Giới thiệu cuốn sách: “Mô hình tổ chức Nhà nước ở Việt Nam thế kỷ X - XIX”

Thứ sáu - 04/08/2023 02:14
Trân trọng giới thiệu với quý độc giả cuốn sách “Mô hình tổ chức Nhà nước ở Việt Nam thế kỷ X – XIX”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016. Sau đây xin trích đăng phần Mở đầu của cuốn sách như một lời giới thiệu tới quý độc giả. Trân trọng!
Bia gioi thieu 680x1024


Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX là thời kỳ tồn tại của các nhà nước quân chủ độc lập. Trên nền tảng hệ tư tưởng, cơ sở kinh tế – xã hội và khả năng kiểm soát, quản lý đối với các làng xã mà các triều đại quân chủ Việt Nam đã thiết lập các hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Nghiên cứu cấu trúc, sự vận hành của các thiết chế nhà nước ở Việt Nam thời trung đại – nền tảng chính trị của chế độ phong kiến Việt Nam – là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của giới sử học trong và ngoài nước. Với ý nghĩa đó, việc khái quát và phân tích những đặc trưng, sự biến đổi của mô hình nhà nước thời kỳ này là hết sức cần thiết, để đưa tới những nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn, không chỉ của bản thân vấn đề thiết chế chính trị, mà còn góp phần lý giải nhiều nội dung quan trọng khác của lịch sử Việt Nam.

Cho đến nay, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về tổ chức bộ máy nhà nước hay thiết chế chính trị của từng triều đại hay một giai đoạn gồm một số triều đại của chế độ quân chủ Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào khái quát hóa, để từ đó nghiên cứu sự biến đổi, đặc trưng của mô hình tổ chức nhà nước suốt cả chiều dài lịch sử chế độ quân chủ từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Chính sự vận động và biến đổi của mô hình tổ chức nhà nước cùng với những thành quả và hạn chế, những nguyên nhân thịnh suy, thành bại mới đưa tới một cái nhìn tổng quát và từ đó, mới rút ra được những nhận thức khoa học mới, cũng như những bài học lịch sử mang giá trị thực tiễn. Mặt khác, dù đã có nhiều nghiên cứu, nhưng không ít vấn đề đặt ra chưa có lời giải thỏa đáng, hơn thế, còn nhiều ý kiến chưa thật thống nhất. Chẳng hạn như: Thiết chế trung ương tập quyền ở Việt Nam được thiết lập từ bao giờ? Triều Lý có phải một chính quyền tập trung? Giai đoạn thế kỷ XVI – XVIII có tồn tại chế độ trung ương tập quyền? Mức độ ảnh hưởng từ các mô hình chính trị bên ngoài, nhất là thể chế Trung Hoa? Đâu là sáng tạo và đặc trưng của mô hình nhà nước Việt Nam?… Đã đến lúc cần nhìn nhận lại những vấn đề này và thảo luận một cách kĩ càng, thấu đáo hơn.

Trên phương diện thực tế, công cuộc đổi mới hệ thống chính trị, cải cách bộ máy hành chính mà Đảng, Nhà nước ta thực hiện hơn 20 năm qua đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một mô hình chính trị phù hợp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa vẫn đang được đặt ra một cách bức thiết. Sẽ không thể xây dựng một hệ thống chính trị mới nếu bỏ qua hay xem nhẹ những di sản từ quá khứ. Những kinh nghiệm và truyền thống cần phải được chọn lọc, xem xét kỹ lưỡng để có thể hoặc kế thừa hoặc có những biện pháp hạn chế, điều tiết. Nghiên cứu một cách hệ thống mô hình tổ chức nhà nước trong lịch sử, do đó còn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Cuốn sách Mô hình tổ chức Nhà nước ở Việt Nam thế kỷ X – XIX không đi sâu mô tả chi tiết về cơ cấu bộ máy chính quyền của các vương triều như nhiều công trình đi trước, mà trên cơ sở nghiên cứu thiết chế nhà nước phân theo từng giai đoạn, chúng tôi cố gắng hệ thống hóa và khái quát hóa những đặc điểm và hình thức tổ chức nhà nước ở từng thời kỳ lịch sử nhất định đó, cũng như chỉ ra những đặc trưng xuyên suốt, những khuynh hướng vận động và biến đổi của mô hình nhà nước quân chủ Việt Nam trong suốt thời trung đại.

Lịch sử Việt Nam từng xuất hiện một số hình thức tập quyền, điển hình là trong thời kỳ tồn tại của các triều đại Lý – Trần, Lê Sơ và Nguyễn. Trong mỗi hình thức tập quyền đó, tính chất và mức độ tập trung quyền lực của chính quyền trung ương được biểu hiện khác nhau. Điều này có nghĩa, trong khuynh hướng phát triển chung của thiết chế chính trị quân chủ ở Việt Nam, không phải mọi thời kỳ hay tất cả các nhà nước tồn tại từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX đều là tập quyền. Các hình thức nhà nước tập quyền cũng không phải phát triển liên tục theo đường thẳng, mô hình sau xuất hiện ngay khi mô hình trước kết thúc, mà chúng đều có quá trình hình thành sau một thời kỳ gián đoạn và thường chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.

Từ hướng tiếp cận trên, nghiên cứu của chúng tôi tập trung làm rõ một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tái hiện một cách khách quan quá trình hình thành và biến đổi, những đặc trưng cơ bản và tính chất của mô hình nhà nước quân chủ trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX.

Thứ hai, tập trung làm rõ quá trình thiết lập, cấu trúc và đặc điểm, thành tựu và hạn chế của từng hình thức tổ chức nhà nước trong các giai đoạn lịch sử nhất định; nhìn nhận và phân tích thiết chế nhà nước trong những mối quan hệ đồng đại, lịch đại; tác động qua lại giữa bối cảnh lịch sử, nền tảng kinh tế – xã hội với hình thức tổ chức nhà nước.

Thứ ba, đi sâu phân tích cấu trúc quyền lực nhà nước, tập trung ở bốn nội dung cơ bản: Tư tưởng và chính sách cai trị, bộ máy chính quyền, hệ thống luật pháp, quan hệ Nhà nước – làng xã.

Thứ tư, chỉ ra những đặc trưng xuyên suốt, những khuynh hướng và quy luật vận động, biến đổi của mô hình tổ chức nhà nước quân chủ ở Việt Nam, đồng thời lý giải căn nguyên của sự vận động và biến đổi đó.

Nội dung chính của cuốn sách bao gồm bốn chương (306 trang):

Chương 1: Thiết chế nhà nước thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV)

Chương 2: Thiết chế nhà nước Lê Sơ (thế kỷ XV)

Chương 3: Các thiết chế nhà nước trong giai đoạn thế kỷ XVI – XVIII

Chương 4: Thiết chế nhà nước thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới quý bạn đọc.
 

Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn,13-02-2017.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây