Hệ thống cảng thị trên sông Đàng Ngoài: Lịch sử ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII (TS. Đỗ Thị Thùy Lan)

Thứ năm - 03/08/2023 15:23
Ngoại thương Việt Nam trước thời Cận đại là một chủ đề từ lâu đã rất ít được các nhà Sử học Việt Nam quan tâm. Một vài công trình khả dĩ có thể kể ra như Tình hình công thương nghiệp Việt Nam trong thời Lê Mạt (của Vương Hoàng Tuyên, Nxb. Văn Sử Địa, 1959); Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX (của Thành Thế Vỹ, Nxb. Sử học, 1961)… thì cũng đã có tuổi đến trên nửa thế kỷ. “Khoảng trống” này có thể được lý giải bởi sự chia sẻ quan tâm của các nhà nghiên cứu cho các chủ đề lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử quân sự, lịch sử phong trào nông dân và làng xã cổ truyền; nhưng quan trọng hơn, đó là sự thiếu hụt các nguồn tư liệu nguyên gốc, chỉ có thể được khai thác trong bối cảnh đất nước mở cửa, đổi mới và hội nhập từ sau năm 1986 trở lại đây.
HỆ THỐNG CẢNG THỊ TRÊN SÔNG ĐÀNG NGOÀI: LỊCH SỬ NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM THẾ KỶ XVII - XVIII
 
Ngoại thương Việt Nam trước thời Cận đại là một chủ đề từ lâu đã rất ít được các nhà Sử học Việt Nam quan tâm. Một vài công trình khả dĩ có thể kể ra như Tình hình công thương nghiệp Việt Nam trong thời Lê Mạt (của Vương Hoàng Tuyên, Nxb. Văn Sử Địa, 1959); Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX (của Thành Thế Vỹ, Nxb. Sử học, 1961)… thì cũng đã có tuổi đến trên nửa thế kỷ. “Khoảng trống” này có thể được lý giải bởi sự chia sẻ quan tâm của các nhà nghiên cứu cho các chủ đề lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử quân sự, lịch sử phong trào nông dân và làng xã cổ truyền; nhưng quan trọng hơn, đó là sự thiếu hụt các nguồn tư liệu nguyên gốc, chỉ có thể được khai thác trong bối cảnh đất nước mở cửa, đổi mới và hội nhập từ sau năm 1986 trở lại đây.

Nhờ sự dẫn dắt của GS. Phan Huy Lê và GS. Phan Đại Doãn mà từ giữa những năm 1980, tôi đã hoàn thành luận án phó tiến sĩ Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ. Đầu những năm 1990, tôi được GS. Leonard Blussé (Đại học Leiden, Hà Lan) chọn làm thành viên nhóm Nghiên cứu tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan, tôi may mắn được tiếp xúc với nguồn tư liệu mà lâu nay mới chỉ nghe tiếng. Trong số những tư liệu ấy tấm Bản đồ Sông Đàng Ngoài từ Kẻ Chợ ra biển, đã thực sự là một cứu cánh cho tôi, giúp tôi lý giải được nhiều điều, mà trước đây nghiên cứu về thương mại ở khu vực châu thổ sông Hồng tôi không sao lý giải được. Về Việt Nam, tôi có điều kiện triển khai các nghiên cứu bài bản hơn hệ thống thương mại trên sông Đàng Ngoài, đặc biệt là cảng cửa khẩu Domea – tiền thân của thành phố Cảng quê hương tôi.

Giữa lúc công việc đang có vẻ “tấn tới” thì tôi lại được giao thêm nhiều công việc khác và trong thâm tâm cũng muốn được “san sẻ” những nhọc nhằn, vất vả này cho đồng nghiệp trẻ và học trò. Người đầu tiên tôi cậy nhờ là Hoàng Anh Tuấn, một cán bộ mới của Bộ môn Khảo cổ học. Hoàng Anh Tuấn sẵn sàng học tiếng Hà Lan, rồi tiếng Hà Lan cổ, đi sâu khai thác tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về ngoại thương Đàng Ngoài thế kỷ XVII và đến năm 2007 đã bảo vệ thành công đặc biệt xuất sắc luận án tiến sĩ Silk for Silver: Dutch – Vietnamese Relations, 1637-1700 tại Đại học Leiden danh tiếng của vương quốc Hà Lan. Người thứ hai tôi gửi gắm nhiều kỳ vọng là cô sinh viên vừa mới tựu trường: Đỗ Thị Thùy Lan. Ngay từ năm đầu học đại học, Đỗ Thị Thùy Lan đã có một báo cáo khoa học được xếp giải cao nghiên cứu khoa học sinh viên toàn quốc về vùng cửa Sông Đàng Ngoài. Rồi khóa luận cử nhân và luận án tiến sĩ cũng cùng một chủ đề và cho đến nay hầu hết các nghiên cứu của Đỗ Thị Thùy Lan vẫn luôn liền mạch, xoay quanh các vấn đề thương cảng, ngoại thương, thương phẩm hàng hóa của Bắc Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII. Cuốn sách chuyên khảo Hệ thống cảng thị trên Sông Đàng Ngoài: Lịch sử Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII mà TS. Đỗ Thị Thùy Lan vừa mới hoàn thành không chỉ là công trình tổng hợp và nâng cao đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mà còn là tổng kết toàn bộ quá trình chuyên chú tích lũy nghiên cứu của tác giả có đến 15 năm. 
 
Nguồn ảnh: Châu Huy Ngọc
 
Nếu công trình Tơ lụa đổi lấy Bạc của Hoàng Anh Tuấn đã khai thác tương đối triệt để tư liệu VOC, phục dựng quan hệ bang giao, thương mại Đàng Ngoài – Công ty Hà Lan trong thế kỷ XVII, thì trong Hệ thống cảng thị trên Sông Đàng Ngoài, Đỗ Thị Thùy Lan đã tập trung khai thác khá kỹ lưỡng nguồn tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh, phê phán sử liệu và đặt các nguồn tư liệu phương Tây trong so sánh với các nguồn tư liệu khác như thư tịch cổ Việt Nam, tư liệu khảo cổ học, bản đồ học, nhất là tư liệu điều tra điền dã thực địa. Nội dung của cuốn sách, do đó, cũng thảo luận về những vấn đề rộng hơn của ngoại thương Đàng Ngoài với một khung thời gian dài hơn – là thế kỷ XVII-XVIII và ngược cả thế kỷ XVI. Đàng Ngoài của Việt Nam đã không còn bị coi là góc khuất của thương mại châu Á giai đoạn Sơ kỳ Cận đại, nhưng vấn đề đặt ra là mậu dịch diễn ra ở đâu và như thế nào? Hệ thống cảng thị Thăng Long – Phố Hiến – Domea dọc sông Đàng Ngoài mà Đỗ Thị Thùy Lan khắc họa ở đây chính là một sợi dây kết nối Bắc Đại Việt với thế giới hải thương quốc tế. Không dừng ở đó, tác giả đã mạnh dạn áp dụng cách tiếp cận địa – lịch sử/văn hóa nhằm lý giải vì sao lại là Sông Đàng Ngoài và cửa biển Thái Bình mà không phải là một hải khẩu khác trong hai thế kỷ XVII-XVIII, tại sao là Phố Hiến và Domea mà không phải những cảng thị nào khác dọc tuyến sông. Những nỗ lực bước đầu của tác giả trong việc mô hình hóa trường hợp hệ thống cảng thị Sông Đàng Ngoài so sánh với lý thuyết nghiên cứu mạng lưới trao đổi ven sông Đông Nam Á là đáng hoan nghênh, cho dù tác giả còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện giả thuyết khoa học của mình.

Qua cuốn chuyên khảo này nói riêng, quá trình học tập, nghiên cứu của Đỗ Thị Thùy Lan nói chung, ta có thể thấy một phong cách làm việc cẩn trọng đến từng chi tiết và đặc biệt là sự trung thực trong khoa học. Những nhận định, luận cứ được xem xét, đối sánh kỹ càng; các quan điểm, kết quả nghiên cứu đi trước được trích nguồn triệt để. Nhờ vào những lao động miệt mài và thận trọng đó, tác giả đã kế thừa được hữu hiệu một Thăng Long – Kẻ Chợ của Nguyễn Thừa Hỷ, tư liệu Hà Lan của Hoàng Anh Tuấn, những nghiên cứu mới về thương mại Biển Đông của Nguyễn Văn Kim… nhưng không chỉ dừng lại ở đó mà có phát triển và thảo luận. Thăng Long trong cuốn sách được gắn kết với Sông Đàng Ngoài mà biểu hiện là sự phát triển lệch đông của quy hoạch Kinh Kỳ, sự nở rộ của các bến cảng đông nam, và được nhìn nhận với tư cách một cảng thị trong mối liên hệ rộng lớn hơn với các vùng nội địa sản xuất, cung ứng hàng hóa, cũng như với các thương cảng khu vực và thế giới ngoài viễn dương. Tương tự, sự dịch chuyển của các cửa ngõ thông thương đối ngoại từ Vân Đồn về Thăng Long qua Sông Đàng Ngoài, xét trên phương diện thương phẩm quốc tế, không chỉ là bởi sức hút tơ lụa mà còn cả gốm sứ, là sự nổi lên của Kim Lan – Bát Tràng và sự tập trung của gốm Hợp Lễ tại các di chỉ khảo cổ học Thăng Long. Những luận giải mới của Đỗ Thị Thùy Lan về lịch sử, vai trò, chức năng của Phố Hiến có được cũng dựa trên nỗ lực rất cao trong tập hợp, phân tích và phê phán tư liệu nghiêm cẩn đó.

Chưa biết bạn đọc có đồng ý với quan điểm của Đỗ Thị Thùy Lan đối với từng vấn đề được nêu ra trong cuốn sách hay không, nhưng chắc chắn rằng, những nhận định của tác giả là kết quả của cả một quá trình lao động khoa học chuyên nghiệp, say mê, nghiêm túc và chuẩn xác. Những khoảng trống chưa được lấp đầy, nhưng mảng yếu chưa kịp gia cố, chắc chắn sẽ còn đòi hỏi tác giả dầy công hơn nữa và có thể đấy sẽ là công việc của một lần tái bản cuốn sách này hay là chủ đề của một cuốn sách tiếp theo.

Công trình này được hoàn thành là một đóng góp khoa học mới, cũng như có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo chuyên gia của một trung tâm Sử học hàng đầu đất nước đã trải qua tròn 60 năm lịch sử vẻ vang của mình: Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi thật sự vinh dự được theo sát quá trình trưởng thành của tác giả từ ý tưởng ban đầu của một báo cáo khoa học sinh viên đến khóa luận tốt nghiệp đại học, luận án tiến sĩ và bây giờ là một công trình học thuật có tầm thế. Xin được trân trọng giới thiệu Hệ thống cảng thị trên Sông Đàng Ngoài: Lịch sử Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII của TS. Đỗ Thị Thùy Lan với hy vọng cuốn sách sẽ được đón nhận và hoan nghênh của đông đảo bạn đọc.
Hà Nội, mùa hè năm 2016
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, ngày 07-09-2017.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây