Về gốc gác nhà Trần (GS Trần Quốc Vượng)

Thứ tư - 09/08/2023 23:40
Sách Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư (quyển V) kỷ nhà Trần có lẽ là sách đầu tiên chép về gốc gác họ Trần: “Đời trước của vua (Thái Tông – TQV) là người đất Mân (có người nói là Quế Lâm) có người tên là KINOE đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường,...
VỀ GỐC GÁC NHÀ TRẦN
(Đề cương) 
GS Trần Quốc Vượng
 
Sách Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư (quyển V) kỷ nhà Trần có lẽ là sách đầu tiên chép về gốc gác họ Trần: “Đời trước của vua (Thái Tông – TQV) là người đất Mân (có người nói là Quế Lâm) có người tên là KINOE đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá (tôi nhấn mạnh – TQV). Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê…”.

Có lẽ không nên tin ngay vào tài liệu này. Ở cuốn Lý Thường Kiệt của GS Hoàng Xuân Hãn có công bố bức thư của tiến sĩ Từ Bá Tường (Trung Quốc – Tống) cũng nói vua Lý người đất Mân và trong triều đình Lý có nhiều người gốc Mân.

Trong sách Việt Giang (tức Tây Giang – TQV) lưu vực nhân dân sử của GS Từ Tùng Thạch (nay ở Đại học Princeton Mỹ), GS Từ khi khảo sát về các dòng họ ở lưu vực sông này, có nhận xét rằng rất nhiều dòng họ gốc thổ dân (indigenom) nhưng do khuynh hướng tâm lý “Nam nhân Bắc hướng” họ cứ khai trong gia phả là gốc Hoa, gốc Bắc.

Tôi cho rằng nhận xét của GS Từ rất có lý. Trong cuốn sách rất dày dặn, công phu của nhà Trung Quốc học người Pháp là Marcel Gernet có nhan đề Le Monde Chinois (Thế giới Trung Hoa), GS M.Gemrt đã đưa ra “gốc gác” của nhà Đường Trung Hoa (VII – X) là “Semi Turc” (nửa tuyến) mà dòng họ “Độc Cô” (đọc là Turco) là một ví dụ. Song khi lên ngôi Lý Uyên rồi Lý Thế Dân (Đường Thái Tông) đã sai các sử nô viết lại lý lịch nhà mình là gốc từ Lý Đam – Lý Nhĩ – tức Lão Tử, nhà triết học vĩ đại của thời thượng cổ Trung Hoa.

Bời vậy, khi tìm gốc gác nhà Mạc (Mạc Đăng Dung), tôi đã tìm thấy một tài liệu từ thế kỷ XVI (đương thời triều Mạc) nêu rõ Mạc là dân chài gốc Đãn tộc (Đãn man) ở vùng vịnh Hạ Long (xem Lý Văn Phượng: Việt kiệu thư) nhưng khi nhà Mạc lên ngôi vua, các “sử nô” nhà Mạc đã truy nguyên cội nguồn Mạc lên tới 7 đời là trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đời Trần (người Chí Linh thậm chí có gia phả họ Mạc còn “đẩy” gốc gác nhà Mạc lên tới Thái học sinh đại thần triều Lý là Mạc Hiển Tích).

Tôi xưa nay là người “bênh vực” nhà Mạc, nhưng về “lý lịch” nhà Mạc chính sử viết vậy thì tôi không chịu và tôi đã nêu một nhận xét rất đích đáng của dân gian là:
Thấy người sang bắt quàng làm họ.

Tôi nghe đồn rằng ở cuộc Hội thảo năm ngoái (1994) tại Hải Phòng mà tôi cũng chỉ nộp bản tham luận nhờ người khác đọc hộ, các cụ nghe những đoạn tôi phản bác việc họ Mạc cắt đất, bán nước, đầu hàng… thì rất khoái chí nhưng khi tôi đưa tài liệu chứng minh Mạc Đăng Dung gốc Đãn tộc, chuyên nghề đánh cá chớ không phải có gốc gác trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thì các cụ không hài lòng! Biết làm sao được? Cho nên viết bài tham luận này về họ Trần tôi cũng đắn đo, ngần ngừ, thậm chí “ca mơ run” mãi…

Nhân tiện đây xin nói ngay rằng trong bài “Tổng luận" đăng trong cuốn Tìm hiểu văn hóa dân gian Hà Nội (1994) được Tạp chí Văn hóa dân gian số mới nhất (3-5-1995) khen là hay, khi nói về các dòng họ văn hiến Việt Nam, tôi đã nêu rõ về sự phức tạp của các dòng họ Việt Nam, có thể cùng tên (Trần, Nguyễn, Lê v.v…) nhưng chưa chắc gì đã cùng máu mủ ruột rà (theo nguyên lý cùng dòng dõi (Co-Deo cendance). Hai mươi năm trước đây, anh bạn Hoài Anh Trần Quốc Tộ – nhà thơ có tiếng tăm – nhưng chỉ là cán bộ bình thường của Hội văn nghệ Hà Nội trong khi tôi là Ủy viên thường vụ của Hội ấy đã nhiều năm, anh bạn nhà thơ đó là người khí khái, không bao giờ thèm “nhận họ” với tôi. Chỉ đến khi anh giã từ Hội văn nghệ Hà Nội để đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Hoài Anh mới đề nghị ông Tổng thư ký Bùi Hạnh Cẩn người xứ Nam Hạ quê ta cho gặp tôi để “nhận họ” và anh đưa cho tôi xem bản Gia phả họ Trần. Anh nói rằng dòng dõi họ chúng mình là “đại vương” và cứ theo gia phả thì tôi phải gọi anh (kém tuổi tôi) là anh họ vì anh thuộc “chi trên”.

Tôi là người của “Câu lạc bộ những người thích đùa” (điều này tôi đã nói công khai với ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo của tôi và ông đã nói lại điều này với ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ). Đọc qua cuốn gia phả họ Trần chữ Nho (tôi cũng rõ về chữ Nho tí chút), tôi bảo với anh Hoài Anh là:

Tôi không nề hà gọi anh là anh, thậm chí là bác; song gốc gác đại vương, thì anh và anh Mười Hương (Trần Quốc Hương – Nguyên bí thư T.Ư Đảng) có nhận thì nhận chứ tôi không nhận. Tôi xưa nay chẳng ngại sợ gì về “nguồn gốc xuất thân”, “lý lịch” v.v… song trong rất nhiều bài viết, tôi chỉ dám nhận mình là NGUỒN GỐC DÂN CHÀI xứ NAM và chỉ thừa hưởng được nơi dòng họ mình 2 điểm:

Nước da ngăm đen

Và tính tình phóng khoáng, quen “ăn sóng nói gió” đến mức một ông nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương ĐCSVN nói với tôi rằng “nếu anh là công nhân, ăn nói thế thì được, chứ anh là đại trí thức (?!) mà ăn nói thế thì không nên”. Tôi đã trả lời vị lãnh đạo khả kính ấy là: Rằng quen mất nết đi rồi… vả chăng “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Bẩm sinh tính tôi đã vậy, nay đã ở tuổi sáu mươi, sửa làm sao được?

Ai trong chúng ta cũng biết vào cuối nhà Trần, các vua thường lui về Yên Tử – Đông Triều, thậm chí dời cả nhiều phần mộ tổ tiên về vùng núi đó, chứ ở đời Minh Tông trở về trước, hằng năm các vua Trần thường về Tức Mặc xứ Nam. Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Phi Khanh v.v… có rất nhiều bài thơ hay nói về việc tháp tùng vua hay đi thi ở Thiên Trường.

Không hiểu sao, trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (thế kỷ XVII) và vài tài liệu tiếp sau khác lại nói gốc gác đầu tiên của nhà Trần là vùng Đông Triều – Hải Đông, sau mới dời về Tức Mặc Thiên Trường? Hiện tôi chưa có một tài liệu nào để khẳng định hay phủ định quan điểm của Vũ Phương Đề người xứ Đông (Mộ Trạch, Bình Giang)? Tôi chỉ thấy về mặt thời gian, đấy là một tài liệu muộn mằn mà theo phương pháp văn bản học (Textologic) thì tài liệu càng gần thực tại thì nói chung càng đáng tin cậy hơn.

Điều làm tôi phiền muộn nhất trong hai chục năm qua là vào đầu thập kỷ 80, Nam Hà đã tổ chức Hội thảo khoa học lớn về nhà Trần. Tôi và nhiều nhà sử học khác đã có tham luận. Song cuốn Kỉ yếu về hội thảo đó đã chưa bao giờ được ra đời.

Ở Hội thảo đó, có một vài vị ở Thái Bình đã sang tham dự rồi bỏ về và cùng với Viện Sử học sau đó đã tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học riêng và in ngay kỷ yếu nhằm chứng minh rằng Thái Bình chứ không phải Nam Định cũ là quê hương nhà Trần.

Tôi không tham dự Hội thảo ở Thái Bình nhưng có được “cho” cuốn Kỷ yếu ấy.

Năm ngoái (1994) Thái Bình lại tổ chức Hội thảo về Trần Thủ Độ và cũng đã in ngay Kỷ yếu (có bài tham luận của tôi nhưng tôi cho đến nay chưa hề nhận được sách Kỷ yếu). Các đồng nghiệp ở Thái Bình vẫn có khuynh hướng y như cũ nhằm chứng minh Thái Bình chứ không phải Nam Định là quê hương nhà Trần.

Tôi đã cố tác động “Ban tổ chức hội thảo" mời ông bạn vong niên của tôi (thật ra là cộng sự viên của bố tôi) là cụ Huyền gốc Nam Hà lên nói (gần cuối cùng Hội thảo).

Ba ngày được cơm nước đãi đằng rất trọng thị ở Thái Bình, lẽ ra tôi nên “ngậm miệng ăn tiền” thì hơn, song, như đã nói ở trên “rằng quen mất nết đi rồi”, tôi đã buột miệng nói – rồi sau lại còn viết ra nữa cơ – với bè bạn Thái Bình rằng: “Tỉnh Thái Bình mới thành lập năm 1890, năm 1990 Thái Bình kỉ niệm 100 năm thành lập tỉnh, có mời tôi dự. Chứ ngày xưa Thái Bình và Nam Định là Một (hay là hai nửa của một xứ Sơn Nam Hạ chứ).

Mà đây lại là một vấn đề phương pháp luận nghiên cứu: Với tư duy sông nước (hay phương tiện giao thông ngày trước chủ yếu bằng đường thủy) của một Việt Nam cổ truyền thì Sơn Tây và Vĩnh Phúc đôi bờ sông Nhị là hai nửa của một xứ Đoài, Bắc Giang, Bắc Ninh đôi bờ sông Cầu là hai nửa của một xứ Bắc – Kinh Bắc, Hà Đông -Hà Nam – Hưng Yên cũng trên đôi bờ sông Nhị là hai nửa của một Sơn Nam Thượng.

Vậy cơn cớ gì Nam Định – phủ Thiên Trường và Thái Bình – phủ Thái Bình không phải là hai nửa của Một?

Vả lại, nhà Trần được sử ghi rất rõ là “đời đời làm nghề chài cá”. Vậy với dân chài, làm gì có sự phân biệt “lãnh thổ” trên đất liền.

Dòng họ Trần (nhà tôi) là dòng họ dân chài. Tổ tiên tôi cứ đâu có sông nước, tôm cá thì đi.

Vậy TỔ TIÊN – gốc gác nhà Trần ở cả Đông Triều – Hạ Long, ở cả Thái Bình – Nam Định thì có sao đâu?
Tôi xa lạ với dân chài đã khá lâu, nhưng với “gien” di truyền văn hóa, tôi vẫn thấy như vậy và cho là như vậy!

Cúi xin quý vị rộng lượng xét giùm.

Trung thu Ất Hợi 9 – 1995
Nguồn: In trong Thời Trần và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Hà, Sở Văn hóa thông tin Nam Hà, 1996
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 01-05-2015.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây