Theo đánh giá của các nhà phê bình, tác phẩm của PGS. TS Phan Phương Thảo có sức hút mạnh mẽ đối với những ai quan tâm đến lịch sử Hà Nội nói riêng, lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc nói chung. Nhà sử học người Pháp Philippe Papin – tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đặc biệt về lịch sử Hà Nội đã viết về cuốn sách:
“Những sách về lịch sử không hẳn cuốn nào cũng quan trọng. Có lẽ nhiều cuốn trong số đó không sống mãi cùng năm tháng. Chúng chỉ tồn tại một thời gian ngắn ngủi, chấm hết ngay từ những buổi đầu sơ khai, hoặc tuổi đời dài nhất của chúng cũng chỉ qua được thời này, do phương pháp tiếp cận thay đổi, trọng tâm của những mối quan tâm cũng khác trước và do cả sự góp mặt của nhiều công bố mới. Nhưng cuốn sách này của Phan Phương Thảo sẽ không có chung số phận kém may mắn ấy. Nó sẽ không nằm im lìm trên các giá sách thư viện mà ngược lại, luôn có sức hút đối với những ai quan tâm đến lịch sử Hà Nội nói riêng, lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc nói chung.
Điều làm nên tuổi thọ của cuốn sách chính là độ chắc chắn về thông tin và sự khai thác triệt để các nguồn tài liệu. Vốn có uy tín về phương pháp nghiên cứu định lượng, Phan Phương Thảo đã phân tích chuyên sâu hơn ba ngàn bằng khoán điền thổ của khu phố “Tây” ở Hà Nội, giai đoạn 1940-1950. Cùng với sự tham gia hỗ trợ của một nhóm tác giả, chị đã nghiên cứu chi tiết và hệ thống về cấu trúc ngôi nhà, diện tích và chủ sở hữu của toàn bộ các thửa đất tại 74 phố Tây…
Công trình là một đóng góp quan trọng trong các nghiên cứu về lịch sử của người Việt bởi vì nên nhắc lại rằng, có tới 80% dân cư ở “khu phố Tây” là người Việt”.
Sau đây xin trích đăng phần Mở đầu của cuốn sách như một lời giới thiệu tới quý độc giả. Trân trọng!
Trong các nguồn tư liệu lưu trữ về Hà Nội thời kỳ cận đại và hiện đại, ngoài nguồn lưu trữ thời kỳ Pháp thuộc đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại ở Aix-En-Provence và tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, còn có một nguồn tư liệu địa chính bảo quản tại Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất thuộc Ủy ban nhân dân Hà Nội. Chỉ tính riêng trong tư liệu địa chính tại Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất Hà Nội đã có trên 3 vạn bằng khoán điền thổ. Đây là loại hồ sơ kê khai và lưu giữ về nhà đất ở Hà Nội trong khoảng thời gian những năm 1930-1950. Trên các bằng khoán điền thổ này phản ánh rất cụ thể từng nhà trong từng số nhà, tên phố với những thông tin về tình trạng kiến trúc ngôi nhà như diện tích xây dựng, cấu trú ngôi nhà (nhà mấy gác tức tầng nhà) cùng diện tích sân và khuôn viên, tên chủ sở hữu và chuyển đổi sở hữu… Vùng ngoại thành của Hà Nội lúc đó vốn là xóm làng nông thôn thì ghi rõ tên làng, thửa đất và các loại đất như vườn, đất ở, cây trồng, ao hồ, nghĩa trang…
Khai thác và hệ thống các thông tin của bằng khoán điền thổ kết hợp với các nguồn tư liệu khác có thể phục dựng lại diện mạo từng ngôi nhà, từng đường phố, từng khu phố trên nhiều phương diện từ kiến trúc, qui hoạch, quản lý đô thị cho đến không gian đô thị, địa hình, cảnh quan, môi trường và các loại hình kiến trúc, các hình thái sở hữu và chuyển đổi sở hữu nhà đất…
PGS.TS Phan Phương Thảo cùng nhóm tác giả gồm ThS Nguyễn Thị Bình, GS.TS Đỗ Quang Hưng và ThS Nguyễn Ngọc Phúc, là những nhà khoa học đã đi đầu trong việc phát hiện và khai thác nguồn tư liệu bằng khoán điền thổ của Hà Nội. Cuốn sách Khu phố cổ Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX qua tư liệu địa chính do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in năm 2013 là thành công của đột phá đầu tiên trên con đường khai phá này. Nay PGS TS Phan Phương Thảo cùng nhóm tác giả gồm TS Đào Thị Diến, PGS TS Nguyễn Thừa Hỷ, TS Tạ Thị Hoàng Vân, ThS Nguyễn Thị Bình, lại tiếp tục khai thác bằng khoán điền thổ kết hợp với các tư liệu địa chính khác và những tư liệu liên quan để nghiên cứu “Khu phố Tây” mà sản phẩm công bố là cuốn sách Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX qua tư liệu địa chính.
Cấu trúc của cuốn sách thứ hai cũng gần như cuốn sách thứ nhất là sau khi nghiên cứu tổng quát về nguồn gốc và giá trị của tư liệu địa chính, bằng khoán điền thổ, các tác giả dành một phần quan trọng cho Hệ thống tư liệu, rồi sau đó là những nghiên cứu mang tính chuyên đề với nhiều chuyên mục về quá trình hình thành và biến đổi, qui hoạch, các loại hình kiến trúc của “Khu phố Tây”. Phần Hệ thống tư liệu cung cấp một cách khá đầy đủ và hệ thống các thông tin về bằng khoán điền thổ sắp xếp theo từng nhà, từng phố kèm theo bảng biểu thống kê và sơ đồ rất tiện lợi cho yêu cầu nghiên cứu.
Hà Nội tiếp nối kinh thành Thăng Long, qua hơn nghìn năm lịch sử đã để lại một di sản vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó có di sản kiến trúc. Nhìn trên mặt bằng của trung tâm Hà Nội hiện nay, chúng ta bắt gặp đủ loại hình kiến trúc từ các kiến trúc tôn giáo như đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ, nhà thờ Thiên chúa giáo, các loại hình kiến trúc công sở từ thời Pháp thuộc đến hiện tại và rải ra khắp nơi là các loại hình kiến trúc nhà ở của cư dân từ các ngôi nhà cổ truyền cho đến các biệt thự thời Pháp thuộc và đủ loại các chung cư, nhà tư nhân, các khu đô thị mới… Trong cái phức hợp, có phần xô bồ của kiến trúc Hà Nội hôm nay lại có cái hay, cái đẹp của kinh thành cổ kính để lại nhiều dấu ấn kiến trúc qua nhiều biến động của lịch sử, trong đó nổi bật nhất là “Khu phố cổ” và “Khu phố Tây”.
“Khu phố Tây” còn có khi gọi là “Khu phố Pháp”, “Khu phố Âu”, “Khu phố cũ”.Trên cơ sở tận dụng các nguồn tư liệu, cuốn sách phác họa khá rõ quá trình hình, phát triển và biến đổi của “Khu phố Tây", nêu lên những văn bản qui định cụ thể về qui hoạch, yêu cầu về cấu trúc và xây dựng, tỷ lệ xây dựng trên toàn bộ diện tích, những đặc điểm về các loại hình kiến trúc… Kết quả nghiên cứu cho thấy trên thực tế, “Khu phố Tây” gồm hai khu mà có tác giả gọi là “Khu phố Tây thứ nhất” từ “nhượng địa” bên bờ sông Hồng phát triển vào vùng đông nam hồ Hoàn Kiếm và “Khu phố Tây thứ hai” ra đời sau khi chính quyền Pháp phá thành Hà Nội và xây dựng khu phố mới gần như chiếm toàn bộ vùng phía tây thành Hà Nội và mở rộng thêm về phía bắc và tây. Khu phố Tây còn mở rộng sang khu hồ Bẩy Mẫu và hồ Thiền Quang. Nếu căn cứ vào qui định của chính quyền thì “Khu phố Tây” gồm 74 phố, chưa kể còn có những ngôi nhà Pháp nằm rải trên các phố khác. Thực ra “Khu phố Tây” là một khái niệm tương đối được nhận diện qua các qui định của chính quyền và qua các loại hình kiến trúc kiểu Pháp và Âu bao gồm cả biệt thự (villa), nhà ở, công sở và một số kiến trúc văn hóa, tôn giáo.
“Khu phố Tây” ra đời trong ý tưởng xây dựng một trung tâm hành chính, văn hóa tiêu biểu cho Hà Nội vừa là thủ phủ của Bắc Kỳ, vừa là thủ phủ của cả Đông Dương thời Pháp thuộc. Khu phố này rất khang trang, hiện đại và thời bấy giờ được coi như khu phố đẹp nhất của Việt Nam và cả vùng Đông Nam Á. Chế độ thuộc địa đã bị xóa bỏ nhưng “Khu phố Tây” còn tồn tại như một di sản kiến trúc đô thị với nhiều giá trị về qui hoạch đô thị, về thực thi và quản lý qui hoạch và về nghệ thuật kiến trúc mà hiện nay chúng ta trân trọng bảo tồn và rút ra những bài học kinh nghiệm có nhiều ý nghĩa thực tiễn trong công cuộc xây dựng và phát triển đô thị hiện nay. Qua thời gian, chiến tranh cùng nhiều biến thiên lịch sử và cả sự cải tạo tùy tiện của con người, nhiều kiến trúc đẹp của “Khu phố Tây” đã bị hủy hoại hay biến dạng, công việc bảo tồn đang gặp nhiều khó khăn, nhưng một số kiến trúc của khu phố này vẫn đang tô điểm cho bộ mặt kiến trúc đa dạng của thủ đô Hà Nội trong đó có những kiến trúc có giá trị còn tồn tại lâu dài với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Tôi hi vọng cuốn sách Khu phố Tây nửa đầu thế kỷ XIX qua tư liệu địa chính, do PGS TS Phan Phương Thảo chủ biên sẽ cung cấp những nguồn tư liệu mới và những kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao hiểu biết về một khu phố mang nhiều nét đặc trưng được người dân Hà Nội, các nhà khoa học cũng như khách du lịch rất quan tâm. Tôi rất vui mừng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc và những người yêu mến Hà Nội.
Hà Nội mùa hè năm 2016
Giáo sư Sử học Phan Huy Lê
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 10-03-2017.
Ý kiến bạn đọc
Thứ sáu - 01/11/2024 16:11
Thứ sáu - 01/11/2024 10:11
Thứ tư - 30/10/2024 15:10
Thứ ba - 29/10/2024 11:10
Thứ ba - 29/10/2024 11:10