Biển Đông - muôn ngả đường tiếp xúc, giao lưu văn hóa của Việt Nam (PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế)

Thứ năm - 10/08/2023 01:51
Vì lẽ sinh tồn, cư dân Việt Nam không chối từ tiếp xúc, giao lưu kinh tế văn hoá từ biển cả. Đó là lẽ sinh tồn của chính mình, của cộng đồng từ gia đình đến cộng đồng quốc gia, dân tộc. Đó là một bản lĩnh văn hoá của đất nước này, dân tộc này với Biển. tương truyền Thục An Dương Vương chạy đến nơi này rồi nhảy xuống biển tự tử năm 179 trước Công nguyên

BIỂN ĐÔNG – MUÔN NGẢ ĐƯỜNG TIẾP XÚC, GIAO LƯU VĂN HOÁ CỦA VIỆT NAM

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế
 
Nằm trên bao lơn bán đảo Đông Dương, Việt Nam là nước có tính hải dương (tính biển) cao nhất so với các nước trên bán đảo. Biển, các cửa biển, sông ở Việt Nam nối liền thành một hệ thống. Thuỷ trình này có vị thế đặc biệt trong quá trình, hình thái vận động và phát triển của lịch sử, văn hoá Việt Nam:

Là yếu tố thường trực tạo ra “tính mở” về biên độ và cường độ của quá trình liên tục tiếp xúc văn hoá trong nội bộ quốc gia và quốc tế của Việt Nam.

Biển đã góp hình thành và hun đúc bản lĩnh Việt Nam là “không chối từ tiếp xúc” trên nguyên lý bất di, bất dịch vì Độc lập, Tự do, Hạnh phúc của cộng đồng, dân tộc.
***
Khi tiếp cận về quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa ở Việt Nam như một quá trình không ngơi nghỉ của văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh đến vị thế địa – chính trị của Việt Nam, vị thế ngã tư đường của Việt Nam[1]. Tôi chỉ bổ sung và nhấn mạnh thêm: không nên quên rằng, trong vị thế đó, chính biển đã tác động đặc biệt quan trọng, tạo nên diện mạo, hình thái và nội dung vận động của quá trình tiếp, xúc giao – lưu – như – một – thuộc – tính của lịch sử – văn hóa Việt Nam.
 
1. Văn hoá, trước hết và giản dị như Hồ Chí Minh quan niệm là “vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống…”.

Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra. Nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[2].

Việt Nam nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương của khu vực Đông Nam Á. Phía Đông và phía Nam là biển Đông với bờ biển dài 3.260km ôm lấy phần đất liền diện có diện tích 331.212km2. Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia[3]. Tương quan đất liền và biển của Việt Nam là 100km2 đất liền có 1km bờ biển; 1km2 đất liền có 4km2 mặt biển (tức là gấp từ 6 lần đến 1.7 chỉ số tương đương của thế giới)...

Từ bao đời nay, biển là trường mưu sống rộng lớn của các thế hệ cư dân[4]. Những “hải sản” gần gũi như mớ rau, hạt lúa, củ khoai của cánh đồng được đọc qua, quy ra mọi tính cách:

Cá biển cá bầy là con cá Đục
Cắt ra nhiều khúc là con cá Chình
Trai gái rập rình là con cá He
Chồng nói vợ nghe là con cá Mác
Chung tiền đánh bạc là con cá Cờ
Tối ngủ hay rờ là con cá Ngứa
Ngày ăn hai bữa là con cá Cơm
Ăn nỏ kịp đơm là con cá Hấp
Rủ chắc lên dốc là con cá Leo
Mẹng thở phì phèo là con cá Đuối
Nhọn mẹng nhọn mụi là con cá Déc
Nấu ra nhão nhẹt là con cá Khoai
Hay ăn trộm ngoài là con cá Nhám
Ngồi chờ chúng bạn là con cá Cằn
Già rụng hết răng là con cá Móm
Bộ đi lom khom là con cá Bò
Ăn nỏ biết no là con cá Nóc
Có gai trên ốc là con cá Ngạnh
Có hai cái cánh là con cá Chuồn
Rủ trai vô buồng là con cá Ngộ
Nghe lời trai thổ mang gói qua sông
Bỏ mạ theo giông là con Bạc Má
Thường hay quấy phá là con cá Mương
Bán bạn trữa đàng là con cá Mại
Đua thuyền vận tải là con cá Heo
Buông chầm cầm chèo là con cá Trích
Hay gây xích mích là con cá Lầm
Chằm hăm theo gái là con cá Ve
Nay rượu mai chè là con cá Cúng
Mẹng như cái thúng là con cá Hà
Ăn nói quá đà là con cá Hố
Hay tìm về tổ là con cá Chim
Đáy biển mò kim là con Nục Mộng…
[5]

Và từ mục đích mưu sinh mà muôn vàn dạng thức tiếp xúc giữa văn hoá của các tầng lớp cư dân giữa các vùng, miền, tộc người trước hết là vùng duyên hải của Việt Nam và giữa Việt Nam với văn hoá khác.

2. Biển tham gia từ sớm và mọi hình thái của tiếp xúc, giao lưu văn hóa thường diễn ra của văn hóa Việt Nam

Biển Đông luôn luôn là trường giao thương hàng nội địa Bắc – Nam và quốc tế, là trường tiếp xúc rộng lớn trong mọi tình huống suốt chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam.

Không ngẫu nhiên, mà trong kho tàng tri thức dân gian từ Bắc đến Nam, những ngọn núi, luồng lạch từ ven biển đến ngoài khơi lại trở thành ngọn hải đăng truyền thống từ bao đời:

Tây cồn Dang cồn Nẹ, Tây Cái Nẹ, Thần Phù
Ngó ra Hòn Dứa tăm tăm, Thấy anh kéo lưới bịt khăn đầu rìu…

Với cư dân vùng Bảo Ninh – Quảng Bình, thủy trình vào Nam ra Bắc của ngư dân hiện lên gần gũi và truyền từ đời này sang đời khác[6]:

– Vào Nam:

Bây chừ dần dà xin kể đàng vô
Đèo Ngang đất Quảng lô dô
Đi vô Đá Nhảy là nơi Lý Hoà
Thẳng dong một cạnh thẳng đà
Đi vô Động Hải ba toà nhà cao
Ở trong là ao, ở ngoài Hòn Hiền loã xoã
Xưa nay thuyền vô ra đánh cá
Đã truyền đi truyền lại câu ca:
Hòn Hiền là mẹ là cha
Ai đi tới đó cũng là bình yên
Xuôi vô ba cạnh thẳng liền
Cựa Tùng nằm đó một miền đất cao
Biển khơi sóng vỗ rì rào
Ngoài khơi, kẻ lộng ra vào thảnh thơi
Mụi Nam dắm hướng mặt trời
Thừa Thiên nằm đó ai đi đủ đầy
Phủ Thừa Thuận Hoá là đây
Đồn Ông, cột thép thành xây
Trình đồn nộp lễ coi ngày mà ra
Gió Đông ba cạnh thuận đà
Đi vô một đoạn đó là lạch Ông
Trong lạch Ông, ngoài Vũng Chùa
Mênh mang nghe tiếng hò ơ
Ai đi vô đó ta gởi lời thơ đi cùng
Núi Hải Vân chất ngất ngàn trùng
Hòn Hành nằm đó bên trong vụng Hàng
Trong vụng Hàng da nằm phơi cánh
Ngoài Hòn Nghe thỏng thảnh dô ra
Ngó vô Hòn Trai, Hòn La, Hòn Lài
Bãi Hòn nằm ngoài, cựa Đại nằm trong
Ngó quanh cựa Đại trong ngoài
Hòn Nồm nằm đó mồ côi một mình
Tam cấp là rạn trời sinh
Bàng Thang, cựa Xể lung linh Hiệp Hoà
Trong Hiệp Hoà còn Chùa Liêu, Chùa Ổ
Mụi Thông Bình ló lỗ non cao
Lâm thâm sóng vỗ rì rào
Sa Kỳ, vụng Vịnh ta vào nghỉ ngơi
Chốn nghỉ ngơi gặp nơi phong cảnh
Lao nằm ngoài thỏng thảnh nghiêng nghiêng
Xưa nay chốn ấy đã truyền
Chộ hòn Lò Riệu ghênh thuyền cho khơi
Thảnh thơi ba ngọn thảnh thơi
Buông qua Quảng Ngãi một hơi dặm trường
Thuyền qua Quảng Ngãi mía đường
Chộ Hoàng Sa đó, Trường Sa cũng nằm
Lạch Tân, Kim Quang, Kim Bồng là đó
Chốn thanh nhàn vui thú liên hương
Ngài buôn, kẻ bán muôn phương
Ai đi qua đó dạ thường say sưa
Nào ai đi sớm về trưa
Ngó lên phía núi chợ dừa Tân Quang…


– Là ven biển Miền Trung:

Buồm dong ba cạnh thẳng vời chạy vô
Vụng Vắng đá lại nhấp nhô
Đá chồng đá chất quanh co như buồng
Buồm căng theo ngọn một luồng
Đi xuống một độ Hòn Chông rõ ràng
Qua khỏi Hòn Chông phải chăng tay lái
Vượt Mà Rằng mới tới Phan Rang
Bãi Tròn lai láng mênh mang
Ngó ra thăm thẳm là ngàn Mụi Đinh
Qua Mụi Đinh biển liền chín giải
Mụi chỉ mặt trời vác lái đi ra
Nhắm chừng chốn nớ đã qua
Tây phiên gác mũi lại đà gác đông
Thẳng vời ba cạnh thong dong.


– Là vùng biển Nam Trung Bộ:

Mụi Đinh đã cách, Cù Ông đã gần
Cù Ông, Cà Ná, Bãi Trầm
Hòn Lau Cau đó, thẳng gần Là Giang
Ngó vô thuyền đậu nghênh ngang
Làng sông, kẻ lái, xênh xang mến nghề
Ngó vô đã thật cận kề
Hòn Rơm đứng đó, Hòn Nghề đứng đây
Thiên nhiên khéo tạc xui bầy
Hòn Hồng, Hòn Né đủ đầy cả hai
Hỡi ai thuỷ thủ anh tài
Bán buôn hôm sớm một hai dặm trường
Sài Gòn thẳng hướng cùng phương
Đi vô tới đó con đường còn xa
Nước non phong cảnh bao la
Ngài buôn kẻ bán thuận hoà bui chung.


– Và hải trình ra Bắc:

Những ngày xuôi ngược đi về
Lược trình ra Bắc lược kê mấy dòng
Ngó ra mù mịt hòn Ông
Ngoài sóng ngả một vùng rạn Ló
Dãy Hoành Sơn lồ lộ cao phong
Thuyền đi yên ngựa thẳng dong
Núi Ông chộ mặt, mụi Rồng nê ra
Dáng vụng Chùa, thân bà phơi cánh
Bóng Hòn La thấp thoáng kề bên
La ngoài, Cỏ trửa hai bên
Mụi Ông trong bại đất liền bò ra
Chạy kênh trong vừa qua Xó Rác
Gió Nam Lào bụi cát từng cơn
Gió rọc thổi dưới Nam Sơn
Núi cao, cò thắt, lắm cơn gió lò
Hòn Sơn Dương mịt mờ xanh biếc
Rạn Thôn Đông nối tiếp không rời
Bến chim, đảo cánh bắt mồi
Rọc Roòn ngó chộ là nơi vụng Nàng
Trong vụng Nàng có chàng vụng Áng
Nơi trú chưn ngày tháng động trời
Khi mô gió tốt êm vời
Vượt qua cựa khẩu là nơi an điềm
Cựa lạch Sót lặng bằng trong vụng
Thuyền chạy lên đưa đúng đòn cân
Hồng Lam qua đó cũng ngưng
Nơi đây Nghệ Tĩnh sóng dâng cũng vào
Qua Bãi Đào, rú cao Hòn Mắc
Ngó mù khơi như lạc một mình
Hòn Nồm nho nhỏ xinh xinh
Qua cống lạch Nghệ cho tinh kẻo lầm
Mé nước ngầm vàng thâm đỏ tía
Đảo Song Ngư đáo địa thuở nào.
Ló nằm, sáo lại trồi cao
Giăng hàng sóng ngã lao xao lạch Lò
Buồm phảng phất lô dô thuyền tắc
Mụi khe Gà lác đác sương đêm
Lửa thuyền đến độ muốn nhen
Vừa qua lạch Vạn chộ lèn Hai Vai
Qua lạch Quyên, ngước coi Hòn Ó
Lạch Nhà Bà dưới núi nằm trên
Hòn Cù kia đã gần bên
Rạn Nồi Rang đã nổi lên gập ghềnh
Thuyền chạy ngoài đã quen từ trước
Kênh Yên Gà cạn nác khó qua
Hươu nằm Núi Nứa chạy ra
Đá vanh vụng Ngọc đàng qua ngoằn ngoèo
Vũng Ghềnh Ết sóng reo rõ tiếng
Ngó phía trong Vụng Biện bắt hò
Cuốn buồm vô vịnh lên bờ
Ghe mành, thuyền giã, đón đưa quán hàng
Ngoài to nhỏ giăng hàng đắc địa
Vung bên nồi, đọi đĩa ngổn ngang
Buồm giong, đón gió sang ngang Hải Tần
Cựa lạch Bạng tình thân gởi gấm
Mụi Xủi tê xanh thẳm rệ lầm
Biện Sơn giống rệt cổ tầm
E khi sóng gió phân vân giữa vời
Kề lạch Man là nơi Phà Ghép
Vọc hai hòn dúc dích bò ra
Hòn Gầm thấp thoáng không xa
Sầm Sơn nghỉ mát mấy toà ai xây?
Gió nồm thổi đằng khơi trự chặt
Phóng mắt coi phía bắc chưn trời
Lạch Trường tê chính là nơi
Heo nằm đất đỏ, bò bơi biển vàng
Màu xanh thắm chắn ngang Hòn Nẹ
Giải Cồn Đen cứ rứa mà trông
Gò Bò mãi ngắm hướng đông
Cống Dài ngó chộ phao hồng nổi lên
Tề lạch Lác ai quen năm tháng
Hàng dương tê xanh thắm mượt mà
Nhà thờ trửa biển tréng xa
Gần cựa tránh ghé, ghé ra tránh cồn
Cồn khống Chế tiếng đồn sóng lớn Lượn phải đón đăng khơi
Thái Bình cựa lạch là nơi
Diêm Điền mói mặn, cá tươi, tôm vàng…


Trên bờ biển dài trên 3200km của Việt Nam, lại có đến 112 cửa sông lạch đổ ra biển bình quân cứ 10km lại có một con sông đổ ra biển.

Mật độ trung bình của các sông trong cả nước đạt 0,60km/km2 (nơi có mật độ sông thấp nhất là vùng Nam Trung Bộ. Khu vực châu thổ sông Hồng có mật độ 0,45km/km2. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có mật độ 0,68km/km2)[7].

Việt Nam có 23 sông xuyên biên giới. Trong đó có những sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Đà. Hướng của các dòng sông Việt Nam chủ yếu chảy từ Tây sang Đông, từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ đất liền ra biển Đông[8] (Xem Phụ lục 1).

Đại Nam thực lục ghi 14 cửa biển lớn đầu thời Gia Long (năm 1804) là Cửa Eo (Quảng Đức), Yên Việt (Quảng Trị), Nhật Lệ (Quảng Bình), Đại Chiêm (Quảng Nam), Cổ Luỹ (Quảng Ngãi), Thi Nại (Bình Định), Cù Huân (Bình Hoá), Phan Rí (Bình Thuận), Cần Giờ (Gia Định), Hội Thống (Nghệ An), Thu Vi Trào (Thanh Hoá), Hải Liêu (Sơn Nam Hạ), Nam Triệu (Hải Dương), Hoa Phong (Yên Quảng), tháng giêng hàng năm quan địa phương đều bày đàn tế để cầu gió thuận[9].

Các cửa sông, đường thủy “nội địa” trên thực tế đã gắn – mở đất liền với biển Đông qua các cửa sông. Chính vì thế, những tiếp xúc với thế giới bên ngoài, từ biển, không chỉ diễn ra ở trên biển khơi, ven biển, mà còn từ biển dẫn sâu vào trong phần đất liền của Việt Nam lên đến vùng núi. Biển, các cửa biển, sông ở Việt Nam thành một hệ thống – yếu tố thường trực tạo ra tính mở, sâu của quan hệ tiếp xúc của Việt Nam. Không chỉ dân gian hai miền “Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên”, hay Cristophoro Bori (ở thế kỷ XVII) và Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) quan sát thấy những đoàn thuyền từ cửa biển lên miền thượng Tây Nguyên ở Miền Trung mà ở khu vực miền Bắc, tình trạng này xuyên suốt các thế kỷ[10].

Đấy là với nội bộ quốc gia, dân tộc, còn với khu vực và quốc tế, chính Biển là thuỷ trình thường xuyên, mở rộng biên độ và cường độ của quá trình liên tục tiếp xúc văn hoá của Việt Nam.

Nếu trước thế kỷ XV, qua đường biển, những văn hóa phương Đông, mà chủ yếu là khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á vào Việt Nam, thì từ thế kỷ XVI-XVII trở đi, chính từ biển, qua biển một làn sóng mới của di dân từ phương Bắc (chủ yếu là Nam Trung Hoa) đã diễn ra với quy mô lớn hơn tới phía Nam, rồi từ phương Tây những giáo sĩ, thương nhân, binh lính… liên tục và chủ yếu từ biển vào.

Thế kỷ “Thương mại” (XVII-XVIII), mà cụ thể là trong hơn 60 năm (1637-1700) của thế kỷ XVII, qua tài liệu lưu trữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã có hàng trăm chuyến tàu biển từ Hà Lan, Anh, Pháp… đi, về Đàng Ngoài (Xem phụ lục 2).

3. Tuy nhiên, từ vùng biển Đông… không chỉ êm đềm, lặng sóng…

Biển Đông của Việt Nam hàng năm thường phải hứng chịu với 5 đến 10 cơn bão/năm, và có hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ, rồi cướp biển, giặc giã từ biển[11].

* Với bão tố, phong ba thì “đau khổ không phải chỉ riêng ai”[12]. Không chỉ “Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước” vào năm 979, mà những cư dân từ nơi khác đến những tàu, thuyền bè nước ngoài đi qua hoặc vào biển Việt Nam cũng gánh chịu tình trạng này. Nhân vụ tàu Hoogcapel bị đắm, Chính phủ ở Batavia đã phải ra quyết định “từ nay trở đi Công ty chấm dứt hoạt động buôn bán trực tiếp giữa thương điếm Kẻ Chợ và thương điếm Nagasaki. Theo đó, hàng hóa thương điếm Kẻ Chợ mua cho Nagasaki đều được chuyển về Batavia, sau đó theo tàu từ Batavia đi Nagasaki. Các loại hàng hóa từ Nagasaki sang Kẻ Chợ cũng theo tuyến buôn bán ngược lại: Nagasaki – Batavia – Kẻ Chợ. Mục tiêu của Công ty trong việc bãi bỏ hoạt động buôn bán trực tiếp Đàng Ngoài – Nhật Bản là nhằm tránh những rủi ro trên biển do tàu từ Đàng Ngoài đi Nhật Bản thường khởi hành muộn nên hay gặp bão ngoài khơi…” (Xem phụ lục 2).

Nếu trong truyền thuyết về các ngôi đền ven biển như đền Cờn (Quỳnh Lưu – Nghệ An) truyền về câu chuyện nhà Hậu Tống bị rơi xuống biển, trôi dạt vào phía Nam được dân vớt lên, cưu mang… thì trong biên niên sử, chuyện ấy không chỉ một lần… Chẳng hạn, chỉ trong Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ ghi vài năm đầu thời Gia Long đã xảy có các sự kiện:


“Năm 1804: Bọn Lâm Quý, Lâm Bảo đáp thuyền buôn qua Bành Hồ gặp gió bão ở cửa Đại Chiêm. Vua sai cấp cho bọn này mỗi ngày 3 quan tiền, cho thuyền và thuỷ thủ 100 quan, 100 phương gạo. Sau thêm bọn Quý mỗi người 10 lạng bạc, sai đưa theo đường bộ về nước.

Năm 1805: Thuyền buôn của người Chà Và bị nạn đậu ở phần biển Quảng Đức, chạy vào Gia Định. Vua sai cấp tiền gạo và đưa về.

Năm 1806: Tthuyền đánh cá của người Thanh là bọn Lâm Tiến Hưng bị bão dạt vào Đồ Sơn. Sai cấp lương ăn, bảo về nước.

Thuyền đánh cá của người Thanh gặp bão dạt vào phần biển Nam Bình Định. Sai cấp lương ăn, bảo về nước.

Thuyền của Xiêm sang Thanh cống nạp, gặp bão, phải đậu ở hải phận Bình Định. Vua cấp cho 7000 quan, 1000 phương gạo, sai người sửa chữa giúp thuyền, rồi cho về. Sau Xiêm mang 3000 đồng bạc Xiêm tạ, lại xin kỳ nam, nhục quế. Vua cho.

Năm 1808: Thuyền sai dịch nhà Thanh bị nạn đậu ở cửa Sa Kỳ. Sai cấp bạc lụa quần áo rồi đưa đường bộ về. Chủ thuyền 8 người cung cấp cho lương ăn và cho đáp thuyền buôn về.

Thuyền Hông Mai Tô Lo Xuy Lamondap chở hơn 500 khách buôn người Thanh bị bão đến đậu ở cửa Đà Nẵng. Vua sai cấp tiền gạo cho khách buôn bị nạn, cho theo đường bộ về. Thưởng Tô Lo 300 phương gạo.

Năm 1809: Thuyền buôn người Xiêm gặp bão giạt vào bến Đà Nẵng. Sai cấp cho 200 phương gạo”…

** Cướp biển thì biên niên sử Việt Nam, tài liệu thương mại nước ngoài có liên quan đến vùng biển Đông, không ít lần nhắc tới nạn cướp biển, từ biển vào[13].

Ở vùng biển Đông Bắc, cướp biển không chỉ hoành hành như trong thế kỷ XVII (xem Phụ lục 2) mà theo Nghệ An ký, thế kỷ XVIII “hồi bấy giờ có giặc ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây gọi là Tàu Ô[14]. Những thuyền buôn phương Bắc đến thường bị bọn giặc Tàu Ô đón đánh trên mặt biển, chúng lấy của giết người vất xác xuống biển, người trong nước cũng chịu hại lây”[15]. Theo các nghiên cứu gần đây[16] thì mấy thế kỷ từ XVII đến XIX thì “trở lực lớn nhất cho sự phát triển của vùng Đông Bắc từ nửa cuối thế kỉ XVII là vấn đề hải tặc và sự bất ổn chính trị ở vùng Nam và Đông Nam Trung Quốc sau chính biến Minh – Thanh năm 1644. Sau khi nhà Minh sụp đổ, nhiều nhóm hải tặc cũng như các thế lực “phản Thanh phục Minh” thường chọn vùng Nam Trung Hoa, một phần giáp với biên giới Việt – Trung để trú chân và tiến hành cướp bóc các thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán với Đàng Ngoài qua khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ và bán đảo Lôi Châu”[17]. Thậm chí hải tặc Chà Và còn kết hợp với hải tặc Tàu Ô cướp phá tận vịnh Bắc Bộ[18].

Vùng biển phía Tây là nơi hải tặc “Chà Và” hoành hành dữ dội. Thời Tây Sơn và thời Nguyễn, ở các đảo Hòn Tre, Hòn Cau, Hòn Rái, Hòn Cổ Rồng, Phú Quốc, biển Kiên Giang, biển Hà Tiên… thường xuyên bị hải tặc cướp phá. Đầu thế kỷ XIX, đụng độ giữa hải tặc “Chà Và” với quân triều Nguyễn vào các năm 1822, 1823, 1825, 1828, 1830, 1834 ở biển Hà Tiên, đảo Hòn Rái, đảo Cổ Rồng…

*** Càng không quên, nhiều cuộc tiếp xúc “bất đắc dĩ” với các nước bên ngoài của Việt Nam từ biển

Ít nhất từ khi ở phía Bắc, quốc gia Đại Việt vừa qua ngàn năm Bắc thuộc:

Năm 938 quân Nam Hán vượt biển, vào Bạch Đằng…

Thế kỷ XI quân Tống do Hòa Mâu và Dương Tường Tiên chỉ huy đem thủy quân vào hải phận Đại Việt muốn vào cửa Bạch Đằng, bị quân Đại Việt chặn và cô lập.

Năm 1282, nhà Nguyên điều 1000 chiến thuyền do Toa Đô chỉ huy, theo biển tấn công và cửa biển Cri Vinaya (Thi Nại – Quy Nhơn) rồi đầu năm 1284 lại tiếp thêm 200 chiến thuyền vào đó hỗ trợ. Từ đây, quân của Toa Đô lại vượt biển tiến ra Bắc.

Trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ 3, cánh quân thủy do Ô Mã Nhi cầm đầu vượt biển vào Vạn Ninh (Móng Cái – Quảng Ninh), tiếp đó là chiến thuyền chở 70 vạn thạch lương của Trương Văn Hổ cũng theo biển tiến vào.

Nửa cuối thế kỷ XIX: Năm 1858, tàu chiến của Liên quân Pháp – Tây Ban Nha từ biển tấn công Đà Nẵng. Năm 1860, tàu chiến Liên quân này bắn phá cửa Cần Giờ, tấn công Đại đồn. Năm 1873, tàu chiến quân Pháp theo biển từ Nam ra Bắc tấn công thành Hà Nội…

4. Biển bộc lộ tính cách văn hoá Việt Nam, thế ứng xử của văn hoá Việt Nam

* Người Việt Nam không chỉ “bị động” trong việc đón nhận, mà trong nhiều hoàn cảnh chủ động:

Không phải chỉ có người nước ngoài đến “xin” thiết lập quan hệ thương mại, trong nhiều trường hợp, hoàn cảnh cụ thể chính quyền Việt Nam chủ động mời đến buôn bán, thông thương, như:


– Thế kỷ XI, Lý Công Uẩn ở Giao Châu xin được đưa người và thuyền thẳng đến Ung Châu để buôn bán.

– Khi chúa Nguyễn vào Thuận Hóa, nhất là khi lập Dinh trấn Thanh Chiêm. Năm 1617, chúa Sãi đã viết thư mời công ty Đông Ấn Hà Lan ở Malacca đến Hội An buôn bán. Năm 1624, chúa Sãi lại gủi thư và tặng phẩm cho toàn quyền Hà Lan ở Nam Dương mong muốn thuyền buôn nước này đến Hội An buôn bán…

– Năm 1637, ở Đàng Ngoài, Trịnh Tráng đã công khai bộc lộ khi đón Carel Hartsinck – giám đốc đầu tiên của thương điếm Hà Lan ở Kẻ Chợ, là tìm cách xây dựng “liên minh quân sự trường tồn ngàn năm” giữa Đàng Ngoài với người Hà Lan để tăng cường lực lượng chinh phục Đàng Trong.

 – Thế kỷ XVIII, Nguyễn Ánh sau khi chiếm lại được Gia Định từ tay Tây Sơn, đã cho Nội viện Trần Vũ Khách đưa tàu đi Giang Lư Ba (Batavia), Cai đội Ô li vi, Đội trưởng Ba la di đi Goa, Mã la kha (Ba la kha Malacca)…

 * Đề phòng:

Đề phòng tai hoạ từ biển vào, các chính quyền nhà nước ở Việt Nam không phải ngẫu nhiên mà coi “Hải tần phòng thủ” thành chiến lược truyền từ đời này sang đời khác. Trong lịch sử, các vương triều Đại Việt đều ý thức về chủ quyền đã đánh dấu mà nhiều vụ trực tiếp đi tuần tra biển.

Không chỉ có riêng Lý Anh Tông quan tâm đặc biệt đến “Hải tần phòng thủ” sai Tô Hiến thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển Tây Nam, để giữ yên miền biên giới. “Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về”. Sau đó, dẫu không khoẻ, đích thân Lý Anh Tông năm 1171, “đi tuần các hải đảo, xem các hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào”, năm 1172 “vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”[19].

Vua Lê Thánh Tông là vị vua đã lên thuyền, để lại nhiều dấu tích trên các vùng biển, cửa biển quốc gia Đại Việt thế kỷ XV…

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng nửa đầu thế kỷ XIX, từ thời Gia Long đến khi Tự Đức lên ngôi (1847), các vua và triều đình Nguyễn đã trực tiếp đến 84 chỉ dụ và cho ý kiến về việc liên quan đến biển, bảo vệ chủ quyền và khai thác biển.

Minh Mạng ban dụ cho Bộ Binh: “Nước nhà ở về phương Nam, đất nhiều phần biển, thủy quân là rất quan trọng. Chính nên huấn luyện cho thông thuộc, biết rõ đường biển thì lúc có việc mới mong đắc dụng, phải tập tành cho biết rõ đường sông, đường biển, chỗ nông, chỗ sâu, chỗ khó, chỗ dễ, đâu có cù lao, hòn đảo, đá ngầm, thác ghềnh”[20].

Tuy nhiên, tinh thần, ý chí phòng thủ ấy trong nhiều trường hợp lại khiến các chính quyền nhà nước Đại Việt, Đại Nam lại từng “bế quan, toả cảng” đóng cửa, thụ động trong tiếp xúc với bên ngoài…
***
 
Trên biển, trong lịch sử, chính trong hoàn cảnh tiếp xúc “bất đắc dĩ” ấy, cái căn cốt tạo thành bản lĩnh, rỡ ràng của văn hoá Việt Nam, thành cội nguồn, thống nhất và trào dâng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Không ngẫu nhiên mà hình thái của chủ nghĩa yêu nước được Hồ Chí Minh chỉ ra bằng hình tượng “kết thành một làn sóng”. Khi mọi năng lượng văn hoá yêu nước, đa dạng và phong phú ấy biết hợp, kết thành “một làn sóng” mới tạo thành nguồn năng lượng “vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và lũ bán nước” mà Việt Nam mới trường tồn trước những thử thách khốc liệt của các cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước.

Những Bạch Đằng năm 938 và 1288 của thế kỷ XIII, “Đường mòn” trên biển của thế kỷ XX là thể hiện rõ ràng ý chí, bản lĩnh Việt Nam trong cuộc trường kỳ vì Độc lập, Tự do của toàn dân tộc.

Và vẫn biết, không phải chỉ ở Việt Nam mới nhìn hòn đá to bên hình đá nhỏ lại hoá thành hình tượng hòn Vọng Phu (Ngóng chồng). Nhưng, hẳn chưa có nơi nào trên trái đất, như ở Việt Nam từ Bắc vào Nam nhất là vùng ven biển Việt Nam lại nhiều đến thế: Vọng Phu núi Khê Thanh Hóa, Vọng Phu ở cửa bể đạo Thuận Hóa, Vọng Phu ở núi Bà cạnh suối Bún, Bình Định nhìn ra Vũng Rô, Vọng Phu ở Chánh Oai, Cát Hải, Phù Cát, Bình Định,…

Dù mô típ câu chuyện như thế nào, thì ở vùng ven biển, hình Vọng Phu là Thạch hóa tâm tưởng những nỗi niềm về những người ra biển đã không trở về:

Chiều chiều ra bến ngỡ ngàng, ngóng ai lại ngóng đợi người Hoàng Sa…
Chiều chiều ra ngóng biển xa…
Nhưng, người Việt Nam vẫn kiên cường bám biển!


Vượt qua những mất mát hy sinh, các thế hệ cư dân Việt Nam đã cộng tồn ngàn đời với môi trường biển rộng lớn, thường xuyên như vậy nên chính biển, tại biển đã kết tinh nhưng đặc điểm nổi bật của văn hoá Việt Nam. Vì lẽ sinh tồn, cư dân Việt Nam không chối từ tiếp xúc, giao lưu kinh tế văn hoá từ biển cả. Đó là lẽ sinh tồn của chính mình, của cộng đồng từ gia đình đến cộng đồng quốc gia, dân tộc. Đó là một bản lĩnh văn hoá của đất nước này, dân tộc này với Biển.

 
Phụ lục 1: MỘT SỐ CỬA SÔNG RA BIỂN CỦA VIỆT NAM
(Nguồn: Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Địa lý tự nhiên Việt Nam)
 

Sông

Cửa đổ ra biển

Địa điểm

Ghi chú

 

Cửa sông Cái Lớn chảy ra vịnh Xiêm (Thái Lan)

phía Nam cửa Bảy Háp thuộc tỉnh Cà Mau

 

Sông Hậu

Châu Đốc Long Xuyên (An Giang), Thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng

 Cửa Định An  

 

 

 

Cửa Ba Thắc

 

bị bồi lập những năm 70 thế kỷ XX 

 

Cửa Tranh Đề

 

 

Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự và Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Cai Lậy (Tiền Giang)

Cửa Đại

 

 

Sông Cửa Tiểu

Cửa Tiểu

 

 

Sông Hàm Luông

Cửa Hàm Luông

 

 

Sông Cổ Chiên

Cửa Cổ Chiên

 

 

Sông Cổ Chiên

Cửa Cung Hầu

 

 

Sông Ba Lai

Cửa Ba Lai

 

hiện đã bị đập ngăn lại bằng hệ thống cống, đập

Sông Cái (Khánh H)

Cửa Bé

 

 

Sông Cái (Khánh Hòa)

Cửa Lớn

 

 

Sông Khánh Hoà

Cửa Cam Ranh

 

 

Sông Cái (Nha Trang)

Cửa Cầu Bóng

 

 

Sông Lại Giang (Bình Định)

Cửa An Dũ

là cửa biển duy nhất của con sông Lại Giang khi đổ ra biển tại Hoài Nhơn

 

 

Cửa sông Bồng

Cửa sông Lại Giang, tức sông Kim Sơn

huyện Bồng Sơn, thuộc phủ Hoài Nhơn, nay là xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

phía Nam cửa Sa Huỳnh, phía Bắc cửa Đề Gi (Nước Ngọt)

Sông Dinh (Khánh Hòa)

Cửa Hà Liên

 

 

Sông Đà Rằng (Phú Yên)

Cửa Đà Diễn

 

 

Sông Kỳ Lộ (Phú Yên)

Cửa Tiên Châu

 

 

Sông Tam Quan

Cửa Tam Quan

 

 

Hà Thanh Côn (Bình Định)

Cửa Thi Nại

 

Đầm Thi Ni

Sông Sa Cần

Cửa Sa Cần

 

địa phận hai xã Bình Thạnh và Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

xưa gọi Sa Cần là Thái Cần hay Thể Cần

Sông Vệ

Cửa Mỹ Á

phía Bắc xã Phổ Vinh, phía Nam xã Phổ Quang, phía Đông Bắc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

một chi lưu của sông Vệ đổ ra biển

 

 

Cửa Lở

 

phía Nam xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, phía Bắc xã Đức Lợi, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

 

Sông Trà Khúc

Cửa Đại Cổ Luỹ (còn gọi là cửa Đại)

phía Bắc xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi

 

Sông Thu Bồn

Cửa Đại

 

 

Sông Hàn

Vịnh Đà Nẵng (cửa Cu Đê?)

 

 

 

Cửa Tư Hiền

 

vùng đầm Cầu Hai xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc Thừa Thiên - Huế

Sông Hương

Cửa Thuận An

 

Đại Việt sử ký toàn thư ghi năm Giáp Thân (1404) cửa biển Hóa Châu mở ra ở làng Hòa Duân

(còn gọi là Yêu Hải môn, Noãn Hải môn, và Nhuyễn Hải môn). Song tùy thuộc vào thủy văn, cửa Eo di dịch vị trí ít nhiều cũng như mở và đóng nhiều lần

Sông Thạch Hãn

(Sông Hiếu, Quảng Trị)

 Cửa Việt

cách thị xã Quảng Trị 18km, cách cửa Tùng 20km về phía Đông Nam

Đại Nam thực lục ghi là Anh Việt

Sông Bến Hải (Sông Minh Lương)

Cửa Tùng

huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

 

Sông Nhật Lệ

Cửa Nhật Lệ

phía Bắc bán đảo Bảo Ninh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

thời Lý, vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở đây. Đời Hậu Trần, Đặng Tất bắt được quân nhà Minh là Phạm Thế Căng, Phạm Đống Cao ở đây

Sông Gianh

Cửa Gianh

 

 

Sông Rác

Cửa Nhượng

(còn gọi là cửa Nương Loan)

phía Nam xã Cẩm Nhượng, phía Bắc xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

ở phía Nam cửa Sót, ở phía Bắc cửa Hải Khẩu

Sông Lam

Cửa Hội Thống

 

 

Sông Cấm

Cửa

 

 thuộc xã Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An 

 

 

Cửa Hiển

 

làng La Nham, giáp huyện Đông Thành và huyện Nghi  

tương truyền Thục An Dương Vương chạy đến nơi này rồi nhảy xuống biển tự tử năm 179 trước Công nguyên  

Sông Bùng

Cửa Vạn (cửa Lạch Vạn)

làng Vạn Phần, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

 

Sông Cần Hải

Cửa Cần Hải

Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

 

Sông Độ Ông

Cửa Lạch Quèn

huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

 

Sông Xước

Cửa Lạch Bạng

huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá

 

Sông Yên

Cửa Hiếu Hiền (còn gọi là cửa Du Xuyên, cửa Lạch Ghép)

làng Hiếu Hiền, xã Hải Châu giữa 2 huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá

 

Sông Lạch Triều (chi lưu phía Nam Sông Mã)

Cửa Lạch Triều

(còn gọi là cửa Lạch Triều, Lạch Chào, cửa Hới)

làng Hội Triều, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá

 

Sông Mã

(dòng chính là sông Mã và 2 phụ lưu lớn là sông Chu, sông Bưởi)

Cửa Hới

(cửa sông Hội Triều, thuộc sông Mã)

giữa huyện Hoằng Hoá và Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá

 

 

Cửa Sung

giữa huyện Hậu LộcNga Sơn, tỉnh Thanh Hóa

 

Sông Lạch Trường

Cửa Lạch Trường

(cửa I Bích, thuộc sông Ngu Giang hay sông Lạch Trường ở làng I Bích, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, còn gọi là cửa Lạch Trường

huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá

 

 

Cửa Bích Môn

Cửa Hoá (cửa Bích)

huyện Hoằng Hoá, Thanh Hóa

 

Sông Lạch Sung (thuộc sông Đò Lèn)

 

Cửa Lạch Sung

(còn gọi là cửa Bạch Câu)

giữa huyện Nga Sơn và Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá

 

Sông Hội Triều (sông Mã)

Cửa Hội Triều (tức là cửa Lạch Triều, Lạch Chào, cửa Hối)

huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá

 

 

Cửa Ngọc Thỏ (trước gọi là cửa Con Mèo)

xã Bồ Câu, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

chúa Trịnh Sâm đổi là cửa Ngọc Thỏ

Sông Lạch Càn

Cửa Càn

 

 

Sông Đáy

Cửa Đáy

huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

xưa gọi là cửa Đại An hay Đại Ác

Hệ thống Sông Hồng

Cửa Ba Lạt

 

 

 

Cửa Lân

 

 

Sông Sò

Cửa So (cửa Hà Lạn)

 

 

Sông Ninh Cơ

Cửa Lạch Giang

 

 

Sông Trà Lý

Cửa Trà Lý

tỉnh Thái Bình

 

Sông Diêm Hộ

 

Cửa Diêm Hộ

xã Thụy Hải và Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình

 

Sông Thái Bình

Cửa Thái Bình

giữa hai huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng

 

Sông Văn Úc

Cửa Văn Úc

 

 

Sông Lạch Tray

Cửa Lạch Tray

 

 

Sông Cấm

Cửa Cấm

phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng

 

Sông Bạch Đằng

Cửa Nam Triệu

ranh giới của hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng

 

Sông Tiên Yên

Cửa Mô

huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh

 

Sông Ka Long

Cửa Bắc Luân

huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

 



Phụ lục 2: CÁC TẦU BIỂN ĐẾN ĐÀNG NGOÀI, BÃO VÀ CƯỚP, VŨ LỰC TRÊN BIỂN 1637-1700
Nguồn: Hoàng Anh Tuấn (Cb), Tài liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan, Nxb. Hà Nội, H., 2010
Thời gian Tàu biển Hải trình Ghi chú
1637 Grol Đến Hội An, vịnh Bắc Bộ, cửa sông Thái Bình.  
1638 Zandvoort Đến Đàng Ngoài.  
1638 Waterlooze Từ Đài Loan sang Đàng Ngoài.  
1638 Wijdenes Đến Đàng Ngoài. Bị bão lớn ngoài khơi phải vào lại Đàng Ngoài.
1639 Rijp Từ Nhật Bản đến Đàng Ngoài.  
1639 Lis Đến Đàng Ngoài.  
1639 Waterlooze Verve Đến cửa sông Thái Bình.  
1640 Lis Từ Đài Loan sang Đàng Ngoài.  
1640 Engel Đến Đàng Ngoài.  
1640 Rijp Tư Batavia đến Đàng Ngoài.  
1640 Meerman Đến Đàng Ngoài.  
1640 Llein Rotterdam Từ Batavia sang Đàng Ngoài.  
1642 Medicis
Gulden Buis
Từ Đài Loan về Batavia đến ngoài khơi biển Đàng Trong thì gặp bão, bị dạt vào gần Cù Lao Chàm.  
1642  Kievit
Meerman
Wakende Boei
Zeeuwsche Nachtegaal
Brack
Một hạm đội gồm 5 tàu chiến với tổng cộng 222 người (tàu Kievit có 70 người, tàu Meerman chở 65 người, tàu Wakende Boei chở 35 người, tàu Zeeuwsche Nachtegaal chở 35 người và tàu Brack chở 17 người) do Đô đốc Jan van Linga chỉ huy rời Batavia đi tấn công Đàng Trong.  
1642 Meerman Đến Đàng Ngoài.  
1642 Wakende Boei Đến Đàng Ngoài.  
1642 Zeeuwsche Nachtegaal Đến Đàng Ngoài.  
1642 Brack Đến Đàng Ngoài.  
1642 Wijdenes
Waterhond
Vos
Cuối tháng 6 năm đó ba chiếc tàu của Công ty là Wijdenes, WaterhondVos mang theo 200 binh sĩ mới có thể rời Jambi để đi sang Đàng Trong. Tại vùng bờ biển Hội An, đội tàu này bị lực lượng hải quân Đàng Trong bất ngờ bao vây và tấn công dồn dập khiến cho chiếc Wijdenes bốc cháy và nổ tung. Đô đốc Pieter Baeck và phần lớn người trên tàu bị thiệt mạng. Hai chiếc tàu WaterhondVos bị hư hại nặng; thủy thủ hoảng loạn nên tìm cách tháo chạy ra vùng vịnh Bắc Bộ mà quên mất nhiệm vụ dừng lại ở vùng cửa sông Gianh để hợp binh với Chúa Trịnh. Cuối tháng 7, hai chiếc tàu này nhổ neo đi Đài Loan dù người Đàng Ngoài bắt buộc họ ở lại chờ Chúa về để giải thích về việc sai hẹn trong kế hoạch hợp binh.  
1644 Zwarte Beer Những ngày cuối cùng của năm, Giám đốc Antonio van Brouckhorst trở lại Đàng Ngoài theo tàu này, mang theo số vốn kinh doanh khá lớn: 135.000 lạng bạc.  
1644 Bresken
Gulden Gans
Chiếc tàu Bresken quá yếu, không thể đi biển được nên Công ty phái chiếc Gulden Gans sang Đàng Ngoài để mang tơ đi Nhật Bản.  
1645 Swaerten Beer Tháng 11, từ Đài Loan sang Đàng Ngoài mang theo số vốn 454.606 guilder (gồm 150.000 lạng bạc) cho mùa buôn bán năm 1646.  
1645 Hillegaersbergh Đến Đàng Ngoài.  
1649 Kampen Tháng 1, Philip Schillemans đến Đàng Ngoài từ Nhật Bản trên hai thuyền mang theo số vốn vào khoảng 334.105 guilder. Vào cuối tháng 7, tàu Kampen mang tơ đi Nhật Bản còn tàu Witte Valk mang theo số vốn tồn đọng sang Đài Loan. Ra khỏi vịnh Đàng Ngoài (tức vịnh Bắc Bộ) thì gặp bão nên cả hai tàu phải trú ở đảo Lamo. Trong khi 13 thủy thủ của tàu Kampen lên bờ kiếm nước ngọt thì chiếc tàu này bị khoảng 50 chiến thuyền tỏa ra bao vây nên đành phải nhổ neo tháo chạy mà không kịp giải cứu 13 thủy thủ xấu số nói trên.
1649 Witte Valk Đến Đàng Ngoài.  
1649 Zwarte Cuối năm, đến Đàng Ngoài.  
1649 Maasland Giám đốc Philip Schillemans lại sang Đàng Ngoài trên 2 tàu mang theo số vốn 334.105 guilder để chuẩn bị cho mùa buôn bán năm 1650. Khi Philip Schillemans đến cửa sông thì thấy có một chiếc thuyền mành đến từ Batavia và một thuyền mành khác đến từ Nhật Bản, nghe nói mang theo đến 12.000 lạng bạc. Tổng cộng, năm nay có 6 chiếc thuyền mành lớn nhỏ của Hoa thương đến Đàng Ngoài, trong đó có 3 chiếc buôn bán sang Nhật Bản. Họ mua tới 820 picul tơ để mang đi Nagasaki.
1650 Vrede
Liefde
Zwarte Beer
Cuối mùa buôn bán của năm, những tàu của Công ty đi Đàng Ngoài gặp bão. Trong số 3 tàu đến Nhật Bản năm đó (Vrede, LiefdeZwarte Beer), tàu Vrede gần chìm bởi nước ngập khoang tàu đến hơn 1m và thủy thủ buộc phải đốn cột buồm để tránh bị lật chìm ngoài khơi.  
1651 Witte Valk Tháng 3 năm, tân giám đốc Jan de Groot đến Đàng Ngoài trên Chiến hạm nhỏ Witte mang theo số vốn 362.188 guilder.  
1651 Kampen Đến Đàng Ngoài.  
1651 Delfhaven Cuối năm, Chúa cử 10 người và Thế tử cử 17 người, cùng với hoạn quan Ongiatule đi trên tàu Delfhaven về Batavia.  
1652   Ngày 17 tháng 1, tàu Hà Lan đi từ Đài Loan đến cửa sông Đàng Ngoài, mang theo số vốn 518.538 guilder. Ông quan tên là Ongiaun và quân lính kéo đến khám xét tàu Katwijk Bruinvisch mà không có lệnh của Chúa.
1652 Witte Valk Ngày 17 tháng 8, rời Đàng Ngoài đi Nagasaki, mang theo số hàng hóa trị giá 434.628 guilder. Năm nay, một chiếc thuyền mành có xuất xứ từ Manila cũng đến Đàng Ngoài sau khi đã ghé qua buôn bán ở Cao Miên, mang theo 30.000 lạng bạc. Đám thương nhân ở Kẻ Chợ nói rằng trong số vốn đầu tư của chiếc thuyền buôn đó, vị Toàn quyền người Tây Ban Nha ở Manila bỏ vào 20.000 rial. Chiếc thuyền do một thương nhân tự do Bastiaan Brouwer điều khiển. Năm ngoái, viên thương nhân này đã đến Kẻ Chợ để dò xét khả năng buôn bán.
1652 Taiwan Đến Đàng Ngoài.  
1652 Kampen Đầu mùa hè, tàu đến Đàng Ngoài vào, mang thêm vốn buôn bán cho thương điếm Kẻ Chợ. Trong năm này, Đàng Ngoài còn đón thêm 1 thuyền mành của người anh em Iquan, 3 thuyền của Coxinga, 1 thuyền của người Bồ ở Macao, 1 chiếc của người Tây Ban Nha ở Manila sang. Nhân viên thương điếm Kẻ Chợ nghe tin báo là chiếc thuyền của người Tây Ban Nha do viên thương nhân Brouwer điều khiển đi Cao Miên, sau đó 1 tháng thì quay về Đàng Ngoài.
1654 Witte Valk Thương điếm Kẻ Chợ xoay sở để thu mua được số hàng trị giá khoảng 300.000 guilder cho tàu Witte Valk mang đi thị trường Nhật Bản. Năm nay họ đến Đàng Ngoài trên 5 chiếc thuyền mành khổ lớn (4 chiếc của thế lực Trịnh Thành Công hay Coxinga). Gã thương nhân “chột mắt” người Trung Quốc năm ngoái không đến Kẻ Chợ (trú tại Nagasaki) năm nay sang cạnh tranh mạnh với người Hà Lan. Ngoài ra, còn có 1 chiếc thuyền mành đến từ Manila của viên thương nhân tự do người Hà Lan tên là Brouwer, 1 chiếc khác của người Bồ Đào Nha đến từ Macao, mang theo nhiều bạc, vàng, sứ và các loại đồ gia dụng bằng kim loại…
1654 Zeelandia Tháng 6, tàu của Công ty đến Đàng Ngoài, mang theo một số lượng tiền đồng (zeni) Công ty đúc ở Batavia để tiêu thụ thử ở Đàng Ngoài.  
1655 Vleermuys Tháng 7, đến Đàng Ngoài từ Batavia, mang theo một số vốn nhỏ 25.773 guilder để mua tơ lụa cho thị trường Hà Lan. Năm nay, ở Đàng Ngoài có 3 thuyền mành Trung Quốc, 1 chiếc thuyền khác đến từ Macao và 1 chiếc đến từ Manila…
1656 Cabo de Jacques Ngày 10 tháng 5, Giám đốc Louis Isaacszn Baffart đến Đàng Ngoài, mang theo số vốn 184.215 guilder, chủ yếu là tiền mặt, vài khẩu thần công và vải dạ châu Âu.
Tháng 11 năm 1656, tàu Cabo de Jacques lại về Đàng Ngoài để chuẩn bị cho mùa buôn bán năm sau.
 
1657 Coukerken
Wakende Boei
Tháng 5, thêm 2 tàu Coukerken Wakende Boei được phái sang Đàng Ngoài để buôn bán, mang cho thương điếm Kẻ Chợ tổng cộng 276.077 guilder.
Ngày 7 tháng 8, tàu Couckerken rời Đàng Ngoài đi Nhật Bản, mang theo 77.261 guilder tiền mặt.
Mùa đông, ngày 8 tháng 12, tàu Wakende Boei rời Đàng Ngoài đi Batavia, mang theo một lượng hàng hóa đáng kể để chuyển về Hà Lan. Triển vọng buôn bán tại Kẻ Chợ ngày một u ám. Viên trợ lý Evert Janszoon.
Bên cạnh 2 tàu của Công ty, còn có 5 thuyền buôn khác đến Đàng Ngoài: chiếc navet của viên thương nhân Bastiaan Brouwer đến từ Manila, 1 chiếc thuyền của riêng Resimon, 1 thuyền mành Trung Quốc đến từ Xiêm, 2 chiếc đến từ vùng duyên hải Trung Quốc.
1659 Zeeridder
Spreeuw
Ngày 16 tháng 5, hai tàu Zeeridder Spreeuw của Công ty khởi hành từ Batavia đi Đàng Ngoài, mang theo số vốn khá lớn 317.500 guilder sang cho thương điếm Kẻ Chợ buôn bán trong cả vụ hè và vụ đông. Trong số nhân viên và thủy thủ có giám đốc Nicolaas de Voogt và thương nhân Hendrick Baron. Mùa buôn bán năm nay có một thuyền mành Trung Quốc từ Nagasaki đến Đàng Ngoài, mang theo 150.000 lạng bạc. Ngoài ra còn có thêm một chiếc navet đến từ Macao, một chiếc patache loại nhỏ của người Tây Ban Nha đến từ Manila và chiếc thuyền của Resimon từ Xiêm quay về Đàng Ngoài… Chiếc thuyền của Resimon bị đắm rất thảm hại.
1659 Roode Hert Mùa hè, Batavia lại phái tàu Roode Hert đi Đàng Ngoài, mang theo số vốn trị giá 64.773 guilder (trong đó có 5.000 lạng bạc Nhật cùng với các sản phẩm diêm tiêu, vải Guinee, sợi bông…).  
1661 Roode Hert
Meliskerken
Tháng 7 năm đó, hai chiếc tàu Roode Hert Meliskerken từ Batavia đến Đàng Ngoài mang theo số vốn 155.000 guilder.  
1662   Đến Đàng Ngoài. Tháng 3/1662, người Hà Lan dong thuyền đi qua Faifong, ngược về mạn bắc qua Hạ Long để tiến vào khu vực Tinnam[21]. Việc đi lại ở khu vực này vào thời điểm đó hết sức nguy hiểm bởi các thế lực bài Thanh vẫn tiếp tục chiếm đóng các khu vực cận kề biên giới. Nhân tình hình rối loạn, các nhóm cướp biển trú chân ở các đảo ven bờ thuộc vịnh Bắc Bộ tiến hành cướp bóc các tàu thuyền đi qua. Trước chuyến đi của người Hà Lan, vào mùa hè năm 1660, “hoàng tử Đàng Ngoài” đã dẫn lực lượng hải quân với hơn 70 chiến thuyền tiến đánh các nhóm cướp biển do tên Thun lãnh đạo. Mặc dù phần lớn đồng bọn bị bắt và giết, Thun tẩu thoát và sau đó trở lại hoạt động ở địa bàn cũ.
1662 Klaverskerke Bunschoten
Roode Vos
Vào tháng 5 và tháng 6, có tổng cộng 3 tàu của Công ty sang Đàng Ngoài.  
1663 Bunschoten
Hooglanden
Zeeridder
Mùa hè, có 3 tàu của Công ty là Bunschoten, HooglandenZeeridder từ Batavia đến Đàng Ngoài, mang theo tổng số vốn 394.670 guilder.
Tháng 2, thương điếm Kẻ Chợ cho tàu Bunschoten khởi hành đi về Batavia
 
1663 Hooglanden
 
Giữa tháng 8, tàu Hooglanden rời Đàng Ngoài đi Nagasaki, mang theo chuyến hàng, chủ yếu là tơ lụa, trị giá 194.660 guilder.  
1663 Zeeridder Đầu tháng 11, tàu Zeeridder rời Đàng Ngoài đi Batavia, chở theo số hàng hóa trị giá 148.295 guilder, gồm có tơ lụa, xạ hương, vàng.  
1663 Elburg
Zeeridder
Bunschoten
Giữa tháng 7, ba tàu của Công ty là Elburg, ZeeridderBunschoten đến Đàng Ngoài, mang theo số vốn trị giá 347.989 guilder.
Cuối tháng 8, tàu Elburg đi Nagasaki, mang theo chuyến hàng trị giá 387.135 guilder, chủ yếu là tơ lụa.
Đầu tháng 11, tàu Zeeridder đi Batavia, mang theo số hàng hóa trị giá 146.650 guilder, bao gồm cả tơ, lụa tấm như lĩnh, hoàng quyến, vàng, xạ hương… Tàu đến Batavia vào giữa tháng 12.
Đầu tháng 12, tàu Elburg lại từ Nagasaki trở về Đàng Ngoài, mang theo số vốn tổng cộng 362.528 guilder (trong đó bạc nén trị giá 285.000 guilder, còn lại chủ yếu là tiền đồng zeni).
 
1665 Bunschoten Tháng 2, tàu Bunschoten rời Đàng Ngoài đi Batavia.  
1665 Spreeuw
Buiksloot
Tháng 8, tàu SpreeuwBuiksloot nhổ neo đi Nhật Bản, mang theo số hàng tơ lụa trị giá khoảng 250.000 guilder.
Cuối tháng 11, tàu Spreeuw từ Nhật Bản trở lại Đàng Ngoài, mang theo số vốn 337.779 guilder
Vùng vịnh Đàng Ngoài (vịnh Bắc Bộ) ngày càng bị cướp biển người Trung Quốc hoành hành dữ dội hơn, việc đi lại ở khu vực đó ngày càng nguy hiểm.
1665 Zeeridder Cuối tháng 10, tàu Zeeridder đi Batavia. Tàu được lệnh ghé qua Xiêm để chở gạo mà thương điếm Ayutthaya đã mua sẵn để mang về Batavia.  
1665 Hilversum
Zwarte Leeuw
Mùa hè, tàu Hilversum đi Nhật Bản mang theo số hàng tơ lụa trị giá 250.867 guilder.
Mùa hè, hai tàu Hilversum Zwarte Leeuw từ Batavia đến Đàng Ngoài, mang theo chủ yếu là hàng hóa (hồ tiêu, lưu hoàng, diêm tiêu, gỗ trầm, vải dạ châu Âu…), trị giá tổng cộng vào khoảng 82.000 guilder.
Tháng 11, tàu Zwarte Leeuw đi Batavia.
 
1667 Witte Leeuw
Buiksloot
Sau khi Ranst và tàu Witte Leeuw vừa đi khỏi Đàng Ngoài thì tàu Buiksloot từ Batavia đến.
Tháng 7, tàu Witte Leeuw đến Đàng Ngoài.
 
1667 Overveen Giám đốc Cornelis Valckenier theo tàu Overveen đi Batavia.
Đầu mùa gió bấc, tàu Overveen từ Nhật Bản ghé qua Đàng Ngoài để mang về Batavia những hàng hóa mà thương điếm Kẻ Chợ đã thu mua sẵn, trị giá vào khoảng 16.019 guilder.
 
1670 Hoogcapel
Pitoor
Tháng 6, hai tàu Hoogcapel Pitoor của Công ty từ Batavia đến Đàng Ngoài, mang theo số vốn 143.165 guilder và 64.882 guilder .
Tháng 10, tàu Pitoor đi từ Đàng Ngoài về Batavia.
Hung tin về việc tàu Hoogcapel bị đắm khi đang trên đường từ Đàng Ngoài đi Nhật Bản.
1671 Bleyswyck
Armuyden
Meliskercken
Cuối tháng 10, tàu Armuyden Meliskercken rời Đàng Ngoài đi Batavia.
Đầu mùa hè, tàu Bleyswyck, Armuyden Meliskercken từ Batavia đi Đàng Ngoài, mang theo tổng số vốn 201.500 guilder.
 
1672 Bleyswyck Tháng 1, tàu Bleyswyck rời Đàng Ngoài đi Batavia. Mùa hè năm 1672, tàu Zant - chiếc tàu đầu tiên của người Anh đến cửa sông Thái Bình để xin Chúa cho phép buôn bán.
1672 Meliskercken, Bleyswyck
Papegay
Tháng 8, ba tàu Meliskercken, Bleyswyck Papegay lại từ Batavia sang Đàng Ngoài mang theo số vốn lên đến 318.327 guilder.
Cuối tháng 10, hai tàu Meliskercken Bleyswyck lại đi về Batavia.
 
1673 Papegay Tháng 2, tàu Papegay chở theo hàng hóa tơ lụa từ Đàng Ngoài về Batavia. Sau khi đến Batavia vào cuối tháng 3, tàu lại quay lại Đàng Ngoài vào tháng 5 để sau đó tháng 6 lại nhổ neo đi Batavia lần nữa.
Cuối tháng 7, tàu Meliskercken rời Batavia đi Đàng Ngoài và đến cuối tháng 8 thì đến cửa sông Đàng Ngoài.
Tháng 10, tàu Papegay đi về Batavia.
 
1674 Papegay
Voorhout
Hai tàu Papegay Voorhout lại đến Đàng Ngoài.  
1675 Experiment
Marken
Tháng 6, hai tàu Experiment Marken đi từ Batavia sang đến Đàng Ngoài. Tình hình cướp biển ở vịnh Đàng Ngoài (Vịnh Bắc Bộ) ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn; loạn đảng Trung Quốc tha hồ cướp bóc vùng duyên hải… Chúa Trịnh đã phải cử một hải đội tương đối hùng mạnh tuần tra vùng vịnh và tiêu diệt khá nhiều toán cướp biển ẩn trốn ở đó…
1677 Janskercke
Croonvogel
Mùa gió bấc, tàu Janskercke rời Đàng Ngoài để mang hàng hóa về Batavia.
Mùa hè, tàu Janskercke, Croonvogel trở lại Đàng Ngoài mang theo số vốn khá lớn, vào khoảng 244.933 guilder.
Đầu tháng 12, tàu Croonvogel có thể mang về Batavia một khối hàng, chủ yếu là tơ lụa, trị giá 195.434 guilder.
 
1677 Experiment
Croonvogel
Hai tàu Experiment Croonvogel từ Batavia sang Đàng Ngoài vào mùa hè.  
1678 Experiment
Croonvogel
Mùa hè, hai tàu Experiment Croonvogel được phái từ Batavia sang Đàng Ngoài, mang theo số vốn ít ỏi là 19.248 guilder. Mùa hè năm nay ở Đàng Ngoài, ngoài 2 tàu của Công ty, còn có thêm tàu Formosa của người Anh và 2 thuyền mành Trung Quốc: 1 thuyền từ Nhật Bản sang trước đó, 1 thuyền từ Batavia đến vào mùa gió nồm.
1679 Croonvogel Tháng 6, tàu Croonvogel khởi hành từ Batavia đi Đàng Ngoài và đến nơi vào giữa tháng 7.  
1780 Croonvogel Tháng 2, tàu Croonvogel rời Đàng Ngoài đi Batavia.
Sang mùa hè, tàu Croonvogel lại từ Batavia đi Đàng Ngoài mang theo số vốn buôn bán 113.318 guilder.
Năm nay, người Anh lại tiếp tục phái tàu Advice sang Đàng Ngoài. Họ muốn thúc đẩy quan hệ với phủ Chúa để xin một mảnh đất xây dựng thương điếm ở kinh đô Kẻ Chợ. Họ mang sang Đàng Ngoài các loại vải và dạ của Anh, hồ tiêu, diêm tiêu và một ít tiền mặt.
Người Pháp lại cũng phái tàu Tonquin sang Đàng Ngoài để buôn bán.
1681 Croonvogel Tháng 2, tàu Croonvogel xuôi về Batavia, mang theo hàng hóa trị giá 126.053 guilder.
Tháng 6, tàu Croonvogel lại sang Đàng Ngoài
Cuối tháng 7, chiếc tàu Taiwan của người Anh đến Đàng Ngoài.
1682 Croonvogel Tháng 1, tàu Croonvogel trở về Batavia.
Tháng 6, tàu Croonvogel lại được phái sang Đàng Ngoài mang theo số vốn buôn bán trị giá 165.420 guilde.
Tàu Anh Tonkin đến Đàng Ngoài vào mùa hè, mang theo các loại hàng hóa chủ yếu là bạc và vải dạ.
1683 Croonvogel Tháng 1, tàu Croonvogel rời Đàng Ngoài về Batavia mang theo chuyến hàng trị giá 172.145 guilder.
Tháng 7 tàu Croonvogel lại được phái đi Đàng Ngoài. Chuyến hàng đưa sang Đàng Ngoài năm đó trị giá 197.879 guilder.
Nạn đói ở Đàng Ngoài khiến tình hình trở nên phức tạp. Nhiều toán cướp tụ tập vùng ven biển. Tàu của Công ty buôn bán ở mạn bắc qua lại vùng bờ bể Đàng Ngoài và vịnh Bắc Bộ phải đi cùng nhau để tránh bị tấn công.
1684 Croonvogel
Bombay
Đầu năm, tàu Croonvogel lại theo gió bấc trở về Batavia mang theo các loại hàng hóa (xạ hương, lĩnh, tơ, dầu hồi…) tổng trị giá 161.480 guilder.
Mùa hè, hai tàu CroonvogelBombay theo gió nồm từ Batavia sang Đàng Ngoài.
 
1685 Croonvogel Tàu Croonvogel mang hàng hóa về Batavia.  
1685 Wachthond Cuối tháng 6, tàu Wachthond được Batavia phái sang Đàng Ngoài.  
1686 Wachthond Đầu năm, tàu Wachthond chở hàng từ Đàng Ngoài về Batavia.
Khi trở lại Đàng Ngoài vào cuối mùa hè (tháng 8), tàu Wachthond chỉ mang theo số hàng hóa trị giá khoảng 58.000 guilder.
 
1687 Wachthond Cuối tháng 1, tàu Wachthond rời Đàng Ngoài về Batavia mang theo chuyến hàng trị giá 74.648 guilder.  
1687 Gaasperdam Cuối tháng 6, Batavia lại phái tàu Gaasperdam sang Đàng Ngoài, mang theo một số hàng hóa để thương điếm Kẻ Chợ có thể kinh doanh được: diêm tiêu, trầm hương, đinh hương. Tàu đến Đàng Ngoài vào đầu tháng 8.  
1688 Gaasperdam
Gaasperdam
Tháng 5, tàu Gaasperdam lại được phái sang Đàng Ngoài, chở theo số vốn kinh doanh trị giá tổng cộng 133.000 guilder.
Tháng 12, tàu Gaasperdam trở về Batavia Tàu Gaasperdam về đến Batavia vào cuối tháng 1 năm 1689.
 
1689 Gaasperdam Đầu mùa hè, giám đốc thương điếm Kẻ Chợ là Johannes Sibens lại theo tàu Gaasperdam đi từ Batavia sang Đàng Ngoài.  
1690 Gaasperdam Tháng 1, tàu Gaasperdam chở chuyến hàng trị giá 195.398 guilder, gồm chủ yếu là tơ sống, lĩnh trơn, lĩnh hoa và một số loại vải lụa khác về Batavia.
Tàu Gaasperdam lại được phái sang Đàng Ngoài vào giữa tháng 7.
 
1690 Gaasperdam Tháng 12, tàu Gaasperdam đi Batavia.  
1691 Gaasperdam Cuối tháng 10, tàu Gaasperdam rời Đàng Ngoài về Batavia, chở theo số hàng trị giá 125.933 guilde r.  
1692 Boswijk Mùa hè năm đó, tàu Boswijk đi từ Batavia sang Đàng Ngoài.
Tháng 11, tàu Boswijk rời Đàng Ngoài đi Batavia mang theo chuyến hàng trị giá 130.000 guilder.
 
1693 Westbroek Đầu tháng 8, Westbroek đến Đàng Ngoài.  
1694 De Wind Đầu tháng 1, tàu Westbroek mới nhổ neo để đi Batavia được. Thế nhưng chỉ rời Đàng Ngoài được một quãng thì gặp gió ngược nên thủy thủ đoàn buộc phải cho tàu quay lại cửa sông Đàng Ngoài.
Tháng 6, Batavia phái tàu De Wind sang Đàng Ngoài.
Tháng 11, hai tàu WestbroekDe Wind rời Đàng Ngoài về Batavia mang theo số hàng trị giá tổng cộng 219.843 guilder.
 
1695 Cauw Tháng 7, Batavia phái tàu Cauw sang Đàng Ngoài. Tàu mang theo số hàng trị giá 84.813 guilde.
Tháng 11, tàu Cauw khởi hành rời Đàng Ngoài về Batavia.
 
1696 Cauw Tháng 6, tàu Cauw lại rời Batavia sang Đàng Ngoài. Số vốn Công ty dành cho thương điếm Kẻ Chợ năm nay vào khoảng 61.502 guilder.
Tháng 12, tàu Cauw rời Đàng Ngoài về Batavia.
 
1697 Cauw Cuối tháng 11, tàu Cauw rời Đàng Ngoài đi Batavia.
tàu Cauw lại được phái sang Đàng Ngoài.
Mùa hè năm đó, có một chiếc tàu Anh từ thành St. George ở Madras (Ấn Độ) sang và đưa hết người Anh khỏi Kẻ Chợ, chấm dứt 25 năm buôn bán với vương quốc Đàng Ngoài.
1698 Cauw Tháng 6, tàu Cauw lại nhận lệnh rời Batavia đi Đàng Ngoài.  
1699 Cauw Đầu tháng 1, tàu Cauw trở về Batavia.
Mùa hè, tàu Cauw được phái sang Đàng Ngoài để đón toàn bộ nhân viên Hà Lan và thu hồi toàn bộ tài sản của Công ty về Batavia.
 
1700 Cauw Mùa xuân, tàu Cauw rời Đàng Ngoài về Batavia, chấm dứt 64 năm quan hệ bang giao và thương mại giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Đàng Ngoài.  
 
 
Chú thích: 
[1] Chẳng hạn xem: Viện Đông Nam Á, Biển với người Việt cổ, Nxb. Văn hoá Thông tin, H., 1996; Charles Wheeler, Một vai trò hợp lý ở của biển đối với lịch sử Việt Nam?, Bản dịch đăng trên Văn hoá Nghệ An; Keith Taylor, The Birth of Vietnam, Berkeley, 1985, tr.6: phát triển từ một “chân lý tâm lý căn bản” rằng “quyền lực chúa tể” của văn hóa Việt Nam cổ xưa “phát sinh từ biển”. Xem sự giải thích của tác giả về “định hướng trông ra biển”, tr.1-41…
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr.431.
[3] Vùng nội thủy: vùng nước tiếp giáp với bờ biển,ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam) lãnh hải – vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia của biển Việt Nam; Xem thêm Luật Biển Việt Nam công bố tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII ngày 21/6/2012.
[4] Cho đến nay, trong vùng biển này đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình. Trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, trên 100 loài cá kinh tế, hơn 300 loài san hô cứng, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển và 5 loài rùa biển.
[5] Theo Câu ca Quảng Bình.
[6] Theo Doanh nhân Sài Gòn cập nhật 7/11/2011. Báo Quảng Bình với 4 kỳ Ký sự làng biển cập nhật từ 20/7/2012. Theo người sưu tầm, có bài gần 300 câu. Có dị bản đến hơn 1.000 câu, có dị bản chừng 600 câu. Sau nhiều năm tìm kiếm, sưu tầm, những lời của ngư phủ góp ý, họ cho rằng, bản gần 300 câu có số phận lưu truyền nhiều nhất bởi dễ hiểu, dễ nghe, không cầu kỳ.
[7] Việt Nam hiện có 392 con sông, chảy liên tỉnh được đưa vào danh mục quản lý của Cục Đường sông Việt Nam theo quyết định số 1989 ngày 1/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, 191 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài 6.734,6km được xem là tuyến đường sông quốc gia.
[8] Nhưng cũng có những dòng sông chảy ngược, điển hình như Sê San (còn gọi là Krông Pơ Kô) và Sêrêpôk (còn gọi là Đắk Krô) hình thành ở khu vực Tây Nguyên rồi chảy ngược hướng Tây sang Campuchia. Ở miền Bắc có sông Kỳ Cùng hình thành ở tỉnh Lạng Sơn chảy ngược theo hướng Đông Nam – Tây Bắc sang Trung Quốc…
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., 2007; Đấy là tính chung cả nước, còn từng khu vực, như Nghệ An ký, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh thế kỷ XVIII-XIX đã có đến 12 cửa biển: 1. Cửa Hội, 2. Cửa Sót, 3. Cửa Nhượng Bạn, 4. Cửa Khẩu, 5. Cửa Xích Lỗ, 6. Cửa Cờn, 7. Cửa Quèn, 8. Cửa Thơi, 9. Cửa Vạn, 10. Cửa Hiền, 11. Cửa Xá, 12. Cửa Cương Giản.
[10] Vũ Thị Xuyến, “Hệ thống thương cảng Đàng Trong và mối liên hệ giữa biển và lục địa”, in trong Người Việt với biển, Nxb. Thế giới, H., 2011, tr.351-366.
[11] Trên biển Đông có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng vẫn đang bị các quốc gia khác như Đài Loan, Trung Quốc tranh chấp.
[12] Không chuyên về khí tượng thuỷ văn như các bộ biên niên sử Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục… cũng không thiếu chi tiết, chẳng hạn:
– Năm 1434: Nước biển tràn ngập.
– Năm 1446: Gió bão rất to, các phủ Nam Sách, Giáp Sơn, Thái Bình và Kiến Xương nước ở biển đầy… Các huyện ở đầu nguồn và bãi biển thuộc Nghệ An phần nhiều bị nước phá hoại.
– Năm 1537: Tháng 4, gió to, gãy cây, tốc nhà, nước biển dâng tràn, làm chết nhiều người và súc vật.
– Năm 1617: Tháng 7, có bão lớn, nước lụt tràn ngập, thóc lúa mất hết; tháng 9, bấy giờ lúa đương chín, có bão to, nước mặn vỡ vào, dân gần biển bị hại nhiều.
– Năm 1775: Gió bão mạnh quá, nước biển lên cao, ven biển các vùng Sơn Nam, Hải Dương, Yên Quảng, lúa bị ngập hết.
– Năm 1842: Vùng biển Nghệ Tĩnh bão lớn, 9160 hộ nhà bị đổ nát, 136 chiếc thuyền bị đắm, 157 người bị chết…
[13] Thư tịch thời Nguyễn, như Đại Nam thực lục ghi chép về nạn hải tặc này dưới nhiều tên gọi khác nhau: giặc Chà Và, giặc Chà Bà, giặc Đồ Bà, giặc Côn Lôn; trong đó tên Chà Và được sử dụng nhiều nhất. Ngoại trừ tên giặc Côn Lôn để chỉ quần đảo hay bị hải tặc chiếm cứ làm sào huyệt, còn lại đều là những tên gọi Hán Việt khác nhau được phiên âm từ cùng một tên: Java/Jawa. Gọi là hải tặc Chà Và (Java), do chưa phân biệt rõ về địa lý và nhân chủng của khu vực biển đảo phía Nam, nên đó là tên dùng để gọi chung những cư dân hải đảo hành nghề cướp biển có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia hiện nay.
[14] Theo dân gian, những toán cướp biển này thường đi trên những chiếc thuyền lớn sơn màu đen, buồm màu đen nên người Việt gọi đó là giặc Tàu Ô (ô = đen). Tuy nhiên, trong thực tế, tàu thuyền của hải tặc từ Trung Quốc sang có khá nhiều màu sắc khác nhau, nhiều khi rất giống thuyền buôn, nên cách giải thích này chưa hợp lý, vì chữ “Ô” ở đây không phải chữ “ô” mang nghĩa màu đen.
[15] Bùi Dương Lịch, Nghệ Án ký, Nxb. KHXH, H., 2004, tr.119.
[16] Tham khảo:
– Muray, Hải tặc Hoa Nam 1790 -1810, Nxb. KHXH Trung Quốc, Bắc Kinh, 1997.
– Trần Ngọc Dương, Nghiên cứu vấn đề hải tặc ở vùng biển Quảng Đông nhà Thanh với Việt Nam (1810- 1885), Luận văn thạc sĩ khoa Lịch sử học, Đại học Đông Hải, Trung Quốc, 2005.
– Trần Trí Long, Trần Ngọc Tường, The study of Guangdong pirate’s organization and the behavior in the Qing Dynasty (1810-1885), Tạp chí Khoa học kĩ thuật Hải Dương, Đại học Quốc lập Cao Hùng, Đài Loan, kỳ 22, tr.143.
– Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, Nxb. Tri thức, 2011, tr.151, 311.
[17] Hoàng Anh Tuấn, “Vị trí của Việt Nam trong hệ thống thương mại biển Đông thời cổ trung đại”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9-10/2008, tr.1-16.
[18] Nguyễn Quang Trung Tiến, “Hải tặc Chà Và ở Việt Nam”, Báo Đà Nẵng, ngày 29/9/2012.
[19] Ngô Sỹ Liên và sử thần triêu Lê, Đai Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H,. 1998, tập 1, tr.325.
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, Nxb. Giáo Dục, H., 2002, tập I, tr.37.
[21] Qua mô tả của người Hà Lan và đối chiếu với địa danh, Tinnam nhiều khả năng là khu vực Tiên An/Tiên Yên thuộc Quảng Ninh ngày nay. Tấm bản đồ Đàng Ngoài do Samuel Baron vẽ năm 1683 cũng hiển thị Tinnam ở khu vực biên giới Đông Bắc (tương đương khu vực Tiên Yên đến Móng Cái) nước ta hiện nay.

 
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 03-03-2014.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây