Một trong những đặc điểm khác biệt trong chính sách giáo dục của triều Nguyễn so với các triều đại trước là vấn đề mở rộng và phát triển giáo dục và khoa cử ở phía Nam. Đến thời Nguyễn, lãnh thổ Việt Nam rộng hơn nhiều so với thời Lê, là kết quả của quá trình Nam tiến. Để hiểu được lịch sử nói chung, chính sách giáo dục nói riêng của nhà Nguyễn, đặc biệt là vào nửa đầu thế kỷ XIX, thì cần phải “hiểu được ảnh hưởng của chính sách vùng Nam Bộ đối với đời sống chính trị của cả quốc gia”[1]. Bài viết chọn một nội dung của vấn đề khoa cử là chính sách khuyến khích phát triển giáo dục của nhà Nguyễn ở vùng Nam Bộ để đi sâu nghiên cứu, từ đó làm rõ những chính sách của triều Nguyễn nhằm đẩy nhanh số lượng người đỗ đạt ở Nam Bộ.
I. Nam Bộ – vùng đất “phi Nho giáo”
So với đồng bằng Bắc Bộ – vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa của Việt Nam, Nam Bộ là vùng đất mới, có nhiều yếu tố khác biệt về địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế… Đây là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người (Khơme, Chăm, Mạ, Stieng, Hán, Việt…)[2] và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình Ấn hóa. Về sinh hoạt tín ngưỡng ở Nam Bộ, Trịnh Hoài Đức có chép: “sùng Phật, tin đồng cốt, phần nhiều trọng thần đàn bà”[3]. Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy là, so với các địa phương khác nhất là Bắc bộ, Nam Bộ ban đầu là vùng đất “phi Nho” – nơi Khổng giáo “đã không được đề cao, thậm chí về căn bản, hầu như không được biết đến”[4]. Theo nhận xét của Woodside, Nam Bộ là vùng đất mang nhiều yếu tố Phật giáo, ít yếu tố Nho giáo, Hán học hơn miền Bắc và miền Trung.[5]
Sống ở lưu vực sông Mekong, cư dân Nam Bộ được hưởng sự ưu đãi hơn cả từ thiên nhiên so với miền Bắc và miền Trung. Khác với cư dân hai miền Bắc và Trung, cư dân Nam Bộ không phải đối mặt với những khắc nghiệt của thiên tai, đất đai màu mỡ, sinh sống dễ dàng, “dùng sức ít mà lợi nhiều”[6]…. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí đã viết: “Thành Gia Định nước Việt Nam ta, đất rộng lương thực nhiều, không lo về đói rét”[7], “nhiều thóc gạo cá muối”[8], các loại sản vật phong phú. Việc sản xuất lúa gạo ở Nam Bộ gặp nhiều thuận lợi, do vậy nhiều người Nam Bộ sống bằng nghề buôn bán và theo như chữ dùng của Choi Byung Wook thì người dân Nam Bộ “coi rẻ giá trị thóc gạo”. [9] Trong năm trấn của Gia Định (Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên), cũng theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức, trấn nào cũng được ghi chép là có hoạt động buôn bán. Ví dụ như trấn Phiên An “tầu, thuyền biển buôn bán đi về, cột buồm san sát nhau, trăm thứ hàng họp lại”; trấn Biên Hòa “khách buôn qua lại”; trấn Hà Tiên “chuyên việc buôn bán” ….[10]
Khác với miền Bắc và miền Trung, điều kiện tự nhiên thuận lợi do thiên nhiên ưu đãi cũng là lý do khiến cư dân Nam Bộ ít quan tâm đến việc học. Với người Bắc và Trung Bộ, học là để làm quan, để thông qua khoa cử để tiến “từ cảnh nhà tranh vách đất sang cảnh giàu sang phú quý”, hay học để “thoát nghèo” thì người Nam Bộ không hoàn toàn như vậy. Chính nhờ những ưu đãi từ thiên nhiên, nói cách khác là điều kiện kinh tế thuận lợi, người Nam Bộ không chọn cách thức “học để làm quan” làm mục đích sống. Choi Byung Wook đã nhận xét: “Nhiều cơ hội mở ra cho thanh niên Nam Bộ để họ có một cuộc sống an nhàn bằng các nghề kinh doanh thay vì phải cúc cung tận tụy phục vụ triều chính”. [11] Do vậy ở Nam Bộ số lượng người giành được vị trí trong triều đình thông qua khoa cử không nhiều. Nói cách khác, con người Nam Bộ là những người “tự do mà ít chất thần phục quyền uy phong kiến, càng ít sự ràng buộc lễ giáo đạo đức Khổng Mạnh”. [12] Dưới con mắt của các vị vua đầu triều Nguyễn, đặc biệt là Minh Mạng, người Nam Bộ quan tâm nhiều đến thương nghiệp hơn là nông nghiệp, ít quan tâm đến khoa cử. Minh Mạng nhận xét “người Gia Định vốn tính trung nghĩa nhưng ít học”[13].
Sau khi mở rộng bờ cõi về phía Nam và đóng đô ở Phú Xuân, Huế, triều Nguyễn gặp khó khăn giữa một bên là nhu cầu của triều đình muốn phát triển Nho giáo, mở rộng bộ máy quan lại, tuyển lựa nhân tài thông qua thi cử và một bên là thực tế cư dân vùng Nam Bộ “yếu” và “thiếu” truyền thống khoa cử. Bên cạnh đó, "trong một thời gian dài sau 1802, triều Nguyễn lại chưa đứng vững ở Bắc Hà và do đó rất cần một hậu phương chính trị ổn định" [14] ở Trung Bộ và cả Nam Bộ. Không phải ngẫu nhiên mà các vua Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức đều rất quan tâm tới việc đào tạo đội ngũ quan lại cũng như xây dựng chỗ dựa tinh thần của chính quyền thông qua các hoạt động tổ chức học hành, thi cử ở Nam Bộ[15].
Ở miền Bắc, nhà Nguyễn đứng trước thực tế là giới sĩ phu Bắc Hà ít chịu quy phục do tư tưởng “hoài Lê” vẫn còn khá sâu đậm.[16] Ngay sau khi lên cầm quyền, trong năm 1802, Gia Long liên tiếp ra các chiếu dụ đối với cựu thần nhà Lê và các hào mục Bắc Hà, kêu gọi họ tham gia vào bộ máy quản lý của triều đình. Kết quả là, mặc dù đã có một số Nho sĩ hưởng ứng lời kêu gọi, một số quan lại cựu triều xuất thân từ khoa bảng đã gia nhập vào hàng ngũ quan lại của nhà Nguyễn, nhưng số lượng rất hạn chế. Trong những năm đầu triều Minh Mệnh, có một số Sinh đồ, Hương cống của triều Lê được bổ nhiệm vào các vị trí trong bộ máy của triều Nguyễn như Lý Thiện Dưỡng làm Đốc học Quảng Bình, Lê Tri làm Đốc học Quảng Ngãi, Tổng giáo Nguyễn Huy Cẩm làm Đốc học Biên Hòa[17], Hoàng Phạm Lãng làm Đốc học Cao Bằng, Hồ Trọng Điển làm Đốc học Nghệ An, Phạm Đình Hổ được sung làm Hành tẩu ở Hàn lâm viện[18]… Việc các Nho sĩ Bắc Hà không hưởng ứng mạnh mẽ khiến Minh Mạng khi ra Bắc đã tiếp tục ra dụ tìm những người hiền tài còn sót ở Bắc Thành và Thanh Nghệ. Vua Minh Mệnh từng nói với quan cận thần rằng: “Từ sông Linh trở về Bắc, vốn là đất văn học, năm ngoái xuống chiếu cầu hiền, mà đến nay chưa có ai ra ứng cử… Nay Trẫm dừng chân ở Bắc Thành đã hàng tháng, mà sao vắng lặng không thấy gì, có phải tự tờ chiếu đưa xuống cử người hiền tài, mà không ai dám đương với cái danh từ ấy chăng?”.[19]
Tiếp tục sử dụng các Nho sĩ Bắc Hà đã thông qua đào tạo và khoa cử là biện pháp thiết thực và hiệu quả, nhưng trên thực tế số lượng này không đủ để đáp ứng nhu cầu (và cũng không dễ huy động). Vì vậy, mặc dù đã có một số lượng nhất định Nho sĩ Bắc Hà tham gia vào đội ngũ quan lại ở buổi đầu triều Nguyễn, nhưng nhà Nguyễn vẫn muốn dùng những người do mình đào tạo vào làm việc cho chính quyền mới.[20] John Whitmore cho rằng vương triều Nguyễn với nền tảng Nam Hà có vẻ như muốn học hỏi khuôn mẫu trực tiếp từ Trung Quốc hơn là gián tiếp qua giới sĩ phu Bắc Hà của những thế kỷ trước.[21]
Dưới thời Minh Mạng, triều đình thực sự mong muốn “tăng thêm số lượng quan chức trong bộ máy quan liêu”[22], nhưng triều đình cũng gặp thực tế là số người Nam Bộ tham gia khoa cử và tỷ lệ đỗ đạt thông qua khoa cử là không nhiều. Cụ thể như, thời Minh Mạng, có sĩ tử người Gia Định đã sát hạch “8 lần mà chưa đủ văn thể 4 trường”[23], buộc quan Đốc học “xin gia ân cho biên vào sổ khóa sinh”[24]. Truyền thống khoa bảng ở Bắc Bộ được biểu hiện rõ nét qua nhiều yếu tố: các gia đình, dòng họ khoa bảng (những gia đình cùng có cha con, ông cháu, chú cháu, anh em cùng thi đỗ Tiến sĩ hoặc thậm chí đỗ cùng khoa); các làng khoa bảng (làng có tỷ lệ đỗ đạt cao, được nhiều nơi biết đến như Hành Thiện (Nam Định), Mộ Trạch (Hải Dương), nhiều làng ở Thanh Trì, Từ Liêm (Hà Nội)…); các trường giáo dục Nho học tư thục với những thầy đồ nổi tiếng; hệ thống văn từ, văn chỉ thờ Khổng Tử và những người đỗ đạt… Vì thế Nola Cooke cho rằng do không có các cơ chế liên kết giữa thi cử và bộ máy quan lại, việc thiếu các dòng họ, gia đình khoa bảng nhiều đời thi đỗ ở Nam Bộ đã khiến cho nhà Nguyễn khó khăn trong việc tái thiết lập hệ thống thi cử ở Nam Bộ như ở miền Bắc[25]. Chính vì vậy, ngay trong kỳ thi Hương đầu tiên dưới thời vua Gia Long tổ chức năm 1807, “không có trường thi Hương nào ở phía Nam được tổ chức”[26]. Từ năm Gia Long thứ 12, 1813, nhà Nguyễn mới bắt đầu mở khoa thi Hương từ Quảng Bình trở vào Nam[27].
Nhu cầu bổ nhiệm, sử dụng những người thuộc vùng Trung Bộ và Nam Bộ vào bộ máy nhà nước của nhà Nguyễn được thể hiện rõ ràng trong quan điểm của vua Minh Mệnh từ năm 1824. Khi sai Thự Tham tri Lễ bộ Hoàng Kim Hoán quản lý công việc Quốc tử giám, nhà vua đã nói: “Nhà Đại Thanh, tiên tổ là người Mãn, khi đã lấy được Trung Quốc thì các chức chính giáo đều dùng người Hán, người Mãn mà người Mãn thường ở trên người Hán. Kể người Mãn là mọi rợ mà còn như thế, huống miền Nam hà nước ta là đất văn vật, không ví như người Mãn được. Chức trách làm thầy há nên chỉ để người Bắc chuyên giữ”.[28] Đây là thông điệp rõ ràng của nhà Nguyễn trong việc muốn bổ nhiệm người Nam Hà vào vị trí quản lý Quốc Tử Giám, tức là quản lý việc giáo dục của quốc gia nói riêng cũng như các vị trí quản lý khác nói chung.
Năm 1826, sau khi xem xét kết quả kỳ thi Hội với 9 người đỗ đều là người Bắc, vua Minh Mạng đã nói rằng: “Nay thiên hạ một nhà, Nam Bắc đều là tôi con của trẫm, cho nên Nam hiền thì dùng Nam, Bắc hiền thì dùng Bắc, không phải có thiên tư. Vả lại học trò Nam Bắc đều là người ở trong giáo dục, học lực tưởng cũng không hơn kém nhau, thế mà nay 9 quyển đỗ đều là người Bắc là sao thế? Nên lựa lấy 1, 2 người từ Thừa Thiên vào Nam để cổ lệ sĩ phong mới phải”[29]. Từ dụ này của Minh Mạng với ý định bổ sung người đỗ đạt ở phía Nam, Phan Thanh Giản vị Tiến sĩ khai khoa của vùng đất Nam Bộ – người sau này giữ đến chức Thượng thư bộ Lễ, bộ Hộ và bộ Hình của nhà Nguyễn – đã được lấy đỗ trong kỳ thi này.
Năm 1830, trước thực tế của việc học vùng Nam Bộ, triều đình quy định, nếu các địa phương từ Thanh Hoa trở ra Bắc mà số cử số Cống sinh không đủ theo quy định của Nhà nước thì các quan địa phương phạt 3 tháng bổng, quan Quốc Tử Giám phạt 6 tháng bổng nhưng đối với các địa phương từ Quảng Bình trở về Nam, do học trò giỏi còn ít “nếu đòi hỏi nhất luật thì chưa khỏi nghiêm quá” nên chỉ sức quở mà không phạt bổng.[30] Giải thích cho hiện tượng này vua Minh Mệnh nói: đất Gia Định nhiều người tuấn tú, nhưng gần đây quen thói biếng nhác nên hạng học giỏi, tài hay chưa thấy nhiều. Song nghĩ ở thành hạt ấy văn hóa mới mở, thấm nhuần chưa sâu, điều lệ khảo khóa và giảng tập “phải có một phen châm chước định lại”[31] .
Đến thời Tự Đức tình hình này cũng không thay đổi nhiều lắm. Bản thân vua Tự Đức cũng nhận thấy sự yếu và thiếu truyền thống khoa cử ở phía Nam. Trong bản Dụ viết năm 1853, nhà vua cho rằng: “Gần đây trong Chế khoa, Hội khoa từ Quảng Bình trở về Nam, ít người trúng bảng. Trong đó từ Phú Yên đến Hà Tiên lại càng thưa thớt”.[32]
Với mục tiêu “đưa Nam Bộ, vùng đất mới hòa nhập, thống nhất với nền chính trị xã hội chung của đất nước”[33], mặc dù không đưa ra những tuyên bố rõ ràng, mạnh mẽ về chính sách riêng cho vùng Nam Bộ, nhưng nhà Nguyễn có nhiều hình thức và phương pháp khác nhau nhằm đề cao, ưu tiên cho việc phát triển giáo dục vùng Nam Bộ, nhằm hướng tới một mục tiêu xa hơn là cố gắng đáp ứng nhu cầu về nhân sự cho việc thiết lập bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương trong toàn quốc.
II. Các biện pháp, chính sách khuyến khích giáo dục Nho học của triều Nguyễn ở Nam Bộ
Từ nhận thức rõ ràng về sự mâu thuẫn giữa vấn đề “yếu và thiếu” khoa cử của cư dân vùng Nam Bộ và nhu cầu gia tăng nhân sự cho bộ máy quan lại thông qua khoa cử như đã nói ở trên, nhà Nguyễn đã có nhiều chính sách nhằm rút ngắn khoảng cách về số lượng người thi và tỷ lệ thi đỗ giữa hai miền Bắc Nam. Trong phần này, chúng tôi nhóm các sự kiện, hoạt động, quy định liên quan đến khuyến khích phát triển giáo dục Nam Bộ theo ba nội dung: tổ chức việc học, việc thi và bổ nhiệm những người đỗ đạt qua khoa cử.
1. Đẩy mạnh việc học và dự thi ở Nam Bộ
(i) Đặt các chức học quan
Từ nhận thức « trị nước thì gốc ở nhân tài, hành chính thì trước lấy giáo hóa »[34], nhà Nguyễn xác định rõ ràng rằng khoa cử muốn phát triển thì trước tiên phải nâng cao ý thức quan tâm đến việc học và tổ chức học tập ở các địa phương. Vì thế, chỉ một năm sau khi lên ngôi, năm 1803, vua Gia Long đã phê chuẩn đề xuất của trấn thần Gia Định là Nguyễn Văn Nhân chọn mỗi xã ở Gia Định 1 người có đức hạnh văn học để dạy bảo con em trong xã nhằm giải quyết tình hình người Gia Định « nghiên bút bỏ hoang ».[35] Theo đó, « mỗi xã chọn một người có đức hạnh văn học, được miễn dao dịch, khiến dạy bảo con em trong ấp. Người từ 8 tuổi trở lên thì vào tiểu học rồi đến học sách Hiếu kinh, Trung kinh; 12 tuổi trở lên, trước học Luận ngữ, Mạnh Tử, rồi tới Trung dung, Đại học; 15 tuổi trở lên, trước học Thi Thư, sau học Dịch Lễ, Xuân thu, học kèm Chư tử và sử”[36].
Năm 1805, triều đình lấy Trương Chí Lý, Võ Xuân Biều, Hoàng Công Xuân làm Đốc học và Giáp Ất Phó Đốc học Gia Định. Cũng trong năm này, học đường Gia Định (sau là trường tỉnh học của Gia Định) được xây xong.[37] Năm 1839, các chức Huấn đạo được đặt cho các huyện Phước Chánh, Bình An, Long Thành (Biên Hòa), Tân Minh, Vĩnh Bình (Vĩnh Thanh), Kiến Hưng, Kiến Đăng (Định Tường) theo đề nghị của thành thần Gia Định.[38]
Đối với sĩ tử, năm 1853, Tự Đức đề nghị chuyển các Cử nhân ở phía Nam thuộc các địa phương có ít người đỗ đạt sang học ghép với các tỉnh có số người đỗ đông hơn để đẩy mạnh tinh thần học tập: “Trong đó 3 tỉnh Khánh Hòa, Biên Hòa, Hà Tiên sĩ số quá ít ỏi, chuẩn cho đến học tập với các quan coi việc học tại các tỉnh gần như Bình Thuận, Gia Định, và An Giang, để nhờ vui bạn kính thầy mà tốt lên”.[39]
Cũng trong năm này, nhận thấy kết quả thi Chế khoa và Hội khoa của học trò từ Quảng Bình đến Hà Tiên thấp, triều Nguyễn đã cho Tú tài và người học ở các địa phương bổ làm học sinh ở phủ Thừa Thiên và các tỉnh, với số lượng “Thừa Thiên học sinh 20 người, Quảng Nam, Bình Định, Vĩnh Long đều 18 người; Quảng Bình, Quảng Ngãi, Định Tường, An Giang, Quảng Trị đều 15 người; Bình Thuận, Khánh Hòa, Biên Hòa, Hà Tiên, Phú Yên đều 10 người”.[40] Những người này đều được triều đình cấp lương, gạo để học tập. Hai năm sau (năm 1855), Tự Đức ra dụ đặt ngạch học sinh ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Quảng Yên), số lượng học trò được chọn dành cho mỗi tỉnh là từ 3 đến 6 người. [41] Nếu so sánh về số lượng thì rõ ràng các học trò từ Quảng Bình trở vào Nam nhận được sự ưu ái hơn.
Năm 1854, sĩ tử và Cử nhân của Nam Bộ (Gia Định, Định Tường, Long Tường…) sau khi khảo hạch, có kết quả tốt được bổ làm học sinh của tỉnh và được triều đình cấp cho lương thực theo thứ bậc trong thời gian học tập.[42] Học sinh ở tỉnh được các học quan của tỉnh ấy dạy dỗ. Quy định này được thực hiện theo đề nghị của bộ Lễ trình vua Tự Đức với tinh thần « truyền gia ơn bổ vào làm học sinh trường tỉnh, chiếu theo lệ học sinh từ Quảng Bình trở vào mà cấp lương ăn để tỏ ý khuyến khích việc giáo dục ở vùng biên ».[43].
Với học trò là người dân tộc thiểu số ở Nam Bộ, triều Nguyễn cũng có chính sách “giáo hóa”, tạo điều kiện để các tộc người này thu hẹp khoảng cách về giáo dục so với nguời Kinh. Nhà Nguyễn muốn thống nhất tư tưởng và văn hóa của các tộc người thiểu số nơi đây theo chuẩn mực Khổng giáo thông qua việc học và thi.
(ii) Mở trường thi Hương Gia Định và tạo chính sách phụ thí linh động
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các sĩ tử Nam Bộ trong việc tham gia thi cử, nhà Nguyễn đã mở trường thi tại chỗ – trường thi Hương Gia Định và tạo chính sách phụ thí linh động.
Trường thi Hương Gia Định bắt đầu hoạt động năm 1813, sáu năm sau khi khoa thi Hương đầu tiên dưới thời Nguyễn được tổ chức (1807). Trường thi Gia Định là nơi tổ chức thi cho các sĩ tử của các vùng Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Trường thi Gia Định được xây dựng kiên cố bằng gạch, ngói năm Thiệu Trị 7 (1846)[44], đến năm Tự Đức thứ nhất (1848), khu vực làm việc của các quan trường trong trường thi đều lợp ngói, 4 vi trong trường thi đều được phân cách bằng tường hoa[45]. Trường thi nằm trên đất thôn Hòa Nghĩa, phía tây thành Gia Định, nay thuộc khuôn viên Trung tâm sinh hoạt Thanh niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh[46]. Trường có chu vi 193 trượng 6 thước, tường rào cao 4 thước 5 tấc. Trường thi Hương Gia Định tồn tại 45 năm, từ năm 1813 đến 1858 – khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Trong thời gian tồn tại, trường thi Hương Gia Định đã tổ chức được 19 khoa thi, lấy đỗ 264 Cử nhân[47]. Theo Địa chí An Giang, năm 1864, sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, nhà Nguyễn dời trường thi Hương Gia Định về đặt tại An Giang, tuy nhiên trường thi này chỉ tổ chức khoa thi duy nhất vào năm này và lấy đỗ có vẻn vẹn 10 người[48]. Trường thi Hương An Giang là trường thi cuối cùng ở Nam kỳ trước khi vùng đất này hoàn toàn rơi vào tay người Pháp.[49]
Đối với người đi thi, thông thường, sĩ tử trước khi dự thi Hương phải trở về nguyên quán để sát hạch. Trường hợp sĩ tử giả mạo họ tên, quê quán, sau này có thi đỗ Tú tài, Cử nhân hay Tiến sĩ thì đều bị cách bỏ.[50] Riêng đối với học trò Nam Bộ, nhà Nguyễn thực hiện chính sách phụ thí linh động. Năm 1821, vua Minh Mệnh cho phép sĩ tử “từ Phú Yên trở về Nam cho tùy tiện phụ thí, từ Bình Định trở về Bắc đều phải theo nguyên quán”[51] tức là sĩ tử Nam Bộ nếu đang sống ở đâu thì có thể đăng ký dự thi ở đó, không nhất thiết phải quay về quê gốc ứng thí.
Năm 1834, triều Nguyễn vẫn duy trì định lệ: “những sĩ tử du học ở các tỉnh thì về nguyên quán ứng thí. Duy những người ở Biên Hòa trở vào Nam, hoặc sinh trưởng ở kinh kỳ, và những nơi huyện Tống Sơn cư trú từ Quảng Bình trở vào Nam đã được lâu đời, thì cho phép được phụ thí [tại chỗ mình ở]”[52].
Chính sách “phụ thí” tạo điều kiện cho học trò là người Nam Bộ có thể thi ở những nơi họ sống ngoài Nam Bộ. Trường hợp của Nguyễn Chính quê ở thôn Phú Mỹ Tây, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định là ví dụ. Cha của Nguyễn Chính được điều làm Cai đội ở tỉnh Hưng Hóa và ông theo cha đến sinh sống ở đây. Sau khi về hưu, cha ông không trở về quê cũ, xin triều đình cho ở lại sinh sống tại Hưng Hóa. Kỳ thi Hương năm 1857, Nguyễn Chính vì không tiện về Gia Định ứng thí nên đã đề nghị cho được phụ thí tại trường thi Hương Hà Nội, nhưng không được bộ Lễ và triều đình đồng ý vì theo lệ ông phải trở về nguyên quán ứng thí. Trên đường về, xét thấy nếu để ông về Gia Định thì khó có thể kịp ngày dự thi nên triều đình đã đồng ý cho Nguyễn Chính phụ thí ở trường thi Hương Thừa Thiên. Kết quả, Nguyễn Chính đỗ thủ khoa khoa này và khoa thi năm Nhâm Tuất (1862) tiếp tục đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Từ sau trường hợp này, nhà Nguyễn đã có quy định trở thành định lệ: « từ nay về sau, phàm thuộc lục tỉnh Nam kỳ mà con cháu các quan viên văn võ đi làm quan xa, đã theo cha ông cư trú ở tỉnh nào hoặc sinh trưởng ở tỉnh đó thì mỗi khi đến kỳ thi nếu đã đỗ Tú tài, cho được nộp quyển phụ thi ở tỉnh đó. Nếu chưa đỗ Tú tài, lý trưởng sở tại xét thấy là người có học hành cho được loại bạ phụ thi”[53]
Từ năm 1858 trở đi, do số người ở Nam kỳ theo học không nhiều [và trường thi Hương Gia Định cũng không còn] nên vua Tự Đức đồng ý để thí sinh thuộc 6 tỉnh ở Nam Kỳ cho phép phụ thí ở trường Thừa Thiên để giảm bớt khó khăn trong việc phải quay về nguyên quán xa xôi bất tiện dự thi.[54]
Chính sách phụ thí đã tạo điều kiện thuận lợi cho sĩ tử Nam Bộ trong việc dự thi và cũng thể hiện rõ quan điểm của nhà Nguyễn trong việc khuyến khích các sĩ tử Nam Bộ học tập và thi cử.
2. Điều chỉnh cách thi và cách chấm bài
Dưới thời Nguyễn, quy chế trường thi được đề ra rất nghiêm ngặt từ khâu sĩ tử đăng ký dự thi, quan trường tổ chức thi, ra đề thi và chấm bài. Tuy nhiên, đối với vùng Nam Bộ, việc tổ chức thi và đánh giá được thực hiện với những « chiếu cố » nhất định.
Trong khoa thi Hương năm 1819, trong kỳ thi đầu tiên (đệ nhất trường), các sĩ tử trường Gia Định thấy đầu bài ra khó đã làm náo động các vi, muốn ra về nên quan Đề điệu Ngô Vị và Giám thí Trần Vân Đại phải “ra đầu bài khác mới lại yên”.[55]
Năm 1834, do số sĩ tử Nam Bộ phụ thí ở trường thi Hương Thừa Thiên đông, nên triều đình cho đánh số và ghi màu sắc vào quyển thi của sĩ tử để tiện cho việc lấy đỗ. Những sĩ tử quê quán thuộc Thừa Thiên quyển thi đánh dấu màu vàng, Quảng Bình dấu màu xanh, Quảng Trị dấu màu đỏ, Quảng Nam dấu màu đen, Quảng Ngãi, Bình Định dấu màu đỏ thắm và Phú Yên đến Nam kỳ dấu màu lục, theo tỷ lệ lấy đỗ 30 Cử nhân trong đó các quyển thi có 4 màu vàng, xanh, đen, đỏ thẫm, mỗi màu lấy 6 người; màu đỏ lấy 4 người, màu quan lục lấy 2 người.[56]
Năm 1835, nhận thấy trong kỳ thi Hội, số người đỗ tính trên cả nước “chưa được quân bình”[57], đặc biệt các sĩ tử miền Nam khi thi chung với sĩ tử miền Bắc thì khi chấm điểm “không khỏi sự sút kém về phân số [điểm]”[58] vì thế triều đình chia 3 kỳ thi Hội, mỗi kỳ thành 2 lượt, mỗi lượt thi đều riêng một ngày. Cử nhân, Giám sinh ở Thừa Thiên cùng Nam trực, Bắc trực và Tả kỳ trở vào Nam cùng thi một lượt. Đầu bài thi sẽ ra riêng và khi chấm, sẽ tùy theo bài văn mà điểm duyệt”[59]. Theo quy định này, trong kỳ thi Hội, sĩ tử của Bắc kỳ và Nam kỳ thi riêng, tạo điều kiện cho sĩ tử Nam Bộ không phải cạnh tranh trực tiếp với sĩ tử Bắc Bộ. Vì vậy, về thời gian, kỳ thi lần thứ nhất của kỳ đệ nhất, các Cử nhân, Giám sinh ở Kinh, ở các trực cùng Tả kỳ trở về Nam dự thi vào trường ngày mồng 4 tháng 3; lần thứ 2 của kỳ đệ nhất, các Cử nhân, Giám sinh ở Hữu kỳ trở về Bắc dự thi vào trường ngày mồng 6. Lần thứ nhất của kỳ đệ nhị vào trường ngày 11; lần thứ 2 vào trường ngày 13; lần thứ nhất kỳ thứ ba vào trường ngày 19; lần thứ 2 kỳ thứ 3 vào trường ngày 20 tháng 3.[60] Như vậy, cả 3 kỳ thi, sĩ tử Nam và Bắc đều không thi cùng ngày với nhau. Tuy nhiên, về sau do thấy việc tổ chức thi thành hai lần như vậy không tiện, nhà Nguyễn quy định cho sĩ tử Nam và Bắc thi cùng với nhau nhưng trường thi chia làm 2 vi. Mỗi khi đến kỳ thi, Cử nhân, Giám sinh ở Kinh, Trực, và Tả kỳ trở vào Nam thi ở vi Giáp; Cử nhân, Giám sinh ở Hữu kỳ trở ra Bắc thi ở vi Ất, và vào thi cùng một ngày.[61] Quan trường khi chấm thi có thể dựa vào từng vi để có thể xác định đang chấm bài cho sĩ tử miền Bắc hay miền Nam để cân nhắc lấy đỗ hay bỏ.
Thậm chí đến thời Tự Đức, năm 1852, sau khi chuyển từ cách thi 3 kỳ sang 4 kỳ, nhà vua cho phép riêng trường thi Gia Định không câu nệ cách thức lối mới hay cũ trong văn thể thi cử, đều tùy theo văn lý mà lấy bỏ để “rộng sự khen ngợi cất nhắc lên”.[62]
3. Tăng giải ngạch lấy đỗ
Cùng với việc điều chỉnh cách thi cho phù hợp với năng lực của sĩ tử Nam Bộ và cách chấm bài để có thể tìm và chọn người Nam Bộ, triều Nguyễn còn tăng giải ngạch lấy đỗ Cử nhân của vùng Nam Bộ.
Năm Thiệu Trị thứ nhất, 1841, triều Nguyễn bắt đầu định số Cử nhân lấy đậu ở các trường, gọi là giải ngạch. Theo đó, trường Thừa Thiên lấy 38 người, trường Nghệ An lấy 25 người, trường Hà Nội lấy 23 người, trường Nam Định lấy 21 người và trường Gia Định lấy đỗ 16 người.[63] Thời Thiệu Trị, giải ngạch của các trường thi Hương được quy định dựa trên số lượng sĩ tử tham gia thi của các địa phương và theo tỷ lệ cứ 10 người dự thi thì lấy trúng 1 người[64]. Năm 1846, do người dự thi đông nên giải ngạch của trường Gia Định là 20 người.[65] Thời Tự Đức, số giải ngạch dành cho các trường tăng hơn so với thời Thiệu Trị, nhưng trường Gia Định vẫn là trường có số Cử nhân đỗ ít nhất so với các trường thi khác, dao động từ 9 đến 20 người.
Xét về mặt số lượng, như trên đã trình bày, trường thi Hương Gia Định có số giải ngạch Cử nhân là ít nhất, nhưng để có thể nhìn rõ hơn liệu số lượng giải ngạch Cử nhân của vùng Gia Định từ 9 đến 20 người này là nhiều hay ít so với Gia Định và so với các tỉnh khác, chúng tôi tiến hành so sánh tỷ lệ giữa số người tham dự kỳ thi Hương và số giải ngạch lấy đỗ của trường thi Hương Gia Định với các trường thi khác trong cả nước.
Tư liệu châu bản thời Nguyễn cho chúng ta tư liệu đầy đủ về số lượng những người dự thi của tất cả các trường thi trong cả nước vào năm 1858, năm cuối cùng mà trường thi Hương Gia Định còn tồn tại. Chúng tôi đã sử dụng những số liệu này để so sánh và phân tích.
Số sĩ tử tham dự thi Hương và số Cử nhân của các trường thi năm 1858 [66]
Nhìn vào số liệu của bảng trên ta thấy, 4 trường có số lượng sĩ tử dự thi cao nhất là Nghệ An, Hà Nội, Nam Định và Thừa Thiên, cùng trên 3000 sĩ tử dự thi và giải ngạch cũng như số lấy đỗ Cử nhân của các trường này là từ 18 đến 22. Trường Gia Định có số lượng sĩ tử dự thi ít nhất, 683 người và số lấy đỗ là ít nhất, chỉ có 9. Nếu so sánh số lượng sĩ tử dự thi của 4 trường xếp hàng đầu với trường Gia Định thì số lượng đông gấp khoảng 5 lần, nhưng số giải ngạch hay số người lấy đỗ thì chỉ gấp 2 lần hoặc 2.4 lần.
Từ bảng trên, nếu xét về tỷ lệ giữa số sĩ tử tham dự và số lấy đỗ Cử nhân ta có: trường Nghệ An cứ 191 sĩ tử dự thi thì lấy đỗ 1 Cử nhân (191/1); trường Hà Nội là 153/1, trường Nam Định 150/1, trường Thừa Thiên 143/1, trường Thanh Hóa 160/1, trường Bình Định 117/1 và trường Gia Định 75/1. Con số này khá tương ứng với định lệ của vua Tự Đức “cứ 200 người lấy 1 Cử nhân và 4 Tú tài”.[67] Những số liệu trên cho thấy tỷ lệ cạnh tranh giữa các sĩ tử của trường thi Hương Gia Định là thấp nhất so với các trường thi khác trong cả nước. Nếu xét ở khía cạnh này thì số lượng 13 Cử nhân theo giải ngạch dành cho trường thi Gia Định như đã nói ở phần trên không phải là nhỏ nếu đặt trong tương quan với số lượng người dự thi và đặt trong so sánh chung với vùng Bắc và Trung Bộ có truyền thống khoa cử mạnh mẽ.
Đó là chưa kể, nếu trong khoa thi năm 1858 này, nếu trường Gia Định lấy được đúng số Cử nhân theo giải ngạch là 13 người thay vì 9 người theo con số thực tế thì tỷ lệ 75 người dự thi lấy 1 Cử nhân sẽ giảm xuống chỉ còn 52/1. Tư liệu châu bản thời Nguyễn, các báo cáo của bộ Lễ với triều đình cho biết, thường số người đỗ Cử nhân trên thực tế ở Nam Bộ thấp hơn so với số giải ngạch Cử nhân triều đình dành cho trường Gia Định. Đơn cử, năm 1843, tại trường thi Hương Gia Định, do số người đỗ Cử nhân vẫn thiếu so với số giải ngạch nên triều đình đã chuẩn định cho Tú tài Nguyễn Đức Nhuận, người xã An Ấp, huyện Tân Định được đỗ vào hạng Cử nhân “cho đủ số”[68].
Năm 1853, Tự Đức bắt đầu cho đặt ngạch học sinh từ Quảng Bình trở vào Nam. Năm 1866, trong một bản châu phê, vua Tự Đức đã viết : « nhận thấy từ Nghệ An trở ra Bắc có truyền thống văn học lâu đời cho nên số người đỗ trong kỳ thi Hội hơn phía Nam hai ba lần”[69] nên đã cho phép các kỳ thi Hương nếu lấy đỗ thêm mỗi trường không quá 5 người. Từ Quảng Bình trở vào Nam do văn học chưa nhiều nên tăng mỗi trường 10 người mới cân xứng[70].
Nhờ những biện pháp khuyến khích mang chính sách vùng của nhà Nguyễn, những người xuất thân từ vùng Nam Bộ cũng tăng lên đáng kể. Nếu nhìn vào số giải ngạch, số người lấy đỗ, có thể thấy là triều Nguyễn có chủ trương gia tăng số người lấy đỗ ở trường thi Gia Định, từ 8 người dưới thời vua Gia Long lên tới 16 người (khoa thi năm 1842) hoặc thậm chí 18 người (khoa thi năm 1846) dưới thời vua Thiệu Trị. Trong khoảng thời gian 28 năm (1813-1840), theo Choi Byung Wook, triều Nguyễn lấy đỗ tổng cộng 912 Cử nhân trong toàn quốc, trong đó có 94 Cử nhân (10,31%) là người Nam Bộ. Trong 10 năm tiếp theo (1841-1850) lấy đỗ 113 Cử nhân Nam Bộ (11,92%) trong số 948 Cử nhân của cả nước. [71] Theo Philippe Langlet, tính năng động của 6 tỉnh miền Nam (Nam kỳ) thể hiện ở số người đỗ đạt qua các kỳ thi ở Gia Định: dưới 4 triều vua, con số trung bình hàng năm tăng từ 1 đến 3,7 rồi 11,2 và 5,9. Vậy là phần đóng góp của 6 tỉnh này đã tăng thêm 2,5% trong danh sách đỗ đạt của cả nước Việt Nam[72].
4. Tăng cường bổ dụng người Nam Bộ vào bộ máy chính quyền
Không chỉ nới lỏng các chỉ tiêu trong khoa cử để thu hút người Nam Bộ mà các vua Nguyễn còn ra các chỉ dụ để thu hút, bổ nhiệm người Nam Bộ vào các vị trí trong bộ máy chính quyền.
Năm Gia Long thứ 13 (1814), nhà vua triệu những Hương cống đỗ nhị trường ở Quảng Đức và Gia Định bổ vào Cống sĩ viện với mục đích “trao cho chức nhàn để cho ngày càng học thêm”.[73]
Năm 1823, vua Minh Mạng sai chọn các Sinh đồ vùng Gia Định, ai có thể theo làm việc quan thì sung bổ Thư lại lục phòng.[74] Năm 1834, vua Minh Mạng yêu cầu quan các địa phương đưa các Tú tài từ 40 tuổi trở lên về Kinh để khảo hạch. Những người đỗ hạng ưu được bổ làm quyền Giáo thụ, đỗ hạng bình bổ làm Huấn đạo, hạng kém ở tỉnh Quảng Bình trở về Nam được phái làm chức Hành tẩu, ở Hà Tĩnh trở về Bắc thì cho về học tập lại nghiệp cũ.[75]
Năm 1838, vua Minh Mạng tiếp tục ra chỉ dụ: “Nay địa hạt Trấn Tây mới nhất sơ dùng người sai phái, xuống dụ cho tỉnh Quảng Bình trở về Nam đến tỉnh Bình Thuận có nhiều người biết ít nhiều về văn học cùng làm am tường viết lách tính toán, muốn xin ra ứng dụng, thì không kể nội tịch, ngoại tịch, ở kinh thì đưa tên xin ở bộ Lại, ở 4 trực kỳ và tả kỳ (gần quanh đô thành) đều do quan địa phương tư Bộ tâu lên, đợi sắc chỉ phái đi Trấn Ninh tùy tài bổ dụng. Đây là trẫm nghĩ đến bọn này, đường công danh lật đật, mà mở ra đặc cách này, các ngươi nên phấn chấn hưởng ứng mới được’’[76]
Hai sự kiện trên cho thấy, có sự phân biệt về việc bổ dụng và sử dụng những người đỗ đạt từ khoa cử giữa miền Nam và miền Bắc. Đối với nhóm những người đỗ đạt khoa bảng của Nam Bộ, có thể yếu một chút về năng lực nhưng vẫn được sử dụng, bổ nhiệm làm quan ở Nam Bộ, trong khi yêu cầu bổ nhiệm quan chức đối với những người đỗ đạt của Bắc Bộ là khắt khe hơn.
Ở Bắc Bộ, trong số 639 vị đỗ Cử nhân của trường thi Hương Thăng Long (sau là trường thi Hà Nội) (từ khoa thi 1813 đến 1879) được ghi chép trong Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục, có 508 vị Cử nhân được triều đình bổ dụng vào các vị trí khác nhau trong bộ máy chính quyền, 5 vị Cử nhân từ chối không ra làm quan và 126 vị Cử nhân không có thông tin ghi chép về việc được bổ nhiệm làm quan. Tương tự, với 658 vị Cử nhân của trường thi Hương Nam Định (từ khoa thi 1807 đến 1897), cũng có 194 vị Cử nhân không thấy Cao Xuân Dục ghi chép gì về việc bổ nhiệm quan chức. Có thể đặt ra hai giả thiết sau đối với 320/1297 vị Cử nhân của 2 trường thi Hương Hà Nội và Nam Định (từ khoa thi 1807 đến 1879), những người không được Cao Xuân Dục ghi chép thông tin về việc ra làm quan. Giả thiết thứ nhất, số lượng 320 người nói trên là những người mà Cao Xuân Dục khi tiến hành biên soạn cuốn Quốc triều Hương khoa lục đã không có thông tin về việc bổ nhiệm quan chức của họ để ghi lại. Giả thiết thứ hai là các vị này không được bổ nhiệm làm quan nên trong Quốc triều Hương khoa lục, Cao Xuân Dục không thấy nhắc đến trong mục quan chức.
Giả thiết thứ nhất hoàn toàn có khả năng xảy ra vì trong mục “Phàm lệ” của cuốn Quốc triều Hương khoa lục, Cao Xuân Dục đã nêu rõ về cách thức ghi chép thông tin quan chức của các vị đỗ Cử nhân: “người nào sự nghiệp đã kết thúc thì ghi: làm quan đến chức ấy, hàm ấy, không có thì thôi; hoặc người nào tiền đồ còn rộng lớn thì ghi: hiện làm chức ấy, hàm ấy, chưa biết rõ thì để trống”[77]. Đối với trường hợp này, có thể 320 vị Cử nhân được bổ nhiệm làm quan nhưng do không có thông tin nên Cao Xuân Dục đã không ghi chép vào sách này. Tuy nhiên cũng cần lưu ý một điểm, Cao Xuân Dục biên soạn cuốn sách này là sự kế thừa của một số người đi trước và “sau khi ông về Huế giữ chức Tổng tài sử quán rồi Thượng thư bộ Học nghĩa là những chức vụ cho phép ông được sử dụng nguồn tư liệu gốc về khoa cử tại các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền cao nhất trong hệ thống lưu trữ quốc gia của nhà Nguyễn đương thời”[78]. Trường hợp giả thiết thứ hai xảy ra, chúng ta sẽ thấy hiện tượng trong khi hơn 300 vị đỗ Cử nhân của miền Bắc không được triều đình bổ nhiệm, sử dụng hay nói cách khác là “thừa”, đợi được bổ nhiệm, thì tại Nam Bộ, triều đình vẫn phải nỗ lực tìm kiếm người tài qua khoa cử và thiếu người giỏi để bổ nhiệm.
Trong nghiên cứu của mình, PGS.TS Vũ Văn Quân (và cộng sự) đã chỉ rõ trong số 300 người đã từng làm quan ở Gia Định thì có hơn 200 người làm quan lâu năm ở đây và ngày càng nhiều quan chức xuất thân khoa cử có mặt trong bộ máy chính quyền. Điều dễ nhận thấy là các viên quan này phần lớn là người từ Thanh Hóa trở vào đến khu vực Thừa Thiên, những người có nguồn gốc ở Bắc Thành rất ít và nắm giữ những chức vụ ít quan trọng.[79] Tương tự, Nola Cooke trong bài nghiên cứu với tựa đề “19th Century Vietnam Confucianization in Historical Perspective Evidence from Palace Examination 1463-1883” qua việc phân tích thông kê tiểu sử và con đường hoạn lộ của nhiều vị quan trong bộ máy Nhà nước của triều Nguyễn đã chỉ ra rằng những người thuộc Đàng Trong đã nhận được sự ưu đãi của triều đình cả trong các vị trí của bộ máy chính quyền lẫn trong đường hoạn lộ.[80] Những kết quả nghiên cứu này cho phép liên tưởng đến giả thiết thứ 2 mà chúng tôi đã đặt ra, tức là triều Nguyễn muốn ưu tiên bổ dụng những người Nam Bộ để quản lý Nam Bộ ngay cả khi ở miền Bắc vẫn còn đội ngũ đỗ đạt từ khoa cử đông đảo.
Chúng tôi cho rằng có sự liên quan mật thiết trong mối quan hệ giữa các yếu tố : đào tạo – thi cử – bổ nhiệm quan chức trong chính sách giáo dục của nhà Nguyễn. Có lẽ xuất phát từ nhu cầu và mong muốn sử dụng và bổ nhiệm người gốc Nam Bộ đối với hệ thống quan chức ở vùng này nên các vua Nguyễn, đặc biệt là các vua đầu triều Nguyễn đã có chính sách hợp lý trong đối với việc học tập và thi cử. Nói cách khác, nhà Nguyễn đã lấy yêu cầu của thực tiễn để đặt ra chính sách và ở chừng mực nào đó chính sách này của nhà Nguyễn đã có hiệu quả nhất định.
III. Lời kết
So với Bắc và Trung Bộ, số lượng 274 Cử nhân của vùng Nam Bộ là con số rất khiêm tốn[81], chiếm chưa đầy 1/10 số lượng người đỗ Cử nhân của vùng Trung Bộ và chiếm 5.3% trong tổng số Cử nhân của toàn quốc[82]. Ngoài ra, số người Nam Bộ đỗ Tiến sĩ dưới triều Nguyễn cũng không nhiều. Đó cũng là lý do vì sao Nam Bộ được coi là vùng đất ít bị Nho giáo hóa nhất trong cả nước. Trên bình diện chung, không khó để có thấy rằng mặc dù nhà Nguyễn đã sử dụng “giáo dục khoa cử như là một trong những phương tiện để tuyển lựa quan chức, nhưng hệ thống này [ở Nam Bộ] không bao giờ có thể so sánh với hệ thống giáo dục khoa cử ở miền Bắc”[83] như nhận xét của Nola Cooke trong nghiên cứu của bà về Nho giáo Việt Nam thế kỷ XIX.
Tuy nhiên, nếu đặt những con số trên (274 vị Cử nhân, chưa kể Tú tài) trong bối cảnh của một vùng đất mới, nơi Nho giáo và Nho học còn khá mới mẻ sẽ thấy được hiệu quả rõ nét của những nỗ lực của nhà Nguyễn đối với việc phát triển giáo dục Nho học vùng Nam Bộ. Nhà Nguyễn đã có những quy định hỗ trợ, giúp đỡ và khuyến khích người Nam Bộ trong việc học, việc thi và trong bổ nhiệm quan chức. Từ nghiên cứu này, có thể thấy rằng những vấn đề về giáo dục không đơn thuần chỉ giới hạn trong phạm vi giáo dục mà còn có mối quan hệ chặt chẽ đối với những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị và thậm chí là cả văn hóa. Nhà Nguyễn thực thi những chính sách giáo dục Nho học ở Nam Bộ thực chất là đang thực hiện những vấn đề về chính trị, văn hóa, tư tưởng đối với Nam Bộ. Cần có nhiều nguồn tư liệu hơn nữa để đi đến khẳng định có một “chính sách Nho giáo hóa Nam Bộ” mạnh mẽ của nhà Nguyễn nhưng những gì trình bày trong nghiên cứu này cho phép tạm đi đến nhận xét rằng nhà Nguyễn ít nhất đã từng mong muốn thực hiện một chính sách như vậy thông qua những quy định và thực tế của việc triển khai giáo dục ở Nam Bộ của các vua Nguyễn theo tinh thần “phương thức lập các chính sách, ắt cần phải tùy địa phương mà định quy chế”.[84] Hay nói như Nola Cooke “quá trình Nho giáo hóa là chìa khóa để hiểu các vua Nguyễn và Việt Nam thế kỷ XIX» [85]. Mặc dù mức độ Nho giáo hóa không bằng miền Bắc, miền Trung, bởi Nam Bộ gia nhập vào quá trình này muộn hơn, nhưng ít nhiều với những chính sách giáo dục của nhà Nguyễn, Nho giáo đã từng bước đặt được chỗ đứng và tạo dấu ấn của mình trên vùng đất mới Nam Bộ.
[1] Cooke, Nola, 1997, “The Myth of the Restoration: Dang Trong Influences in the Spiritual Life of the Early Nguyen Dynasty (1802-47)” , in trong: Reid, Anthony, 1997, The Last Stand of Asian Autonomies – Responses to Modernity in the Diverse States of Southeast Asia and Korea, 1750-1900, Houndmills, London, tr.270.
[2] Theo các nguồn tư liệu nghiên cứu, ngoài các cư dân thuộc tộc người Chăm, đây là địa bàn sinh sống của nhóm cư dân nói tiếng Austronesia như Jarai, Rhađê, Churu và Roglai và các nhóm cư dân nói tiếng Austroasiatic như Mnong và Stieng [Dẫn theo Li Tana, 1999, Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, Nxb. Trẻ, Tp.HCM, tr.23].
[3] Trịnh Hoài Đức, 1999, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.142.
[4] Li Tana, 1999, Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, Nxb. Trẻ, Tp.HCM, tr.16.
[5] Woodside A.B., 1988, Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Nguyen and Ching Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century, Cambridge (Massachusetts) and London, tr.220.
[6] Dẫn theo: Nguyễn Hải Kế, 2009, Nét Việt Nam Bộ trong văn hoá Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Qua ghi chép của Đại Nam nhất thống chí), in trong: Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb. Thế giới, H., tr.286.
[7] Trịnh Hoài Đức, 1999, Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.141.
[8] Trịnh Hoài Đức, 1999, Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.160.
[9] Choi Byung Wook, 2010, Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.168.
[10] Trịnh Hoài Đức, 1999, Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.150-51
[11] Choi Byung Wook, 2010, Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Sđd, tr.181.
[12] Viện Văn hóa, 1984, Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, tr.105-6.
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., tập 2, tr.124.
[14] Cao Tự Thanh, 1996, Nho giáo ở Gia Định, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, HCM, tr.118.
[15] Cao Tự Thanh, 1996, Nho giáo ở Gia Định, Sđd, tr.120.
[16] Trần Thị Vinh, 2002, “Thể chế chính trị thời Nguyễn (dưới triều Gia Long và Minh Mạng)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6, tr.3
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 2, Sđd, tr.144.
[18] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 2, Sđd, tr.166.
[19] Quốc sử quán triều Nguyễn, 1972, Minh Mạng chính yếu, Tủ sách cổ văn Ủy ban dịch thuật, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, tập 1, tr.170.
[20] Trần Thị Vinh, 2002, “Thể chế chính trị thời Nguyễn (dưới triều Gia Long và Minh Mạng)”, Bài đã dẫn, tr.5
[21] John Whitmore, 1998, “Khía cạnh lịch sử của Nho học Việt Nam”, Tạp chí Xưa và Nay, số 57B, tr.18.
[22] Woodside, A.B, 2002, Chính quyền trung ương triều Nguyễn và nhà Thanh – Cơ cấu quyền lực và quá trình giao tiếp, in trong: Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Bán Nguyệt san Xưa và Nay, Nxb. Trẻ, tr.204.
[23] Quốc sử quán triều Nguyễn, 1998, Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.203
[24] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., tập 3, tr.56.
[25] Nola Cooke, 1994, “19th Century Vietnam Confucianization in Historial Perspective Evidence from Palace Examination 1463-1883”, Bài đã dẫn, tr.306
[26] Nola Cooke, 1994, “19th Century Vietnam Confucianization in Historial Perspective Evidence from Palace Examination 1463-1883”, Bài đã dẫn, tr.307.
[27] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., tập 1, tr.864.
Khoa thi này lấy đỗ 17 Hương cống, trong đó có 9 người Quảng Đức và 8 người Gia Định.
[28] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 2, Sđd, tr.348.
[29] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 2, Sđd, tr. 489.
[30] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 3, Sđd, tr.103.
[31] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 3, Sđd, tr.309-310.
[32] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tục biên), Nxb. KHXH, H., tập 6, tr.32.
[33] Vũ Văn Quân, Quách Thị Hòa, 2011, Quy hoạch hành chính và quản lý dân cư – đất đai ở Nam Bộ dưới thời Nguyễn (1802-1858), in trong: Mấy vấn đề tiến trình lịch sử xã hội (Đề án Khoa học cấp Nhà nước: Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ), Nxb. Thế giới, H., tr.418.
[34] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002, Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.574.
[35] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002, Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.574.
[36] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002, Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.574.
[37] Cao Tự Thanh, 1996, Nho giáo ở Gia Định, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, HCM, tr.120.
[38] Cao Tự Thanh, 1996, Nho giáo ở Gia Định, Sđd, tr.120-21.
[39] Viện Sử học Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 2007, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tục biên), Nxb. KHXH, H., tập 6, tr.33.
[40] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., tập 7, tr.275-76.
[41] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.408.
[42] Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục châu bản triều Nguyễn (Tự Đức VIII (1854) – Tự Đức IX (1855), Tài liệu chưa xuất bản, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tập 50 đến 53, tr.499-500.
[43] Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục châu bản triều Nguyễn (Tự Đức X (1856), Tài liệu chưa xuất bản, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tập 55 đến 58, tr.333-334.
[44] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, Đại Nam thực lục, tập 6, Nxb. Giáo dục, H., tr.1034.
[45] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.69.
[46] Nguyễn Đình Đầu, 2002, “Sĩ phu Gia Định – Bình Dương”, in trong: Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở Việt Nam”, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Tạp chí Xưa và Nay, Huế, tr.127.
[47] Số liệu thống kê từ Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục.
[48] Số liệu thống kê từ Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục.
[49] UBND tỉnh An Giang, 2007, Địa chí An Giang (Sơ thảo), Tài liệu lưu hành nội bộ, tr.92.
[50] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tập IVB, tr.80.
[51] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 2, Sđd, tr.136.
[52] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., tập 4, tr.118.
[53] Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục châu bản triều Nguyễn (Tự Đức X (1856) – Tự Đức XI (1857), Tài liệu chưa xuất bản, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tập 90 đến 95, tr.52.
[54] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, tập 6, Sđd, tr.72-73
[55] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002, Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.993-94
[56] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 4, Sđd, tr.180.
[57] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 4, Sđd, tr.508-09.
[58] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 4, Sđd, tr.508-09.
[59] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 4, Sđd, tr.508-09.
[60] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 4, Sđd, tr.508-11.
[61] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 4, Sđd, tr.508-11.
[62] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.251.
[63] Cao Xuân Dục, 1993, Quốc triều Hương khoa lục, Nxb.Tp.HCM, Tp.HCM, tr.207
[64] Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục châu bản triều Nguyễn (Thiệu Trị VI (1846) – Thiệu Trị VII (1847), Tài liệu chưa xuất bản, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tập 37 đến 40, tr.208 – 209.
[65] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., tập 6, tr.914-915.
[66] Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục châu bản triều Nguyễn (Tự Đức X (1856) – Tự Đức XI (1857), Tài liệu chưa xuất bản, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tập 96 đến 100, tr.195 – 264.
[67] Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục châu bản triều Nguyễn (Tự Đức XXIII (1869), Tài liệu chưa xuất bản, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tập 221 đến 226, tr.91 – 92.
[68] Cao Xuân Dục, 1993, Quốc triều Hương khoa lục, Sđd, tr.244
[69] Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục châu bản triều Nguyễn (Tự Đức XIII (1869), Tài liệu chưa xuất bản, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tập 221 đến 226, tr.91-92.
[70] Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục châu bản triều Nguyễn (Tự Đức XIII (1869), Tài liệu chưa xuất bản, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tập 221 đến 226, tr.91-92.
[71] Choi Byung Wook, 2010, Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Sđd, tr.198.
[72] Philippe Langlet, 1995, “Một số nhận xét về xuất xứ của những người đỗ đạt qua các kỳ thi cử do triều đình Việt Nam tổ chức (1802-1858)”, in trong: 90 năm nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Việt Nam, Nxb.KHXH, H., tr.220.
[73] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002, Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.888
[74] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002, Đại Nam thực lục, tập 2, Sđd, tr.302.
[75] Quốc sử quán triều Nguyễn, 1972, Minh Mệnh chính yếu, Tủ sách cổ văn Ủy ban dịch thuật, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, tập 1, tr.180.
[76] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., tập 5, tr.398
[77] Cao Xuân Dục, 1993, Quốc triều Hương khoa lục, Nxb. Tp.HCM, Tp.HCM, tr.79.
[78] Cao Xuân Dục, 1993, Quốc triều Hương khoa lục, Nxb. Tp.HCM, Tp.HCM, tr.18.
[79] Vũ Văn Quân, Quách Thị Hòa, 2011, Quy hoạch hành chính và quản lý dân cư – đất đai ở Nam Bộ dưới thời Nguyễn (1802-1858), Bài đã dẫn, tr.415.
[80] Nola Cooke, 1994, “19th Century Vietnam Confucianization in Historial Perspective Evidence from Palace Examination 1463-1883”, Bài đã dẫn, tr.227.
[81] Trong số 274 Cử nhân Nam Bộ, có 11 người gốc ở địa phương khác đến thi nhờ [Dẫn theo: Nguyễn Đình Đầu, 2002, “Sĩ phu Gia Định – Bình Dương”, in trong: Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Tạp chí Xưa và Nay, Huế, tr.128]
[82] Tham khảo thêm bảng dưới đây:
Số lượng Cử nhân của các trường thi Hương dưới thời Nguyễn
Nguồn : Cao Xuân Dục (1993), Quốc triều Hương khoa lục, Nxb. Tp.HCM.
[83] Nola Cooke, 1994, “19th Century Vietnam Confucianization in Historial Perspective Evidence from Palace Examination 1463-1883”, Bài đã dẫn, tr.306.
[84] Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục châu bản triều Nguyễn (Tự Đức I (1848) – Tự Đức XV (1862), Tài liệu chưa xuất bản, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tập 369 đến 378, tr.153.
[85] Nola Cooke, 1994, “19th Century Vietnam Confucianization in Historial Perspective Evidence from Palace Examination 1463-1883”, Bài đã dẫn, tr.229.
ThS. Đỗ Thị Hương Thảo
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 27-08-2013.