BỘ MÔN LỊCH SỬ VĂN HOÁ VIỆT NAM
HƠN MỘT THẬP KỶ DỰNG XÂY
1. Quá trình hình thành và đội ngũ cán bộ
Tháng 11 năm 1998, Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam thành lập với vẻn vẹn có 3 cán bộ kiêm nhiệm là GS Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Bộ môn và 2 Phó Chủ nhiệm là TSKH Nguyễn Hải Kế, ngành Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại và TS Lâm Mỹ Dung ngành Khảo cổ học. Bốn năm sau, Bộ môn mới được bổ sung một cán bộ, có biên chế chính thức đầu tiên là Thạc sĩ Đỗ Hương Thảo ngành Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại. Năm 2002, lần đầu tiên Bộ môn được bổ sung cán bộ đào tạo “đúng chuyên ngành” Lịch sử Văn hoá Việt Nam là cử nhân Nguyễn Hoài Phương (đã bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ năm 2005).
Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, trước yêu cầu thực tiễn của xã hội trong quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hoá, hội nhập quốc tế, năm 2004, Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam đổi thành Bộ môn Văn hoá học nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới về giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năm 2009, Bộ môn trở lại tên gọi cũ là Lịch sử Văn hoá Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu về văn hoá Việt Nam trên cơ sở phát huy thế mạnh tảng nền nghiên cứu về lịch sử của đơn vị anh hùng.
Năm 2005, sau khi GS Trần Quốc Vượng đi xa…, Bộ môn chỉ còn ba cán bộ là PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, kiêm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; ThS Đỗ Hương Thảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn và ThS Nguyễn Hoài Phương. Dù có mặt ngay từ buổi đầu gây dựng, nhưng vì công việc quản lý ở cương vị mới: Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Giám đốc Bảo tàng Nhân học, PGS.TS Lâm Mỹ Dung vẫn cùng Bộ môn chung vai gánh vác nhiều công việc. Trước tình hình đó, Bộ môn được bổ sung thêm một cán bộ trẻ là Nguyễn Bảo Trang, tốt nghiệp chuyên ngành Văn hoá học khoá 46. Như vậy, dù ở thời điểm nào thì số cán bộ chính thức của Bộ môn vẫn luôn rất ít ỏi, chưa quá con số 4.
Dù số lượng cán bộ như vậy nhưng những công việc mà Bộ môn đảm trách lại không hề nhỏ. Hàng năm, cán bộ của Bộ môn đảm nhận dạy môn Cơ sở văn hoá Việt Nam (môn học cơ sở dành cho sinh viên năm thứ nhất) cho tất cả các khoa thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, một số khoa thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Kinh tế, khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội... Đồng thời, Bộ môn còn đảm nhận tổ chức đào tạo 1 lớp sinh viên năm thứ 4 với từ 8 đến 13 chuyên đề thuộc chuyên ngành Văn hoá học. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, Bộ môn đã phối hợp với các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực thuộc các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội như: GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, PGS.TS Lê Hồng Lý - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, PGS.TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS Bùi Quang Thắng, Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền - Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, GS.TS Phạm Đức Dương - nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, TS Vũ Thế Long - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, ThS Đinh Đức Tiến - Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, TS. Trần Thuý Anh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn... Chính đội ngũ này đã góp phần quan trọng giúp Bộ môn đảm bảo hoàn thành nội dung chương trình giảng dạy cũng như tạo ra cơ hội phối hợp, hợp tác nghiên cứu khoa học.
2. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học
* Hoạt động đào tạo:
Ở cấp độ cơ sở, hàng năm, Bộ môn Lịch sử văn hoá Việt Nam đảm nhiệm giảng dạy môn Cơ sở Văn hoá Việt Nam cho hơn khoảng hơn 2000 sinh viên trong các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội Hà Nội. Với nỗ lực cao nhất, các cán bộ của Bộ môn đã hoàn thành Đề cương môn học, Tập tài liệu hướng dẫn học tập và Tập tài liệu tham khảo cho môn học khá dày dặn cho sinh viên. Đề cương môn học Cơ sở văn hoá Việt Nam do ThS Đỗ Hương Thảo biên soạn được Hội đồng thẩm định chất lượng của Nhà trường đánh giá cao và được sử dụng như một đề cương mẫu trong chương trình biên soạn đề cương môn học theo học chế tín chỉ của khoa Lịch sử. Nhằm đổi mới phương pháp đánh giá và phân loại sinh viên, hướng sinh viên nhiều hơn nữa vào việc tự mở rộng các tài liệu tham khảo, đồng thời tạo ra sự nhất quán trong công tác kiểm tra đánh giá, các cán bộ trong Bộ môn đã nỗ lực xây dựng một ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm phong phú. Do vậy, dù môn học Cơ sở văn hoá Việt Nam được giảng dạy cho số lượng sinh viên rất lớn, với nhiều cán bộ tham gia giảng dạy nhưng môn học vẫn đảm bảo tính thống nhất về nội dung, đảm bảo sự đồng đều trong lịch trình giảng dạy và sự nhất quán trong công tác đánh giá, phân loại sinh viên. Để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy môn học, dù đã có giáo trình Cơ sở văn hoá Việt Nam được biên soạn từ năm 1996 song các cán bộ của Bộ môn và các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tái bản giáo trình sau khi đã sửa chữa, bổ sung, cập nhật các thông tin mới.
Trong năm học 2009-2010, Nhà trường đã tổ chức một buổi toạ đàm lấy ý kiến của sinh viên về nội dung môn học, tài liệu tham khảo, phương pháp kiểm tra đánh giá… đối với môn Cơ sở văn hoá Việt Nam và thu được những phản hồi rất tích cực. Trong chương trình chuyển giao, hướng dẫn Đại học Sư phạm chuyển đổi sang học chế tín chỉ, môn học này đã được Nhà trường lựa chọn như một thí dụ điển hình. Đó cũng là một ghi nhận cho những nỗ lực của cán bộ trong Bộ môn trong quá trình đào tạo, không chỉ xây dựng cho một môn học mà còn góp phần đào tạo cán bộ, tạo ra sự thống nhất trong công việc mà còn góp phần cùng Khoa, Nhà trường tích cực chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ.
Trong hoạt động đào tạo thuộc chuyên ngành, hàng năm Bộ môn có 1 lớp sinh viên chuyên ngành năm thứ tư, đảm nhận giảng dạy từ 8 đến 13 chuyên đề, như: Một số vấn đề về phương pháp luận lịch sử văn hoá Việt Nam, Tiếp xúc và giao lưu văn hoá, Về bản sắc văn hoá Việt Nam, Làng và văn hoá làng, Đô thị và văn hoá đô thị, Nhân học văn hoá, Xã hội học văn hoá, Một số vấn đề về tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, Một số vấn đề về lễ hội Việt Nam truyền thống và hiện tại,Kiến trúc Việt Nam truyền thống, Âm nhạc Việt Nam truyền thống, Văn hoá ẩm thực Việt Nam, Văn hoá và phát triển… Với số lượng cán bộ ít ỏi, các cán bộ của Bộ môn mới chỉ trực tiếp lên lớp được 4-5 chuyên đề. Những chuyên đề khác đều được giảng dạy bởi những nhà nghiên cứu hàng đầu trong các lĩnh vực như: tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, âm nhạc, mỹ thuật… Những những nhà nghiên cứu hàng đầu ấy đồng thời cũng là những nhà quản lý của các cơ quan, các Viện nghiên cứu với lòng say mê nghề nghiệp, với tình cảm gắn bó với Bộ môn, với trách nhiệm đào tạo thế hệ trẻ… dù rất bận rộn nhưng vẫn luôn chung vai sát cánh với Bộ môn trong các hoạt động đào tạo như giảng dạy, hướng dẫn và phản biện khoá luận tốt nghiệp… Các bài giảng của các chuyên đề đã được xây dựng và tiếp tục được bổ sung, cập nhật, hướng tới xây dựng một tập bài giảng Một số chuyên đề về lịch sử, văn hoá Việt Nam dành cho sinh viên chuyên ngành và những ai quan tâm đến lịch sử, văn hoá của dân tộc.
Trong năm 2009, các cán bộ của Bộ môn Lịch sử văn hoá Việt Nam đã tham gia xây dựng chương trình khung giáo dục đại học ngành Văn hoá học, xây dựng và phản biện nhiều đề cương môn học trong khung chương trình, góp phần tạo ra sự thống nhất trong hoạt động đào tạo ngành Văn hoá học ở trình độ đại học trong toàn quốc.
Bộ môn đã và đang nỗ lực xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ (và sau này tiếp tục ở bậc Tiến sĩ) chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam thuộc khoa Lịch sử, hy vọng có thể tuyển sinh khoá đầu tiên trong năm học 2010-2011. Tuy Bộ môn chưa trực tiếp đào tạo chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam bậc sau đại học tại khoa Lịch sử nhưng các cán bộ của Bộ môn như GS Trần Quốc Vượng, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế đã tham gia vào việc hướng dẫn, phản biện nhiều luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ ngành Văn hoá học tại các đơn vị đào tạo, nghiên cứu như: Viện Văn hoá (Đại học Văn hoá Hà Nội), Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hoá…
Tính đến nay, với 12 năm xây dựng, đã đào tạo được tròn 10 khoá sinh viên chuyên ngành, với hơn 200 cử nhân Lịch sử văn hoá Việt Nam/ Văn hoá học ra trường, đáp ứng tốt yêu cầu công tác của các cơ quan tuyển dụng cũng như yêu cầu của xã hội nói chung. Một số đã trở thành cán bộ nghiên cứu của nhiều viện nghiên cứu như: Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ... và các báo, tạp chí hay trở thành giảng viên, giáo viên các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông... trên toàn quốc. Chính năng lực làm việc của họ là thước đo, kiểm định chất lượng đào tạo của Bộ môn, đồng thời sự trưởng thành, thành công của họ trong công việc đã tạo nên “sức hút” của Bộ môn, là nguồn động viên to lớn, niềm tự hào của Bộ môn, của Khoa.
* Hoạt động nghiên cứu khoa học:
Trước hết, phải kể đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên với các đề tài nghiên cứu có liên quan đến Lịch sử văn hoá và Văn hoá học và do các giáo viên trong bộ môn hướng dẫn. Sức hấp dẫn của Bộ môn thể hiện khá rõ qua số lượng sinh viên chọn các đề tài về văn hoá Việt Nam làm đề tài nghiên cứu khoa học là khá đông, trung bình có khoảng 15 báo cáo khoa học hàng năm. Những buổi báo cáo khoa học sinh viên trong Bộ môn thực sự đã trở thành những diễn đàn để các sinh viên trình bày các ý tưởng khoa học, những kết quả nghiên cứu, những tranh luận sôi nổi về rất nhiều lĩnh vực của văn hoá học. Từ những diễn đàn đó, nhiều công trình nghiên cứu khoa học sinh viên đã giành được giải thưởng của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn như: sinh viên Nguyễn Hồng Nhung (K45) được giải thưởng cấp Đại học Quốc gia về Chợ đêm Hà Nội (do PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế hướng dẫn), sinh viên Phan Phương Hảo (K46) nhận giải thưởng cấp Đại học Quốc gia về Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (do ThS Đỗ Hương Thảo hướng dẫn), sinh viên Nguyễn Hồng Nhung (K48) đạt giải nhì cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về Tìm hiểu vài nét về đời sống của người Việt qua đồng dao (do ThS Đỗ Hương Thảo hướng dẫn)...
Bộ môn đã xây dựng được Tủ sách văn hoá học, tập hợp sách, những công trình nghiên cứu về văn hoá phục vụ cho cán bộ và sinh viên.
Định hướng nghiên cứu của Bộ môn được thể hiện rõ qua các công trình nghiên cứu của các cán bộ trong Bộ môn, đó là: tiếp cận những vấn đề của văn hoá dưới góc nhìn lịch sử, liên ngành, đa ngành, mà đi tiên phong và tiêu biểu là cố GS Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Bộ môn.
Với phương pháp tiếp cận văn hoá dưới cái nhìn địa sinh thái, địa nhân văn, địa lịch sử, GS Trần Quốc Vượng đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị mang tính định hướng cho các thế hệ làm công tác nghiên cứu văn hoá như: Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Việt Nam cái nhìn địa - văn hoá, Trên mảnh đất ngàn năm văn vật… Cho đến những ngày ở trên giường bệnh GS Trần Quốc Vượng vẫn tiếp tục hoàn thiện bản thảo một số cuốn sách như: Văn hoá và Môi trường, Hà Nội như tôi hiểu, Thăng Long - Hà Nội tìm tòi và suy ngẫm… Bài viết cuối cùng của GS Trần Quốc Vượng là Hà Nam quê hương tôi như một sự hướng về nguồn cội. Cuốn Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm của GS Trần Quốc Vượng đã được tặng giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2000-2005. Theo thống kê chưa đầy đủ, số công trình nghiên cứu đã xuất bản của GS Trần Quốc Vượng đã vượt quá con số 500. Những bài viết, những cuốn sách của Thầy là những tài liệu tham khảo rất có giá trị đối với cán bộ và sinh viên của Bộ môn, đối với các nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc trong cả nước.
Tiếp tục và mở rộng những định hướng nghiên cứu, nhiều vấn đề của lịch sử văn hoá Việt Nam như: ẩm thực, giáo dục, đô thị, dòng họ... đã được các cán bộ trong Bộ môn triển khai qua các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp:
TT
|
Tên đề tài
|
Cấp quản lý
|
Người chủ trì
|
1
|
Lịch sử Văn hoá Việt Nam
|
Đặc biệt cấp ĐHQG
|
GS. Trần Quốc Vượng
|
2
|
Văn hoá kinh doanh của người Việt cổ truyền
|
Cơ bản cấp ĐHQG
|
PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế
|
3
|
Mấy vấn đề văn hoá ẩm thực Việt Nam
|
Cơ bản cấp ĐHQG
|
PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế
|
4
|
Giáo dục và đào tạo Thăng Long - Hà Nội: định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá
|
Cấp Nhà nước
(KX.09.07)
|
PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế
|
5
|
Bản sắc văn hoá Việt Nam qua tiếp xúc và giao lưu văn hoá
|
Trọng điểm cấp ĐHQG
|
PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế
|
6
|
Trường thi Hương Nam Định
|
Cấp Trường ĐH KHXH & NV
|
ThS Đỗ Hương Thảo
|
7
|
Những vấn đề cải cách giáo dục thời Nguyễn
|
Cơ bản cấp ĐHQG
|
ThS Đỗ Hương Thảo
|
8
|
Giáo dục Hà Nội giai đoạn 1995 - 2000
|
Cấp Trường ĐH KHXH & NV
|
ThS Nguyễn Hoài Phương
|
Các cán bộ của Bộ môn cũng đã tham gia vào việc khảo sát, biên soạn phần văn hoá của một số công trình khoa học như: Địa chí Nam Định (xuất bản năm 2003 và được giải thưởng của Đại học Quốc gia Hà Nội), Địa chí Cổ Loa, Từ điển Bách khoa tri thức phổ thông…
Trong chương trình nghiên cứu hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các cán bộ trong Bộ môn đã sưu tầm, biên tập để xuất bản cuốn Đất thiêng ngàn năm văn vật (trên cơ sở cuốn Trên mảnh đất ngàn năm văn vật) của cố GS Trần Quốc Vượng - như một sự tri ân sâu sắc tới người Thầy đã gây dựng và dìu dắt các thế hệ học trò của Khoa và Bộ môn, biên soạn sách Thành luỹ Thăng Long - Hà Nội (PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế chủ biên), sưu tầm và biên tập sách Văn hoá Thăng Long - Hà Nội - tuyển tập các công trình nghiên cứu, tái bản có sửa chữa bộ sách 1000 câu hỏi đáp về Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thư mục nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội …
Kiên trì các định hướng chuyên môn, Bộ môn Lịch sử văn hoá Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu về bản sắc văn hoá Việt Nam cổ truyền trên các địa bàn như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam Định, Quảng Nam…
Cán bộ của Bộ môn cũng đã cộng tác với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội… với tư cách cố vấn để xây dựng các chương trình truyền hình được đông đảo khán giả theo dõi như: Theo dòng lịch sử, Văn minh sông nước, Hà Nội nghìn năm văn hiến…
*
* *
Dẫu chưa nhiều nhưng những đóng góp của Bộ môn Lịch sử văn hoá Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua là đáng ghi nhận. Hệ thống chuyên đề năm thứ tư tiếp tục được mở rộng, cập nhật, sẵn sàng đào tạo ở bậc sau đại học; các hướng nghiên cứu mới tiếp tục được tìm tòi, phát triển. Dù số lượng cán bộ còn rất mỏng nhưng Bộ môn vẫn tự tin triển khai các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học là bởi có sự góp sức của đội ngũ các nhà khoa học của Khoa Lịch sử, những nhà khoa học có uy tín trong và ngoài Trường. Sức mạnh ấy cũng được truyền lại từ lòng yêu nghề, từ tư duy phương pháp luận liên ngành mà GS Trần Quốc Vượng đã nhóm lên và truyền lại cho các thế hệ cán bộ của Bộ môn.
Tháng 4 năm 2010
Bộ môn Lịch sử văn hoá Việt Nam