Cảm nghĩ về chuyến thực tế học phần Văn hóa các dân tộc thiểu số của sinh viên Trần Thị Trà My

Thứ tư - 18/01/2023 08:28
Văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những môn học khá thú vị trên giảng đường Đại học. Đặc biệt với tư thế là một sinh viên ngành Văn hóa học của khoa Lịch sử, một trong những người con đất Mường, tôi vô cùng hứng thú với môn học này.
Cảm nghĩ về chuyến thực tế học phần Văn hóa các dân tộc thiểu số của sinh viên Trần Thị Trà My
Điều để lại ấn tượng cho tôi nữa là những tiết học thực tế trải nghiệm như đến với Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, tìm hiểu những di vật, văn hóa đặc sắc đa dạng của các tộc người thiểu số và hành trình gây dựng nét văn hóa truyền thống độc đáo lâu đời của họ. Hiểu sâu sắc hơn về những người anh em đồng bào chảy chung máu thịt Rồng – Tiên. Hay hơn hết, ngày 31 tháng 12 vừa qua chúng tôi cũng có tiết học vô cùng đặc biệt ở Làng văn hóa các dân tộc, đây không chỉ là tiết học đơn thuần mà có lẽ còn là một trong những trải nghiệm khó quên nhất trong quãng thời gian là sinh viên của không chỉ tôi mà còn là của tất những bạn học khác có tham gia tiết học này.
Chúng tôi đã có một hành trình khoảng 40-50km để tới nơi. Tại đây, những sinh viên Văn hóa học đã phải trầm trồ trước sự rộng rãi, khang trang của quang cảnh nơi đây ngay từ cổng vào.
Sau khi được giảng viên hướng dẫn và giảng dạy về những hình ảnh, vật dụng, con người trước mắt, chúng tôi đã có cái nhìn mới lạ hơn, sâu sắc hơn về đồng bào thiểu số, đồng thời cũng tiếp thu được nhiều kiến thức và rút ra được nhiều bài học giá trị. Tiếp đó chúng tôi được tự túc chia thành từng nhóm để có những trải nghiệm thực tế tại phiên chợ tấp nập, đông vui ở đây. Lại đi đúng mùa lễ, mùa hội nên chúng tôi được tham gia rất nhiều hoạt động, được chiêm ngưỡng những bản tình ca sâu sắc, những điệu múa đáng yêu, những điệu khèn sâu lắng,…  Những màn trình diễn văn hóa, văn nghệ của bà con miền núi Tây Bắc khiến chúng tôi thực sự bất ngờ, trầm trồ thán phục và cả vô cùng thích thú. 
Hơn hết, chúng tôi còn được trực tiếp tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa, các trò chơi mang đậm bản sắc như ném còn, múa sạp,… Điều này quả thực không chỉ đem lại niềm vui, lòng phấn khởi hứng thú mà còn giúp những lớp trẻ chúng tôi tiếp cận gần hơn với văn hóa truyền thống dân tộc, thêm yêu thêm hiểu những nét đẹp màu sắc sống động nhưng cũng vô cùng mộc mạc giản dị của đồng bào vùng cao.
Bên cạnh đó là hành trình chinh phục, thưởng thức những đặc sản thơm ngon, hấp dẫn từ hình thức cho tới “nội dung” của các món ăn dân tộc như thắng cố, rượu ngô, các món ăn dân tộc của người Thái,… Chúng tôi được trực tiếp giao lưu, tìm hiểu về phong tục ẩm thực qua lời kể của những lớp thế hệ đi trước, khiến lòng dân lên một cảm giác lôi cuốn, yêu thích khó tả.
Tiết học ấy đã kết thúc, đối với tôi mà nói thì nó tự như một hành trình vượt không gian thời gian đã khép lại. Một hành trình sống trong vùng đất đầy sắc màu lung linh, nơi những bản tình ca không bao giờ vụt tắt, nơi tiếng nói tiếng cười nghe sao bình dị nhưng lại hân hoan đến lạ. Nơi hòa mình với thiên nhiên và cảm nhận hương sắc đất trời, thấm nhuần sâu sắc hơn nữa văn hóa truyền thống của cả dân tộc. Hơn cả, đây còn là dịp để các sinh viên Văn hóa học chúng tôi kết nối, gắn bó với nhau nhiều hơn, thêm phần khăng khít, thấu hiểu nhau hơn qua hành trình sống động này. Bên cạnh đó tôi muốn gửi lời cảm ơn tới giảng viên Lê Minh Anh và các bác anh chị hướng dẫn đã nhiệt tình chia sẻ, giúp đỡ để những thế hệ sinh viên non trẻ chung tôi có thể hiểu rõ hơn, mạnh dạn hơn trong tiết học ấn tượng đó. Dù chặng đường sắp tới là gì, thì chúng tôi cũng vô cùng biết ơn và tự hào vì đã bước qua hành trình rực rỡ này.
***
 
 
 
 
 
Sinh viên: Trần Thị Trà My
Note: The above article reprinted at the website or other media sources not specify the source https://his.ussh.vnu.edu.vn is copyright infringement.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây