Nguyễn Anh Nhật Trân sinh ra và lớn lên tại Huế, là cựu học sinh lớp chuyên Lịch sử của Trường THPT Chuyên Quốc Học.
Nữ sinh 21 tuổi hiện theo học ngành Lịch sử và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô là Phó Bí thư Liên chi Đoàn khoa Lịch sử, Liên chi hội trưởng Liên chi hội khoa Lịch sử và Chi hội trưởng chi hội K65 Lịch sử.
Chọn ra Hà Nội học vì “phải lòng” mùa đông miền Bắc
Chia sẻ với chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Nhật Trân cho biết: “Ngày bé, mình thường được nghe mẹ kể phải chạy tránh bom, trú ẩn trong những năm Kháng chiến chống Mỹ. Mình cũng được nghe ông ngoại kể những câu chuyện thời chiến mà ông đã trải qua. Mình rất ấn tượng với những câu chuyện đó nên đã tìm đọc nhiều sách viết về lịch sử Việt Nam và dần chìm đắm trong những trang sử hào hùng ấy.
Khi đi học, từ cấp một đến cấp hai, mình may mắn được học với những giáo viên dạy môn Lịch sử rất "đỉnh", với phương pháp dạy học sinh động và lôi cuốn, không hề nhàm chán như mọi người thường bảo.
Lên cấp ba, mình có cơ hội trở thành học trò của những thầy, cô giáo dạy Sử mà mình cảm nhận được sự nhiệt huyết và tình cảm trong từng bài giảng. Mình thường tự hào rằng thầy, cô của mình là "những người truyền lửa và giữ lửa" tuyệt vời nhất”.
Nhật Trân từng là học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương, ngôi trường có tuổi đời hơn 80 năm và là một trong những trường cấp 2 giàu thành tích nhất ở Huế. Đây là bước đệm quan trọng giúp cô thi đỗ thủ khoa lớp chuyên Sử, trở thành nữ sinh trường Quốc học danh tiếng. Khi vừa tròn 18 tuổi, cô đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với giải Nhì tại Kỳ thi Olympic Học sinh giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm 2018 và giải Ba tại Kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia năm học 2019-2020, Nhật Trân được tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào nhiều trường đại học. Cô đã chọn ngành Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhớ lại quyết định ấy, cô chia sẻ: “Ngoài môi trường học thuật thì lý do mình quyết định ra Hà Nội đơn giản lắm. Vì mình rất thích mùa đông nơi đây, dù cũng thích mùa thu lãng mạn của Hà Nội nữa nhưng mình thích tiết trời của miền Bắc khi sang đông nhiều hơn”.
Theo cô, việc được học tập và nghiên cứu lịch sử với những Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ ngành Lịch sử hàng đầu Việt Nam là một trải nghiệm “vô cùng tuyệt vời và hạnh phúc” trong những năm tháng tuổi trẻ.
Theo đuổi nghiên cứu giáo dục Việt Nam thời cận đại
Ngày đầu tiên vào ở ký túc xá, hầu hết các bạn cùng phòng bị “choáng”, không hiểu Nhật Trân nói gì bởi chất giọng Huế đặc trưng. Khi gặp mặt lớp, cô xung phong đứng lên tranh cử vào ban cán sự, nhưng mọi người phía dưới đều “ố á” vì không bắt nhịp được câu chuyện. Phải mất hơn một tháng, cô mới tập được cách nói chậm lại và rõ chữ hơn để làm quen nhiều bạn mới.
Sau ba năm học, Nhật Trân đã gặt hái được một số thành tích: Điểm GPA xuất sắc 3.70/4.0 - xếp hạng 1 của lớp trong ba năm liên tiếp; nhận Giải thưởng Đinh Xuân Lâm năm 2022-2023 của Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm; nhận Học bổng ngân sách liên tiếp 6 học kỳ và một số học bổng khác như Học bổng Danko, Học bổng Mitsubishi, Học bổng Lê Văn Hưu, Học bổng Ươm tạo nhà khoa học trẻ KBSV – ĐHQGHN.
Khi được hỏi về các giảng viên tại khoa Lịch sử, cô cho biết: “Đọng lại trong mình ấn tượng sâu đậm và khó quên là hình ảnh của thầy Trưởng khoa Lịch sử - PGS.TS Vũ Văn Quân trong một buổi học về nhà Nguyễn giai đoạn 1802 - 1858. Với bài giảng khoa học, cách truyền đạt dễ hiểu và những câu chuyện thú vị, thầy đã đem đến cho chúng mình thật nhiều kiến thức mới, góc nhìn mới về lịch sử. Dù thầy rất bận rộn với công tác lãnh đạo nhưng thầy vẫn dành thời gian cho những sinh viên khoa Sử chúng mình”.
Nhật Trân cũng rất yêu quý TS. Trương Thị Bích Hạnh dạy môn Lịch sử Việt Nam cận đại và TS. Nguyễn Thanh Tùng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Cô mê những dòng văn, những bài viết của cô Hạnh, mê phương pháp dạy học vừa bám sát nội dung bài học, vừa sinh động, cuốn hút của nữ tiến sĩ. Cô kể vẫn thường “dạo chơi” trên trang cá nhân của cô Hạnh - một người yêu “xê dịch” để biết nhiều về thế giới muôn màu muôn vẻ và để yêu cuộc sống này hơn.
Còn với thầy Tùng, chắc nhiều bạn sinh viên Nhân Văn quen với việc trong buổi học đầu tiên, thầy thường ‘dọa’ để sinh viên chuyển lớp tín chỉ. Thế nhưng càng học, càng lắng nghe, cô càng say mê với những kiến thức đa lĩnh vực mà thầy truyền đạt. Cô vẫn nhớ buổi học cuối cùng với thầy, thầy đã dặn cả lớp hãy sống thật giản dị và tập cách thấu hiểu, hãy ra ngoài trải nghiệm nhiều hơn khi còn trẻ. Đây cũng chính là những điều mà cô hướng đến để hoàn thiện bản thân hơn.
Hiện Nhật Trân chuẩn bị bước vào năm học cuối và đã lựa chọn chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. Hướng nghiên cứu chính mà cô đang theo đuổi là giáo dục Việt Nam thời cận đại. Cô vừa hoàn thành đề tài “Giáo dục khoa học - kỹ thuật ở Việt Nam từ sau cải cách giáo dục năm 1906 đến năm 1945”. Nghiên cứu trên đã giúp cô đạt giải Triển vọng tại Hội nghị Nghiên cứu Khoa học sinh viên Khoa Lịch sử năm 2023.
Phạm vi của nghiên cứu này tập trung vào giáo dục ở bậc phổ thông. Định hướng trong thời gian tiếp theo, cô sẽ mở rộng phạm vi nghiên cứu ở bậc cao đẳng, đại học và nghiên cứu sâu ở từng khu vực như giáo dục ở Bắc Kỳ, giáo dục ở Trung Kỳ và giáo dục ở Nam Kỳ.
Nhật Trân cho biết thêm, mỗi khu vực sẽ có một số điểm khác biệt trong chính sách và chương trình giáo dục. Việc mở rộng nghiên cứu sẽ giúp cô vừa có cái nhìn cụ thể, vừa có thể đối sách giữa các khu vực và có cái nhìn tổng thể về sự phát triển giáo dục khoa học - kỹ thuật ở Việt Nam thời cận đại. Từ đó, cô hy vọng có thể chỉ ra một số bài học kinh nghiệm để cải thiện giáo dục Việt Nam hiện nay.
Vì yêu thích việc khám phá, trải nghiệm những vùng đất mới nên cô đang học bằng kép tại khoa Du lịch học của trường. Mong muốn của cô là sau khi tốt nghiệp đại học sẽ dành khoảng 1 năm đi du lịch cùng mẹ. Qua đó, cô có thể hiểu biết thêm về nét đẹp văn hóa của từng vùng miền, mở rộng vốn hiểu biết của bản thân để cho ra đời những nghiên cứu chất lượng và chuyên sâu hơn.
Nữ thủ lĩnh “văn võ song toàn”
Nhật Trân luôn tích cực tham gia các chương trình ngoại khóa: Tình nguyện viên “Tiếp sức mùa thi” năm 2021 và 2022 tại Huế, năm 2023 tại Hà Nội; Tình nguyện viên tích cực, có nhiều đóng góp cho các hoạt động, sự kiện văn hóa, lịch sử của CLB Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia năm 2021; Tham gia hỗ trợ và giảng dạy tại trại hè “HUS FAMILY 2022” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Cô từng lọt Top 100 Thanh niên khỏe cấp Đại học Quốc Gia Hà Nội năm học 2021-2022; Giành tổng cộng 2 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng tại giải đấu Cờ vua, Bóng đá các cấp; Thành viên CLB Vovinam của trường và từng tham gia biểu diễn Vovinam chào SEA Games 31.
Huy chương Vàng đôi nữ nội dung Cờ nhanh tại giải Cờ vua các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng khu vực Hà Nội năm 2021 là chiến thắng mang lại cho cô cảm xúc đặc biệt nhất. Bởi từ bé, dù đã tham gia rất nhiều cuộc thi nhưng chưa bao giờ Nhật Trân giành được giải Nhất hay huy chương Vàng mà toàn là "vua về nhì".
Giải đấu năm đó là giải đấu Cờ vua đầu tiên trong đời sinh viên nên cô thi đấu với tâm lý thoải mái, không đặt nặng chuyện phải có huy chương. Nhờ đó, cô thắng liên tiếp 4 ván cờ và cùng đồng đội thẳng tiến đến cúp vô địch trong sự hân hoan, phấn khởi của các thành viên CLB Cờ vua Đại học Quốc gia Hà Nội (VCC).
“Khoảnh khắc ấy, mình đã rất xúc động và gọi điện về khoe ngay với mẹ, để niềm vui được lan tỏa từ Hà Nội về đến Huế. Lần đầu tiên trong đời đứng trên bục cao nhất, mình vừa vui sướng lại vừa hồi hộp, cảm giác rất khó tả”, Nhật Trân bồi hồi.
Nhờ những đóng góp kể trên, cô được tuyên dương là “Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2022”, nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (năm 2021 và 2022), cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022 và cấp Thành phố Hà Nội năm 2022.
Mùa hè năm 2023 còn có một sự kiện rất ý nghĩa đối với cô, đó là trở thành Trại sinh chính thức của Trại hè Thủ lĩnh VNU lần đầu tiên được tổ chức. Nhật Trân đã vượt qua hàng trăm hồ sơ đăng ký, thực hiện các bài kiểm tra IQ và EQ để trở thành 100 học sinh, sinh viên tiêu biểu nhất được lựa chọn để tham gia vòng Ươm mầm của Trại hè Thủ lĩnh VNU 2023.
Trại hè là sáng kiến và nhận được sự bảo trợ của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - GS.TS Lê Quân. Chương trình hướng đến thành lập câu lạc bộ nhà lãnh đạo tài ba dành cho người học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, với mục tiêu hỗ trợ tài năng trẻ, phát hiện và ươm mầm các thủ lĩnh trẻ.
Tại đây, cô đã được gặp gỡ, làm việc với rất nhiều bạn thủ lĩnh trẻ tài năng, trách nhiệm và nhiệt tình, cũng như tham gia các lớp học chuyên đề bổ ích dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, chuyên gia uy tín. Qua Trại hè, cô đã trở nên tự tin hơn bởi học hỏi thêm rất nhiều kiến thức, kỹ năng mới và mở rộng thêm các mối quan hệ.
Sau Trại hè, Nhật Trân đang trở về Huế với gia đình và đi du lịch cùng người thân sau một năm học nhiều biến động. Trong năm cuối đại học, cô dự định tập trung hoàn thành các môn học của chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, thực hiện tốt Khóa luận tốt nghiệp hoặc có một công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành. Cô cũng đặt mục tiêu sẽ tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại xuất sắc.
Trịnh Vũ Lam Trang
Nguồn: https://svvn.tienphong.vn/thanh-tich-khung-cua-nu-sinh-xu-hue-lot-top-100-thu-linh-vnu-post1554543.tpo
Nguồn tin: https://svvn.tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc
Thứ tư - 20/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 15:11
Thứ ba - 19/11/2024 14:11
Thứ ba - 19/11/2024 11:11
Thứ ba - 19/11/2024 08:11