1. Tọa đàm khoa học: “Còn là TINH ANH” kỷ niệm 10 năm ngày mất của Giáo sư Trần Quốc Vượng” – một người thầy, một nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa xuất sắc của Việt Nam, một học giả có uy tín quốc tế lớn, người cùng với Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Hà Văn Tấn là niềm tự hào, hãnh diện của các thế hệ sinh viên Khoa Lịch sử hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) thành lập năm 1956, đến nay đã trải qua gần sáu mươi năm xây dựng và phát triển. Trong những ngày đầu mới thành lập, cũng như nhiều cơ sở đào tạo đại học khác, Khoa Lịch sử đứng trước vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, bù lại, thật may mắn, Khoa có được một đội ngũ các nhà khoa học tài năng và vô cùng tâm huyết với sự phát triển của Khoa cũng như của cả nền sử học nước nhà. Đó là các Giáo sư Trần Đức Thảo, Giáo sư Đào Duy Anh và Giáo sư Trần Văn Giàu. Dưới sự dẫn dắt của các thầy, lớp cán bộ trẻ đầu tiên của Khoa đã trưởng thành hết sức nhanh chóng. Trong số này, nổi bật lên, để rồi trở thành những tên tuổi lớn của nền Sử học và Khoa học Xã hội Nhân văn Việt Nam hiện đại, là tứ trụ huyền thoại Lâm – Lê – Tấn – Vượng. Ngay từ cuối những năm năm mươi, những thầy giáo trẻ, mà phần lớn mới ở độ tuổi ngoài đôi mươi này, đã gồng mình lên, để rồi chỉ trong một thời gian ngắn, hoàn thành được những công việc lớn: dịch Việt sử lược, hiệu đính Dư địa chí, Quân trung từ mệnh tập, viết Chế độ ruộng đất, Kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ và đặc biệt là các bộ giáo trình Chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (3 tập) – từng là tài liệu học tập chính thức của sinh viên Khoa Lịch sử và nhiều cơ sở đào tạo khác trong nhiều chục năm.
2. Tọa đàm khoa học này diễn ra đúng vào ngày giỗ lần thứ mười Giáo sư Trần Quốc Vượng (theo lịch ta). Chúng ta họp mặt tại đây là để tưởng nhớ về một người thầy, một người bạn, nhưng cũng là để cùng hiểu, cùng tìm tòi, cùng khám phá, cùng suy ngẫm, cùng làm theo, cùng làm tiếp và cùng sáng tạo về/và với một nhà sử học, một nhà văn hóa học lớn của Việt Nam. Tôi không có ý định làm báo cáo có tính đề dẫn hay phát biểu tổng thuật cho cuộc tọa đàm này, nhưng nếu có làm thì cũng rất dễ, rất đơn giản. Vì tự bốn chủ đề của buổi tọa đàm đã nói lên được cái căn bản trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của Giáo sư Trần Quốc Vượng, là “Theo dòng lịch sử”, là “Việt Nam khảo cổ học”, là “Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm” và là “Việt Nam – Cái nhìn địa – văn hóa”. Cần nói thêm, tên của bốn chủ đề – bốn phiên của tọa đàm như trên được gợi ý từ bốn cuốn sách nổi tiếng của Giáo sư Trần Quốc Vượng, mà ba trong số đó trở thành cụm công trình được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2011. Những phần thưởng đó là sự ghi nhận, thừa nhận những cống hiến to lớn của Ông trên nhiều phương diện, trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam, trong xây dựng và phát triển nền khảo cổ học Việt Nam, trong nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và đặc biệt là với từng vùng đất – vùng người trên lãnh thổ cong cong hình chữ S này. Ông yêu cả đất nước ba miền với “khúc đầu miền Bắc khơi nguồn, khúc giữa miền Trung kiên dũng, khúc cuối Nam Bộ thành đồng”.
Ông dành nhiều hơn cho miền Bắc, với trung du, đồng bằng, ven biển, với Bắc Bộ, với xứ Thanh, xứ Nghệ… Trong đó, Ông dành sự ưu tiên đặc biệt cho Thăng Long – Hà Nội, mà sinh thời Ông rất thích câu trong bài hát của Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Ông nhìn Thăng Long – Hà Nội trong mối quan hệ với tứ trấn nam bắc đông đoài để tạm dừng với "Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử, Cổ Loa – Truyền thống và cách mạng”… rồi triển nở thành Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Hà Nội nghìn xưa… và sau khi Ông mất, một học trò của Ông (nay cũng không còn) đặt một cái tên cũng rất Trần Quốc Vượng là Đất thiêng ngàn năm văn vật cho một trong nhiều công trình được xuất bản/tái bản. Với miền Trung, Ông thực sự là “Cặp mắt đại bàng bao quát/xuyên thấu diễn trình lịch sử văn hóa miền Trung”, là người đưa ra “Mô hình quy hoạch vùng văn hóa Champa”, dấu chân Ông in đậm trên nhiều làng Chăm Ninh Thuận, lần tìm từng ngõ ngách nơi phố cổ Hội An… Với Nam Bộ, mảnh đất tận cùng Tổ quốc, tưởng xa xôi thế thì Ông ít đến, ít biết, nhưng kỳ thực, Ông biết nhiều, đi nhiều hơn ta tưởng… Và, với phần biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Ông cũng là một trong những người tiên phong…
3. Nói đến Giáo sư Trần Quốc Vượng, người đã biết Ông và kể cả người mới chỉ đọc Ông, đều nhận ra một phong cách không thể lẫn, được định danh ngay lúc sinh thời – “phong cách Trần Quốc Vượng”. Ông bảo, Ông họ Trần, gốc gác miền sông nước, nên “ăn sóng nói gió”, “ăn to nói lớn”. Đúng là cả lúc giảng bài, khi thuyết trình cũng như trong tranh biện, giọng Ông sang sảng chẳng cần đến micro, không gian lúc tĩnh lặng để người nghe như nuốt lấy từng lời, rồi bỗng dưng vỡ òa sảng khoái. Đã hơn mười năm rồi, có ai là học trò của Ông mà không một lần ao ước được nghe lại giọng nói độc nhất vô nhị đó. Nhưng hơn tất cả, phong cách văn chương Trần Quốc Vượng mới là thứ mà đương thời và mãi về sau vẫn cuốn hút mạnh mẽ người đọc. Có một thực tế là, phong cách và nhân cách Trần Quốc Vượng đã ảnh hưởng đến không ít học trò, trong cách nói, cách làm và cách viết. Đâu đó ở người này, người kia thấp thoáng cách nói, cách làm và cách viết rất kiểu Trần Quốc Vượng.
4. Là một trong tứ trụ huyền thoại – một thế hệ vàng của Khoa Sử và của cả nền sử học Việt Nam hiện đại, với những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng, trong đó có Huân chương Lao động Hạng Nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ, Giáo sư Trần Quốc Vượng, toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp, là một tài nguyên lớn của Khoa Lịch sử, của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, của Đại học Quốc gia Hà Nội, mà cũng là tài nguyên lớn của chung cả giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa nước nhà. Tôi nhớ, tại Mễ Trì, trên lễ đài đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho Khoa Lịch sử vào năm 2000, khi Giáo sư Trần Văn Giàu – người thầy của “tứ trụ” xuất hiện trên sân khấu, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đứng lên và hô vang: “Hoan hô Trần Văn Giàu”. Lập tức cả hội trường cùng đứng dậy hưởng ứng và cùng hô vang như sấm “Hoan hô Trần Văn Giàu”. Các thế hệ học trò của Giáo sư Trần Quốc Vượng đã không có được cái phúc đó như thầy, và vì thế mà cuộc họp mặt và tọa đàm hôm nay sẽ như một phần an ủi.
Cuối cùng, thay mặt toàn thể cán bộ Khoa Lịch sử, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành và sâu sắc tới sự có mặt của các vị đại biểu, nhất là các thầy cô, các nhà nghiên cứu đã viết bài tham gia buổi tọa đàm này, tới Nhà trường đã ủng hộ về tinh thần và vật chất và xin tuyên bố khai mạc tọa đàm khoa học “Còn là TINH ANH” kỷ niệm 10 năm ngày mất của Giáo sư Trần Quốc Vượng.
Ý kiến bạn đọc
Thứ hai - 16/09/2024 14:09
Thứ hai - 16/09/2024 12:09
Thứ hai - 16/09/2024 07:09
Chủ nhật - 15/09/2024 16:09
Thứ bảy - 14/09/2024 08:09