“VIỆT KIỆU THƯ” - Việt Nam trong hiểu biết của giới trí thức Trung Hoa thế kỷ XVI

Thứ hai - 06/06/2022 08:30
Trân trọng giới thiệu cùng quý Thầy, Cô, anh chị em đồng nghiệp, những người yêu lịch sử, quý độc giả bản dịch trọn bộ tiếng Việt bộ sách “Việt kiệu thư” - ấn phẩm dịch thuật thuộc chương trình Tùng thư Sử học do Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chủ trì, xuất bản.
“VIỆT KIỆU THƯ” - Việt Nam trong hiểu biết của giới trí thức Trung Hoa  thế kỷ XVI
Thế kỷ XV - XVI là giai đoạn diễn ra nhiều diễn biến phức tạp trong quan hệ giữa triều Minh với các triều Hồ, Lê Sơ, Mạc. Phía chính quyền Đại Việt, sau nhiều biến động chính trị - xã hội, vương triều Lê Sơ dần suy yếu, nhà Mạc thay thế, nhà Minh nhân cơ hội đó liên tục sách nhiễu, gây sức ép. Điều này dẫn đến những sự kiện dồn dập diễn ra tại khu vực biên giới, những cuộc thảo luận giữa triều Minh - Lê Sơ, Minh - Mạc về việc sách phong, triều cống, cũng như sự lựa chọn của mỗi bên về phương cách ứng xử... Trong bối cảnh đó, xuất hiện nhiều ghi chép có hoàn cảnh biên soạn khác nhau, do nhiều đối tượng, từ sử quan, trí thức quan lại xuất thân Nho học, có cả những viên tướng từng trực tiếp cầm quân xâm lược Đại Việt sao soạn. Các ghi chép này nhằm nhiều mục đích, trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết, từ hình thế núi sông, diên cách hành chính, nhân vật lịch sử, phong tục tập quán, về các sự kiện liên quan đến quan hệ Việt - Trung của quan lại, triều đình người Hán. Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng nằm trong số đó.

Việt kiệu thư là trước tác duy nhất hiện còn lưu giữ được của Lý Văn Phượng - một viên quan nhà Minh xuất thân khoa cử, nhận nhiệm vụ quản lý, giám sát các hoạt động quân đội, bao gồm luyện tập tuần phòng, bố trí đồn sở, các việc liên quan đến binh dịch tại Quảng Đông, Vân Nam. Bộ sách hoàn thành vào tháng 6 năm Canh Tý niên hiệu Minh Gia Tĩnh thứ 19 (1540), trên cơ sở kết quả thu thập, khảo cứu nhiều nguồn tài liệu thư tịch sử chí, phương chí của các triều đại, từ Hán đến Minh, do các tác giả người Việt và Hán biên soạn.

Việt kiệu thư gồm 20 quyển, ghi chép, bao quát nhiều nội dung, sự kiện chính yếu trong lịch sử Việt Nam có liên hệ với Trung Quốc: quá trình lập quốc, thay đổi triều đại, diên cách hành chính, chiếu thư chế sắc, thư sớ di văn, hình luật, binh chế, trường học, phong tục, sản vật, thơ phú qua các triều... Như lời tự bạch của Lý Văn Phượng: “Phượng nhân lúc việc quan nhàn rỗi chọn lọc rồi chia làm từng loại, được thành 20 quyển. Phần đầu nói về địa dư, phong tục, vật sản, ấy là xét về ngọn nguồn dân sinh. Tiếp đến là chiếu thư, chế, sắc, là trọng lời nói của vua vậy. Rồi kế đến là việc biên niên lập quốc, chế độ trước sau, ấy là chép việc thực vậy. Tiếp đến chép là thư sớ, di văn, là để cho tường tận vậy… Lại tiếp đến văn, phú, thi, từ, cùng là thần, thiếp của nước ấy hễ có một điều hay cũng được chép đủ, là để thấy phong tục hay dở ưa chuộng của một phương vậy. Hợp cả lại mà gọi sách ấy là Việt kiệu thư”. 

Gạn đi những hạn chế về quan điểm, góc nhìn, cách dùng từ ngữ của một tài liệu biên khảo do tác giả người Hán biên soạn - điều cũng thường gặp trong nhiều thư tịch Trung Quốc khác khi miêu tả, bình luận về con người, lịch sử Việt Nam khác, trong cả cách nhìn coi đất Việt là vùng xa xôi, hoang vu hẻo lánh, Việt kiệu thư là một tài liệu thư tịch có giá trị, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, lịch sử quan hệ Việt - Trung trong nhiều thế kỷ thời kỳ trung đại. bổ sung cho những ghi chép sơ lược và khuyết thiếu của “An Nam truyện” trong Minh sử cũng như nhiều tài liệu ghi chép, thư tịch cổ khác của cả Việt Nam và Trung Quốc của Việt Nam.

 
 
Bản dịch trọn bộ tiếng Việt Việt kiệu thư do Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp cùng MaiHaBooks và Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành gồm 3 tập, tổng cộng 2.000 trang, ngoài bài giới thiệu tác giả - văn bản, sách dẫn, 396 trang nguyên bản chữ Hán là phần dịch chú với 3.473 chú thích. Bản dịch được thực hiện theo nguyên bản chữ Hán in trong tập 162 và 163 của Tứ khố toàn thư tồn mục tùng thư, do Tề Lỗ thư xã (Trung Quốc) xuất bản năm 1996.
Website Khoa Lịch sử (https://his.ussh.vnu.edu.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây