HOÀNG THỊ BÍCH NGỌC: KHI RỜI HỘI AN, TÔI ĐÃ QUÊN CON TIM MÌNH Ở LẠI
Chuyến tàu tối hôm ấy không chỉ mang tôi rời khỏi Thủ Đô náo nhiệt, hoa lệ mà còn mang theo cả cảm xúc xúc hỗn độn của một trái tim phải xa rời một điều rất quen thuộc và yêu thương. Và, Hội An đã như một liều thuốc chữa lành, nhẹ nhàng, ấm áp.
Ngày đầu tới nơi đây là một ngày sáng mưa giông, chiều nắng ấm. Nắng trong đây không rực rỡ và chói gắt như cái nắng ngoài Bắc, nắng Hội An vừa đủ ấm vừa đủ nhẹ để ra ngoài và chụp những bức ảnh thật xinh, thật đẹp.
Những ngày sau đó, tình yêu của tôi không dừng lại ở ranh giới phố cổ mà còn lan ra cả tỉnh Quảng Nam chính bởi sự chân phương nơi trái tim, sự tử tế nơi giao tiếp và sự gắn bó từ những người nơi đây.
Tôi còn nhớ như in buổi sáng đầu cùng cô và các bạn đạp xe dưới trời mưa tầm tã, vượt qua cây cầu sắt tưởng chừng như không bao giờ đi hết để khảo sát một vòng ba làng nghề mà chúng tôi sẽ thực tập trong những ngày tới. Không chỉ vậy, tôi và bạn còn bị lạc đường và phải nhờ tới sự giúp đỡ. "Khi trời giông bão làm người lớn, nắng vàng hoa nở làm trẻ thơ". Quả thật là như vậy khi nó đúng với tôi tại thời điểm đó cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mỗi ngày dậy và đạp xe tuy mệt, nhưng bù lại chúng tôi được dậy sớm ngắm nhìn trong vẹn thành phố Hội An vào buổi sáng, thưởng thức đặc sản Hội An, và gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn người dân tại làng rau Trà Quế. Qua 5 ngày khảo sát và "nằm vùng", chúng tôi đã được hiểu thêm rất nhiều về lịch sử, văn hoá, lễ hội, tín ngưỡng tại nàng rau. Ngoài ra, chúng tôi còn được biết thêm về nhiều loại rau, cách trồng rau và cách người dân ở đây chăm bón, thu hoạch. Đặc biệt, một niềm hạnh phúc vô cùng lớn đó là team chúng tôi đã có một trải nghiệm thú vị khi được tự tay nhổ cỏ, quốc đất, tưới rau. Bà con ở làng vô cùng dễ gần, thoải mái, giản dị. Tôi có thể cảm nhận được rằng chúng tôi dường như không có khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ vùng miền hay văn hoá khác nhau bởi chính sự trân thành mà họ mang lại. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được trải nghiệm đi biển, cảm nhận từng cơn sóng xô dưới thời tiết 20 độ. Những bữa ăn tối cùng nhau, trải nghiệm đi thuyền thả đèn hoa đăng trên sông Hoài lãng mạn. Ngồi ở phố cổ ăn chè, ngắm nhìn con phố lung linh ánh đèn và tâm sự với nhau về một ngày làm việc tràn đầy năng lượng.
Và có một sự thật rằng, nghe danh đã lâu nhưng nay mới được thưởng thức, các món ăn trong này siêu ngon, siêu đáng nhớ. Tôi phát hiện ra hương vị đặc trưng dễ dàng nhận biết món ăn trong này nhất đó chính là vị nước tương và vị cay cay của mỗi món ăn. Đây dường như là gia vị không thể thiếu và ai có dịp thưởng thức thì đừng nên bỏ qua, đảm bảo sẽ khiến các bạn nhớ đó nha. Khung cảnh đường phố trong này cũng thật đẹp. Không biết phải dùng từ nào để diễn tả, chỉ biết rằng khi ngắm nhìn, ta có cảm giác như tìm được sự bình yên để dỗ dành tâm hồn, dỗ dành được cả trái tim nhạy cảm, mong manh, khoả lấp sự nhớ nhà, nhớ thành phố thân quen.
Vượt qua tất cả các thử thách, đến hôm nay tôi có thể tự tin nói rằng chúng tôi đã hoàn thành chuyến đi thực tập thật ý nghĩa. Có lẽ mỗi chặng đường sẽ cho chúng ta mỗi trải nghiệm khác nhau, 41 trái tim đôi mươi sẽ có 41 rung cảm khác nhau, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta đã cùng nhau trải qua quãng thời gian thật tuyệt. Cảm ơn những người bạn thân thiết của tôi đã bên cạnh tôi lúc tôi khó khăn nhất, thanh xuân này được gặp các bạn, không còn gì hối tiếc. Xin được gửi lời tri ân và cảm ơn sâu sắc nhất tới Trường, khoa Lịch Sử, các thầy cô chuyên ngành Văn hoá học, đặc biệt là cô Nguyễn Hoài Phương đã bên cạnh, giúp đỡ và chỉ bảo chúng em thật nhiều. Cảm ơn bố mẹ ở nhà luôn là hậu phương vững chắc hỗ trợ con cả về vật chất lẫn tinh thần. Cuối cùng, xin được gửi lời cảm ơn tới chính bản thân mình đã thật mạnh mẽ, vượt qua rào cản về cả thể chất, tinh thần để hoàn thành chuyến thực tập có lẽ là duy nhất của cuộc đời một cách trọn vẹn.
Cảm ơn và trân trọng !
VŨ THỊ BÍCH THỦY: ĐÍCH ĐẾN CỦA CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀ MỘT VÙNG ĐẤT, MÀ LÀ MỘT CÁCH NHÌN MỚI
Khi nhận được thông báo về địa điểm thực tập tốt nghiệp của K64 chuyên ngành Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam sẽ là thành phố Hội An, việc đầu tiên tôi làm đó là lên Google tra từ khóa “dự báo thời tiết Hội An tháng 12/2022” cùng những thông tin cơ bản về địa điểm mà chúng tôi được phân công khảo sát, tìm hiểu.
Là một người ưa thích sự trải nghiệm khám phá, tôi đã từng cùng các “chiến hữu” của mình đi đến miền núi phía Bắc để thỏa mãn đam mê và ước mong một lần được đặt chân tới mảnh đất miền Trung yêu dấu. Thật may, chuyến thực tập lần này đã đưa tôi đến với Hội An – thành phố từng là một thương cảm sầm uất có lịch sử lâu đời và là một trong những si sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1999.
Như chúng ta đã biết, Hội An là một thành phố cổ mang trong mình nét đẹp dịu dàng và bình yên với những ngôi nhà mái đỏ được sơn vàng san sát nhau tựa như chốn làng quê thanh bình. Sau hơn 16 giờ đồng hồ bắt đầu hành trình từ nhà ga Hà Nội đến ga Đà Nẵng, chúng tôi được xe chung chuyển đưa vào Hội An trong cơn mưa rào mùa đông vội vã. Thời tiết không được thuận lợi cho lắm vậy nên buổi đầu tiên chúng tôi cũng chỉ kịp nhận phòng tại Homestay và nghỉ ngơi để bắt đầu chuẩn bị cho buổi khảo sát địa bàn ngày hôm sau. Nếu như có ai đó hỏi tôi, “điều gì làm bạn ấn tượng nhất trong ngày đầu của chuyến thực tập?” thì có lẽ đó chiếc cầu sắt “nổi tiếng” bắc sang làng Kim Bồng. Có phải bạn đang thắc mắc tại sao là cầu “nổi tiếng” không? Theo như chú chủ tịch xã tại đây chia sẻ, cây cầu được người dân gọi vui như vậy vì nó được làm bằng sắt và mỗi khi đi qua đây đều phát ra những âm thanh rất ồn khiến cho người khác khó quên. Vì là ngày đầu tiên đặt chân lên vùng đất mới, trong quá trình di chuyển từ làng Kim Bồng sang làng Trà Quế (địa điểm mà chúng tôi phải khảo sát) tôi và bạn của mình đã bị đi lạc ngay trong ngày mưa bất ổn và phải cầu cứu đến sự giúp đỡ của hai bạn nam khác trong đoàn. Nhưng đây là câu chuyện của 2 tuần trước, còn bây giờ tôi tự tin nhận mình “đường thông lối thuộc” chẳng khác gì người bản địa!
Ngay khoảnh khắc này khi đang viết từng con chữ để kể về chuyến đi thực tập của mình, tôi bất giác nhớ về Hội An và muốn quay lại đây thêm nhiều lần nữa. Tôi nhận ra rằng mình đã bị cảm nắng bởi con người và cảnh vật nơi đây. Trong quá trình học tập và tìm hiểu tại làng rau Trà Quế - làng nghề với truyền thống hơn 400 năm, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình và nồng hậu của người dân nơi đây. Họ đã chỉ cho chúng tôi từng ngôi miếu, chia sẻ cho chúng tôi về các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng và lễ hội được tổ chức tại làng hằng năm, kể cho chúng tôi về cách trồng, cách chăm sóc và thu hoạch các loại rau làm sao để đảm bảo chất lượng cũng như khẳng định sự uy tín, thương hiệu của làng nghề. Bằng đôi bàn tay lao động cần cù và chăm chỉ, người dân đã gây dựng nên một mô hình sinh thái xanh đặc biệt mà chúng ta khó có thể bắt gặp ở những địa phương khác.
Trở về Hà Nội sau một tuần thực tập tại Hội An, vẫn là chuyến tàu sắt đường dài đưa chúng tôi rời khỏi phố Hội. Về với Hà Nội thủ đô nhộn nhịp, cảm xúc trong tôi dâng trào gợi nhớ đến những ngày yên bình và chậm rãi ở trong đó. Cảm ơn sự giúp đỡ của tất cả người dân làng Trà Quế, sự đồng hành của cô Nguyễn Hoài Phương và các bạn đã khiến cho chuyến thực tập này trở nên vô cùng ý nghĩa. Đây sẽ là một chuyến đi của thanh xuân mà tôi không bao giờ quên, chúng ta sẽ đi và trải nghiệm thật nhiều để tìm ra lý do khiến mình trở lại.
TẠ THÁI BẢO, TRẦN THỊ BÍCH NGỌC: HỘI AN LÀ GÌ TRONG BẠN
“Cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc, bữa tiệc nào rồi cũng phải tàn”. Thật vậy, 4 năm thanh xuân sinh viên của chúng tôi vừa kết thúc gói gọn bằng một chuyến đi thực tập . Chuyến đi này khác với những chuyến đi tham quan hay thực tế mà chúng tôi thường đi khi học tập dưới mái trường đại học trong thời gian qua. Có thể nói rằng đây chính là “chuyến đi thanh xuân” của chúng tôi vì không những đem lại cho chúng tôi những kiến thức kinh nghiệm quý báu mà chuyến đi này còn là dấu mốc kết thúc quãng thời gian 4 năm sinh viên của mình. Lần này chúng tôi vinh dự được đến với Phố cổ Hội An- một khu phố cổ nổi tiếng ở tỉnh Quảng Nam và đã đuợc công nhận là di sản văn hóa của thế giới.
Đồng hành với chúng tôi trong chuyến đi thực tập lần này là cô Nguyễn Hoài Phương- một giảng viên luôn tâm huyết với những bài giảng trên giảng đường và nhiệt tình, vui tính trong suốt chuyến đi thực tập. Trong suốt hành trình cô đã mang đến cho chúng tôi cảm giác thân thiệt, tình cảm bởi những lời dặn dò, hỏi thăm của cô, điều đó đã làm cho chúng tôi xóa bỏ sự e ngại vốn có của mình. Chuyến đi thực tập của chúng tôi được tiến hành trong vòng 10 ngày, tuy không phải là thời gian quá dài nhưng dù đã trở về nhà nhưng trong lòng mỗi chúng tôi đều có chút lưu luyến không thôi. Đúng như những gì người ta nói, Hội An mà chúng tôi đến thật nhỏ bé, nó mơ mộng, giản dị nhưng không tầm thường. Hội An đón chúng tôi bằng tiết trời thật thất thường: sáng vừa mới mưa thôi nhưng ngay sau đó là buổi chiều với ánh nắng len lỏi qua từng góc phố, thế mà buổi tối đã có những cơn gió se lạnh. Hội An trong mắt chúng tôi không chỉ đẹp với những ánh đèn lồng, với sự nhộn nhịp của phố đêm, với những bản nhạc du dương không lời, mà nó còn làm tôi xao xuyến bởi những ngôi nhà ngói đỏ cổ kính phủ đầy rêu phong thấp thoáng ẩn sau những giàn hoa giấy, 1 vẻ đẹp hoài cổ khó mà có thể bắt gặp ở những nơi khác. Người dân nơi đây mọi người đều vô cùng thân thiện, dễ mến với giọng nói đặc trưng “ Quảng Nôm” nghe thật dễ thương, bên cạnh đó nơi đây có những món ăn mà bạn sẽ chẳng thể nào tìm đâu ra được hương vị đó ở 1 nơi nào khác ngoài Hội An như : Mì Quảng, Cao Lầu, Bánh mì,.. Và đặc biệt đến Hội An chúng tôi được trải nghiệm tham quan phố cổ bằng những chiếc xe đạp. Chẳng biết đã bao lâu rồi tôi đã không đạp xe. Nếu không đến với nơi đây, tôi sẽ chẳng bao giờ được cùng đám bạn cong chân, ra sức lên mà đạp xe dưới những cơn mưa cuối năm, sẽ chẳng có cái cảm giác sờ sợ khi đi qua cây cầu sắt bắc qua sông, sẽ chẳng có cảm giác run cầm cập khi ngồi trong xe điện với những cơn mưa xối xả hắt vào người, thúc giục anh lái xe mau cho xe lăn bánh.
Trở lại với nhiệm vụ chính của chuyến đi thực tập lần này, chúng tôi được giao nhiệm vụ khảo sát ở làng Trà Quế, làng rau nổi tiếng với chất lượng rau sạch đã mang đến cho tôi nhiều thú vị. Khi làm khảo sát ở đây, chúng tôi đã nhận được sự tận tình, giúp đỡ của những người dân, dù công việc cuối năm có bộn bề nhưng họ vẫn dành cho chúng tôi thời gian để tiếp chuyện. Khi trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi thấy được sự lạc quan, chất phác của họ. Và nó khiến tôi nhận ra rằng, chính những con người nơi đây họ là những mảnh ghép đã tạo nên một Hội An đẹp xao xuyến lưu luyến không rời.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính của chuyến đi thực tập, chúng tôi còn được đi tham quan Thánh điạ Mĩ Sơn – 1 di tích Chăm cổ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Chuyến tham quan mặc dù không được suôn sẻ bởi nơi đây đón chúng tôi bằng một trận mưa khá to, nhưng không vì thế mà làm cản bước chúng tôi với mong muốn tìm hiểu về di tích nổi tiếng này. Đến Thánh địa Mỹ Sơn chúng tôi không chỉ được nghe hướng dẫn rất tận tình của chị hướng dẫn viên mà chúng tôi còn vinh dự được xem buổi biểu diễn với những điệu múa Chăm nổi tiếng nữa.
Chuyến đi thực tập đã kết thúc, nhưng những cảm xúc của nó vẫn còn xao xuyến đến tận bây giờ. Đến rồi mới thấy, sao người ta lại lại yêu thương Hội An đến như vậy. Tôi mong rằng, mình sẽ có cơ hội đến Hội An thêm lần nữa, để tôi có thể cảm nhận được tất ca những tinh hoa văn hóa ở nơi đây trong từng món ăn, phong tục…. và cả trong những câu chuyện nhỏ,từng nụ cười thân thiện của người dân.
***