Nghiên cứu đời sống nông thôn trong các bối cảnh chuyển đổi nhiều thách thức là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm lâu dài nhất của nhân học xã hội. Các nhà nhân học xã hội đã đóng vai trò đặc biệt nổi bật trong các tranh luận lớn liên quan đến chủ đề này. Một trong số đó là liệu khái niệm “nền kinh tế duy tình” có thực sự còn phù hợp trong điều kiện của thế giới toàn cầu hoá hôm nay, với vô vàn những chuyển biến phức tạp và những điều bất định đang đặt ra cho các cộng đồng trong quá trình thích ứng với những đổi thay chóng mặt trong đời sống sinh kế của họ, từ nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, cho đến kinh doanh buôn bán hay làm công nhân trong các khu công nghiệp, những dạng đời thức kinh tế mới nay đã trở nên vô cùng quan trọng trong đời sống của các cộng đồng nông thôn ở Đông Nam Á và rộng hơn thế nữa.
Điều đặc biệt thú vị trong cuốn sách của TS. Châu là những tư liệu phong phú về cách thức mà những con người cần cù, chăm chỉ trong một cộng đồng nông thôn hết sức năng động và giàu truyền thống ở vùng châu thổ sông Hồng đã thích ứng với những thách thức của quá trình Đổi mới. Cuốn sách này rõ ràng đã đóng góp một nghiên cứu trường hợp mới mẻ cho kho tàng tri thức nhân học về các cư dân nông thôn và quá trình họ thích ứng với những cơ hội và thách thức trong các thời kỳ chuyển đổi. Trên cơ sở đó, nghiên cứu này góp phần nêu bật vai trò của Việt Nam như là một bối cảnh mới và quan trọng cho các nghiên cứu khoa học xã hội về quá trình biến đổi kinh tế toàn cầu, đồng thời đóng góp một cái nhìn sâu sắc vào hệ thống những công trình nghiên cứu của các chuyên gia về Việt Nam có chung mối quan tâm về bản chất và những tác động của thời kỳ Đổi mới ở nông thôn Việt Nam và xa hơn thế.
Tôi tin tưởng rằng độc giả Việt Nam sẽ nhận được nhiều điều mới mẻ thông qua những phân tích sâu sắc và chặt chẽ của TS. Châu về những kết quả nghiên cứu của anh, và sẽ rất ấn tượng với sự nhạy cảm của anh trong vai trò một nhà nghiên cứu điền đã dân tộc học. Trong công trình này, anh đã thể hiện những điều tốt nhất trong những kỹ năng và phẩm chất đặc biệt cần có ở một nhà nghiên cứu Dân tộc học/nhân học xã hội. Với tư cách là các nhà nhân học xã hội, chúng tôi một mặt muốn lý giải và phân tích các vấn đề trên cơ sở sự trân trọng, cầu thị và kế thừa các kết quả nghiên cứu của các học giả thuộc các chuyên ngành khác, cả trong quá khứ cũng như ở hiện tại. Và ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với phẩm giá và quyền riêng tư của những con người và cộng đồng mà chúng tôi nghiên cứu thông qua quá trình điền dã dài ngày trên thực địa. Với một nghiên cứu nhân học, thái độ trân trọng và nghiêm túc trong việc ghi lại những câu chuyện và trải nghiệm mà người dân chia sẻ với chúng tôi là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, và cuốn sách này TS. Châu đã đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất của nghiên cứu nhân học xã hội, thể hiện qua sự tỉ mỉ, trung thực, khiêm tốn và chuẩn xác trong quá trình quan sát nhằm ghi lại tất cả những sắc màu đa dạng về sự phức tạp của cuộc sống mà chúng tôi bắt gặp.
Cá nhân tôi hết sức vui mừng khi được là người hướng dẫn khoa học cho TS. Châu trong thời gian anh làm nghiên cứu sinh, và cảm thấy vô cùng tự hào khi được chứng kiến sự nhiệt tình và nỗ lực của anh trong quá trình học tập và trên con đường nghiên cứu độc lập. Không chỉ đặt ra những mục tiêu lớn và khắt khe cho chính mình, anh còn cho thấy sự quyết tâm và dũng cảm đáng khâm phục để hiện thực hoá những mục tiêu đó và hoàn thành những nghiên cứu này. Cuốn sách của TS. Châu khám phá một trong những vấn đề còn chưa được làm sáng tỏ trong các nghiên cứu của các học giả quốc tế, nhưng lại có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam đương đại. Đó là đời sống kinh tế hàng ngày của các gia đình và cộng đồng nông thôn ở Việt Nam đã thay đổi như thế nào kể từ khi bắt đầu Đổi mới, và những người nông dân chăm chỉ, cần cù ở Việt Nam đã làm thế nào để nắm bắt những cơ hội sinh kế đa dạng nhằm hoàn thành trách nhiệm chăm lo cho gia đình thương yêu của họ, trong bối cảnh những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong đời sống kinh tế, từ việc làm, đất đai, trong các hoạt động kinh tế tại gia cũng như trong đời sống buôn bán và thương mại.
Giờ đây, khi TS. Châu đã chỉnh sửa và biên tập luận án của mình thành một chuyên khảo nghiên cứu giàu tính mới, đó là lúc anh đã chia sẻ những phát hiện của mình về cộng đồng cư dân ở miền Bắc Việt Nam, nơi anh nghiên cứu và đặt tên là làng Xuân, với độc giả Việt Nam. Với tôi đây là một viễn cảnh đầy hứa hẹn. Thông qua con mắt quan sát tỉ mỉ và chi tiết của TS. Châu, độc giả sẽ nhận thấy sự phong phú, sáng tạo và sự dũng cảm phi thường của những con người ở làng Xuân, trong quá trình họ thích ứng và nhìn nhận những thách thức trong đời sống kinh tế của mình, cả trong quá khứ cũng như hiện tại. Chúng ta sẽ học được nhiều điều từ những con người ở làng Xuân, bởi vì tiếng nói của họ, những câu chuyện cuộc đời của họ về cuộc sống hàng ngày, và sự quyết tâm của họ để đem lại những gì tốt nhất cho gia đình và tìm kiếm những cơ hội cuộc đời cho cón cái chính là nội dung xuyên suốt và quan trọng nhất của cuốn sách này. Trong cuốn sách, độc giả sẽ hiểu được cuộc đời mà họ sống, cách họ suy nghĩ, hành động, và họ đã làm như thế nào để thích ứng với những tầm nhìn về phát triển và những kế hoạch về mở mang những chân trời kinh tế, những điều đã và đang được coi là những mục tiêu lớn lao của Việt Nam hôm nay.
Cuốn sách của TS. Châu về thế giới của những người dân ở làng Xuân là một sự ghi nhận xứng đáng cho sự quan tâm, chân thành và nỗ lực của bản thân anh trong quá trình thai nghén và thực hiện nghiên cứu đầy sáng tạo nhưng cũng nhiều thách thức này. Tôi tin tưởng rằng cuốn sách sẽ được độc giả đón nhận nhiệt tình và rộng rãi.
Susan Bayly
Giáo sư Nhân học Lịch sử
Đại học Cambridge, Anh
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 18-06-2017.
Ý kiến bạn đọc
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11
Thứ ba - 19/11/2024 11:11
Thứ ba - 19/11/2024 08:11