Từ Quý hương Tức Mặc đến Hành cung Thiên Trường – Quá trình lịch sử, tự nhiên và tâm thế của Vương triều Trần – Đại Việt thế kỷ XIII (PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế)

Thứ sáu - 11/08/2023 22:50
Trân trọng giới thiệu bài viết " Từ Quý hương Tức Mặc đến Hành cung Thiên Trường – Quá trình lịch sử, tự nhiên và tâm thế của Vương triều Trần – Đại Việt thế kỷ XIII" của PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế.

TỪ QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC ĐẾN HÀNH CUNG THIÊN TRƯỜNG – QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ, TỰ NHIÊN VÀ TÂM THẾ CỦA VƯƠNG TRIỀU TRẦN – ĐẠI VIỆT THẾ KỶ XIII

PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế

I. Đêm trước của hành cung Tức Mặc – Thiên Trường thế kỷ XIII-XIV

Lực lượng của cậu cháu Tô Trung Từ, Trần Tự Khánh được biên niên sử bắt đầu chép đến từ sau sự kiện “loạn” Quách Bốc[1] (năm 1209). Theo Việt sử lược, trong quá trình hoạt động ở các địa bàn khác nhau, mỗi khi có sự kiện gì quan trọng, họ Trần lại lui về Tức Mặc (hoặc Mỹ Lộc):
Theo Việt sử lược[2], trong quá trình hoạt động ở các địa bàn khác nhau, mỗi khi có sự kiện gì quan trọng, họ Trần lại lui về Tức Mặc (hoặc Mỹ Lộc):

1. Năm Canh Ngọ (1210), khi thế lực của Tô Trung Từ (cậu ruột của Trần Tự Khánh) “đem binh đánh người Khoái rồi kéo về Hải Ấp bắt Thái tử Sảm về Kinh sư, vua Lý Cao Tông cho Thượng phẩm phụng ngự Đỗ Quang đến nhà Trung Từ để rước Sảm”. Dĩ Mông trốn đi, sau đó đã truyền hịch mộ binh các đạo chia làm năm đội đánh bắt bọn đó. Đàm Dĩ Mông “đem người ở Gia Mưu và người phủ Thanh Hóa đánh vào hương Tức Mặc. Nhưng quân của Đàm Dĩ Mông bị hại nên các đạo binh nghe thấy đều lui về”.

Như vậy, đến năm 1210, hương Tức Mặc đã trở thành một trung tâm thế lực quan trọng của thế lực cậu cháu Tô Trung Từ, của anh em họ Trần mà quân Đàm Dĩ Mông muốn tấn công, nhưng không đủ sức.

2. Năm Nhâm Thân (1212), khi Trần Tự Khánh được Lý Sảm (vua Lý Huệ Tông) phong làm Chương Thành hầu, và trao cho quyền bính, truyền lệnh cho “văn võ bá quan đều phải nghe mệnh lệnh” thì khi biết tin Nội Minh tự Doãn Tín Dực a dua với vua không tin dùng mình, Khánh đã giận dữ phát binh đến Kinh thành Thăng Long, “sai Điện tiền Chỉ huy sứ Nguyễn Ngạnh đem các quan chức vào cả trong cấm thành hét lớn “Tín Dực a dua thượng ý. Dực chạy trốn vào gác Hương trong cấm thành. Ngạnh đột nhập, bắt Tín Dực giao cho Tự Khánh, trói Dực bằng dây thép 5 vòng đưa về nhà công quán ở Mỹ Lộc”.

3. Tháng hai năm Giáp Tuất (1214) khi đã mời mãi mà vua Lý Sảm cùng mẹ chạy lên Lạng Châu không chịu về, Trần Tự Khánh bèn triệu các vương và bách quan bàn chuyện phế lập. Dựng một người con của vua Lý Anh Tông là Huệ Văn vương lên. Cũng ngày hôm đó, “bắt bọn Đàm Kinh Bang họ nhà Đàm Thái hậu – đều trói bằng dây thép đem giam ở Mỹ Lộc”.

4. Cũng năm này, tháng tư, viên tướng quân vùng Cam Giá (vùng Sơn Tây – thuộc Hà Nội ngày nay) là Phan Cụ làm phản, “Trần Tự Khánh bắt về giam ở Mỹ Lộc”.

5. Tháng 9 năm Tân Tỵ (1221), vua Lý Sảm về nhà viên Thái úy mà quyền uy lớn đến mức “khi xướng lễ không phải gọi tên” là Trần Tự Khánh ở Mỹ Lộc.

6. Tháng chạp năm Kỷ Mão (1223), sau khi Trần Tự Khánh mất ở nhà tại Phù Liệt, được đặt tên thụy là Kiến quốc vương thì tháng Giêng năm sau (1224) cũng được đưa an táng tại Mỹ Lộc.

Như vậy, vùng Tức Mặc – Mỹ Lộc đầu thế kỷ XII đã thực sự trở thành căn cứ, trung tâm quyền lực, chốn đi – về của thế lực Trần Tự Khánh – Trần Thừa…

Từ đây, các cánh quân của anh em họ Trần tiến hành những cuộc chinh phạt các thế lực khác, đặc biệt là theo đường thủy (Bảng 1). 

Bảng 1
 
TT Năm Hoạt động của thế lực Trần Tự Khánh Ghi chú
 1   1210   Quân Trần Tự Khánh đến bến Tế Giang  Sông Hồng (huyện Văn Giang – Hưng Yên)
 2  1211  Trần Tự Khánh đánh Đọi Sơn  Duy Tiên – Hà Nam
3  Trần Tự Khánh phát đại binh đến bến Tế Giang  Sông Hồng (huyện Văn Giang – Hưng Yên)
4 1212  Trần Tự Khánh về bến Tế Giang  Sông Hồng (huyện Văn Giang – Hưng Yên)
5 1213  Vua Lý đích thân đi đánh quân Tự Khánh ở Mễ Sở  Bên sông Hồng (huyện Đan Phượng – Hà Nội)
6 1214  Trần Tự Khánh họp binh thề ở đền Đỗ Thái úy ở Đông Phù Liệt định đánh kinh sư, chia:
 – Trần Tự Khánh lĩnh thủy quân đến sông Đà Mạc;
 – Trần Thừa đánh bên hữu ngạn sông Lô;
 – Trần Thủ Độ đánh bên tả ngạn sông Lô
 Đà Mạc (khúc sông Hồng thuộc Hưng Yên) 

II. Hành cung Tức Mặc

Sau khi có ngai vàng, họ Trần càng có điều kiện quan tâm đến quý hương của mình:

Năm Tân Mão (1231) – tức 5 năm sau khi lên ngôi, theo Đại Việt sử ký toàn thư[3], vua Trần Cảnh (Trần Thái Tông) “Mùa thu, tháng 8, vua ngự đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau”. Trong năm này, không thấy sử nhắc đến sự kiện gì liên quan đến việc xây dựng hay tu sửa ở Tức Mặc.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thì phải đến 8 năm sau: “Năm Kỷ Hợi, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 8 (1239). Mùa xuân, tháng giêng cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó. Sai [Chu] về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện”.

Xin lưu ý: Sự kiện xây dựng Tức Mặc xảy ra sau vụ anh em vua Trần – Trần Liễu mang binh ra sau “vụ loạn sông Cái” (năm 1237)[4] nhiều nhất là 2 năm. Mà, sau vụ loạn này thì ít nhất có lần lượt hai sự kiện sau đây:

Thứ nhất

Triều đình Trần lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Bang cho Trần Liễu làm ấp thang mộc. Nhân đất được phong, mà Trần Liễu có tên hiệu là Yên Sinh vương. Binh lính theo Trần Liễu làm loạn ở sông Cái đều bị giết.

Ngô Sĩ Liên, rồi Phan Huy Chú đều từng nhận xét là các vương hầu đều có phủ đệ ở hương của mình. Nhìn lại thái ấp của các thế hệ vương hầu, quý tộc trưởng thành trong thế kỷ XIII, trong đó có nhiều người trực tiếp tham gia, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến quân xâm lược Mông – Nguyên, thì lại có hiện tượng sau:

– Phần lớn các thái ấp của vương hầu thuộc chi vua Trần Cảnh (Trần Thái Tông) tập trung ở khu vực phía Nam sông Hồng, trước hết là vùng phủ Thiên Trường như của Trần Quang Khải (Hà Nam), rồi xa hơn như của Trần Nhật Duật (ở Thanh Hóa), Trần Quốc Khang (Nghệ An).

– Còn với chi trưởng, mở đầu từ Trần Liễu, lại tập trung chủ yếu ở bờ Bắc sông Hồng trên địa bàn xứ Đông (Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh)[5] (Bảng 2, Bảng 3).

Đó là sự phân công chiến lược có chủ đích đầu tiên của triều đình Trần, nhằm tạo ra những lớp bảo vệ sâu, dày, nhiều lớp tin cậy, vững chắc Kinh sư Thăng Long, hay là bảo vệ quê hương Tức Mặc – Thiên Trường (sau này phát triển thành Đại bản doanh – hậu cứ đầu tiên, đất căn bản của Vương triều)? Hay là ban đầu với thái ấp của lực lượng Trần Liễu sau vụ loạn sông Cái năm 1237 – là biện pháp của triều đình nhằm cách ly thứ sản phẩm của mất đoàn kết, chia rẽ quyền lực trong nội bộ triều đình Trần sau hơn một thập niên trị vì?

Không quên là, Yên Sinh vương Trần Liễu sau năm 1237 “mang lòng hậm hực”, tìm khắp những người tài nghệ để dạy con mình là Trần Quốc Tuấn, gửi gắm kỳ vọng vào “người con dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ” này. Và, 14 năm sau vụ loạn sông Cái, vào năm 1251, trong tháng Giêng, vua Trần bất đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Trần Quốc Tuấn và lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính vật cho Trung Thành vương, thì khoảng ba tháng sau, Yên Sinh vương Trần Liễu vẫn còn cầm tay Quốc Tuấn mà giối giăng – nói trắng ra, trước khi mất: “Con không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được!”.

Bảng 2
 
STT Các thế hệ Sông Hồng Ghi chú
1 2 3 4 Phía Bắc Phía Nam
1   Trần Thủ Độ (1194-1264)           Quắc Hương
(Hà Nam)
  Chú họ Trần Cảnh
2     Trần Liễu       Yên Phụ
(Hải Dương)
 
    Anh ruột Trần Cảnh
3       Trần Quốc Tuấn   Vạn Kiếp
(Hải Dương)
    Con Trần Liễu
4         Trần Quốc Tảng       Con Trần Quốc Tuấn
5         Trần Quốc Nghiễn       Con Trần Quốc Tuấn
6     Trần Phó Duyệt   Trần Khánh Dư (?-1339)     Chí Linh
(Hải Dương)
   
7     Vua Trần Cảnh          
8       Trần Quốc Khang       Diễn Châu
(Nghệ An)
  Tuy là con đẻ của Trần Liễu, nhưng thân phận được chính thức là con Trần Cảnh
9       Trần Quang Khải       Bình Lục
(Hà Nam)
  Con Trần Cảnh
10       Trần Nhật Duật       Thanh Hóa   Con Trần Cảnh
 
Bảng 3
 
TT Tên gọi Chủ nhân Địa điểm
 1   Bạch Hạc  Trưởng công chúa Thiên Chân và Thiên Thụy  Bạch Hạc (nay là thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)
2  Kẻ Lầm  Văn Huệ vương Trần Quang Triều  Huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội
3  Kẻ Mơ  Thượng tướng Trần Khát Chân  Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội
4  Dưỡng Hòa  Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư  Huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
5  Quắc Hương  Thái sư Trần Thủ Độ  Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam
6  Độc Lập  Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải  Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam
7  Dương Xá  Tướng quốc Thái úy Trần Nhật Hạo  Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
8  Tĩnh Bang  Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng  Huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng
9  Đông Triều  Trần Khắc Chung  Huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
10  Chí Linh  Huệ Võ vương Quốc Chẩn  Huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương
11  Vạn Kiếp  Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn  Huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương
12  Chí Linh  Thượng tướng Trần Phó Duyệt  Huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương
13  Văn Trinh  Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật  Huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa
14  Diễn Châu  Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang  Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An
15  Hồng Gai  Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn  Nay là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Hưng Đạo vương – như Đại Việt sử ký toàn thư kể lại, đã không cho điều di chúc của Thân phụ là phải, nhưng không phải không day dứt khi “ghi điều đó trong lòng”, hơn một lần trong đời hỏi ý tùy tướng Dã Tượng, Yết Kiêu và các con là Hưng Vũ vương, Hưng Nhượng vương[6]. Và, Đức Thánh Trần của triều Trần Đại Việt vượt lên thói thường, chủ động cùng vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cùng vương triều, toàn quân, toàn dân vì sự nghiệp chung to lớn của Đông A, Đại Việt.

Thứ hai

Trong hai năm, Nhập nội Thái phó Phùng Tá Chu liên tiếp được sai về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện (tháng Giêng năm Kỷ Hợi – 1239), rồi 5 sở hành cung ở Thanh Hóa (tháng Giêng năm Canh Tý – 1240).

Phùng Tá Chu là ai mà được triều đình Trần tin cậy ủy nhiệm cho việc xây dựng hành cung ở hương Tức Mặc như vậy?

Trong Việt sử lược, Phùng Tá Chu xuất hiện trong các sự kiện:

– Mùa xuân Tân Mùi (1211), sau lần thứ hai vua Lý sai đón con gái thứ nhà Trần (tức Trần Thị Dung) mà Trần Tự Khánh không cho đón, thì Tự Khánh sai Nội điện trực Phùng Tá Chu cùng bọn tướng Phan Lân, Nguyễn Ngạnh đưa Trần Thị Dung về Kinh sư.

– Tháng 5 năm Bính Tý (1216), vua xuống chiếu cho Minh tự Phùng Tá Chu làm Chiêu Thảo sứ. Mùa đông năm đó, vua Lý Huệ Tông phong cho một loạt quan chức (Trần Tự Khánh làm Thái úy; Trần Thừa làm tước Liệt hầu, Nội thị phán thủ “mỗi khi có đại yến cho ngồi ở điện Thiên An”; con của Trần Tự Khánh là Hải được tước Đại vương), Phùng Tá Chu, Lại Linh được tước Quan Nội hầu, ngang tước với Trần Liễu – con cả của Trần Thừa.

Lại Linh là một trong những viên tướng “vào sinh ra tử” cho sự nghiệp anh em họ Trần, nhưng đến mùa xuân Quý Mùi (1223) thì Trần Tự Khánh sai người bắt Lại Linh – lúc đó là Bảo Tín hầu, Lại Linh thắt cổ chết

Vào đêm trước của cuộc đảo chính cung đình, khi Lý Sảm (Lý Huệ Tông) đã nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng, và lên làm Thái thượng vương, đã vời Phùng Tá Chu đến bàn rằng: “Trẫm vì thất đức, chịu tội với trời, không có người kế tự, phải truyền ngôi cho con gái, lấy một âm mà chế ngự cả bầy dương, nếu chúng không theo thì tất phải ăn năn, cứ như ta thấy thì không gì bằng bắt chước Đường Nghiêu ngày xưa, noi theo Nhân tổ mới rồi, chọn người hiền mà trao ngôi… Lũ khanh hãy vì trẫm mà nói dùm Thái úy (Trần Thừa)”[7].

Và cuối cùng, chính Nội thị phán thủ Phùng Tá Chu, Nội hành khiển Tả ty Lang trung Trần Trí Hoàng đem văn võ bá quan, sửa soạn thuyền xe đến phủ Tinh Cương đón Trần Thừa, rồi Nghi lang Trần Cảnh lên ngôi!

Có thể nói, sau hơn 14 năm xuất hiện với anh em họ Trần, Phùng Tá Chu trở thành người “tay trong” của họ Trần bên cạnh vua Lý, được anh em họ Trần, từ Trần Tự Khánh đến Trần Thừa, Trần Thủ Độ, đặc biệt tin cậy.

Không nên quên, trong hơn 10 năm từ khi bước, lấn sâu vào sân khấu chính trị, quyền lực Đại Việt, thế lực họ Trần vừa mềm dẻo, khôn khéo chinh phục nhiều thế lực khác, lại vừa cực kỳ cảnh giác, cứng rắn, xử lý kiên quyết bất kỳ viên tướng nào chống đối họ. Trong khi đó, Phùng Tá Chu là trường hợp ngoại lệ, chứng tỏ niềm tin đặc biệt của anh em, cha con họ Trần, trong đó có Trần Thừa, Trần Thủ Độ.

Chỉ hơn một năm sau khi có ngai vàng, trong lúc bộn bề công việc, năm 1227, nhà Trần “sai Phụ quốc thái phó Phùng Tá Chu quyền Tri phủ Nghệ An, cho phép ban tước từ tá chức, xá nhân trở xuống cho người khác, rồi sau về triều tâu lên”. Năm Giáp Ngọ (1234), gia phong Thái phó triều Lý là Phùng Tá Chu làm Hưng Nhân vương; Quan nội hầu Phạm Kính  n làm Thái phó, tước Bảo Trung quan nội hầu. Năm Ất Mùi (1235), gia phong Hưng Nhân vương Phùng Tá Chu làm Đại vương; Quan nội hầu Phạm Kính  n làm Thái úy, ban cho mũ áo Đại vương. Và tháng 3 năm Giáp Thìn (1244), hơn 3 năm sau khi Phùng Tá Chu mất, triều đình còn cho Phùng Tá Khang – cha của Phùng Tá Chu, làm Tả nhai đạo lục, tước Tả lang – “Phẩm cao nhất của tăng đạo, không phải người thông thạo tôn giáo của mình thì không được dự càn. Nay đem phong cho Tá Khang là lễ ưu hậu lắm”.

Sự tin cậy, ủy thác và ân điển đặc biệt đến vượt qua khung khổ thông thường mà triều Trần dành cho Phùng Tá Chu, đến nỗi mà sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê ngạc nhiên, bình luận cho là “cả người cho phép đều sai cả”[8].

Trở lại sự kiện năm 1239, sau vụ loạn sông Cái 3 năm, rồi lúc này vua Trần Cảnh lên ngôi đã hơn chục năm, đã thành thanh niên mà cũng chưa có con trai chính thức nối dòng vua… tức là vẫn tiềm tàng xung động trong nội bộ anh em họ Trần…

Trong hoàn cảnh ấy, không biết rõ thực chất “dự án” và triển khai xây dựng Tức Mặc của nhà Trần nhằm tới mục đích gì… Chỉ biết nhà Trần lại một lần nữa giao phó ủy thác cho Phùng Tá Chu phụ trách những việc tin cậy này. Và, ít nhất thì chỉ hơn một năm sau khi xây dựng Tức Mặc, thì năm Canh Tý, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 9 (1240) tháng 9, ngày 25, giờ Ngọ hoàng đích trưởng tử là Hoảng sinh, trong niềm hân hoan tột độ của họ Trần, ngay lập tức “lập làm Đông cung thái tử. Đại xá”, rồi năm sau (năm 1241) sinh tiếp Hoàng tử Trần Quang Khải…

Như vậy, 15 năm thành lập Vương triều của dòng họ Trần, chỉ sau khi xác định hành cung tại hương Tức Mặc năm 1239, nội tộc Trần mới ổn định. Mà, kết quả là từ đó cũng chính thức mở ra thời kỳ thực sự ổn định của triều đình – xã tắc Đại Việt.

III. Đến hành cung Thiên Trường

Đại Việt sử ký toàn thư lần đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện hành cung Thiên Trường là vào năm 1262: “Mùa xuân, tháng 2, Thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được ban tước hai tư, đàn bà được hai tấm lụa. Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh”[9].

Như vậy:

Thứ nhất: Khác với thời Lý khi vua Lý Công Uẩn sau một năm lên ngôi và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, đã cho đổi ngay châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức, nhà Trần 37 năm sau khi thành lập vương triều (1225), quê hương của nhà Trần mới nâng thành cấp phủ riêng, mới xây dựng hành cung Thiên Trường để “từ đó về sau, các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này. Do đó, đặt sắc dịch hai cung để hầu hạ, lại đặt quan lưu thủ để trông coi”[10].

Thứ hai: Suốt hơn 1/3 thế kỷ trước đó Trần Thừa – Thượng hoàng đầu tiên của triều Trần (từ năm 1226 đến 1234) và Trần Cảnh – Trần Thái Tông, nhường ngôi cho con ngày 24 tháng 2 năm Mậu Thân (1258), thành vị Thượng hoàng thứ hai, cũng đã 3 năm ở cung Phụ Thiên (Bắc cung trong Hoàng thành Thăng Long). Như vậy, thành lập phủ Thiên Trường mà trung tâm là hành cung Thiên Trường đâu chỉ nhằm riêng mục đích để cho Thượng hoàng về ở!.

Cũng lưu tâm là, bao năm đó (1258-1262), lớp những người lính đầu bạc vẫn còn nhớ như in chuyện năm Nguyên Phong (Bạch đầu quân sĩ tại, Vãng vãng thuyết Nguyên Phong) – quân Trần lần đầu tiên giáp trận với giặc Thát Đát, đích thân vua Trần Cảnh (Trần Thái Tông) chỉ huy tại Bình Lệ Nguyên (nay là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) liên tiếp hai ngày (ngày 17 và 18 tháng 1 năm 1258); vua Trần trực tiếp dàn quân chặn giặc bên phía Bắc sông Nhị Hà, cả hai lần đều thất lợi (mà Toàn thư cho đó là “người Nguyên tắt đường vào cướp, kinh thành thất thủ”), triều đình lui về Hoàng Giang. Mười ngày sau, từ hậu phương này, với Linh từ Trần Thị Dung “giữ gìn hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp, lại khám xét thuyền các nhà chứa giấu quân khí đều đưa dùng vào việc quân”… vì thế mà để có chiến thắng Đông Bộ Đầu vào dịp tết ông Táo năm đó.

Và, hai tháng sau khi lập phủ, dựng hành cung Thiên Trường, thì tháng 3, xuống chiếu “cho các quân chế tạo vũ khí, chiến thuyền. Quân thủy, lục tập trận ở chín bãi phù sa sông Bạch Hạc”…

Gần 1/4 thế kỷ sau đó, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi một lần “Vua ngự đến hành cung Thiên Trường” vào tháng 9 năm Canh Ngọ (1270).

Trong khi đó, tại kinh thành Thăng Long không ngớt có “lũ sứ giả ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, lấy thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thỏa lòng tham khôn cùng, khoác hiệu Vân Nam vương mà hạch vàng bạc để vét kiệt của kho có hạn” (Hịch dụ chư tỳ tướng). Cuộc đụng đầu không tránh khỏi đã đến rất gần!… Hai tháng sau khi nhận được tin của Trấn thủ Lạng Châu về việc quân Nguyên đòi mượn đường đánh Chiêm Thành, thì tháng 10 năm Nhâm Ngọ (2/11-1/12/1282), vua Trần đã “ngự ra Bình Than, đóng ở vũng Trần Xá, họp vương hầu và trăm quan, bàn về kế sách đánh giữ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu”[11]. Và, những ngày đông năm Giáp Thân (1284), Thượng hoàng triệu các phụ lão về Kinh sư Thăng Long, đặt tiệc chiêu đãi bên thềm điện Diên Hồng và cũng đặt trước bô lão của các xóm, làng câu hỏi – như đặt trước các đại thần: Quân Nguyên đến nên hòa hay nên đánh?

Đấy là những sự kiện chưa từng có không chỉ với triều Trần, mà cả với các triều Ngô, Tiền Lê, Lý trước đó khi có nạn ngoại xâm.

Rõ ràng khi cả kinh thành, cả quốc gia sôi nổi chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, thì ngay tại hành cung Thiên Trường như tĩnh lặng!

Nhưng, đó là tĩnh lặng của Thiên Trường trong thế liên hoàn của Vũ Lâm (Ninh Bình) và miền Thanh – Nghệ… Bên bờ Nam sông Nhị trở thành nơi tập kết và củng cố lực lượng toàn quân, toàn dân… để làm bùng nổ những trận quyết tử, những chiến công oanh liệt Vạn Kiếp, Chương Dương, Hàm Tử mùa hạ năm 1285, Bạch Đằng 1288.
***

Hẳn không phải chỉ sau định công dẹp giặc Nguyên, Thượng hoàng Trần Thái Tông ngự về hành cung Thiên Trường năm 1289… mới có “cảnh thanh u vật diệc thanh u…, Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự, Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu…”. Nhưng rõ ràng, chặng đường hơn nửa thế kỷ từ một quý hương Tức Mặc, hành cung Tức Mặc, đến hành cung Thiên Trường – Đại Việt năm 1262 là quá trình bền bỉ của các thế hệ con dân họ Trần, trăm họ Đại Việt, của người anh hùng cư – trần – lạc – đạo nhập thân, hóa thân để từ Tức Mặc – quý hương của – một – dòng – họ đến hành cung Thiên Trường của cả quốc gia xã tắc. Quá trình đó vừa thể hiện sinh động, vừa minh triết tâm, thế, lực của một thời “vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”, để có ngày “Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tĩnh” cho “muôn thuở vững âu vàng” của quốc gia Đại Việt.
 
□ Chú thích: 

 
[1] “Loạn” Quách Bốc là từ Đại Việt sử ký toàn thư dùng. Còn Việt sử lược chỉ chép sự kiện năm Kỷ Tỵ (1209) khi nghe tin cha con Phạm Bỉnh Di bị vua Lý nghi ngờ, gọi về Kinh thành giam ở Thủy Viện, viên tướng thuộc quyền Di là Quách Bốc đã đem binh lính, hò reo xông vào triều. Khi cha con Di bị phe Phạm Du giết chết, quân Quách Bốc đột nhập vào cung, lấy xe ngự, chiếu ngự bọc, rước thây cha con Di, phá cửa Việt Thành ra bến Triều Đông, bắt Vương tử Lý Thần và Lý Sảm – con vua Lý, về Hải Ấp.
[2] Chưa rõ tác giả đời Trần, Trần Quốc Vượng (dịch và chú thích), Việt sử lược, Nxb. Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005. Những đoạn trích chữ in nghiêng trong bài này lần lượt thuộc các trang 110, 184, 189, 198, 199.
[3] Ngô Sỹ Liên và sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H., 1993. Các đoạn trích sử liệu này theo tập II, các trang 13, 15, 16, 17.
[4] “Loạn” – từ của Đại Việt sử ký toàn thư dùng: “Lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa.Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực bàn kín với vua là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy. Vì thế, Liễu họp quân ra sông Cái làm loạn”, Sđd, tr.15.
[5] Tham khảo bản Thống kê các thái ấp thời Trần của Nguyễn Thị Phương Chi, “Một vài nhận thức mới về nhà Trần”, in trong: Kỷ yếu hội nghị Khoa học Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội tháng 3/2011.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập II, tr.79-80.
[7] Việt sử lược, Sđd, tr.199.
[8] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập II, tr.10.
[9] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập II, tr.32.
[10] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập II, tr.32.
[11] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập II, tr.48.

Bài in trong: Tài liệu Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học tổ chức kỷ niệm 750 năm
Thiên Trường – Nam Định (1262-2012)”, Nam Định, tháng 9/2011, tr.1-10.


Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 08-03-2016.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây