Chiến thắng Bạch Đằng thể hiện tinh thần, sức lao động và nghệ thuật quân sự của quân, dân nhà Trần, đó là tài sản to lớn và có giá trị quan trọng của nghệ thuật quân sự cần được nghiên cứu, làm rõ và truyền bá. Để làm rõ hơn một số “điểm mờ” về chiến thắng Bạch Đằng, năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép Sở Khoa học Công nghệ Quảng Ninh phối hợp với Trường Đại học Hạ Long và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu đánh giá giá trị, lịch sử văn hoá của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích”. Buổi hội thảo là một trong những hoạt động của đề tài nhằm làm rõ hơn vị trí, vai trò của di tích Thiên Long Uyển và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Thiên Long Uyển trong tổng thể di tích Chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn Quảng Ninh và trong sự kết nối với di tích Bạch Đằng khác trên địa bàn tỉnh Hải Phòng và Hải Dương.
Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử, khảo cổ học, văn hóa học; giảng viên, sinh viên Đại học KHXH&NV, Đại học Hạ Long… đến tham dự. Chủ trì Hội thảo có GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV, TS.Trần Trung Vỹ - Hiệu phó Điều hành ĐH Hạ Long.
Trên cơ sở những tư liệu mới, Hội thảo tập trung thảo luận các chủ đề: phạm vi chiến trường của trận Bạch Đằng năm 1288; vị thế của Đông Triều trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288; vai trò các bãi cọc trong chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 và vị trí của Thiên Long Uyển trong chiến trận 1288. Nhiều ý kiến thảo luận tại Hội thảo thể hiện sự thống nhất với nhận định của nhóm nghiên cứu về vị trí vai trò của Thiên Long Uyển trong chiến thắng Bạch Đằng 1288. Theo đó, trong trận Bạch Đằng 1288, cánh quân do hai vua Trần chỉ huy được bố trí ở thượng nguồn sông đá bạc nhằm tạo thành một gọng kìm bao vây, tiêu diệt đoàn thủy quân từ phái trên, trong thế trận đó, Thiên Long Uyển là nơi hai vua Trần đóng đại bản doanh. Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu còn công bố những phát hiện cọc gỗ tại khu vực Đượng Ngoại và Nững Vỡ, là các khu vực nằm giữa Thiên Long Uyển và và sông Đá Bạc. Trên cơ sở kết quả phân tích niên đại bằng phương pháp các bon phóng xạ (C14) cho thấy, các cọc gỗ này có niên đại thế kỷ II, III trước công nguyên, tương đương với giai đoạn Văn hóa Đông Sơn. Với những kết quả nghiên cứu mới tại Thiên Long Uyển và các di tích có cùng niên đại phát hiện tại Đông Triều; Thủy Nguyên và Uông Bí, nhóm thực hiện đề tài cho rằng lưu vực sông Bạch Đằng – Đá Bạc có thể là một trung tâm của văn hóa Đông Sơn.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Trần Trung Vĩ, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hạ Long cho rằng, kết quả của Hội thảo cũng là cơ sở để Đại học Hạ Long đề xuất UBND tỉnh, các sở ngành về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Thiên Long Uyển; đóng góp luận cứ khoa học để Quảng Ninh phối hợp với các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương xem xét xây dựng Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới; đồng thời đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ diện mạo văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Đá Bạc – Bạch Đằng.
TS. Hồ Thị Liên Hương (tổng hợp)