1. Khảo cổ là gì?
Có người hỏi tôi: Khảo cổ học là khoa học nhân văn hay khoa học tự nhiên?
Lại có người có người tếu táo bảo tôi rằng: Khảo cổ học là ngành “đào mồ quốc mả” thì phải!
Người hài hước thì nói: Khảo cổ học là khoa học nghiên cứu thùng rác!
Cũng có người tò mò: Khảo cổ học có đào tìm được nhiều cổ vật hay không?
Nghiêm túc thì có người thắc mắc: Khảo cổ học là khoa học về những cái bình vỡ có phải không?
Và, nhất là khi có công trường khai quật khảo cổ học, người dân địa phương xung quang thường hiếu kỳ và tụ tập quan sát các nhà khảo cổ làm việc, luôn hỏi: Đã tìm thấy vàng chưa?…
Đúng là, đến nay có nhiều cách hiểu dân gian về một lĩnh vực của khoa học Lịch sử: Khảo cổ học. Đồng thời, trong khoa học Khảo cổ cũng có nhiều định nghĩa khác nhau về ngành học đặc thù này.
Nhà khảo cổ học người Anh là D. Clarke đã đưa ra một định nghĩa kinh điển: “Khảo cổ học là một môn khoa học, lý luận và thực tiễn của nó đòi hỏi phải sử dụng các phương pháp gián tiếp để phát hiện ra các hành vi không thể quan sát của nhân loại từ các nguồn tài liệu không hoàn chỉnh”[1].
Nhà khảo cổ học người Mỹ là D.B. Dickson định nghĩa khảo cổ học là: “Một bộ phương pháp dùng để phát hiện hệ thống, miêu tả và nghiên cứu hoạt động quá khứ của nhân loại. Phương pháp khảo cổ học truyền thống bao gồm: điều tra điền dã, kỹ thuật khai quật, ghi chép chính xác, quá trình định niên đại và phân tích trong phòng tường tận. Khảo cổ học là một loại phương pháp như vậy, nó có thể giúp chúng ta sử dụng hình thức cụ thể di tồn vật chất hoạt động con người thời tiền sử và lịch sử để kiểm nghiệm lý luận và mô thức quá khứ hữu quan”[2].
Nhà khảo cổ học người Anh là C. Renfrew và P. Bahn định nghĩa Khảo cổ học: “Một bộ phận Khảo cổ học là sưu tầm báu vật cổ đại, một bộ phận là nhà khoa học nghiên cứu tỷ mỉ, một bộ phận theo nghiệp tưởng tượng có tính sáng tạo. Nó chính là khai quật khó khăn dưới nắng nóng gay gắt của sa mạc Iraq, quan sát người Eskimo trong tuyết băng lạnh giá của vùng Alaska, lặn ngụp khảo sát tàu đắm Tây Ban Nha dưới đáy biển Florida, khám phá dưới cống ngầm thành phố York của thời kỳ La Mã, nó đều là những công việc tiến hành giải thích cực kỳ gian nan. Để tiện lý giải những công việc như này và phát hiện ý nghĩa trong lịch sử nhân loại. Do đó, Khảo cổ học là một loại lao động sức lực ngoài trời, đồng thời cũng là sáng tạo trí tuệ trong phòng sách và phòng thực nghiệm. Đây chính là những hấp dẫn mê hoặc to lớn mà khảo cổ vốn có”[3].
Bách khoa toàn thư Britannica định nghĩa: “Khảo cổ học, là khoa học nghiên cứu về vật chất còn sót lại từ cuộc sống và hoạt động của con người trong quá khứ. Chúng bao gồm các di vật của con người từ những công cụ đá hay xương đầu tiên đến các đồ dùng được chôn cất hoặc vứt bỏ tồn tại đến ngày nay. Khảo sát khảo cổ học là nguồn kiến thức chính về nền văn hóa thời tiền sử, cổ đại và đã mất”[4].
|
 |
Bộ luật Hammurabi (Codex Hammurabi)
Vị vua thứ sáu của Babylon là Hummurabi cho khắc khoảng thập niên 1760 BC Hiện vật tàng trữ trong Viện Bảo tàng Louvre ở Paris
Tóm lại, Khảo cổ học là một ngành khoa học nghiên cứu về thời kỳ cổ xưa thông qua di tích và di vật thu thập được từ các hoạt động khai quật khảo cổ học. Khảo cổ học dựa trên các nguyên lý cơ bản: nguyên lý chồng xếp địa tầng (sớm ở dưới, muộn ở trên), nguyên lý ba thời đại (Đá, Đồng, Sắt), nguyên lý tiến hóa sinh học và kỹ thuật (sớm lạc hậu, muộn tiên tiến)… Khảo cổ học là ngành khoa học có sự kết hợp giữa khoa học nhân văn (lịch sử, dân tộc học, nghệ thuật) và khoa học tự nhiên (địa chất, sinh học, vật lý, hóa học).
Trên thế giới, Khảo cổ học manh nha từ đầu thế kỷ XV với hứng thú sưu tầm cổ vật, hình thành vào giữa thế kỷ XIX với những cuộc khai quật quy mô lớn, phát triển mạnh mẽ Khảo cổ học truyền thống vào nửa đầu thế kỷ XX với lý thuyết ba thời đại và phương pháp địa tầng, chuyển trạng thái Khảo cổ học mới từ nửa sau thế kỷ XX dựa trên áp dụng nhiều ngành khoa học tự nhiên.
Ở Việt Nam, Khảo cổ học xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX do các nhà địa chất và khảo cổ học Pháp mang vào, hình thành nền Khảo cổ học thực dân vào đầu thế kỷ XX, và phát triển thành Khảo cổ học hiện đại từ năm 1960 từ Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ năm 1995 là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) với vai trò sáng lập của hai nhà giáo: GS.NGND Hà Văn Tấn và GS.NGƯT Trần Quốc Vượng.
Về cơ bản, hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam, hoạt động Khảo cổ học có thể phân chia thành hai nhánh Khảo cổ học điền dã (điều tra và khai quật trên đất liền) và Khảo cổ học dưới nước (điều tra và khai quật trong môi trường ngập nước).
2. Khảo cổ học cái gì?
Học khảo cổ sẽ được trang bị 6 khối kiến thức cơ bản sau:
- Đại cương về Khảo cổ học: nhập môn Khảo cổ học, nguồn gốc loài người, diễn trình Khảo cổ học thế giới và Việt Nam trải qua ba thời đại Đá, Đồng, Sắt.
- Lý thuyết và phương pháp Khảo cổ học điền dã và Khảo cổ học trong phòng.
- Các vấn đề Khảo cổ học và văn hóa, văn minh khu vực và Việt Nam.
- Các nội dung về Khảo cổ học và bảo tồn, Khảo cổ học cộng đồng, phát huy giá trị di sản Khảo cổ học trong bối cảnh phát triển kinh tế di sản.
- Ứng dụng công nghệ và phương tiện hiện đại trong Khảo cổ học.
- Thực tập khai quật Khảo cổ học: 15 ngày (tháng 12 hàng năm) tại các di tích Khảo cổ học trên khắp miền Bắc Việt Nam. Mỗi đoàn thực tập thường có 30-35 sinh viên năm 1 và năm 4 cùng 1-2 giảng viên hướng dẫn và cán bộ địa phương. Sinh viên sẽ ở nhờ trong từng nhà dân theo nhóm, tự tổ chức bếp ăn tập trung toàn đoàn, khai quật và truyền thống về hoạt động khai quật khảo cổ với người dân, học tập cuộc sống của người dân ở các vùng khác nhau. Hoạt động này được đánh giá là một trong những hoạt động hiệu quả nhất và hấp dẫn nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sinh viên có cơ hội tự tay lật từng trang “sử đất” để khôi phục lịch sử mỗi vùng đất qua di tích và di vật khảo cổ.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động học tập và thực tế tại bảo tàng, di tích, công trường khai quật khảo cổ, công trường bảo tồn và phát huy di sản khảo cổ…

Sinh viên năm nhất ngành Lịch sử thực tập khai quật Khảo cổ học
tại đền thờ Khúc Thừa Dụ (Hải Dương) năm 2020
Sinh viên năm 4 chuyên ngành Khảo cổ học
thực tế tại thành Cổ Loa (Hà Nội) năm 2022
3. Học khảo cổ làm gì?
Trải qua 65 năm qua, công tác khảo cổ trong cả nước, trong đó có Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử đã giải quyết nhiều vấn đề mang tính chất quốc gia dân tộc như:
1, Khẳng định các giai đoạn lịch sử từ trước khi có chữ viết, như thời đại các Vua Hùng, An Dương Vương... gần đây; hay xa xưa hơn là thời đại đồ đá có niên đại cách ngày nay gần triệu năm.
2, Khẳng định chủ quyền khai phá các vùng đất và vùng biển đảo của Tổ quốc thông qua các trương trình nghiên cứu Khảo cổ học Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, quần đảo Trường Sa, Khảo cổ học biển đảo...
3, Góp phần triển khai các công trường kinh tế xã hội lớn ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc Trung bộ… như các nhà máy thủy điện Yaly, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Trung Sơn… nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, khu chế xuất Dung Quất... Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội trường Ba Đình mới…
4, Xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới ở nhiều địa phương như Kinh thành Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Tràng An…
5, Nhận diện, lượng hóa giá trị, đề xuất phương án quản lý, bảo tồn và khai thác hiệu quả các di sản văn hóa dưới lòng đất và trên mặt đất... ở nhiều địa phương trong cả nước, góp phần trực tiếp phát triển kinh tế di sản trong bối cảnh hiện nay.
Từ thực tế lịch sử phát triển của ngành Khảo cổ học ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ vừa qua, có thể khái quát các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp gồm:
- Nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về Khảo cổ học, Lịch sử, Di sản văn hóa... như Viện Khảo cổ học, trung tâm khảo cổ học, các trường đại học và phổ thông.
- Quản lý di sản tại các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập về quản lý di tích, danh thắng, du lịch... như các sở văn hóa, trung tâm di sản văn hóa thế giới, ban quản lý di tích và danh thắng, bảo tàng, phòng truyền thống...
- Tư vấn và sáng tạo lịch sử - văn hóa tại các tổ chức trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn, công ty có sử dụng tri thức khảo cổ, lịch sử, văn hóa, di sản... trong quá trình tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phục vụ xã hội.
PGS.TS Đặng Hồng Sơn
Trưởng Bộ môn Khảo cổ học
Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam
D. Clarke: “Archaeology: the Loss of Innocence”, Antiquity, 1973 (47), p. 17.
D. Bruce Dickson, David L. Carlson: Ancient Preludes, U.S., Eddie Bowers Publishing, 2000, p. 4.
C. Renfrew, P. Bahn: Archaeology: Theories, Methods and Practice, London, Thames & Hudson, 2000, p. 9.
The New Encyclopadia Britannica, 15th Edition, USA, Encyclopadia Britannica, Inc, 1995, p. 525.