Giới thiệu sách “Huyền thoại về một vùng đất – Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Ê-đê” (GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Kim)

Thứ năm - 03/08/2023 21:45

Ấn phẩm “Huyền thoại về một vùng đất – Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Ê đê” của GS.TS.NGUT Nguyễn Văn Kim với cách tiếp cận liên ngành và khu vực học đã đem đến cho bạn đọc một góc nhìn mới về văn hóa và con người Tây Nguyên. Website Khoa Lịch sử trân trọng giới thiệu toàn văn lời Mở đầu của cuốn sách.

LỜI MỞ ĐẦU

Thời niên thiếu, sau những bữa cơm chiều đạm bạc, trong ánh đèn dầu không đủ sáng, tôi vẫn thường được Ba tôi kể cho nghe về nếp sống, sinh hoạt văn hóa và nhiều phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số vùng núi rừng Trường Sơn, nơi Ông từng chiến đấu, công tác trong các trạm quân y của chiến trường Bình Trị Thiên với nắng hạn, mưa nguồn, bão lửa… Những câu chuyện mà Ba tôi kể gắn liền với ký ức của tuổi thơ và với cả một thời đất nước chìm đắm trong bom đạn của các cuộc chiến tranh.

Những năm tháng học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi từng có dịp đọc các tác phẩm văn học và một số công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Cùng với những chiến công huyền thoại của N’Trang Lơng, Anh hùng Núp,… các khóa sinh viên Đại học Tổng hợp thời bấy giờ cũng được nghe các Thầy, Cô và một số chuyên gia truyền dạy về cái hay, cái đẹp, chất hiện thực, dấu ấn lịch sử, cái cốt cách lịch sử trong các thần thoại, truyền thuyết từ Sơn Tinh – Thủy Tinh, Chử Đồng Tử – Tiên Dung, Lạc Long Quân – Âu Cơ, An Dương Vương – Mỵ Châu – Trọng Thủy đến các bộ sử thi: Dăm Săn, Xinh Nhã, Dăm Di,… của đồng bào Tây Nguyên. Học, đọc rồi tìm hiểu, suy nghĩ, đi khảo sát các di tích trong Nam, ngoài Bắc, miền ngược, miền xuôi; tham gia các nghi lễ, cùng chung ché rượu cần với đồng bào cất ủ trong các ché cổ; nghe kể khan, nghe thuyết giải về khan ở Đăk Lăk, Gia Lai, Phú Yên… tôi càng hiểu thêm và dần thêm mến yêu cái đẹp, chiều sâu văn hóa và những thông điệp mà người xưa truyền gửi trong các bộ sử thi, trường ca, truyền thuyết…

Bấy lâu làm sử, được theo các Thầy, bạn đồng nghiệp, học trò nghiên cứu về bang giao và giao thương châu Á, tôi cũng dần thấm hiểu vị thế biển Việt Nam, đặc biệt là dải bờ biển miền Trung, trong hệ thống giao thương châu Á và trong các mối quan hệ vùng, liên vùng. Miền Trung của Tổ quốc Việt Nam từng là nơi sinh thành, phát triển của văn hóa Sa Huỳnh, các vương quốc cổ Lâm Ấp, Chămpa… Trong lịch sử, Chămpa có nhiều mối liên hệ rộng lớn với khu vực Đông Nam Á và cả vùng Đông Bắc Á. Được thừa hưởng một di sản lớn của thời đại Sa Huỳnh, dựa vào cơ tầng văn hóa biển, lại giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, Chămpa đã vươn dậy, khẳng định vị trí kiệt xuất với nhiều di sản văn hóa độc đáo trải dài suốt dải đất miền Trung.

Chămpa từng được định danh là “Vương quốc biển”, “Thể chế biển”… Trong giới nghiên cứu, đã có nhiều cách hiểu, tiếp cận, luận bàn về Chămpa đặc biệt là tính chất chính trị, cấu trúc nhà nước của vương quốc này. Có thể cho rằng, Chămpa là một “Thể chế tập quyền liên kết”. Đó không phải là mô hình nhà nước có khuynh hướng tập quyền hay tập quyền cao. Nhưng, thiết chế chính trị Chămpa cũng không phải là chế độ tản quyền, phân quyền tuyệt đối hoặc giản đơn chỉ là một tập hợp các tiểu quốc, kế tiếp nhau trong quá trình phát triển.

Là một “Thể chế tập quyền liên kết”, Chămpa đã thiết lập mối quan hệ thường xuyên, mật thiết với nhiều lớp cư dân, tộc người, nhiều trung tâm kinh tế, văn hóa Đông Nam Á từ các quốc gia vùng bán đảo đến các vương quốc hải đảo. Trong giao thương khu vực, Chămpa đã chuyển đi và nhận về nhiều loại hàng hóa, sản phẩm trao đổi mang tính nội vùng cùng các loại thương phẩm (đồng thời cũng là các sản phẩm văn hóa) đến từ miền ngoại vi. Ở vùng hạ châu thổ Mekong, chủ nhân văn hóa Óc Eo – Phù Nam cũng từng có những ứng đối chính trị, kinh tế năng động, rộng mở trước ảnh hưởng của một nền văn minh lớn – Văn minh Ấn Độ.

Với Trường Sơn – Tây Nguyên, trong nhiều thế kỷ, những mối liên hệ của Chămpa là thường xuyên, mật thiết. Trong bang giao và giao thương quốc tế, vương quốc này đã cung cấp nhiều nguồn hàng đặc thù của Hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới (General ecosystem) cho thị trường xứ ôn đới với những sản vật mà thị trường này không có, thiếu và rất cần. Trên một số phương diện, có thể coi đó là sự tái thiết cân bằng kinh tế, sự vận hành vĩ mô của hệ điều tiết xã hội, hay sự bù lấp tự nhiên giữa các không gian kinh tế, hệ sinh thái… Để có được những sản phẩm của núi rừng, hẳn là những người đứng đầu vương quốc cổ Chămpa đã có nhiều phương sách để kết nối, giữ mối quan hệ thân thiện với các thủ lĩnh vùng cao. Dấu ấn của Chămpa để lại trên dải đất cao nguyên miền Trung là sâu đậm. Sự hiện diện của các đền tháp, di vật, bi ký, vùng canh tác và những tuyến đường giao thương thủy bộ kết nối với Ai Lao, Chân Lạp và con đường từ xứ Quảng lên Kon Tum mà người Chăm còn đang làm dang dở… là những minh chứng giàu sức thuyết phục về một thời Tây Nguyên từng có nhiều quan hệ đa dạng, đa chiều. Điều chắc chắn là, những tộc người sinh sống ở vùng Cao Nguyên không chỉ có liên hệ với cư dân duyên hải miền Trung, với Chămpa và về sau là chính quyền chúa Nguyễn (Đàng Trong thế kỷ XVI-XVIII), mà còn với các quốc gia láng giềng vùng Đông Nam Á bán đảo cùng nhiều trung tâm kinh tế, văn hóa xa xôi khác.

Tôi vẫn nghĩ các di sản văn hóa độc đáo, giàu chất suy tưởng của đồng bào Tây Nguyên là thành tựu của cả một quá trình lao động, sáng tạo, bổ sung, hoàn thiện từ chính cội nguồn, nền tảng văn hóa của Tây Nguyên. Nhưng, những di sản văn hóa đó còn là kết quả của sự tiếp giao với các trung tâm văn hóa Việt Nam, khu vực. Cùng với Chămpa, dấu ấn của văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và một số nền văn hóa châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, trong văn hóa Tây Nguyên, trong sử thi Êđê, Giarai, Bahnar, Mnông,… là khá sâu đậm. Vì thế, nhìn chung từ thời khởi nguyên, vùng Cao Nguyên đã là một không gian văn hóa mở bởi những động lực thôi thúc bên trong, yếu tố nội sinh và cả những ảnh hưởng, giao lưu văn hóa trực tiếp, gián tiếp với thế giới bên ngoài. Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Trong không gian đó, gắn liền với không gian đó là Không gian văn hóa sử thi Tây Nguyên giàu tiềm năng, xứng đáng là viên ngọc quý, di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, châu Á và thế giới.

Trong cuốn chuyên khảo này, từ cách tiếp cận lịch sử, lịch sử văn hóa và nghiên cứu liên ngành, tôi muốn giới thiệu với các nhà nghiên cứu và bạn đọc một số nội dung từng được ghi nhận, phản ánh trong sử thi Dăm Săn và các bộ sử thi của đồng bào Êđê như: Dăm Di, Chilokok, Dăm Kteh Mlan… Trong quá trình thực hiện chuyên khảo, bên cạnh giá trị nổi bật về sự huyền ảo, chất bi tráng, anh hùng, kỳ vĩ… đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích, đánh giá, chúng tôi tập trung khảo cứu một số nguồn tư liệu (Khảo cổ học, Sử học, Dân tộc học – Nhân học, Sinh thái học…) trong đó có Luật tục Êđê làm cơ sở tham chiếu với những thông tin thể hiện trong sử thi để qua đó làm rõ hơn tính hiện thựcchất thựcgiá trị độc đáo của sử thi Dăm Săn và các sử thi Êđê. Mong rằng, các chuyên luận trong cuốn sách có thể góp thêm tiếng nói, một cách nhìn về đặc tính tự nhiên của vùng Cao Nguyên; tiềm năng, vai trò của hệ sinh thái và các không gian sinh tồn của người Êđê; chất sử, cơ tầng, diện mạo hiện thực lịch sử và thực tiễn đời sống xã hội; hàm lượng tri thức phong phú dung chứa trong các bộ sử thi; tư duy, phương thức và các hoạt động kinh tế; thế ứng đối văn hóa của con người “thời đại Dăm Săn” với môi trường sống v.v… Những phân tích, tiếp cận đó góp phần hướng tới những nhận thức ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về sử thi Êđê, một bộ phận hợp thành của sử thi Tây Nguyên và di sản của không gian văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên.

Tôi cảm phục và chịu ơn các nhà nghiên cứu tiên phong về Tây Nguyên; các chuyên gia Văn học, Dân tộc học, Nhân học văn hóa, Khảo cổ học, Lịch sử văn hóa, nhất là giới học giả chuyên nghiên cứu sử thi Tây Nguyên, về năng lực phát hiện, tư duy tổng hợp, sự dày công trong sưu tầm, biên dịch, khảo cứu và đã công bố các công trình, bài viết chuyên sâu, có nhiều giá trị về học thuật. Trong quá trình khảo cứu, chúng tôi cũng đã nhận được sự giúp đỡ, những ý kiến trao đổi, góp ý quý báu của các chuyên gia Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các Viện nghiên cứu, Trường đại học, Bảo tàng, Trung tâm quản lý, bảo tồn di tích; các nhà quản lý, anh chị em làm công tác văn hóa ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Tôi cũng muốn được cảm ơn các Nhà giáo, bạn đồng nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, gia đình về sự hỗ trợ, động viên trong quá trình khảo sát thực địa và thực hiện công trình nghiên cứu.

Nhân dịp này, tôi muốn được bày tỏ lời cảm ơn MaiHaBooks và Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã giúp đỡ nhiệt thành cho việc biên tập, công bố cuốn chuyên khảo. Hy vọng rằng, với cách tiếp cận lịch sử văn hóa và tư duy nghiên cứu chuyên ngành kết hợp với liên ngành, coi sử thi là một nguồn sử liệu, nội dung cuốn sách: Huyền thoại về một vùng đất – Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Êđê, sẽ trình bày một số suy nghĩ, nhận thức mới về sử thi Dăm Săn và một số sử thi tiêu biểu của đồng bào Êđê – Di sản của văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Việt Nam mà chúng ta cần tiếp tục chung sức, phối hợp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Chắc rằng, cuốn sách còn có những khiếm khuyết nhất định, chúng tôi chân thành mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, chuyên gia cùng tất cả những người bấy lâu luôn quan tâm, yêu mến vùng đất, con người và văn hóa Tây Nguyên.

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Hà Nội, Ngày 23 tháng 11 năm 2020
Tác giả
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 22-06-2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây