Hiệu thế xã hội và xã hội cao áp: Trường hợp Việt Nam (PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ)

Thứ bảy - 12/08/2023 00:27
Trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ trên Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, Số 369, Tháng 9/2013.
 
1. Con người sinh ra là bình đẳng, nhưng trong lịch sử xã hội, nó đã và sẽ mãi mãi ở trong tình trạng bất bình đẳng. Lý tưởng về một xã hội đại đồng xưa kia hay về một xã hội cộng sản đích thực mai sau, có thể là một giấc mơ đẹp, nhưng cũng chỉ là những ước vọng ảo tưởng không thực tế. Mà một khi ước vọng không trở thành hiện thực, sẽ rất dễ chuyển thành thất vọng. Bản chất của xã hội loài người là đa nguyên, với một sự đa dạng phức hợp. Đa dạng sinh học, đa dạng tính cách, đa dạng thân phận. Từ đa dạng dẫn đến sự khác biệt hóa, có thể là do tự nhiên, cũng có thể là nhân tạo, do con người gây nên.
 
Tính đa nguyên, đa dạng và khác biệt xã hội đã tạo thành sự phân tầng xã hội. Lúc ban đầu, sự phân tầng xã hội có thể chỉ là quá trình khác biệt hóa về vai trò xã hội. Thí dụ, về lý thuyết, bảng danh mục “sĩ, nông, công, thương” trong xã hội Việt Nam truyền thống cũng chỉ là một sự phân công nghề nghiệp. Tuy nhiên, phân tầng thường dẫn đến phân hóa, tạo nên độ chênh lệch về thân phận và địa vị xã hội, đời sống kinh tế. Đồng thời, những người có cùng địa vị xã hội và chung cảnh ngộ lại tập hợp thành từng cộng đồng cư dân khác nhau. Do đó, trong xã hội đã xuất hiện những tầng lớp người phân biệt về sang hèn, giàu nghèo, hình thành những đẳng cấp và giai cấp trong lịch sử.
 
Trong các quốc gia phương Đông, đẳng cấp đã tồn tại từ rất sớm. Ngay từ khi ra đời, con người ta đã là một “homo-hiérarchicus” (con người tôn ti) như chữ dùng của Louis Dumont. Những đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ Bà La Môn mang nặng tính tôn giáo thần bí. Trong xã hội Trung Quốc Khổng giáo, hai đẳng cấp quan liêu và thứ dân mang màu sắc chính trị – xã hội, chuyển hóa thành hai tầng lớp người phân biệt về giá trị – văn hóa là quân tử và tiểu nhân. Trong xã hội phương Đông, phân tầng xã hội chủ yếu ở dạng thức đẳng cấp. Giai cấp đến sau, và là hệ quả kinh tế của cấu trúc đẳng cấp, giữ một vai trò thứ yếu.
 
Trong khi đó, ở các quốc gia phương Tây, nơi mà yếu tố kinh tế có tác động chi phối, ngự trị xã hội, sự phân tầng đẳng cấp đồng thời diễn ra cùng với hoặc đi sau sự phân hóa giai cấp: chủ nô và nô lệ, lãnh chúa và nông nô. Yếu tố sở hữu về tư liệu sản xuất giữ vai trò nổi trội trong việc hình thành và đối kháng giai cấp, đặc biệt trong chế độ tư bản chủ nghĩa Tây  u thế kỷ XIX, giữa hai giai cấp tư sản và vô sản. Karl Marx là người chú ý đến tiêu chí phân biệt mang tính chất kinh tế – sở hữu này, trong học thuyết giai cấp của ông.
 
Đối tượng nghiên cứu của K. Marx chủ yếu dựa trên các xã hội Tây  u giữa thế kỷ XIX, nơi mà dấu ấn của quyền sở hữu tư nhân đã in rất đậm và là thời kỳ mà chủ nghĩa tư bản đang ở giai đoạn phát triển cổ điển của nó. Tuy nhiên, ngày nay người ta có thể phản biện và xem xét lại những luận đề về giai cấp và đấu tranh giai cấp của ông, khi mà chúng ta thấy rằng ở các quốc gia phương Đông, yếu tố công hữu là phổ biến và vượt trội so với yếu tố tư hữu. Mặt khác, kể từ thế kỷ XX đến nay, bản thân chủ nghĩa tư bản cũng có rất nhiều thay đổi, dưới tác dụng của sự phát triển khoa học công nghệ và chế độ sở hữu cổ phần.
 
Một tác giả tự nhận là phát huy tinh thần của K. Marx và cố gắng đi xa hơn K. Marx trên chủ đề giai cấp xã hội là Ralf Dahrendorf (1929-2009), người Anh gốc Đức. Trong cuốn sách nổi tiếng của ông xuất bản năm 1959 là Class and class conflict in industrial society (Giai cấp và xung đột giai cấp trong xã hội công nghiệp)[2], R. Dahrendorf đã lập luận rằng tiêu chuẩn định tính cho giai cấp cơ bản dựa trên sự phân biệt về quyền sở hữu những tư liệu sản xuất là hạn hẹp, và muốn mở rộng tiêu chí đó đến lĩnh vực quyền lực. R. Dahrendorf viết: “Trong mọi tổ chức xã hội đều có một sự phân phối khác nhau về quyền lực và quyền hành… Sự phân phối khác nhau về quyền lực và quyền hành đó luôn luôn sẽ trở nên một nhân tố quyết định của những xung đột xã hội có hệ thống của một loại hình tương thích với những xung đột giai cấp, được hiểu theo nghĩa truyền thống của từ này… Nguồn gốc cấu trúc của những xung đột nhóm như thế phải tìm kiếm ở sự sắp xếp những vai trò xã hội được giao phó, với vị thế thống trị hoặc vị thế thần phục”[3]. Theo R. Dahrendorf, sự phân phối quyền lực trong xã hội cũng giống như một trò chơi đánh bạc với tổng số tiền đặt cược không đổi (zero-sum game), trong đó người này thắng thì người khác thua, tổng số tiền được cũng bằng tổng số tiền mất.
 
Như vậy, chúng ta cần thay thế khái niệm chiếm hữu và phi chiếm hữu hay quyền sở hữu tư nhân có hiệu lực bằng khái niệm “sự thực thi quyền lực” và “sự bị tước đoạt quyền lực” như tiêu chí của sự hình thành giai cấp. Và xã hội có thể đã bị phân chia thành “giai cấp chỉ huy” và “giai cấp vâng lệnh”, và xung đột giai cấp cần dựa trên tình trạng của cuộc đấu tranh giữa những người có quyền lực và những người không có quyền lực.
 
Geert Hofstede (người Hà Lan, sinh năm 1928) tán đồng luận điểm của R. Dahrendorf, nhưng thiên về lĩnh vực văn hóa tâm lý, khi đưa ra thuật ngữ “chỉ số khoảng cách quyền lực” (power distance index). Trong “Lý thuyết về chiều kích quyền lực” của mình, G. Hofstede chủ trương rằng trong những tổ chức và thiết chế bao giờ cũng có những nhóm người nhiều quyền lực và những nhóm ít quyền lực, sự phân chia quyền lực là bất bình đẳng và thường được xã hội chấp nhận[4].
 
Joseph Stiglitz (sinh năm 1943) – nhà kinh tế học Mỹ đoạt giải Nobel 2001, trong cuốn sách mới nhất của mình The Price of inequality: How today’s divided society endangers our future (Cái giá của sự bất bình đẳng: Xã hội phân cách ngày nay gây nguy hiểm cho tương lai của chúng ta như thế nào)[5], đã đưa ra thuật ngữ “xã hội phân cách cao” (a highly divided society), khi nói về nước Mỹ và thế giới đương đại, trong đó “sự bất bình đẳng đã đạt tới mức không thể tha thứ được” giữa những “người có” và những “người không có” (haves and have-nots), và chúng ta đang phải trả giá đắt cho sự bất bình đẳng đó. Theo ông, khi một nhóm thiểu số nắm giữ quá nhiều quyền lực, họ sẽ đặt ra những chính sách chỉ có lợi cho bản thân họ mà không phục vụ cho toàn xã hội. Điều đó sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế quốc dân, lòng tin của dân chúng vào chính quyền và nền pháp trị. J. Stiglitz cho rằng quyền lực phục vụ cho lòng tham, và vì vậy, muốn chế ngự quyền lực, phải chế ngự lòng tham.
 
Sự bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng cao thì cái giá phải trả cũng theo đó ngày càng tăng cao, nếu như chúng ta không làm một điều gì đó.
 
Thực ra, bất bình đẳng xã hội có mặt trong mọi khung không gian và thời gian lịch sử, nhưng có phần phức tạp và đa dạng hơn điều chúng ta tưởng. Không nên chỉ dùng một tiêu chuẩn nhất định và hạn hẹp để phân biệt, tựa như quyền tư hữu về tư liệu sản xuất. Trong các xã hội phương Đông, yếu tố công hữu nhà nước và tập thể chiếm ưu thế lớn so với sở hữu tư nhân. Ngày nay, khi quá trình xã hội hóa phát triển, quyền tư hữu cá nhân cũng mất dần vai trò chủ chốt. Như vậy, trong các xã hội phương Đông hay trong xã hội hiện đại, nổi bật lên tầm quan trọng của quyền quản lý, kiểm soát và chi phối các tư liệu sản xuất và tài sản, cũng như việc quyền đó thuộc về ai, thực sự do những người nào nắm giữ?
 
Hơn nữa, sự khác biệt và bất bình đẳng không chỉ thể hiện hoặc chủ yếu thể hiện ở khía cạnh kinh tế, mà còn bao hàm nhiều mặt khác như quyền lực chính trị, vị thế xã hội, mức sống và lối sống, tâm lý ứng xử văn hóa. Suy rộng ra, cũng như trong một mạch điện luôn luôn tồn tại một hiệu điện thế, trong xã hội cũng luôn luôn tồn tại một khoảng cách chênh lệch giữa hai tầng lớp người khác nhau, nhóm cầm quyền bên trên và quần chúng nhân dân bên dưới. Khoảng cách chênh lệch đó mang tính phức hợp và bao quát, dù chỉ số lớn hay nhỏ. Có thể coi đó chính là một “hiệu thế xã hội”. 
 
2. Trong lịch sử, hiệu thế xã hội tồn tại trong mọi xã hội, với những chỉ số khác nhau. Một xã hội khi mới hình thành, hiệu thế xã hội thường ở mức thấp. Theo quá trình phát triển tiến hóa, hiệu thế xã hội sẽ dần dần gia tăng. Độ chênh biến thành độ căng, hiệu thế xã hội sản sinh ra áp lực xã hội. Đến lượt áp lực xã hội tạo thành mâu thuẫn xung đột, nếu không được hóa giải kịp thời, sẽ vượt ngưỡng giới hạn và dẫn đến hiện tượng bùng nổ, thể hiện qua những cuộc đảo chính, nổi dậy hoặc cách mạng. Mô hình thiết chế xã hội cũ bị phá vỡ, nhường chỗ cho một mô hình thiết chế mới, với hiệu thế xã hội giảm về mức tối thiểu. Nếu con người (nhà cầm quyền và quần chúng) biết chủ động hạ thế và xả áp, có khả năng tránh khỏi được bùng nổ, đổ vỡ. Quá trình chuyển đổi mô hình sẽ diễn ra một cách hòa bình êm thấm. Đó là thành quả của ý thức sáng suốt để chủ động cải cách, đổi mới. Tuy nhiên, không phải là lúc này mọi việc đã được giải quyết. Theo một đà tiến triển tự nhiên, hiệu thế xã hội lại tái xuất hiện, dần dần từng bước gia tăng, tạo thành những mâu thuẫn xung đột mới, có thể dẫn đến những nguy cơ bùng nổ mới. Đó là một quy trình tiến hóa mang tính chu kỳ.
 
Sự khôn ngoan của con người, trước hết là của nhà cầm quyền, là cần chấp nhận sự thực khách quan, công nhận tính phức tạp và sự đối lập luôn tồn tại trong xã hội, và cần xử lý một cách hợp lẽ, tìm ra cơ chế để ổn định hiệu thế và áp lực xã hội. Ở đây, chính quyền có chức năng một máy biến thế – ổn áp. Khi áp lực gia tăng, một sự kìm nén đóng kín hoặc một hành động trấn áp sẽ chẳng giải quyết được gì, mà chỉ càng làm tăng thêm mối đe dọa bùng nổ. Ngược lại, một sự hạ thế, hạ áp đúng lúc, kịp thời mở hệ thống van xả an toàn, chủ động tháo gỡ ngòi nổ rất có thể tránh được nguy cơ, cải thiện tình thế.
 
Tóm lại, kiến tạo và duy trì một xã hội hạ thế – hạ áp, không chấp nhận mô hình xã hội cao thế – cao áp có thể là một phương án tối ưu cho môn xã hội học quyền lực và cho những nhà hoạch định chính sách.
 
Như trên đã nói, một xã hội cao thế – cao áp luôn luôn tồn tại một hiệu thế xã hội cao. Đó là khoảng cách biệt giữa tầng lớp bên trên thống trị xã hội và quảng đại quần chúng bị trị, thể hiện trong nhiều mặt, trước hết là quyền lực chính trị, tiếp theo là địa vị xã hội và thế lực kinh tế – văn hóa.
 
Trong xã hội cao thế – cao áp, sự tập trung quyền lực và của cải ở mức vượt ngưỡng cho phép. Một số người chiếm một tỷ lệ nhỏ so với quần chúng nhưng lại có quyền và tiền ở mức quá lớn. Số phận đất nước của toàn dân bị đặt dưới quyền chi phối của một vị quân vương chuyên chế, một nhóm nhỏ quyền thần, một giai tầng hay một tập đoàn thống trị thiểu số mà các nhà nghiên cứu gọi là thể chế oligarchy (chế độ quyền phiệt).
 
Trong khi đó, một xã hội hạ thế – hạ áp có những chỉ dẫn ngược lại. Hiệu thế xã hội được duy trì ở một giới hạn cho phép, càng thấp càng tốt. Như một hệ quả, số người nắm giữ quyền lực và hưởng thụ quyền lực được mở rộng đến mức tối đa. Đó là một xã hội hòa dịu, một xã hội trong đó đại đa số người dân được trao và hưởng những quyền lợi đích thực, tạo nên một thứ “quyền lực của những người không quyền lực”.
 
3. Việt Nam là một quốc gia phương Đông. Cấu trúc xã hội Việt Nam truyền thống là một sự lai ghép giữa một cơ tầng bản địa Đông Nam Á với một mô hình thiết chế Đông Á Trung Hoa, được biến cách qua thực tiễn lịch sử – văn hóa. Các tác giả phương Tây thời cận đại thường định tính xã hội đó bằng thuật ngữ quen dùng là “nền chuyên chế phương Đông” (despotisme oriental) vay mượn từ Charles de Secondat Montesquieu (1689-1755), một tác giả chủ chốt của trào lưu tư tưởng “Khai Sáng” Pháp thế kỷ XVIII. Cũng giống như nhiều quốc gia phương Đông khác, sự phân tầng xã hội ở Việt Nam truyền thống đã chủ yếu diễn ra dưới dạng thức phân hóa đẳng cấp, tương tự giống như ở Trung Hoa Khổng giáo. Điểm xuất phát của sự phân tầng này là sự khác biệt và độ chênh lệch về quyền lực chính trị và địa vị xã hội, tiếp theo sau mới là về đời sống kinh tế – văn hóa.
 
Thời xưa, người ta thường quan niệm xã hội Việt Nam được phân chia thành 4 giới “sĩ, nông, công, thương”. Thực ra, đó chỉ là 4 loại dân chúng (tứ dân) khác nhau về nghề nghiệp, nhưng đều không phải là quan. Tầng lớp “sĩ” (học trò, những người biết chữ, đỗ đạt khoa bảng) đứng đầu bảng xếp hạng, được trọng vọng, nhưng cũng chỉ là vườn ươm của đẳng cấp quan liêu. Vì trong thực tế, chỉ một tỉ lệ rất nhỏ những nho sinh là được thành đạt và được bổ làm quan. Mặt khác, không nhất thiết tất cả các quan liêu đều xuất thân từ giới sĩ. Giới nho sĩ thường được coi là giai tầng thượng lưu trong xã hội về phương diện học thức văn hóa, nhưng không phải là đẳng cấp nắm giữ quyền lực trong xã hội, cũng không phải là tầng lớp có thế lực hay đặc quyền về kinh tế.
 
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, các sách giáo khoa chính thống lại thường mô tả cấu trúc xã hội Việt Nam bao gồm hai giai cấp chính: địa chủ và nông dân. Cách phân loại đó không sai nhưng không bao quát, chưa phản ảnh đúng thực chất lịch sử. Giai cấp địa chủ là tầng lớp người có đất (mà thường là địa chủ nhỏ), nhưng không phải là đẳng cấp nắm giữ quyền lực. Trong các làng xã, những địa chủ có thế lực, tức như tầng lớp cường hào, thường cũng là những chức sắc, có phẩm hàm. Mặt khác, đại đa số người làm quan ngày xưa tuy là tầng lớp cầm quyền nhưng không phải là địa chủ. Những quan chức giàu có, thế lực kinh tế lớn không phải do nguồn bóc lột kinh tế (phát canh thu tô), mà chủ yếu thông qua những hình thức bóc lột phi kinh tế, những thủ đoạn lạm quyền tham nhũng. Nhiều quan chức vẫn sống một cuộc sống thanh bạch đạm bạc với đồng lương ít ỏi, nhất là những quan chức ở ngoài ngạch quản lý hành chính, mà Phạm Đình Hổ gọi là “việc quan nhàn rỗi không đủ tiêu” (Vũ trung tùy bút).
 
Vậy thì trên thực tế, xã hội Việt Nam truyền thống đã phân chia thành hai đẳng cấp chính: quan liêu là đẳng cấp nắm giữ quyền lực, và thứ dân là đẳng cấp không có quyền lực hoặc có rất ít quyền lực. Từng đẳng cấp lại bao gồm nhiều thành phần khác nhau. Đứng đầu đẳng cấp quan liêu là vị hoàng đế có uy quyền tối thượng và toàn năng trên danh nghĩa. Cấp dưới và phụ giúp quan liêu là các thuộc lại. Thành phần trong đẳng cấp thứ dân khá đa dạng. Tầng lớp “sĩ” được coi là đứng đầu tứ dân thực chất là một tầng lớp dọc xuyên đẳng cấp, có gốc rễ là bình dân và đỉnh ngọn là quan liêu.
 
Chúng ta nhận thấy trong xã hội Việt Nam truyền thống, điểm xuất phát của hiệu thế xã hội chính là một khoảng cách quyền lực mang tính chất chính trị – xã hội. Độ chênh lệch về đời sống kinh tế – văn hóa chỉ là hệ quả của độ chênh lệch quyền lực. Dạng thức chuyển hóa diễn biến theo véc tơ quyền à tiền, trái với phương Tây có chiều ngược lại (tiền à quyền).
 
Quyền hành tạo nên lợi lộc. Thông qua những vụ xét xử án kiện, cất nhắc bổ nhiệm các quan lại cấp dưới, lạm thu thuế má lao dịch, những viên quan không giữ được đức liêm rất dễ rơi vào tệ nhận hối lộ, từ đó trở nên giàu có.
 
Với những đặc quyền ưu đãi khác như chế độ được phong tước ấm, chuộc tội bằng tiền, có những tiêu chuẩn đặc biệt trong sinh hoạt như nhà cửa, đồ đạc, quần áo, quan liêu đã tạo lập và củng cố được uy thế cho bản thân và gia đình, cuộc sống khác biệt xa cách với đám thường dân.
 
Trong khi đó, tầng lớp bình dân là những con người thấp cổ bé họng, trong tay không có một quyền lực gì, ngoài quyền được/phải quần quật làm việc khó nhọc và cúi đầu vâng lời phục tùng, chấp nhận một cuộc sống chịu đựng nghèo khổ. Qua nhiều thế kỷ, cấu trúc xã hội hầu như không thay đổi, hiệu thế xã hội luôn luôn tồn tại ở mức cao. Xã hội Việt Nam truyền thống là một xã hội cao thế.
 
Trong cuốn Việt Nam phong tục (1912), tác giả Phan Kế Bính đã đưa ra một hình ảnh khá trung thực và sinh động về quan hệ quan – dân trong xã hội Việt Nam xưa: “Cũng vì thói chuyên chế mà quan với dân xa cách nhau một trời một vực. Quan thì coi dân như cỏ như rác, dân thì coi quan như cọp như beo. Dân vào đến cửa quan nhiều kẻ so vai rụt cổ, run lập cập nói chẳng ra hơi, mà quan động đi đến đâu thì ầm ầm như sấm như sét, làm thực rõ ra mặt hách dịch”[6].
 
Xã hội cao thế tất yếu dẫn đến xã hội cao áp. Tuy nhiên, xã hội Nho giáo là một nền chuyên chế mềm mang tính gia trưởng. Con người từ nhỏ đã được dạy dỗ, thực hành trong gia đình và ngoài xã hội, đã thấm nhuần những quan niệm, lễ giáo về tôn ti định phận. Trong tâm thức, họ vẫn hy vọng vào những vị quan liêm khiết, xứng đáng là bậc cha mẹ của dân chúng (dân chi phụ mẫu). Nhưng khi phải đối mặt với thực tiễn của tệ nạn tham quan ô lại, họ cũng phản ứng lại bằng những lời đàm tiếu dân gian như các câu “miệng quan trôn trẻ”, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.
 
Người nông dân làng xã Việt Nam – chủ thể của đẳng cấp thứ dân – vốn bản tính chất phác hiền lành, nhẫn nhục, thụ động “bảo xôi ừ xôi, bảo thịt ừ thịt”, cũng vẫn như Phan Kế Bính nhận xét. Nhưng đã hiền thì dễ cục, dễ nổi giận. Khi không còn chịu đựng được nữa, tức khi độ căng xã hội đã vượt ngưỡng, họ sẵn sàng nổi dậy làm loạn, tuy biết rằng rất khó thành công và sẽ phải trả giá bằng tính mạng. Những cuộc nông dân bạo loạn xảy ra khá thường xuyên trong các triều đại đã minh chứng điều đó.
 
Mặt khác, nền chuyên chế mềm mang tính gia trưởng cùng với ảo tưởng về một nền “dân chủ làng xã” cũng phần nào làm hòa dịu những mâu thuẫn và áp lực xã hội. Quan liêu Việt Nam không giống như đẳng cấp quý tộc lãnh chúa thế tập trong xã hội Tây  u trung đại. Về nguyên lý, họ không phải là những ông chủ có toàn quyền đối với các thần dân trong địa hạt trấn trị của mình, mà chỉ là các bậc cha mẹ chăn dắt và giáo huấn dân chúng. Nông dân làng xã Việt Nam cũng không phải là thân phận của những nông nô thái ấp như ở Tây  u. Ở một mức độ, họ là những con người tự do có quyền bình đẳng bầu cử, lựa chọn ra bộ máy chức sắc đại diện cho dân làng. Với tâm lý hướng thượng, trọng hư danh địa vị, họ tập trung ý chí cố gắng để có được một vị trí, vai vế cao hơn trong hệ thống tôn ti làng xã.
 
Cuối cùng, chế độ toàn trị Nho giáo đã huy động mọi phương tiện của hệ thống chính trị, kết hợp sử dụng lễ giáo và hình pháp, từ trong gia đình, làng xóm đến ngoài xã hội để tạo nên một mặc cảm tự ti và cam chịu trong quần chúng. Do vậy, xã hội Việt Nam truyền thống thời trung đại, tuy vẫn là một xã hội cao thế – cao áp, nhưng ít có khả năng và cơ hội bùng nổ. Đó là một xã hội cao áp tiềm ẩn. Mô hình xã hội không bị phá vỡ, thay thế, nhưng đã lâm vào sự khủng hoảng trì trệ, không lối thoát. Nó chỉ bị rạn nứt và từng bước tự hủy dưới tác động của một sự va đập xã hội từ bên ngoài, ở đây là cuộc chinh phục và đô hộ của các thế lực thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX.
 
4. Xã hội Việt Nam thời thuộc Pháp là một sự chuyển đổi mô hình, lai ghép các yếu tố phong kiến truyền thống với những yếu tố tư bản thuộc địa. Hiệu thế xã hội cũng chuyển sang một dạng thức mới, dần dần gia tăng, tạo nên những xung đột xã hội âm ỉ hoặc bột phát. Đẳng cấp nắm quyền thống trị lúc này trước hết là hệ thống bộ máy chính quyền thực dân ở thuộc địa bao gồm các quan chức, sĩ quan, các nhà tư bản kinh doanh người Pháp. Gắn liền với bộ phận này là tầng lớp các công chức cao cấp người Việt làm việc cho Pháp, giới quan lại Nam triều hợp tác với Pháp, số đại địa chủ có liên hệ mật thiết với chính quyền thực dân. Đẳng cấp bị trị là mọi tầng lớp xã hội còn lại, có bề mặt đáy là khối quần chúng nhân dân lao động. Hiệu thế xã hội thời kỳ này chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn dân tộc, lồng ghép vào mâu thuẫn đẳng cấp và mâu thuẫn giai cấp.
 
Thời đoạn lịch sử trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) đã là cao điểm của những mâu thuẫn xung đột trong xã hội Việt Nam, lúc này trở thành một xã hội cao áp. Hệ quả dẫn đến là sự bùng nổ cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với một mô hình xã hội mới. Dân tộc được giải phóng và hiệu thế xã hội lúc này đã sụt giảm đến mức tối thiểu. Trong khí thế cách mạng và tinh thần đoàn kết dân tộc, mọi tầng lớp xã hội thấy cần và có thể xích lại gần gũi nhau hơn.
 
Ba thập kỷ tiếp theo được đánh dấu bởi hai cuộc chiến tranh yêu nước ác liệt, đã tập hợp và thu hút mọi lực lượng và tiềm năng của đất nước, làm chậm đi quá trình phân hóa xã hội và hòa hoãn mọi xung đột xã hội. Các phong trào đánh đổ địa chủ trong Cải cách ruộng đất và cải tạo chống tư sản trong thời kỳ này chỉ nên coi như những cuộc vận động chính trị do chính quyền cách mạng tổ chức và phát động, mà không phải là những cuộc xung đột xã hội trực tiếp giữa tầng lớp bị trị và tầng lớp thống trị xã hội. Điều đó có nghĩa là hiệu thế xã hội lúc này vẫn duy trì ở mức độ thấp. Nhìn chung, xã hội Việt Nam trong thời đoạn này vẫn là một xã hội hạ thế.
 
Tuy nhiên, diễn biến của tình hình xã hội Việt Nam đã đổi khác kể từ khi đất nước thống nhất năm 1975 và nhất là từ khi bước vào giai đoạn Đổi mới được khởi xướng từ năm 1986. Do nhiều nguyên nhân, tác động, quá trình phân hóa xã hội dần dần gia tăng, biên độ hiệu thế xã hội ngày càng trở nên lớn.
 
Hiện nay, như hệ quả của một quá trình vừa phân tầng vừa kết nhóm xã hội, nhìn một cách khái quát, trong xã hội Việt Nam đã dần dần hình thành hai giai tầng dân cư khá khác biệt mang tính chất đẳng cấp. Một tầng lớp đa thành phần tập trung nắm giữ quyền thế về chính trị và kinh tế ở bên trên, và quảng đại quần chúng nhân dân cũng gồm nhiều thành phần, không có hoặc có rất ít quyền lực ở bên dưới. Về mặt kinh tế – xã hội, điều này đã phản ánh trong sự phân hóa giàu nghèo ngày càng khốc liệt và sự cách biệt về lối sống ngày càng tương phản rõ rệt.
 
Trong quá trình phân tầng xã hội, tác nhân ban đầu thường xuất phát từ độ chênh về quyền lực, sự bất bình đẳng về vị thế chính trị, sau dẫn đến một hiệu thế xã hội toàn diện ngày càng gia tăng. Những mâu thuẫn xã hội và xung đột xã hội nảy sinh, báo hiệu nguy cơ của một xã hội cao áp.
 
Do cơ chế hiện hành tập trung quyền lực ở mức độ cao, do ý thức dân chủ kém phát triển ở cả từ hai phía – chính quyền và người dân, sự yếu kém của khâu giám sát dân sự từ dưới lên trong môi trường thiếu minh bạch thông tin, tệ lạm quyền đã tìm được một mảnh đất màu mỡ và một khí hậu thuận lợi để bén rễ và sinh trưởng. Một bộ phận cán bộ quan chức thoái hóa các cấp – với số lượng ngày càng tăng nhiều – đã lợi dụng quyền lực của mình làm vốn kinh doanh trục lợi, chuyển hóa thành tài sản kinh tế, tiền bạc đất đai dưới mọi hình thức khác nhau của tệ tham nhũng. Đối tượng kết nối của những quan tham này là giới doanh nhân cơ hội xảo quyệt, sẵn sàng bỏ tiền ra mua những quan hệ móc ngoặc mờ ám với chính quyền, để đạt được những mối lợi béo bở trong việc đấu thầu các dự án, quy hoạch, tiếp cận biết trước các thông tin mật nội bộ rò rỉ, tạo nên một chu trình khép kín hoán chuyển quyền à tiền à quyền, trong đó cả đôi bên cùng hưởng lợi.
 
Kết quả là một tầng lớp đại gia các ông/bà lớn trong giới quan chức thượng tầng, liên kết với các ông/bà chủ nắm giữ các tập đoàn, tổng công ty và công ty lớn, móc nối với các thế lực tư bản nước ngoài làm tấm khiên che chắn và chiếc gậy chống lưng đã hình thành, tạo nên những nhóm lợi ích mafia, những liên minh ma quỷ đầy thế lực, thâu tóm quyền hành và tiền bạc, chi phối và thao túng đời sống kinh tế – xã hội.
 
Ở cực bên kia là khối quần chúng đa thành phần, có bề mặt đáy là các giai cấp cần lao công nông, một thời từng được vinh danh là lực lượng lãnh đạo và quân chủ lực cách mạng, nhưng hiện nay trên thực tế đã không có hoặc có rất ít quyền hành và quyền lợi. Công nhân bị vắt kiệt sức lao động, bị chủ tư bản trong và ngoài nước áp bức bóc lột, bị hạn chế quyền đấu tranh bãi công, phải chèo chống mưu sinh trước sóng gió lạm phát. Giai cấp nông dân bị phân hóa sâu sắc. Một số ít do cần cù năng động, may mắn hoặc nhiều mưu mẹo, đã giàu phất lên nhanh chóng, trong khi đa phần vẫn sống ở mức cận nghèo hoặc nghèo. Trong một số địa phương, những nông dân mất đất do bị thu hồi quyền sử dụng đất đai qua những dự án phát triển công nghiệp và đô thị, bị áp đặt giá đền bù không thỏa đáng, với tâm lý bức xúc và bất mãn, đã nổi dậy đấu tranh, gây nên những vụ xung đột, bất ổn xã hội.
 
Những tầng lớp trung gian, đông đảo và pha tạp, nhìn chung đã có một thái độ ứng xử trung tính hoặc hai mặt nước đôi trước thực tiễn xã hội. Không có quyền lực và cũng không ý thức đầy đủ về các quyền dân sự chính trị của người công dân, nhưng cũng không đến nỗi quá bức bách về điều kiện sinh hoạt kinh tế, họ bị cuốn hút vào những lo toan sinh kế và ám ảnh bởi những nỗi sợ hãi trong đời thường. Vì thế, họ thường tỏ ra thờ ơ, bàng quan với những sự kiện, diễn biến bên ngoài không liên quan trực tiếp tới cuộc sống của họ. Tầng lớp trí thức cũng phân rẽ trong suy nghĩ và hành xử, nhìn chung nhiều trăn trở ưu tư nhưng ít phản ứng, phản biện tích cực. Cũng tương tự như vậy đối với giới trẻ. Một số ít có tinh thần trách nhiệm, chí tiến thủ và hoài bão. Số đông hơn có thái độ thụ động cầu an. Một số khác trở thành sa đọa, tội phạm. Tệ tham nhũng, thói giả dối, thái độ vô cảm trước cái ác đang trở thành những hội chứng trầm kha. Những đốm sáng về Chân – Thiện – Mỹ vẫn lấp lóe đâu đó, nhưng không đủ lấn át gam màu tối xám chủ đạo của bức tranh toàn cảnh. Tóm lại, cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng hiện nay, sự phân hóa, phân cực đang diễn ra trầm trọng trong xã hội chúng ta, ở mức đáng báo động, ẩn chứa những ngòi nổ, với nguy cơ tồn tại một xã hội cao thế – cao áp.
 
Tuy nhiên, cũng như trong xã hội truyền thống, vì nhiều lý do, những mâu thuẫn xung đột có thể vẫn ít bộc lộ công khai mà ngấm ngầm tích lũy. Đó là những đợt sóng ngầm xô đẩy dưới một mặt nước dường như vẫn phẳng lặng ở bên trên. Nhưng nếu chúng ta không nhận thấy, hoặc cố tình không thừa nhận thì những tai họa có khả năng xảy đến bất cứ lúc nào, với những hậu quả khôn lường.
 
Quay trở lại với vấn đề hiệu thế xã hội ở Việt Nam ngày nay và nguyên nhân sâu xa của nó. Đây không phải là do kết quả của một quá trình phân hóa tự nhiên về mặt kinh tế, mà điểm xuất phát của nó bắt nguồn từ một độ chênh lệch không bình thường về quyền lực chính trị, từ tình trạng bất bình đẳng trong việc phân phối quyền lực xã hội. Một tầng lớp thiểu số nắm giữ tập trung, thâu tóm quá nhiều quyền lực không san sẻ, nhưng lại không thực sự đại diện cho tầng lớp ưu tú xã hội cả về khả năng lẫn tư cách. Trong khi đó, đông đảo quần chúng rất ít có điều kiện và cơ hội tham gia vào việc quản lý xã hội một cách thực chất, không được thụ hưởng hoặc bị tước đoạt nhiều quyền dân sự chính đáng. Khoảng cách quyền lực là đầu mối dẫn đến độ chênh lệch, tương phản mang tính vô đạo đức, không thể chấp nhận được giữa các giai tầng xã hội hiện nay về mức thu nhập kinh tế, tài sản, lối sống và sự hưởng thụ văn hóa. Đó là sự nhạo báng ghê gớm đối với những mục tiêu, khẩu hiệu mà chúng ta đã đề ra về việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trước một xã hội cao thế – cao áp, nếu chúng ta không kịp thời mở những van xả, thực hiện dân chủ đích thực, hướng tới việc giảm thiểu vững chắc hiệu thế xã hội, tiến hành một sự phân phối lại quyền lực xã hội, tạo điều kiện xây dựng một xã hội hạ thế – hạ áp giàu tính nhân văn, thì viễn cảnh tương lai vẫn là mờ mịt.
 
Một xã hội rất đỗi bình thường, khiêm tốn, trong đó mọi người có thể được sống bình yên cũng chưa thể ở trong tầm tay, thì còn nói gì tới mơ ước một xã hội không còn bất công, bóc lột và áp bức, “mình vì mọi người và mọi người vì mình” như trong lý tưởng về một thế giới đại đồng?
 
Bài viết được đăng tại: Việt Nam học – Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ tư: Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững, Thành phố Hà Nội, 26-28.11.2012, Tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013; Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, Số 369, Tháng 9/2013, tr. 17-24.
 
□ Chú thích
[2] Dahrendorf R. (1959), Class and class conflict in industrial society, Stanford University Press, Stanford.
[3] Dahrendorf R. (1959), Class and class conflict in industrial society, p. 165.
[4] Hofstede G. (2001), Culture’s consequences: Comparing Values, Behaviors, Institutions and Organizations Across Nations, Second Edition, Sage, Thousand Oark.
[5] Stiglitz J. (2012), The Price of inequality: How today’s divided society endangers our future, W.W. Norton & Company, New York. Xem thêm Bernstein J. (2012), “The Price of inequality: Interview with Joseph Stiglitz”, Rolling Stones Politics, 25/6/2012.
[6] Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp, Đồng Tháp, tr. 218.

Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 10-03-2017.
 Tags: giới thiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây