NGÀNH VĂN HOÁ HỌC VÀ CHUYÊN NGÀNH LỊCH SỬ VĂN HOÁ VIỆT NAM

Thứ bảy - 26/07/2025 10:28
Ngành Văn hóa học chính thức được mở tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN từ năm 2020, trên nền tảng từ chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam thuộc ngành Lịch sử từ năm 2000 và với đội ngũ giảng viên của Bộ môn Văn hoá học (mà tên ban đầu là Bộ môn Lịch sử Văn hóa Việt Nam) – đơn vị được thành lập từ năm 1998, do Giáo sư Trần Quốc Vượng là Chủ nhiệm.
     Có bao giờ bạn băn khoăn tự hỏi về những điều tưởng như rất nhỏ và rất quen thuộc trong cuộc sống: tại sao chúng ta lại ăn cơm, ăn mắm... mà không ăn bánh mì, uống sữa hay ăn nước tương? tại sao mình mặc trang phục này còn các tộc người khác lại mặc trang phục khác? nhà sàn là gì? nhà tranh vách đất là gì?... hay tại sao mình lại thờ cúng tổ tiên? đình/chùa/đền/miếu/điện/phủ... là gì? tại sao ngày Tết lại có những phong tục như mừng tuổi, chúc Tết, thậm chí là kiêng quét nhà, hót rác?... hay những phong tục trong đám cưới, đám tang mỗi nơi mỗi khác... Đó đều là các giá trị văn hoá; và ở mỗi vùng đất, mỗi tộc người thì các giá trị ấy lại có những nét riêng biệt, rất phong phú và hấp dẫn. Tìm hiểu về văn hoá chính là dể hiểu về các giá trị văn hoá từ cuộc sống đời thường quen thuộc đến những vấn đề mang tính khái quát cao hơn như không gian văn hoá, công nghiệp văn hoá, bản sắc văn hoá, hội nhập và toàn cầu hoá văn hoá...; từ đó có thái độ trân trọng văn hoá truyền thống, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá trong bối cảnh xã hội hiện nay; cũng như tôn trọng các giá trị văn hoá của những tộc người khác, ở những không gian khác.
     Ngành Văn hóa học chính thức được mở tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN từ năm 2020, trên nền tảng từ chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam thuộc ngành Lịch sử từ năm 2000 và với đội ngũ giảng viên của Bộ môn Văn hoá học (mà tên ban đầu là Bộ môn Lịch sử Văn hóa Việt Nam) – đơn vị được thành lập từ năm 1998, do Giáo sư Trần Quốc Vượng là Chủ nhiệm.
Từ khi thành lập, Bộ môn Văn hoá học đã bắt đầu giảng dạy học phần chung là Cơ sở văn hoá Việt Nam cho các đơn vị thuộc ĐHQGHN theo tinh thần của Bộ Giáo dục và đào tạo là “tăng cường giáo dục cho thanh niên, học sinh về các giá trị văn hoá dân tộc và di sản văn hoá Việt Nam, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ di sản[1]; đồng thời mở chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam cho những sinh viên ngành Lịch sử mà yêu thích, đam mê tìm hiểu về văn hoá. Sinh viên theo học hướng chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam sẽ học ngành Lịch sử chung trong 3 năm, đến năm thứ 4 thì chia chuyên ngành để học chuyên sâu hơn về các học phần tìm hiểu về văn hoá trên nền tảng kiến thức của ngành Lịch sử như: Di sản văn hoá; Tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội; Phong tục tập quán; Tiếp xúc và giao lưu văn hoá; Không gian văn hoá; Văn hoá dân gian; Văn hoá tộc người; Văn hoá giới... Hướng chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam được duy trì, đào tạo đến nay đã được 25 năm, với khoảng hơn 500 sinh viên đã tốt nghiệp.
 
1Sinh viên chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam thực tập tốt nghiệp tại Đà Nẵng-Hội An
 
     Từ sự phát triển của chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam, đồng thời mở rộng hơn nữa các ngành đào tạo cũng như đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực về văn hoá chất lượng cao của xã hội, năm 2020 chương trình đào tạo Văn hóa học – một chương trình đào tạo mang tính liên ngành, hiện đại và thực tiễn cao, trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng và chuyên sâu về văn hóa Việt Nam và thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa - chính thức được mở tại Khoa Lịch sử.
     Chương trình đào tạo được thiết kế liên ngành, hiện đại, giúp sinh viên mở rộng tư duy phản biện, khả năng nghiên cứu và sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa. Sinh viên ngành Văn hóa học được tiếp cận với các lĩnh vực văn hóa phong phú và đa dạng, như: Văn hóa dân gian; Văn hóa tộc người; Các thành tố văn hóa: tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ tết, lễ hội,…; Các vấn đề đương đại: di sản văn hóa, công nghiệp văn hóa và sáng tạo, văn hoá và truyền thông, hội nhập và giao lưu văn hóa trong kỷ nguyên số,...
Sinh viên có thể lựa chọn phát triển chuyên môn theo các định hướng chuyên ngành:
  • Nghiên cứu văn hóa
  • Quản trị văn hóa
  • Công nghiệp văn hóa
  • Kinh tế di sản
     Bên cạnh lý thuyết, sinh viên được chú trọng phát triển kỹ năng thực hành thông qua các hoạt động học tập gắn với thực tế. Nhiều học phần như Di sản văn hóa, Công nghiệp văn hóa, Cộng đồng và hoạt động thực hành văn hoá, Thiết chế văn hoá, Tiếp xúc và giao lưu văn hoá... tổ chức học tập tại các giảng đường mở như khảo sát tại các địa phương, bảo tàng, trung tâm văn hoá và sáng tạo... Sinh viên bắt đầu thực tập thực tế từ năm thứ hai với học phần Thực hành văn hóa (thời gian thực tập khoảng 7-9 ngày), và thực tập tốt nghiệp vào năm thứ tư (thời gian thực tập khoảng 10-14 ngày) để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và định hướng tương lai.

2
Sinh viên K65 Văn hoá học thực tế học phần Thiết chế văn hoá tại Bảo tàng Dân tộc học

3


Sinh viên K67 Văn hoá học thực tế học phần Cơ sở văn hoá Việt Nam
tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

4Sinh viên K65 Văn hoá học thực tập tốt nghiệp tại Huế

5Sinh viên K66 Văn hoá học thực tập tốt nghiệp tại Mỹ Sơn, Quảng Nam

 
     Đào tạo ngành Văn hóa học ở Khoa Lịch sử được đảm trách bởi đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết trong hoạt động giảng dạy của Khoa Lịch sử, trong đó trực tiếp và gần gũi nhất là các thầy cô của Bộ môn Văn hoá học; đồng thời chương trình đào tạo còn nhận được sự cộng tác thường xuyên, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu đầu ngành đến từ: Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Dân tộc học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, các chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng nhiều tổ chức văn hóa – nghệ thuật khác.
 
6Giảng viên cơ hữu Bộ môn Văn hoá học khảo sát tại Ninh Bình năm 2025
 
     Với các định hướng đào tạo gồm Nghiên cứu văn hóa, Quản trị văn hóa, Công nghiệp văn hóa và Kinh tế di sản, chương trình hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm việc trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, giảng dạy, quản lý văn hóa, truyền thông, du lịch, bảo tồn di sản, phát triển các sản phẩm văn hóa – sáng tạo,...
     Sinh viên ngành Văn hoá học và sinh viên chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam có thể tiếp tục nâng cao trình độ ở bậc Sau Đại học với 2 hướng ngành Thạc sĩ Văn hoá học và Thạc sĩ Quản lý văn hoá và Tiến sĩ Quản lý văn hoá tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; cũng như cơ hội học tập tại các đơn vị đào tạo khác ở trong và ngoài nước.
     Với phương châm “học để hiểu - học để sáng tạo - học để hội nhập” ngành Văn hóa học tại Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV hướng đến đào tạo nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn vững vàng, tư duy mở và khả năng thích ứng linh hoạt, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển bền vững của văn hóa và xã hội.
TS. Nguyễn Thị Hoài Phương
Trưởng Bộ môn Văn hóa học

[1] Công văn số 173/VP ngày 10 tháng 1 năm 1995 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây