Là đơn vị đầu ngành trong giảng dạy và nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam, trong hơn nửa thế kỷ qua, Khoa Lịch sử luôn chú trọng xây dựng và phát huy các chương trình hợp tác quốc tế sâu, rộng nhằm hỗ trợ cho việc phát triển chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Ngay sau khi được thành lập năm 1956, Khoa Lịch sử đã mở rộng các chương trình hợp tác với các trường đại học thuộc khối các nước Xã hội chủ nghĩa nhằm gửi cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ, đồng thời tiếp nhận các nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy và giúp xây dựng chương trình đào tạo.
HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA KHOA LỊCH SỬ
Là đơn vị đầu ngành trong giảng dạy và nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam, trong hơn nửa thế kỷ qua, Khoa Lịch sử luôn chú trọng xây dựng và phát huy các chương trình hợp tác quốc tế sâu, rộng nhằm hỗ trợ cho việc phát triển chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Ngay sau khi được thành lập năm 1956, Khoa Lịch sử đã mở rộng các chương trình hợp tác với các trường đại học thuộc khối các nước Xã hội chủ nghĩa nhằm gửi cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ, đồng thời tiếp nhận các nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy và giúp xây dựng chương trình đào tạo.
Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với sự hội nhập ngày càng mạnh của hệ thống giáo dục Việt Nam, quan hệ quốc tế của Khoa Lịch sử cũng chuyển qua một thời kỳ phát triển mới. Bên cạnh quan hệ hợp tác truyền thống với các trường đại học và viện nghiên cứu thuộc khối các nước Xã hội chủ nghĩa, nhiều chương trình hợp tác mới với các trường đại học Tây Âu (Hà Lan, Pháp...), Châu Phi (Ma-đa-gát-ca, Ni- giê-ri-a...), Úc... cũng được thiết lập. Đặc biệt hơn, nhiều cán bộ giảng dạy của Khoa đã được mời đi giảng dạy, trao đổi, làm chuyên gia ở nhiều trường đại học quốc tế.
Từ năm 2000 trở lại đây, 13 lượt cán bộ giảng dạy của Khoa đã và đang theo học các chương trình cao học và nghiên cứu sinh ở nước ngoài (5 người đã nhận bằng tiến sĩ, 2 người đã nhận bằng thạc sĩ, 3 người đang học chương trình nghiên cứu sinh, 3 người đang học chương trình thạc sĩ). Số lượng các giáo sư và các nhà nghiên cứu nước ngoài đến giảng dạy và thuyết trình tại Khoa cũng ngày càng tăng lên trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay đã có 18 lượt giáo sư nước ngoài đến giảng dạy và thuyết trình tại Khoa. Bên cạnh đó, số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào...) đến học tập để nhận bằng Thạc sĩ và tiến sĩ tại Khoa Lịch sử cũng ngày càng tăng.
Sau khi Khoa Lịch sử được Đại học Quốc gia lựa chọn đầu tư xây dựng đề án đào tạo hệ thạc sĩ và tiến sĩ ngành lịch sử Việt Nam đẳng cấp quốc tế (viết tắt là 16+23), công tác đối ngoại phục vụ cho sự thành công của đề án ngày càng được quan tâm. Trong khuôn khổ chương trình đào tạo của Khóa 1 hệ 16+23, Khoa đã mời được 4 giáo sư đến thỉnh giảng 04 chuyên đề cho học viên vào các tháng 5, 9, 12 năm 2010 và tháng 1 năm 2011. Khoa cũng đã đạt được thỏa thuận với Đại học California Fullerton (Hoa Kỳ) trong việc tiếp nhận học viên cao học và nghiên cứu sinh hệ 16+23 của Khoa sang thực tập nâng cao trình độ vào học kỳ 1, năm học 2010-2011.
Hiện nay, Khoa Lịch sử đang duy trì quan hệ với hơn 30 trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới (Nga, Ucraina, Hà Lan, Pháp, Đức, Anh, Italia, Na Uy, Thuỵ Điển, Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Australia…).
Trong kỷ nguyên hội nhập để phát triển, Khoa Lịch sử luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động quan hệ quốc tế để để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, gửi cán bộ đi tu nghiệp ở nước ngoài, tổ chức các chương trình nghiên cứu và đặc biệt là liên kết với các trường đại học nước ngoài tổ chức các hội thảo quốc tế tại Hà Nội. Dự kiến trong các năm 2011 và 2012, Khoa sẽ liên kết với Quỹ Nicholas Tarling về nghiên cứu Đông Nam Á và Trường Đại học Leiden (Hà Lan) để tổ chức các hội thảo quốc tế về nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học học Xã hội và Nhân văn.