CÓ MỘT VÂN ĐỒN Ở GIỮA YÊN BANG, YÊN QUẢNG KHÔNG TĨNH LẶNG
Trong hai năm 1171 và 1172 Lý Thiên Tộ, tức vua Lý Anh Tông, vị vua đã từng lập hành cung ở trại Yên Hưng năm 1147 và cho phép lập trang Vân Đồn năm 1149 khi “thuyền buôn các nước Trảo Oa, Java, Xiêm La vào Hải Đông xin cư trú buôn bán để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương, đã liên tiếp“đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc” xem hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào... vẽ bản đồ và ghi chép phong vật”[1]
Tiếc thay những “bản đồ và ghi chép phong vật” của vị vua được coi là “có quy mô về đường lối giữ dân giữ nước” tuyển chọn và “phó thác được người tài giỏi để lo phòng sau” quốc gia “trên yên dưới thuận”… đã không thấy còn lại đến ngày nay!
Bài viết này không đề cập sâu đến “hình thế núi sông”. Điều ấy, người xưa đã làm từ những năm đầu thế kỷ XIII. Năm 1309, triều đình nhà Trần ở Thăng Long “trị tội những kẻ đại nghịch là bọn tên Hân, còn bọn tên Lê sáu người bị đày ra châu Ác thuỷ, và chú thích rằng ác thuỷ thuộc huyện Yên Bang. Người bị đày đến đây không một ai sống sót”[2].
Sau đó, Lý Tử Tấn khi chú thích cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi ghi rõ hơn “Yên Bang là nơi hiểm ác gọi là viễn châu, các triều đại dời người đến ở đây”[3].
Ác thuỷ ký: ác thuỷ gồm 28 chỗ, Tĩnh Yên ở An Bang là một lưu viễn châu. Năm 1467 khi bàn bạc đặt vệ quân ở trấn An Bang, triều đình Thăng Long cho rằng “vì đất ấy rất độc, lại là cõi biên giới xa xội đường xá có nhiều trở ngại, ứng viện không kịp”[4].
Hay những viên sai nha thời Lê - Trịnh, theo lệnh đi tróc bắt, biết rõ nhật trình từ Thăng Long đến Vân Đồn được quy định rõ là 12 ngày[5] (tương đương với Mộc châu, Quảng Uyên).
Đầu thời Nguyễn, các trấn quan khi tuân lệnh của Thượng thư bộ binh Mẫn Chính hầu Lê Quang Định ghi chép đo đạc đường xá chia đặt dịch trạm, thời gian đi lại, kê rõ lộ trình, khó dễ của núi sông, gần xa của đường xã… thành tập Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, đã báo cáo rất cụ thể đường từ trấn thành đến Thăng Long là 56.817 tầm, 3 thước, thành ra hơn 263 dặm. Đường thuỷ thì, với sông Dừng “sóng gió rất dữ, người đi thuyền qua ngang đây phải hết sức chú ý”; đường bộ thì lặp lại đến 9 lần những dòng kiểu: “đường đi dọc theo chân núi, gập ghềnh khúc khuỷu, cây cỏ rậm rạp, thú dữ thườn hay xuất hiện, hoặc “hai bên đường đều là rừng rậm, thú dữ thường hay xuất hiện, đi đường phải chú ý…”, “Người đi đường phải vịn gốc cây mà lên”[6] hoặc ở khe Thác Thán “nước rất độc, uống phải nước này thì bị sốt”, v.v…
Các viên quan soạn Đại Nam nhất thống chí, thời Tự Đức nửa cuối thế kỷ XIX cũng đã chép rõ ràng vùng Quảng Yên “địa thế xa lánh mà xung yếu, trong thì giữ vững cương vực, ngoài thì khống chế đất Thanh… là nơi then chốt ở ven biển”[7].
Và, cả Lê Thánh Tông thế kỷ XV đến Trịnh Cương thế kỷ XVIII cũng đều chung cách nhìn những vùng trăm ngàn hòn đảo của Quảng Ninh là “Bách xuyên” (Lê Thánh Tông), hay “ tổng xuyên” (Trịnh Cương) trăm dòng sông hay hội tụ những dòng sông vừa là đường giao thông vừa là những dòng chia cắt địa hình. Phan Huy Chú nhận xét “An Bang sông lớn mênh mông quanh vòng bao bọc các núi cao chót vót, châu nọ, huyện kia các biệt nhau như cõi khác “ [8]
Dẫu biết “Gỗ lim, gỗ sến, gỗ nghiến… tuyệt nhiên không mọt, cung thất, đền, chùa quán, thuyền ghe đồ đạc không thứ gì là không dùng và sản từ Quảng Ninh – theo Lê Quý Đôn là ngang với xứ Thanh… Bài viết này cũng không đi sâu vào những sản vật của vùng đất này mà các tài liệu cổ nhiều thời nhắc đến[9]:
Bài viết này cũng không viết thêm về những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của Vân Đồn, Yên Bang, Yên Quảng, bởi chỉ với câu thơ của Nguyễn Trãi (1380-1442) thì vùng sắc biếc lam, như kính sáng trong vắt, muôn vàn chòm, hộc sắc đen, xanh, biếc này... Thiên nhiên đã lắng lọc từ trong biển núi đầy bụi bặm… để dựng thành một - kỳ quan - Vân Đồn giữa lồng lộng biển trời...[10]; với Lê Thánh Tông (1442-1497) non nước Yên Bang, Vân Đồn là “những cây ngọc, những chùm sao, những quân cờ giữa biển trời cõi Việt”…[11]; với Trịnh Cương (? - 1729) là vùng “núi liền với nước, với trời của Yên Quảng là “cảnh thần kỳ mạc trạng thấm đượm hồn thiêng của tạo hoá”[12] hẳn chẳng có dòng nào xúc tích hơn!
Nhưng, …có một điều, ngay cả Lê Thánh Tông vào thời điểm “gió mát, cảnh đẹp, biển chẳng gợn sóng’’ mùa xuân năm 1468, hay gần khi Trịnh Cương “gặp lúc khí hậu ôn hoà, năm được mùa no đủ, việc có chút thảnh thơi, năm 1729 đều cho mài đá khắc sâu vào núi giữa Yên Bang những câu thơ của mình, thì vùng non sông, biển đảo Đông Bắc mang tên Yên Bang, Yên Quảng không chỉ trên 260 năm đó mà suốt nhiều thế kỷ đến cuối XIX… không mấy khi tĩnh lặng.
Không tĩnh lặng, vì những hoạt động bán buôn, giao thương quốc tế diễn ra ngay trên vùng biên ải, được chính thức mở ra. Toàn thư lần đầu tiên chép đến quan hệ giao thương của vùng biển Vân Đồn vào năm Kỷ Tỵ - Đại Định thứ 10 triều Lý (1149) “Mùa xuân tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”[13] và tiếp tục trong nhiều thế kỷ sau:
+ Năm 1184, “người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán”[14].
+ Thế kỷ XIII, Toàn thư ghi những đoạn liên quan đến Trần Khánh Dư ở Vân Đồn, nhận xét “tục chỗ đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai “không chỉ có thuyền buôn phương Bắc, mà theo câu chuyện đó, ăn uống may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng đều dùng theo tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang, ra lệnh: Quân giữ Vân Đồn là để ngăn giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng không thể phân biệt. Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi - tên một hương ở Hồng lộ (hương này khéo nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), chở thuyền đến đậu trong cảng...
+ Năm 1348, mùa đông tháng 10, thuyền buôn nước Đồ Bồ đến Hải trang Vân Đồn ngầm mua ngọc trai. Người Vân Đồn nhiều kẻ đi mò trộm lấy ngọc trai, bán cho họ.
+ Năm 1349, “thuyền buôn phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn”.
+ Năm 1360, mùa đông tháng 10, “thuyền buôn của các nước Lộ Hạc, Trà Nha, Xiêm La đến Vân Đồn mua bán, dâng các vật lạ”[15].
Trong 20 năm Minh thuộc (1407-1427), theo Thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư, vào năm Vĩnh Lạc thứ 6, vùng Đông Bắc thuộc Quảng Ninh lúc đó chiếm đến 2/5 cơ quan chuyên trách về coi việc các nước ngoài đến buôn bán (Thị Bạc đề cử ty) và thu thuế trực tiếp một phần số lượng hàng hoá có giá trị (Trường trừu phân) của cả Giao Châu[16].
Thế kỷ XIX, sách của Lê Quang Định nhắc đến những: Phố Thác Than “có nhà cửa của người Hoa cư trú và buôn bán”, phố Sơn Nam, Phố Đại Dực: có nhà cửa của người Hoa; Đại Hoàng: “người Hoa cư trú, họ bán muối, mắm, rượu”; Na Tiền: “có năm sáu nhà người Hoa sinh sống, buôn bán mắm muối”; An Lương “nhà ngói liền nhau, nay hơi điêu tàn chỉ còn người Hoa ở lại buôn bán”…
Phan Huy Chú nhận xét chung: vùng Yên Quảng “phong thổ và nhân vật đông đúc, giàu thịnh, việc buôn bán lưu thông tấp nập, cũng là chốn phồn hoa ngoài trấn”[17].
Hầu như không có thế kỷ nào không chép những sự kiện liên quan đến an ninh quốc gia của vùng Đông Bắc, Vân Đồn.
Từ sau đại thắng Bạch Đằng năm 938, không kể những sự kiện các lần quân Tống (981), quân Nguyên - Mông theo đường thủy vùng Đông Bắc tiến vào Đại Việt, đánh vào trại Yên Hưng (1288), thì trước 1285, theo Toàn thư, Trần Ích Tắc đã từng cho người nhà mang thư đến vùng Vân Đồn gặp người Hoa ở đây khuyên người Mông Cổ đưa quân xuống phương Nam…
Thời Lê Sơ, nhất là dưới triều Lê Thánh Tông :
Năm 1467, “giặc cỏ đánh vào Bảo Khả Lặc trấn An Bang”.
Năm 1468, “các châu Vĩnh An, Vạn Ninh bị cướp bóc”[18].
Từ thế kỷ XVII trở đi, theo ghi chép của Việt Sử thông giám cương mục, vùng ven biển Yên Quảng vấn đề trị an càng nổi bật nên với hàng loạt các sự kiện:
+ Năm 1663, “vùng ven biển giáp giới với châu Khâm nhà Thanh, thường có giặc biển quấy nhiễu”,
+ Năm 1690, “giặc biển Yên Quảng là Phương Vân Long, Tân Ân Sủng chiếm cứ vụng biển Vạn Ninh, tụ tập nhiều người đi cướp bóc. Trấn tướng Long Môn nhà Thanh là Diệp Thắng đưa thư sang nước ta hẹn cùng hội quân tiễu trừ. Triều đình sai Lê Huyến đem quân đến hội, bắt được Ân Sủng và đồ đảng hơn 200 người”.
Sau khi Lê Huyến đã đem quân về, Diệp Thắng mượn tiếng là chia nhau đi bắt đảng giặc còn sót lại. Quân hắn vào Tiên Yên và Hoành Bồ sách nhiễu cung đốn, nhân dân không sao chịu được. Triều đình bèn làm công văn đưa thư nghiêm khắc bóc trần việc này đưa sang nói với viên Tổng đốc Quảng Đông, Diệp Thắng bị tội xử trảm.
+ Năm 1714, “giặc biển” Yên Quảng nhiều lần cướp bóc dân ở biên giới một cách bạo ngược”, Lưu thủ Văn Đình Nhâm và đốc đồng Đinh Phụ Ích đem quân lùng bắt, chiêu dụ được đám này ngót 300 người, bắt sống và giết hơn 70 người… toán giặc này bị dẹp yên.
+ Những năm đầu tiên nổi dậy, Nguyễn Hữu Cầu chiếm cứ Vân Đồn làm căn cứ.
+ Năm 1778, “Thục Toại người Yên Quảng, hô hào tụ họp có hàng vạn người... đánh phá Yên Quảng. Viên án trấn này là Đặng Đình Viện bị giặc bắt”.
+ Năm 1785, “Thiêm Liên người Yên Quảng hô hào tụ tập dân chúng ngoài biển có vài trăm chiến thuyền... Tên Sơn người huyện Thần Khê đem đồng đảng theo về với Thiêm Liên”.
+ Năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh sai bọn Nguyễn Như Thái đánh bọn Đinh Tích Nhưỡng, Trịnh Bồng… Ngưỡng mộ quân ở miền ven biển như Hoa Phong, Vân Đồn, Đồ Sơn, được đến vài vạn người và hơn trăm chiếc thuyền.
Đời Nguyễn, nhất là vào những năm 60 - 70 của thế kỷ XIX, vùng biển, hải đảo Đông Bắc, chẳng mấy khi yên ổn về an ninh, về nạn “giặc biển”. Những lực lượng do Tạ Văn Phụng cầm đầu, chiếm giữ đất Quảng Yên và những đảo ngoài vịnh Hạ Long để làm sào huyệt, cho binh thuyền đi cướp phá các nơi. Cuối năm 1863, Tạ Văn Phụng còn định đem hơn 500 chiếc thuyền đánh vào Huế. Các viên Đề đốc Lê Quang Tiến, Bộ phủ Bùi Huy Phan bị quân Phụng đánh tập hậu, phải nhảy xuống biển tự vẫn…
Không ít lần những người đứng đầu cao nhất, thực tế của chính quyền Thăng Long đã trực tiếp đến vùng biển Quảng Ninh, có những quy chế cho riêng Vân Đồn nói riêng, vùng biên ải - hải đảo Đông Bắc nói chung, trao phó việc cai quản vùng này cho những viên trọng thần, tướng lĩnh tin cậy.
Biên niên sử đã chép: Vua Lý Anh Tông 1171, 1172 đi tuần vùng hải đảo, Lê Thánh Tông mùa xuân năm 1468 đích thân sáu quân ra duyệt võ trên sông Bạch Đằng, đi tuần tra xứ Yên Bang. Năm 1613, Trịnh Tráng đi kinh lý Yên Quảng[19], chiêu tập vỗ về nhân dân. Năm 1729 Trịnh Cương “cầm 6 quân đáp thuyền qua miền Đông” …
Triều đình thi hành Thăng Long từ thế kỷ XII đến XVIII đã thi hành nhiều chính sách riêng với vùng Vân Đồn, Đông Bắc:
Năm 1349, vì có nhiều thuyền buôn bán tụ tập ở Vân Đồn nên “đặt quan trấn quan lộ và hải sát sứ ở trấn Vân Đồn, lại đặt quân Bình hải để trấn giữ”.
Năm 1467, sau khi nghe quan Trấn thủ An Bang tâu việc thuyền chở lương của người Minh bị giạt vào xứ ấy [tức bọn Lý Mậu Thực, 29 tên có hai thuyền chở 205 hộc gạo đưa đến Ty Bố chính Quảng Đông bị trôi dạt tới An Bang, Tuần ty bắt được giải tới hành tại, Đô Ngự sử Nguyễn Cư Đạo tâu nên thả chúng về nước], lập tức cả Thái sư đầu triều Đinh Liệt và Thái Bảo Nguyễn Lỗi đã được triệu vào cung, nghe vua Lê Thánh Tông: “mới rồi trẫm bảo bắt giữ người chở lương của nước Minh là vì có thể họ bày ra kế đó để lừa ta. Ta muôn ngăn ngừa mưu kế của họ. Đó là quyền nghi nhất thời chứ không phải đạo thường làm đâu”. Bọn Lỗi bảo: “Nếu họ liều lĩnh, gây chuyện bất ngờ khác mà đặt ra kế đây ta bắt họ thì họ sẽ có cớ để nói được chi bằng thả cho về, e rằng sẽ xảy ra gây hấn khích nơi biên giới”. Vua nói: “Các khanh nói tuy phải nhưng lỡ kẻ gian phản phúc thì sao”. Đô Ngự sử Nguyễn Cư Đạo nói: “Lời bàn của các quan tuy có dị đồng mà quyết định thế nào là ở nhà vua”. Rốt cuộc giữ người Minh không cho về.
Khi nghe tin giặc cỏ đánh vào bảo Khả Lặc trấn An Bang, Lê Thánh Tông đã “ Triệu Thái sư Đinh Liệt, Thái Bảo Nguyễn Lỗi, Lê Niệm và Ngũ phủ Trịnh Văn Sái vào cửa Gia Hựu họp bàn phương sách đánh giặc cỏ: và triển khai hàng loạt các biện pháp
Sử cũ không chỉ ghi làm mẫu mực chuyện Lê Thánh Tông khước từ không nhận “biểu văn khắc trên lá vàng và dâng sản vật địa phương của thuyền đi biển của nước Xiêm La đến trang Vân Đồn dâng lên” mà điều đó còn trở thành điều luật trong thời Lê Thánh Tông trở về sau
Sự kiện năm 1467-1468 trở thành một trọng tâm của triều đình Lê Thánh Tông. Không chỉ vua ra Sắc dụ quan trấn thủ và phó tổng binh các vệ các xứ An Bang, Lạng Sơn và Tuyên Quang: “các người chức vụ đứng đầu một địa phương khống chế cả cõi biên thuỳ, phải phòng bị bất trắc để ngăn ngừa giặc ngoại xâm. Cần phải khuyên bảo các tướng hiệu răn đe quân lính, không được quen thói cũ, bỏ trốn về nhà để trống vị trí phòng thủ, kẻ nào trái lệnh thì trị tội nặng hơn luật thường”, mà còn chuyển quân doanh trấn thủ An Bang đến Bài Lẫm…
Cúng năm này, Đông quân phủ quyền đô đốc Trịnh Công Lộ từ An Bang trở về dâng sớ tâu 4 điều nên làm:
+ Lập đồn luỹ Vạn Ninh, Tân Yên để chống giặc ngoài
+ Chọn đặt hương trưởng làm giáp thủ để trông coi lẫn nhau
+ Chọn người có tài năng văn, võ làm quan trấn thủ
+ Lấp các đường quan ải không cho chặt cây cối hay mở đường đi lại làm mất thế hiểm trở.
Năm 1472, Lê Thánh Tông sắc dụ cho bọn Thái Bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: “Nhận được tờ tâu của trấn An Bang nói là người Minh sai quân lính đi theo quan hội khám của Quảng Tây sao đông thế. Ngươi phải hoả tốc sai người đi thăm dò tình hình. Nếu thấy sự thể khác nhiều thì phải lập tức gửi công văn cho các xứ tập hợp binh mã phòng giữ”.
Trong 722 điều của luật Hồng Đức (hay còn gọi là Quốc triều hình luật đời Lê) chỉ duy nhất có địa danh Vân Đồn có tên trong bộ luật lớn nhất của quốc gia Đại Việt, không chỉ 1 lần mà đến 3 lần (Các điều 612, 615, 616). Từ một địa danh cụ thể, Vân Đồn trở thành một quy chế đặc biệt gắn liền với an ninh quốc gia.
Điều 612: “Các quan ty vô cớ mà đi riêng ra những trang ngoài Vân Đồn các trấn quan ải thì xử tội đồ hay lưu; thưởng cho người tố cáo tước 1 tư.
Điều 615: “Người ở trang Vân Đồn, chở hàng hoá Trung Quốc lên kinh thành, mà không có giấy tờ của An Phủ ty cấp cho, khi đến bến Triều Đông lại không đến cho Đề bạc ty kiểm soát, đã đem đi bán lén lút, cùng là khi về không có giấy tờ của Đề bạc ty cấp cho; đến chỗ Thông mậu trường lại không đến cho An phủ ty kiểm soát mà đã về thẳng trang, thì đều phải biếm một tư và phạt 100 quan; thưởng cho người tố cáo 1/3 số tiền phạt. Nếu đem hàng hoá đến các nơi làng mạc bán giấu, thì xử biếm 3 tư và phạt 200 quan ; thưởng cho người tố cáo cũng 1/3. An Phủ ty, Đề bạc ty vô tình không biết đều phải biếm 1 tư, cố ý dung túng thì biếm một tư và bãi chức
Điều 616: “Thuyền bè ngoại quốc đến trang Vân Đồn buôn bán, mà quan Sát hải sứ đi riêng ra ngoài cửa biển kiểm soát trước, thì biếm 1 tư . Thuyền buôn ấy muốn đậu lại lâu, thì trang chủ phải làm giấy trình An Phủ ty làm bằng, mới được ở lại; nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại, thì xử biếm 2 tư và phạt 200 quan; thưởng cho người tố cáo 1/3. Nếu chưá người ngoại quốc chưa đủ tuổi theo luật định thì xử biếm một tư, phạt 50 quan; thưởng cho người tố cáo 1/3.”
Điều này càng rõ hơn khi đi liền còn có hai điều chung về an ninh nơi biên giới và hải đảo.
Điều 613 “Những quân lính các trấn ven biên giới , cùng các trang vùng duyên hải mà dấu diếm chở người nước ngoài vào kinh thành, thì xử biếm 5 tư, không có quan chức thì xử tội đồ làm chủng điền binh, và phạt 100 quan tiền”
Điều 614 “Những trang trại ven bờ biển những nơi đón tiếp thuyền buôn, ngầm dỡ hàng hoá lên bờ, thì xử biếm 3 tư, phải phạt gấp 3 tang vật để sung công, lấy một phần thưởng cho người tố cáo. Người chủ trang trại ấy mất chức giám quan.”
+ Sau khi Trịnh Tráng ra kinh lý Yên Quảng năm 1613, Tráng để viên thuộc tướng dưới quyền của mình ở lại trấn giữ.”
+ Năm 1690, sau vụ dẹp Diệp Thắng, Triều đình bèn làm công văn đưa thư nghiêm khắc bóc trần việc này đưa sang nói với viên Tổng đốc Quảng Đông, Diệp Thắng bị tội xử trảm.
+ Năm 1712, “Hạ lệnh cho các quan trấn thủ ở biên giới phải đến đóng tại trấn “Về phấn trấn Yên Quảng nguyên trước thuộc viên trấn thủ Hải Dương kiêm quản lĩnh, nhưng xét đấy là nơi bãi biển xa xăm, xin phái riêng viên quan tài năng chuyên giữ trách nhiệm phòng ngự” Trịnh Cương nghe lời. Lưu thủ Văn Đình Nhâm và đốc đồng Đinh Phụ Ích, đem quân lùng bắt, chiêu dụ được đám này ngót 300 người, bắt sống và giết hơn 70 người,,, toán giặc này bị dẹp yên.
+ Hạ lệnh cấm khách buôn phương Bắc được ở lẫn với dân: trước đây khách buôn phương Bắc đến buôn bán, chỉ cho trú ngụ ở châu Vân Đồn, châu Vạn Ninh thuộc Yên Quảng… không được ở lẫn với dân. Lúc ấy dân ở châu Vạn Ninh nhiều người phiêu tán, nên cũng có khách buôn nhân tiện chiếm ở trú ngụ ngay chỗ đất bỏ không … Vì thế mới có lệnh này.[20]
+ Năm 1772, bãi bỏ lệnh cấm dân biên trấn tàng trữ vũ khí… Duy trấn Yên Quảng vẫn theo lệnh cấm như các nội trấn.
+ Năm 1778, Viên án trấn này là Đặng Đình Viện bị giặc bắt, Trịnh Sâm bổ dùng Nguyễn Đăng Đàn giữ chức án trấn Yên Quảng thay Đình Luận. Đăng Đàn đóng quân cố sức giữ thành, giặc không sao phá được” …
Dẫu chưa thể có đầy đủ hồ sơ về những nhân vật mà các triều đình đã uỷ thác việc cai quản vùng Đông Bắc, nhưng cũng có ít nhất một số nhân vật nổi bật sau đây :
Trần Khánh Dư ( ? - 1340 ) con trai của Thượng tướng Trần Phó Duyệt quê ở Chí Linh – Hải Dương. Vào trước cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã trao cho phó Tướng Trần Khánh Dư toàn quyền hành động ở đây.
Nguyễn Đức Trung ( ? - ? ) là con trai Nguyễn Công Duẩn - một trong những công thần của Khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1460, trong tập thể những người nổi dậy dẹp loạn Nghi Dân có Điện tiền ty đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung, đưa Lê Tư Thành lên ngôi. Sau đó viên Điện tiền đô chỉ huy sứ này đã đưa con gái thứ hai của ông là Nguyễn Thi Ngọc Hằng vào cung Vinh Ninh và được chọn làm nghi của Lê Tư Thành.
Tháng tám năm sau đúng ngày mồng một, Đức Trung lên chức ông ngoại khi Ngọc Hằng sinh cho Tư Thành một cậu con trai - đặt tên là Lê Tranh mà 36 năm sau, cậu cháu ngoại sinh ngày một tháng tám ấy của Đức Trung lên ngôi vua, tức là Lê Hiến Tông.
Trước sự kiện năm 1467 của Yên Bang, Triều đình không chọn ai khác mà chọn chính “bố vợ” của vua Lê Thánh Tông đi dẹp loạn ở vùng An Bang, trao cho quyền “cho phép chém trước tâu sau” lại “phát 3 vạn thăng gạo kho sai người phủ Trung Đô làm lương chở tới trấn An Bang để cung cấp cho quân lính".
Điều chú ý là từ Trần Khánh Dư đến các vị tướng thời Lê như Khuất Đả đều đã bị Trung sứ (triều Trần) và Khâm sai (đời Trần) về tận bản doanh bắt thi hành lệnh của vua bắt về Kinh vì không hoàn thành nhiệm vụ. Sau sự kiện 1467 “tháng 8 Khâm sai quyền Lại khoa cấp sự trung Nghiên Nhân Thọ hặc tội tổng binh trấn An Bang là Lê Hối không biết trù liệu đánh giặc. Đốc tướng Khuất Đả đuổi đánh giặc thất lợi đến nỗi bị thua. Lệnh cho Nhân Thọ tiến hành điều tra và bắt hai người về kinh.
Đinh Văn Tả (? - 1685) quê quán ở Hàn Giang - Hải Dương, con trai của Đinh Phủ - Điện tiền thị vệ cẩm y hữu hiệu điểm, Hùng Sơn hầu thời Trịnh Kiểm. Tả sinh ở Thanh Hoá, khi cha ở hành tại An Tràng. Đinh Văn Tả từng theo Trịnh Tráng đánh dẹp quân họ Mạc ở Cao Bằng, phò tá Trịnh Tác qua cơn biến loạn của Trịnh Lịch,Trịnh Sầm năm 1645 nên rất được Trịnh Tráng và thế tử Trịnh Tạc tin cậy. Theo nhận xét của Phan Huy Chú thì từ thời Trung hưng về sau, tướng giỏi thì Lê Thì Hiến, Đinh Văn Tả là hơn cả. Năm 1663, triều đình bổ dụng Đinh Văn Tả giữ công việc Tổng Binh sứ ở Yên Quảng trấn giữ vùng này[21]. Theo Đinh Tộc gia phả - Hàn Giang – Hải Dương, thế kỷ XVIII, danh tướng của dòng họ này như Đinh Phục cũng làm trấn thủ Quảng Yên. Năm 1777, cướp biển là Phủ Kiên nổi lên, Đinh Phục được lệnh thống lĩnh ngũ hiệu thuỷ sư sung làm quan phòng đại thần, chức tổng binh.
Thượng thư bộ Hình Trương Quốc Dụng (1797-1864) quê ở Phong Phú, Thạch Hà, Hà Tĩnh, đậu tiến sĩ năm 1829. Trước khi ra Quảng Yên, Quốc Dụng đã kinh qua Tri phủ Tân Bình, Gia Định, An sát Quảng Ngãi, An sát Hưng Yên rồi qua Tả thị lang các bộ Lễ, Lại, Hình, Công..) Năm 1863, Khi Tạ Văn Phụng nổi loạn ở Yên Quảng, Quốc Dụng được điều ra làm Tổng đốc Hải An quân vụ. Năm 1864, Trương Quốc Dụng cùng Tán Lý Văn Đức Khuê, Tán tướng Trần Huy Sách, Chưởng vệ Hồ Thiện đã bị tử trận trong cuộc chiến với quân Tạ Văn Phụng ở Yên Quảng.[22]
Tổng thông Hải An quân vụ Nguyễn Tri Phương (1800-1873) quê làng Đường Long, huyên Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Nguyễn Tri Phương đã trải qua một quá trình và thành tựu trên nhiều lĩnh vực quản lý từ thởi Minh Mang đến Tự Đức. Nhà nghèo, Nguyễn Tri Phương ban đầu làm thư lại ở huyện Phong Điền, được Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân phát hiện và mến mộ tài năng, phẩm chất nên tiến cử lên vua Minh Mạng. Nguyễn Tri Phương từng được cử làm phái bộ qua Trung Hoa, kinh dinh các vùng đất mới Nam Bộ, Tuần phủ Nam Nghĩa, phụ trách bố phòng Đà Nẵng, Tổng đốc An - Hà dẹp các đám cướp ở An Giang, Hà Tiên, được thưởng danh hiệu “An Tây trí dũng tướng”, được ban “Quân kỳ thạc phụ” thời vua Thiệu Trị. Làm phụ chánh đại thần triều Tự Đức, kinh qua Tổng đốc Gia Định, Biên Hoà, Kinh Lược xứ Nam kỳ... Nguyễn Tri Phương đã trực tiếp tổ chức các cuộc chiến đầu chống Pháp tại Đà Nẵng năm 1858, Kỳ Hoa - Gia Định năm 1861. Sau năm 1862, trước tình hình rối ren ở miền Bắc, Tự Đức điều Tri Phương ra Bắc và năm 1863 ông được trao làm Tổng đốc Hải An quân vụ để trù liệu việc của Yên Quảng .
Tháng 7 năm 1865, Nguyễn Tri Phương phái Đặng Trần Chuyên, Ông Ích Khiêm… đánh chiếm lại thành Hải Ninh…[23]
v.v…
Như vậy là chỉ mới đến cuối thế kỷ XIX - chứ chưa phải là toàn bộ lịch sử Việt Nam, trên vùng địa - chiến lược, giao thương đặc biệt quan trọng ở vùng cửa Đông Bắc của quốc gia có một Vân Đồn, Yên Bang, Yên Quảng hầu như chưa bao giờ tĩnh lặng. Sự không yên lặng đó thể hiện rõ rệt tầm tư duy chiến lược đương thời, quyết tâm và tiềm lực và tinh lực về kinh tế, chính trị, quân sự không phải chỉ của một địa phương, một thế hệ, một thời kỳ mà của cả quốc gia, của nhiều thế hệ để đi tới một Yên Bang - yên nước, trong/ vì “Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại” – bình yên muôn thuở nước Nam này (lời thơ của Lê Thánh Tông trên núi Truyền Đăng".
[1] Ngô Sỹ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nxb KHXH, H., 1993. T.I, tr 316, 317.Từ đây viết tắt là Toàn thư.
[2] Toàn thư, Sđd, tập II, tr 94.
[3] Nguyễn Trãi: Toàn tập, phần Dư địa chí , bản dịch và chú thich của Hà Văn Tấn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, tr.251.
[4] Toàn thư, Sđd,tập II, tr.425.
[5] Một số văn bản pháp luật Việt Nam thế kỷ XV- XVIII. Bản dịch của Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Kim Anh, Nxb KHXH, H., 1994, tr 285.
[6] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Bản dịch của Phan Đăng, Nxb. Thuận Hoá, và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2005. Tr.475- 480.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tập IV, tr.13.
[8] Phan Huy Chú : Lịch triều hiến chương loại chí, Phần Dư địa chí, Bản dịch của Ngô Hữu Tạo, Trần Huy Hân, Nxb KHXH, H 1992, Bản in lại Tập I, tr.137.
[9] Chẳng hạn tập hợp từ Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí của Lê Quang Định, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, ít nhất cũng chép đến gần 40 loại sản vật của dưới biển trên rừng… của vùng Quảng Ninh: dưới sông, biển như trai, ngọc trai, đồi mồi, muối, hàu, hến, cua biển, ốc biển, tôm cá, vàng, củ nâu, phật thủ, gỗ nghiến, lim, sến, táu, gỗ trầm ngư, an tức hương, trúc núi, tre rừng, mật ong, sáp ong, mây đỏ, lộc nhung, lụa vàng, chè, sài hồ…
[10] Nguyên văn từ những câu trong bài thơ Vân Đồn của Nguyễn Trãi: “Thiên khôi, địa thiết phó kỳ quan, Nhất bàn lam bích trứng minh kính,Vạn họa nha thanh đoá thuý hoàn, vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc”.
[11] Nguyên văn từ những câu “Hải thượng cao phong quần ngọc lập, tinh la cơ bá thuỷ tranh vanh” trong bài vịnh về phong thổ An Bang của Lê Thánh Tông.
[12] Nguyên văn: “Sơn liên trám thuỷ tịch man thiên. Thần kỳ mạc trạng an bài chưởng” trong bài thơ của Trịnh Cương. Với Phan Huy Chú: “Yên Quảng thật là hình thắng của nước Nam”.
[13]Các tài liệu về sau cũng thường dẫn theo thông tin này.
[14] Toàn thư . Sđd, t.I, tr.328.
[15] Toàn thư. Sđd, t.II, các trang 61, 131, 140.
[16] Dẫn theo Đặng Xuân Bảng: Sử học Bị khảo…
[17] Phan Huy Chú: Lịch triều... Sđd.
[18] Toàn Thư, Sđd, tập II, tr.425.
[19] Cương MSdd TII. , tr 235.
[20] . Cương Mục. Sdd t.II. các trang 363, 401, 405, 653 ,654 ,702,772
[21] Đinh Huy Tụ , Đinh tộc gia phả, Chương tình nghiên cứu gia phả Việt Nam. Bản dịch của Nguyễn Văn Nguyên, Nxb Thế giới, H.2003. tr 47 cũng chep tương tự “ năm Đinh Hợi, O phi ở Đông Hải nổi lên hoành hành , Đinh Văn Tả được sai làm Đô Tổng binh ra trấn thủ An Quảng để trấn áp . Giặc lần lượt bị bắt và bị tiêu diệt, cả vùng Đông Hải được yên ổn “
[22] Theo Đại Nam Nhất thống chí Núi Võ Tướng: ( Huyện Yên Hưng) nơi Nguyễn Tri Phương xây đồn, Núi Chiêng: nơi Hình Bộ Trương Quốc Dụng bị tử trân
Đảo Ngọc Sơn là nơi Đề đốc đã chết trận.
[23] Tham khảo Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb Văn hoá thông tin bản in lại năm 1999.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 28-03-2013.
Ý kiến bạn đọc
Thứ tư - 09/10/2024 11:10
Thứ tư - 09/10/2024 09:10
Thứ ba - 08/10/2024 22:10
Thứ hai - 07/10/2024 23:10
Thứ hai - 07/10/2024 21:10