng hải quân, Trung Quốc còn có Hạm đội hải giám ước tính có khoảng 300 tàu, với hơn 10.000 nhân viên và tuyên bố sẽ tăng số tàu lên 350 chiếc vào năm 2015.

Đứng trước sự gia tăng và hiện đại hóa hải quân Trung Quốc, Mỹ đã nhanh chóng tuyên bố về sự quay trở lại châu Á. Trong năm 2009, Mỹ đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với ASEAN. Phản ứng lại chiến lược hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc, 31 trong số 53 tàu ngầm tấn công nhanh của Mỹ đã được phái đến Thái Bình Dương. 18 tàu đóng ở Trân Châu Cảng, số còn lại đóng ở Guam . Tháng 1/2012, chính phủ Mỹ đưa ra Chiến lược quốc phòng mới với tên gọi “Đảm bảo sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ: Những ưu tiên cho quốc phòng thế kỷ 21” (Sustaining US Global Leadership: Priorities for 21st Century Defense), trong đó nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải hướng sự cân bằng tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” (We will of necessity rebalance toward the Asia-Pacific region). Mỹ cũng phát triển “quan điểm chiến tranh hải-không mới” (air-sea battle concept), cho phép Mỹ chiếm ưu thế trong các xung đột có môi trường không thuận lợi (anti-access/area-denial environments) . Trước tình hình căng thẳng gia tăng, Mỹ đã tăng cường hợp tác quốc phòng với tất cả các nước trong khu vực như với Philippines, Việt Nam, Indonesia, Australia… thông qua các chuyến thăm của các tàu hải quân Mỹ.

3. Cơ chế giải quyết xung đột của ASEAN

Kể từ khi ra đời, ASEAN đã không ngừng đưa ra các sáng kiến nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định cho khu vực. Cơ chế quản lý xung đột và nguyên tắc không can thiệp của ASEAN được đề cập trong nhiều tài liệu của Hiệp hội, nhưng chủ yếu trong tám tài liệu cơ bản sau đây. Đó là Tuyên bố Bangkok (The Bangkok Declaration), Tuyên bố Hòa hợp ASEAN I (ASEAN Concord I), Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC), Những quy tắc trong thủ tục của Hội đồng tối cao của Hiệp ước thân thiện và hợp tác (Rules of Procedures of the High Council of the Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia), Tuyên bố Hòa hợp Bali II (Bali Concord II), Kế hoạch hành động của Cộng đồng An ninh ASEAN (ASEAN Security Community Plan of Action- ASCPA), Hiến chương của ASEAN (ASEAN Charter) và Kế hoạch chi tiết của Cộng đồng an ninh-chính trị ASEAN (ASEAN Political- Security Community Blueprint).

Tuyên bố Bangkok được thông qua ngày 8/8/1967 khẳng định những mục tiêu bao trùm, tiến trình và cách thức mà Hiệp hội sẽ đạt được các mục tiêu cụ thể qua từng giai đoạn. Liên quan đến quản lý xung đột, Tuyên bố chỉ đề cập một cách chung chung với mong muốn “thiết lập một nền tảng vững chắc cho hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực ở Đông Nam Á trong tinh thần bình đẳng và hữu nghị, qua đó đóng góp vào hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng của khu vực” . Trong Tuyên bố này, ASEAN tuy chưa nói đến nguyên tắc “không can thiệp” (non-interference), nhưng đã đề cập một cách gián tiếp như là một nguyên tắc quan trọng trong Lời mở đầu “Họ kiên quyết đảm bảo ổn định và an ninh khỏi sự can thiệp từ bên ngoài” (They are determined to ensure their stability and security from external interference) . Điều này được khẳng định bởi ASEAN không thể không tôn trọng những nguyên tắc pháp quyền trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực theo những nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Mãi đến năm 1976, sau gần 10 năm ra đời, ASEAN mới triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên tại Bali (Indonesia). Tuyên bố Hòa hợp ASEAN I đề cập cả những nguyên tắc chung, lẫn những mục tiêu cụ thể trong quản lý xung đột, ví dụ như tham vọng biến Đông Nam Á thành “Khu vực hòa bình, tự do và trung lập” (ZOPFAN) . Đặc biệt Tuyên bố Hòa hợp Bali I còn nhấn mạnh nguyên tắc “tự quyết, chủ quyền bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của các dân tộc”.

Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) được thông qua ngày 24/2/1976 tại Bali (Indonesia) đã cung cấp những nguyên tắc cơ bản có tính định hướng trong quản lý xung đột, đặc biệt là nguyên tắc giải quyết hòa bình các xung đột. Trong Chương I, khi nói về “Mục tiêu và Nguyên tắc”, điều 2 giải thích những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các bên ký kết Hiệp ước gồm 6 điều khoản. Cụ thể là a. Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc của tất cả các dân tộc; b. quyền của mỗi quốc gia trong việc lãnh đạo dân tộc mình tự do khỏi sự can thiệp và lật đổ từ bên ngoài; c. không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; d. giải quyết hòa bình các bất đồng hoặc tranh chấp; e. không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; f. hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia.

Theo ASEAN, ba nhân tố nòng cốt trong quan hệ giữa các quốc gia là không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết hòa bình xung đột và hợp tác toàn diện. ASEAN cũng khuyến khích khi khẳng định Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác “phải mở cho các quốc gia khác ở Đông Nam Á gia nhập” . Điều 12 của Chương III của Hiệp ước nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tin tưởng, tự lực, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác và đoàn kết như là nền tảng của một cộng đồng vững mạnh và khả thi của các dân tộc Đông Nam Á. Chương IV là chương dành cho vấn đề giải quyết hòa bình các xung đột. Điều 13 nhấn mạnh các bên phải kiềm chế đe dọa sử dụng vũ lực và phải luôn giải quyết các tranh chấp giữa họ thông qua đàm phán hòa bình.

Điều 14 của TAC đề nghị thành lập và trao vai trò giải quyết tranh chấp cho một Hội đồng Tối cao (High Council). Hội đồng Tối cao được hình thành từ đại diện cấp bộ trưởng, có “thẩm quyền” (cognizance) về các tranh chấp tồn tại hoặc các tình huống tiềm năng có thể đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực. Hội đồng Tối cao cần phải được xem xét như là “một thực thể có tính tiếp diễn” (a continuing body), có nghĩa là một quá trình. Điều này cho thấy ASEAN đã nhìn thấy trước tính phức tạp trong việc giải quyết các xung đột đó. Vì thế điều 15 của TAC chỉ nói đến “vai trò trung gian” (mediating role) của Hội đồng tối cao. Hội đồng có thể đảm đương vai trò của người trung gian hòa giải (mediator) giữa các bên bằng cách đưa ra các khuyến nghị cho các bên những phương thức phù hợp cho việc giải quyết một tranh chấp như địa điểm thuận lợi, sự trung gian, hướng dẫn, hòa giải, hoặc hình thành một ủy ban trung gian, hướng dẫn, hòa giải . Hạn chế lớn nhất vai trò trung gian của Hội đồng Tối cao là các điều khoản 14 và 15 chỉ được thực hiện khi các bên tranh chấp đồng ý với việc áp dụng các điều khoản đó, cũng như các bên không liên quan có thể trợ giúp và các bên có tranh chấp nên có thiện ý đối với các trợ giúp đó.

Ngày 23/07/2001 trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 34 tại Hà Nội, các nước thành viên ASEAN đã thông qua Những quy tắc trong thủ tục của Hội đồng tối cao của Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (Rules of Procedures of the High Council of the Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia). Thủ tục này gồm 10 phần và có 25 quy tắc tất cả . Trong phần I, quy tắc đầu tiên tuyên bố trong trường hợp có một mâu thuẫn giữa bất kỳ một điều khoản nào của Thủ tục này và một điều khoản của TAC thì điều khoản của TAC phải được coi là đúng. Trong phần III, nguyên tắc 3, đoạn a khẳng định thành viên của Hội đồng Tối cao bao gồm một đại diện cấp bộ trưởng của các nước thành viên và chủ tịch Hội đồng chính là đại diện của nước đang giữ ghế Chủ tịch ủy ban thường trực của ASEAN, hoặc nếu không sẽ do Hội đồng Tối cao quyết định tương ứng với những quy định này . Phần 4 của tài liệu “Khởi động thủ tục giải quyết tranh chấp” được trình bày trong các nguyên tắc 6, 7, 8 và 9. Đặc biệt nguyên tắc 9 quy định “nếu không có khẳng định bằng văn bản từ tất cả các bên có liên quan đến tranh chấp theo đúng với điều 8, Hội đồng Tối cao sẽ không tiếp tục xem xét vấn đề”.

Tuyên bố hòa hợp Bali II được thông qua ngày 7.10/2003 tại Hội nghị Thượng đỉnh 9 của ASEAN tại Bali (Indonesia) tiếp tục phản ánh hợp tác của ASEAN trong vấn đề quản lý tranh chấp. Điều 3 và 4 của Tuyên bố khẳng định lại quyền tự do của các nước thành viên trong việc lãnh đạo nước mình khỏi sự can thiệp vào công việc nội bộ từ bên ngoài, phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đặc biệt, điều 7 được dành riêng cho Hội đồng Tối cao: “Hội đồng Tối cao của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác phải là một bộ phận cấu thành quan trọng trong Cộng đồng an ninh ASEAN vì nó phản ánh cam kết của ASEAN giải quyết tất cả khác biệt, tranh chấp và mâu thuẫn một cách hòa bình”.

Chương trình hành động của Cộng đồng An ninh ASEAN được thông qua vào cuối tháng 11/2004 tại Hội nghị Thượng đỉnh thứ 10 của ASEAN tại Viên Chăn (Lào). Chương trình hành động gồm 7 phần, bao gồm Phát triển chính trị; Hình thành và chia sẻ các chuẩn mực; Ngăn chặn xung đột; Giải quyết mâu thuẫn; Xây dựng hòa bình hậu xung đột; Áp dụng các cơ chế và Các lĩnh vực hoạt động. Đặc biệt trong phần định hình các chuẩn mực, Chương trình hành động nhấn mạnh các nguyên tắc ứng xử của các thành viên ASEAN gồm không liên kết, khuyến khích thái độ hướng tới hòa bình của các nước thành viên ASEAN, giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, từ chối sử dụng vũ khí nguyên tử và các vũ khí hủy diệt hàng loạt và tránh chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á; từ chối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Hiến chương ASEAN được thông qua ngày 20/11/2007 tại Singapore một lần nữa khẳng định các nguyên tắc cơ bản trong giải quyết xung đột. Ngay trong phần mở đầu, Hiến chương đã nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp, đồng thuận và thống nhất trong đa dạng. Hiến chương dành hẳn chương VIII “Giải quyết tranh chấp” với 7 điều từ điều 22 đến điều 28. Điều 22 nhấn mạnh rằng các nước thành viên ASEAN “sẽ nỗ lực giải quyết hòa bình tất cả các tranh chấp một cách kịp thời”. Điều 24 giải thích, nếu có tranh chấp không được giải quyết sau khi đã áp dụng điều khoản trước của Hiến chương, thì trường hợp đó sẽ được chuyển đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN để giải quyết.

Kế hoạch chi tiết Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh 14 ASEAN từ ngày 28/2 đến 1/3/2009 tại Cha-am (Thái Lan). Kế hoạch chi tiết Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN được xây dựng trên cơ sở Chương trình hành động của Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và khẳng định Chương trình hành động là tài liệu nguyên tắc đặt ra các hoạt động cần thiết để thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN . Đặc biệt, phần A.2.3 dành cho việc đảm bảo thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và khẳng định ASEAN sẽ “hoạt động hướng tới thông qua một bộ quy tắc ứng xử mang tính khu vực ở Biển Đông”. Trong phần B.2.1 dành cho câu hỏi làm thế nào để xây dựng các phương thức giải quyết hòa bình xung đột hiện có và khả năng xây dựng các cơ chế bổ sung nếu cần thiết. Các biện pháp tiếp theo được kể ra bao gồm: 1) Nghiên cứu và phân tích các phương thức giải quyết xung đột hiện hành và/hoặc các cơ chế bổ sung với quan điểm tăng cường các cơ chế khu vực giải quyết hòa bình xung đột; phát triển các phương thức ASEAN cho các văn phòng, hòa giải và trung gian tốt; Hình thành các cơ chế giải quyết xung đột bao gồm cả trọng tài như đã làm trong Hiến chương ASEAN.

4. Thực tế quản lý xung đột của ASEAN

Có thể nói rằng cho đến những năm 1990, thành công của cơ chế quản lý xung đột của ASEAN là đã không để xảy ra chiến tranh giữa các nước thành viên sáng lập. Sự mở rộng thành viên sau đó đã đem theo những xung đột cho các thành viên cũ và mới của Hiệp hội. Đó là mâu thuẫn giữa Myanmar và Thái Lan xảy ra vào cuối những năm 1990 trên biên giới giữa hai nước, hoặc xung đột giữa Thái Lan và Campuchia từ năm 2008 xung quanh khu vực đền Preah Vihear.

Phần lớn các nước trong ASEAN đều sử dụng các cơ chế giải quyết song phương. Tuy nhiên, cũng trong những năm 1990, Indonesia và Malaysia đã đồng ý đưa tranh chấp chủ quyền trên hòn đảo Pulau Sipadan and Pulau Ligitan ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), trong khi Malaysia và Singapore cũng làm tương tự với trường hợp Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Nếu các cố gắng song phương không thành công, các nước thành viên ASEAN đã tìm kiếm một giải pháp xung đột thông qua trọng tài quốc tế. Điều đó không có nghĩa đó là biểu hiện yếu điểm của ASEAN. Trường hợp Việt Nam đã giải quyết thành công các tranh chấp biên giới đã chứng minh cách tiếp cận song phương phù hợp với các nguyên tắc của ASEAN và các cơ chế giải quyết xung đột.

Nhìn chung vai trò của ASEAN được thể hiện trong một quá trình khá dài. Cho mãi tới năm 2001, tức là 25 năm sau khi thông qua TAC, ASEAN mới thông qua được Những nguyên tắc thủ tục của Hội đồng tối cao. Các tài liệu tiếp theo khẳng định điều này, nhất là Chương trình hành động và Phụ lục kêu gọi các nước “sử dụng Hội đồng Tối cao của TAC như một khả năng ưu tiên”. Tuy nhiên, sự thực là Hội đồng Tối cao vẫn chưa hoạt động hơn chục năm qua sau khi Các nguyên tắc thủ tục đã được thông qua vào năm 2001 cho thấy không phải tất cả các quốc gia thành viên của ASEAN đã sẵn sàng đem các tranh chấp với các thành viên khác đến một Hội đồng Tối cao như vậy. Dường như các nước thành viên của ASEAN vẫn còn sự không tin tưởng lẫn nhau.

Cần nhấn mạnh là ASEAN không chủ trương hành động một cách chính thức với tư cách là người trung gian trong các tranh chấp có liên quan đến các nước thành viên trừ phi ASEAN được quy cho hoặc yêu cầu làm điều đó. Thay vì đó, ASEAN chủ trương hành động như là một phương tiện để cải thiện quan hệ giữa các nước thành viên. Điều đó được thực hiện bằng cách tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các tương tác gia tăng thông qua hợp tác toàn diện dưới sự bảo trợ của ASEAN.

Một vai trò khác của ASEAN là người sáng tạo chuẩn mực. ASEAN có thể làm điều này bằng các tuyên bố và thông qua các cơ chế có thể được các nước thành viên sử dụng để quản lý xung đột như đã trình bày trong các tài liệu của ASEAN từ năm 1967 đến 2003.

Mặc dù vậy, ASEAN không thể ép buộc các nước thành viên, cũng không cố gắng can thiệp trực tiếp và dừng một tranh chấp, trừ phi các bên tranh chấp yêu cầu ASEAN can thiệp vào. Từ trình bày trong phần trên về khuôn khổ của ASEAN trong quản lý xung đột, có thể thấy ASEAN luôn hướng tới cấp độ liên quốc gia và tới các tranh chấp và xung đột giữa các quốc gia, chứ không hướng tới cấp độ trong quốc gia cũng như các xung đột bên trong của các quốc gia thành viên.

Về nguyên tắc không can thiệp, có thể thấy nguyên tắc này có tầm quan trọng đặc biệt kể từ khi Hiệp hội được thành lập. Mặc dù bị phê phán, nguyên tắc này vẫn tiếp tục tồn tại và chỉ được áp dụng khi các quốc gia thành viên yêu cầu giúp đỡ. Mặc dù vậy, trong thực tế nguyên tắc không can thiệp không gắn chặt với tất cả các thành viên của ASEAN, mà hết sức linh hoạt. Mỗi thành viên theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập riêng và vì sự khác biệt về lịch sử, chính trị, kinh tế của các nước thành viên ASEAN, chính sách đối ngoại và ưu tiên quan hệ quốc tế của họ ở ngoài ASEAN cũng rất khác nhau.

5. Hàm ý đối với tranh chấp ở Biển Đông

Trong xung đột ở Biển Đông, ASEAN thực sự đóng vai trò không thể thiếu được cho dù là với cả Hiệp hội hay với từng thành viên riêng rẽ. Đối với Việt Nam, ASEAN có thể là lựa chọn tốt nhất bởi vì nếu dựa vào ASEAN sức mạnh và vị thế của Việt Nam trong tương quan lực lượng với Trung Quốc sẽ được tăng lên. Việt Nam không thể đứng về phía Mỹ hoặc về phía Trung Quốc trong cạnh tranh Trung-Mỹ vì kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy “nhất biên đảo” và đối đầu với các nước lớn không bao giờ là một lựa chọn khôn ngoan.

Việt Nam nên đi cùng ASEAN bởi vì ASEAN (không giống Mỹ) không yêu cầu Việt Nam phải thay đổi chế độ. ASEAN đã chấp nhận sự khác biệt về chế độ của Việt Nam khi quyết định kết nạp Việt Nam vào năm 1995. Mặc dù 3 quốc gia ASEAN là Brunei, Malaysia và Philippines cũng có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở Biển Đông (nhưng không giống Trung Quốc), ba quốc gia này không lên án lẫn nhau và cho rằng cần giải quyết hòa bình các xung đột dựa vào luật pháp quốc tế. Hơn nữa, giữa Việt Nam và các nước ASEAN đã có nhiều hợp tác song phương trong nhiều vấn đề như đánh bắt thủy hải sản, tìm kiếm thăm dò tài nguyên, cứu nạn cứu hộ hay phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Trước chính sách quyết đoán của Trung Quốc từ những năm 1980-1990, ASEAN đã kiên trì đàm phán với nước này để đạt được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002. Nhờ có ASEAN với tư cách là phương tiện tăng cường quan hệ giữa các quốc gia thành viên mà Hiệp hội mới đạt được sự đồng thuận trong đàm phán với Trung Quốc. Vai trò của ASEAN là tăng cường hợp tác, hình thành và thông qua các cơ chế, nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia. Để đạt được hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, các nước thành viên ASEAN chỉ có cách duy nhất là phải thống nhất, đoàn kết với nhau bởi vì các nước ASEAN đều là các nước vừa và nhỏ. Họ sẽ chỉ có sức mạnh khi đoàn kết. Đúng như ngoại trưởng Singapore Rajaratnam đã từng nói năm 1967: “Nếu chúng ta không đoàn kết, chúng ta sẽ bị tiêu diệt lần lượt từng người một.” Tuy nhiên như đã nói ở trên, ASEAN không thể ép buộc các quốc gia thành viên thực hiện các chính sách chung và vì ưu tiên trong chính sách của các quốc gia thành viên rất khác nhau nên trường hợp Campuchia không đồng ý với một số thành viên khác đã dẫn đến tình trạng không thông qua được một tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh tháng 7/2012 là một ví dụ điển hình.

Làm thế nào để có một sự thống nhất trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, dẫn đến sự chia rẽ trong các nước ASEAN? Cách tốt nhất là ASEAN vẫn phải kiên trì mục tiêu xây dựng thành công ba cộng đồng của mình theo kế hoạch đã đề ra như đã phân tích ở trên. Không hoàn thành mục tiêu đề ra, niềm tin về một tổ chức chung, về các kế hoạch chung tiếp theo sẽ khó thực hiện được. Thứ hai, ASEAN phải tiếp tục đóng vai trò là người trung gian hiệu quả, là phương tiện hữu ích giúp cho tất cả các bên hiểu nhau, trước hết là các nước thành viên, sau đó là giữa Mỹ và Trung Quốc. Phải làm sao để Trung Quốc hiểu rằng sự can dự của Mỹ không nhằm vào Trung Quốc và tranh chấp ở Biển Đông vẫn được giải quyết giữa Trung Quốc và ASEAN. ASEAN cũng phải làm sao để Mỹ hiểu rằng họ phải có trách nhiệm trong các cam kết của mình đối với khu vực và vị trí của Mỹ vẫn được bảo đảm. Để đạt được sự thống nhất, có lẽ việc hình thành một nhóm nòng cốt các quốc gia đầu tàu là rất cần thiết. Kinh nghiệm của EU cho thấy, trong các thời điểm quan trọng của tổ chức, hai nước đầu tầu là Đức và Pháp vẫn luôn đóng vai trò quan trọng. Ở Đông Nam Á, vai trò đó có thể là ba nước VIP bao gồm Việt Nam, Indonesia và Philippines. Đây là ba nước lớn nhất về dân số, diện tích, tiềm năng và có vai trò quan trọng trong tranh chấp ở Biển Đông. Nếu ba nước này tạo thành một tập hợp nòng cốt, họ có thể dẫn dắt cả Hiệp hội trong thuyết phục các nước khác và trong đàm phán với Trung Quốc.
 

Tài liệu tham khảo
1. ASEAN Charter (Hiến chương ASEAN) at http://www.aseansec.org/21069.pdf.
2. ASEAN Concord I (Tuyên bố Hòa hợp ASEAN I) at http://www.aseansec.org/3630.htm.
3. ASEAN Political- Security Community Blueprint (Kế hoạch chi tiết Cộng đồng An ninh-Chính trị ASEAN) xem tại http://www.aseansec.org/22337.pdf.
4. ASEAN Security Community Plan of Action- ASCPA (Chương trình hành động Cộng đồng An ninh ASEAN) at http://www.aseansec.org/16826.htm.
5. Bali Concord II (Tuyên bố Hòa hợp Bali II) at http://www.aseansec.org/1519.htm.
6.Bangkok Declaration (Tuyên bố Bangkok) on August 8, 1967 at http://www.aseansecretariat.org/1212.htm.
7. Ganesan and Amer R. (eds.), International Relatiosn in Southeast Asia: Between Bilateralism and Multilateralism, ISEAS, Singapore 2010.
8. International Court of Justice: http://www.icj-cij.org/docket/files/130/14492.pdf.
9. Mullen M., “Remarks and Q and A at the Navy League Sea-Air-Space Exposition, Maryland May 4, 2009.
10. Navy Time 21 July 2010.
11. O’Rourke R., China Naval Modernization: Implication for US Navy Capabilities-Background and Issues for Congress, CRS Report for Congress, W.D.31 July 2012.
12. Office of the Secretary of Defense, Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2011, A Report to Congress Pursuant to the National Defense AuthorizationAct for Fiscal Year 2000, W.D.2012.
13. Rules of Procedures of the High Council of the Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia (Những quy tắc trong thủ tục của Hội đồng tối cao của Hiệp ước thân thiện và hợp tác) at http://www.aseansec.org/3639.htm.
14. Saunders C. P. (eds.), The Chinese Navy: Expanding Capabilities, Evolving Roles, National Defense University Press, W.D. 2011.
15. Sustaining US Global Leadership: Priorities for 21st Century Defense.
16. Thayer C., China’s Naval Modernization and US Rebalancing: Implication for Stability in the South China Sea, paper presented in Hochimin City on 18-21/11/2012.
17. The People’s Republic of China, State Council, Information Office, China’s National Defense 2010, Beijing March 2011.
18. Treaty of Amity and Cooperation (Hiệp ước thân thiện và hợp tác) at http://www.aseansec.org/1217.htm.

PGS.TS Phạm Quang Minh
Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á 2014, số 1 tr.3-9. – 2014.

Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 10-04-2017.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây