Hội thảo khoa học "Nghề gốm cổ Ninh Bình: truyền thống và hiện đại"

Thứ sáu - 21/04/2023 10:50
Ngày 20/4/2023, thực hiện chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình và Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nghề gốm cổ Ninh Bình: Truyền thống và hiện đại".
 

1. Những phát hiện mới của giới nghiên cứu khảo cổ học gần đây đã xác định Ninh Bình là quê hương của đồ gốm Việt Nam từ thời tiền sử, 8.000-9.000 năm cách ngày nay.


Và từ đó đến nay, đồ gốm sành sứ vẫn luôn hiện diện trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân Ninh Bình. Mỗi thời đại lịch sử, loại hình di sản văn hóa đặc biệt này luôn để lại những dấu ấn khác nhau. Và rồi hôm nay, chúng đều như muốn tái sinh để hòa cùng miền di sản Ninh Bình trong chặng đường phát triển mới.

Tuy vậy, những thách thức trước mắt và lâu dài vẫn luôn chờ sẵn. Để phục hồi và phát huy giá trị di sản nghề gốm cổ Ninh Bình dự nhập vào quá trình phát triển kinh tế văn hóa giai đoạn hiện nay còn nhiều khó khăn. Trước hết, cần nhận thức rõ những giá trị di sản nghề gốm Ninh Bình qua các giai đoạn lịch sử; phân tích rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình khôi phục, phát triển một làng gốm cổ; tổng hợp những thành tựu và bài học kinh nghiệm từ các mô hình trong và ngoài nước; nghiên cứu sâu mọi thị trường có thể khai thác… Từ những dữ liệu đầu vào đó, kết hợp với hệ thống lý thuyết tương thích mới có thể xây dựng một mô hình tái sinh và phát triển phù hợp đối với nghề gốm Ninh Bình.

Với mục tiêu làm rõ hơn những giá trị di sản gốm Ninh Bình trong lịch sử, cũng như nghiên cứu lý luận và thực tiễn để đề xuất phương hướng bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị nghề gốm Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế văn hóa hiện nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học Nghề gốm cổ Ninh Bình: Truyền thống và Hiện đại.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình: đồng chí Đoàn Minh Huấn Ủy viên Ban Chấm hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình.

Phía Đại học Quốc gia Hà Nội có sự tham dự của GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển; PGS.TS Vũ Văn Quân, Trưởng Khoa Lịch sử.

Các cơ quan nghiên cứu và quản lý Trung ương có sự tham dự của GS.TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; TS Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học; TS Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng Viện Sử học; TS Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích; đại diện Cục Di sản Văn hóa...

Tham gia viết tham luận và tham dự Hội thảo có hơn 100 nhà khoa học và nhà quản lý thuộc các lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử, bảo tàng học, di sản văn hóa, văn hóa học… của Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Viện KHXH Vùng Trung Bộ, Viện Bảo tồn Di tích, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa, Hội Sử học Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam...
 

2. Hội thảo đã nhận được 32 bài tham luận tập trung vào hai nội dung chính là Di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử và Nghề gốm Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị.


Ở mảng nội dung thứ nhất: Di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử, Hội thảo nhận được 13 tham luận diễn giải theo trình tự thời gian quá trình hình thành và phát triển của nghề gốm trên vùng đất Ninh Bình. Trong đó, nhóm tác giả là các nhà khảo cổ học cung cấp những thông tin tư liệu khai quật mới nhất tại các di tích tiền sử Ninh Bình khẳng định, khu vực Tràng An bắt đầu xuất hiện gốm có niên đại sớm nhất trong các di tích có gốm tiền sử Việt Nam, khoảng 8.000-9.000 năm cách ngày nay. Đồ gốm Tràng An có niên đại sớm tương đương với gốm sớm ở Nam Trung Quốc (Tắng Bì Nham, Ngưu Lan Động, Đỉnh Sư Sơn…).

Các trung tâm gốm sớm này đều có đặc điểm chung là không gắn liền với quá trình định cư của cư dân sản xuất nông nghiệp, mà gắn liền với quá trình thích ứng môi trường tự nhiên hang động ven biển, khai thác biển của cư dân cổ Ninh Bình. Bên cạnh Tràng An, đồ gốm Mán Bạc cũng thu hút được sự chú ý của nhiều nhà khảo cổ học, nhằm làm sáng tỏ vai trò của một trung tâm gốm đỉnh cao của thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

Một nhóm các bài tham luận khác tập trung vào di sản đồ gốm và nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, một số tác giả tập trung vào đồ gốm thời kỳ 10 thế kỷ đầu Công nguyên, hoặc đồ gốm qua các triều đại Lý-Trần-Lê-Nguyễn… Nhưng thu hút sự quan tâm nhất của Hội thảo chính là các bài tham luận về đồ gốm kiến trúc và gốm sứ hoàng cung, gốm sứ gia dụng sản xuất tại Hoa Lư và nhập khẩu từ nước ngoài thời Đinh - Tiền Lê.

Các tác giả đặc biệt lưu ý đến di sản gốm kiến trúc cung đình với các loại gạch in hoa sen, chim phượng… nhất là loại gạch in dấu khắc chữ Hán: Đại Việt quốc quân thành chuyên (大越國軍城塼) gợi mở cho một quan điểm mới về niên đại khởi đầu của quốc hiệu Đại Việt. Các nghiên cứu này khẳng định, vật liệu kiến trúc và đồ gốm sản xuất tại Hoa Lư là bằng chứng vật chất xác thực minh chứng cho tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường rất cao và khả năng sáng tạo mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước vào buổi đầu thời kỳ độc lập dân tộc của vương triều Đinh - Tiền Lê.

Một số tham luận khác tập trung khảo tả và nghiên cứu quá trình hồi phục sản xuất đồ gốm ở một số làng gốm hiện nay của Ninh Bình, như làng gốm Bồ Bát, làng gốm Gia Thủy… Trong đó, đáng lưu ý là những nghiên cứu tư liệu dân gian về làng gốm Bát Tràng đã góp phần làm sáng tỏ về nguồn gốc làng gốm Bát Tràng nổi danh có thể có một phần nguồn gốc từ làng Bồ Bát di cư ra Thăng Long thời Lý. Đây là một trong những vấn đề lý thú mà giới nghiên cứu nhiều năm đã thảo luận, nhân Hội thảo này lại được đưa ra để tiếp tục trao đổi và cung cấp thêm tư liệu.

Ở mảng nội dung thứ hai: Nghề gốm Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị, Hội thảo nhận được 19 tham luận. Đây là chủ đề thiết thực nhưng rộng lớn, bao quát và thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Có thể tóm lược trong ba vấn đề chính sau đây:

Vấn đề thứ nhất có 9 báo cáo tập trung vào mô tả và đánh giá quá trình khôi phục và phát triển nghề gốm truyền thống ở các lò gốm trong cả nước, như Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), Thanh Hà (Hội An), Bàu Trúc (Ninh Thuận), Cây Mai (Sài Gòn), Biên Hòa (Đồng Nai). Bên cạnh đó còn có tham luận trình bày kinh nghiệm khôi phục và phát triển nghề gốm cổ ở đất nước Nhật Bản hiện đại. Tất cả các báo cáo này đã cụ thể hóa nhiều mô hình khác nhau của quá trình phục hồi và phát triển nghề gốm truyền thống trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ngày nay. Từ đó, cung cấp dữ liệu đầu vào cần thiết phục vụ mục tiêu khôi phục nghề gốm Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế văn hóa trong thời gian tới.

Vấn đề thứ hai có 8 tham luận tập trung vào những gợi ý về sản phẩm đầu ra cho quá trình khôi phục nghề gốm và các nghề thủ công truyền thống khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đặc biệt nhấn mạnh đến đồ gốm trong công nghiệp văn hóa hiện nay. Nhóm báo cáo này cũng đề cập đến các bộ sưu tập gốm cổ và quá trình phát huy giá trị các bộ sưu tập này trong bảo tàng tỉnh Ninh Bình và khu di tích danh thắng Tràng An. Các tham luận đều cho rằng, trưng bày đồ gốm cần hướng đến và phải có phương thức hiệu quả nhằm hấp dẫn học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, góp phần giáo dục công chúng về một quê hương gốm sứ Ninh Bình.

Vấn đề thứ ba có 2 báo cáo dựa trên các vấn đề lý thuyết và thực tiễn để gợi mở về một mô hình, một không gian sáng tạo phục hồi và phát huy nghề gốm cổ ở Ninh Bình. Hai báo cáo đều chỉ ra những lợi thế cạnh tranh trong quá trình tái sinh và phát huy nghề gốm cổ, đồng thời cũng xác định rõ những thách thức cần vượt qua. Trong đó, các tác giả nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của những thể chế nhất định nhằm bảo hộ, định hướng và phát triển thị trường ý tưởng sáng tạo.
 

3. Hội thảo cũng đã đi đến thống nhất một số nội dung cơ bản dưới đây.


Thứ nhất, các tư liệu khai quật khảo cổ học trong các hang động thời tiền sử đã xác định khu vực Tràng An là nơi xuất hiện đồ gốm đất nung có niên đại sớm nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khoảng 8.000-9.000 năm cách ngày nay. Niên đại này tương đương với niên đại xuất hiện gốm sớm ở khu vực Nam Trung Quốc. Do đó, các nhà khảo cổ học hiện nay đang tạm đánh giá Việt Nam là một trung tâm gốm sớm nhất khu vực Đông Nam Á.

Thứ hai, các giai đoạn lịch sử khác nhau của Ninh Bình đều có những di sản nghề gốm tiêu biểu khác nhau, trong đó những đỉnh cao về gốm Mán Bạc thời đại kim khí, gốm sứ và vật liệu kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê… là những điểm nhấn quan trọng của vùng đất Ninh Bình trong lịch sử gốm sứ Việt Nam được các nhà khoa học quan tâm, trao đổi và thảo luận sôi nổi. Đặc biệt, cũng có ý kiến cho rằng, những di sản gốm sứ Đinh - Tiền Lê ở Hoa Lư chính là tiền đề quan trọng cho quá trình hình thành và phát triển đỉnh cao của gốm sứ và vật liệu kiến trúc thời Lý ở Thăng Long.

Thứ ba, nhiều tham luận đã chỉ ra các kinh nghiệm trong và ngoài nước đối với quá trình khôi phục sản xuất và phát huy giá trị của nghề gốm trong đời sống kinh tế, văn hóa đương đại, trong trưng bày bảo tàng và phục vụ cộng đồng. Từ những kinh nghiệm này, Hội thảo cũng đã trao đổi thảo luận và đề xuất một mô hình, một không gian cho khôi phục và phát huy nghề gốm Ninh Bình.

Mỗi tác giả, nhóm tác giả đều cung cấp nhiều luận chứng khoa học về di tích, di vật liên quan đến di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử; khái quát hóa quá trình thực tiễn nhiều cam go và những thành quả nhất định của việc khôi phục các làng gốm cổ trong và ngoài nước; gợi ý về mô hình phù hợp nhằm khôi phục và phát huy nghề gốm Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế văn hóa hiện nay. Mỗi tham luận, đều từ góc nhìn riêng của mình để cùng góp phần xác định giá trị, quan sát thực tiễn và xây dựng mô hình nhằm tham vấn tỉnh Ninh Bình đưa nghề gốm cổ dần bước vào quỹ đạo phát triển kinh tế văn hóa hiện nay. Chúng tôi tin rằng, Hội thảo sẽ là sự khởi đầu cho một loại hình di sản mới tham dự vào miền di sản Ninh Bình giàu có và tươi đẹp trong tương lai.


4. Hội thảo đề xuất kiến nghị đến UBND tỉnh Ninh Bình như sau: 


Thứ nhất, cần tập trung tìm hiểu và đẩy cao nghiên cứu chuyên sâu đối với gốm Tràng An thời tiền sử, với tư cách là loại hình gốm sớm nhất Việt Nam hiện biết. Các nghiên cứu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu trung ương và địa phương, giữa trong nước và quốc tế, nhất là cần áp dụng các kỹ thuật nghiên cứu gốm mới tiên tiến của thế giới. Các kết quả nghiên cứu này cần được công bố rộng rãi không chỉ trong nước mà cả trên phạm vi khu vực và thế giới. Để ngày càng khẳng định vị thế trung tâm gốm sớm Đông Nam Á của Tràng An nói riêng và Ninh Bỉnh nói chung.

Thứ hai, cần tập trung nghiên cứu từ nhiều góc độ đối với nghề gốm tại Bồ Bát. Đặc biệt, phải trú trọng vào việc tìm kiếm và phát hiện dấu tích của hoạt động sản xuất gốm tại Bồ Bát thời kỳ lịch sử. Có như vậy, vấn đề mối quan hệ nguồn gốc Bồ Bát và Bát Tràng mới có hướng nghiên cứu mới và ngày càng xác thực hơn.

Thứ ba, cần đặc biệt lưu ý tìm hiểu và nghiên cứu về nghề sản xuất vật liệu kiến trúc và gốm sứ thời Đinh - Tiền Lê. Cần xác định được nguồn gốc và khu lò sản xuất các loại hình vật liệu kiến trúc và gốm sứ cung đình mà giới khảo cổ học phát hiện được rất nhiều tại Hoa Lư trong nửa thế kỷ qua.

Thứ tư, cùng với vật liệu kiến trúc và đồ gốm sứ cung đình Hoa Lư, cũng nên mở rộng phạm vi nghiên cứu trong đối sánh không gian di sản văn hóa cố đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê và Thăng Long thời kỳ đầu vương triều Lý. Từ đó, góp phần chứng cứ vật chất để xác lập luận thuyết khi cho rằng Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê là tiền đề quan trọng góp phần vào sự hình thành văn minh Thăng Long - Đại Việt thời Lý. Từ Hoa Lư; nhiều giá trị vật chất và tinh thần đã được di chuyển theo “Chiếu dời đô” để trở thành một bộ phận cấu thành Thăng Long đầu thời Lý.
Người đưa tin,
Lacsoncusi
 

☆ Một số tin, bài liên quan về Hội thảo:

► Hội thảo khoa học "Nghề gốm cổ Ninh Bình- Truyền thống và hiện đại": https://nbtv.vn/video/hoi-thao-khoa-hoc-nghe-gom-co-ninh-binh-truyen-thong-va-hien-dai
► Hội thảo "Nghề gốm cổ Ninh Bình- Truyền thống và hiện đại" (https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-nghe-gom-co-ninh-binh-truyen-thong-va-hien-dai-/d2023042016012301.htm)
► Cơ hội phát triển nghề gốm cổ truyền thống ở Ninh Bình (https://nhandan.vn/co-hoi-phat-trien-nghe-gom-co-truyen-thong-o-ninh-binh-post748688.html)
► Hội thảo khoa học Nghề gốm cổ Ninh Bình: Truyền thống và hiện đại (http://www.baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/63510/hoi-thao-khoa-hoc-nghe-gom-co-ninh-binh-truyen-thong-va-hien-dai)
► NINH BÌNH TỔ CHỨC NHIỀU SỰ KIỆN ĐẶC SẮC KỶ NIỆM 1.055 NĂM THÀNH LẬP NHÀ NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT (968-2023) (http://trangandanhthang.vn/tin-tuc/ninh-binh-to-chuc-nhieu-su-kien-dac-sac-ky-niem-1055-nam-thanh-lap-nha-nuoc-dai-co-viet-968-2023-1802)
► KHẢO SÁT, ĐIỀN DÃ PHỤC VỤ VIẾT BÀI HỘI THẢO “NGHỀ GỐM CỔ NINH BÌNH - TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI” (https://vhtt.ninhbinh.gov.vn/vi/tin-noi-bo/khao-sat-dien-da-phuc-vu-viet-bai-hoi-thao-nghe-gom-co-ninh-binh-truyen-thong-va-hien-dai-1040.html)

 

☆ Một số hình ảnh về Hội thảo:










 
Note: The above article reprinted at the website or other media sources not specify the source https://his.ussh.vnu.edu.vn is copyright infringement.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây