Quản lý văn hoá: học tập qua các không gian thực tế đa chiều, sống động

Thứ hai - 13/03/2023 07:43
Ngày 5/3/2023, Khoa Lịch sử đã tổ chức cho lớp Thạc sĩ Quản lý Văn hoá khoá 4, dưới sự dẫn dắt của các giảng viên là TS Nguyễn Minh Khang, TS Nguyễn Hồng Kiên, PGS.TS Đặng Hồng Sơn, TS Đinh Đức Tiến, TS Nguyễn Ngọc Minh, TS Trần Thị Lan đến học ở các “giảng đường” mở rộng là Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và đình Phương Quan (xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội).
Một trong những hoạt động đặc thù trong quá trình đào tạo Thạc sĩ ngành Quản lý văn hoá của Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, đó là việc kết hợp các chuyên đề lý thuyết trên lớp với các chuyến đi thực tế, giúp mở rộng không gian tiếp cận tri thức một cách đa diện, đa chiều nhằm mang lại hiệu quả học tập, nghiên cứu cao nhất cho học viên.

Tuỳ thuộc vào từng chuyên đề cụ thể mà không gian thực tế cũng sẽ khác nhau. Đối với các chuyên đề Quản lý di sản văn hóa vật thể ở Việt Nam (TS Nguyễn Minh Khang - Cục di sản văn hóa đứng lớp); Quản lý di sản kiến trúc ở Việt Nam (do TS. Nguyễn Hồng Kiên - Viện Bảo tồn di tích và PGS.TS Đặng Hồng Sơn - Khoa Lịch sử đứng lớp), học viên ngành Quản lý văn hoá các khoá trước đã từng được đi thực tế nhiều địa điểm như Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, các đình, chùa cổ xứ Đoài: Thụy Phiêu (xã Thụy An), Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng), Vĩnh Phệ và Chu Quyến (xã Chu Minh), La Phù (xã Tân Minh), chùa Bối Khê (xã Tam Hưng), chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), chùa Thầy (xã Sài Sơn)… 

Tiếp nối phương pháp học thông qua thực tế đó, ngày 5/3/2023, Khoa Lịch sử đã tổ chức cho lớp Thạc sĩ Quản lý Văn hoá khoá 4, dưới sự dẫn dắt của các giảng viên là TS Nguyễn Minh Khang, TS Nguyễn Hồng Kiên, PGS.TS Đặng Hồng Sơn, TS Đinh Đức Tiến, TS Nguyễn Ngọc Minh, TS Trần Thị Lan đến học ở các “giảng đường” mở rộng là Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và đình Phương Quan (xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội).

Tại Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, học viên đã được các giảng viên giới thiệu và tham quan thực tế hai công trình kiến trúc tiêu biểu là đền - tháp Chămpa và chùa Khmer. TS Nguyễn Hồng Kiên và TS Nguyễn Minh Khang đã giảng giải về kiến trúc đền - tháp Chămpa với ba tháp gồm tháp chính, tháp cổng và tháp hoả; những kết quả và tồn tại trong công tác phục dựng cũng như khai thác giá trị đền - tháp Chămpa trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, TS. Đinh Đức Tiến đã giúp học viên phân biệt rõ hai khái niệm “Linga” và “Mukhalinga” qua các hình ảnh thực tế. Tại không gian chùa Khmer, các giảng viên đã tập trung đi sâu giới thiệu về kiến trúc, hoa văn, các biểu tượng, phù điêu (tiên nữ, chim thần Krud, linh vật rắn Naga…) đều ẩn chứa những thông điệp về quyền năng giáo hóa cái ác thành cái thiện của đức Phật. PGS.TS Đặng Hồng Sơn, TS. Đinh Đức Tiến đã làm rõ sự khác nhau giữa Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông thông qua việc trao đổi với học viên.

Rời Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Lớp Quản lý văn hoá đến địa điểm thứ hai trong chương trình thực tế là đình Phương Quan - một ngôi đình cổ của xứ Đoài, thuộc thôn Phương Quan, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Điều đặc biệt của không gian “giảng đường” này là đình Phương Quan đã được hạ giải toàn bộ để thực hiện trùng tu di tích. TS. Nguyễn Minh Khang, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu di sản văn hoá vật thể, đồng thời cũng là một nhà quản lý đã giảng giải về quy trình trùng tu, bảo tồn di tích ở Việt Nam nói chung và đình Phương Quan nói riêng. Việc hạ giải trong quá trình trùng tu cũng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, bởi việc tháo rời các cấu kiện nếu không hợp lý, toàn bộ giá trị của công trình vài trăm tuổi sẽ mất đi… Theo TS. Nguyễn Minh Khang, đây là một bài toán khó thường gặp trong công tác bảo tồn. Từ thực tế đình Phương Quan, TS. Nguyễn Minh Khang cũng đã nhấn mạnh, giúp học viên hiểu rõ hơn trong trùng tu cần phải bảo tồn tối đa thành phần nguyên gốc của di tích, hạn chế tối đa sự can thiệp làm thay đổi di tích, các phần thay thế phải được phân biệt với phần nguyên gốc.

Với hiện trạng toàn bộ các cấu kiện gỗ, chi tiết mảng chạm, hiện vật chất liệu gỗ được tập kết lưu giữ tại sân và nhà văn hoá thôn Phương Quan, qua sự mô tả của TS. Nguyễn Hồng Kiên, học viên có điều kiện mục sở thị kiến trúc của một ngôi đình truyền thống ở đồng bằng Bắc bộ, phân biệt các cột cái, câu đầu, xà thượng, xà nách, hoa văn, mái ngói… Cũng tại đình Phương Quan, học viên đã được tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của các nghệ nhân nghề mộc đang trực tiếp thực hiện trùng tu… để hiểu rõ hơn về những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình trùng tu một di tích trong thực tiễn.

Chuyến đi thực tế tại Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và đình Phương Quan đã để lại nhiều ấn tượng đối với học viên lớp Quản lý văn hoá Khoá 4. Theo học viên Nguyễn Thị Thanh: “mặc dù trên giảng đường, các cấu kiện kiến trúc, các quy trình hạ giải/phục dựng... về di sản vật thể đã được các thầy trình chiếu, giảng giải cụ thể, nhưng phần nào, học viên vẫn còn chưa hiểu hết và khó hình dung. Trong chuyến đi thực tế, học viên vừa nhớ lại những kiến thức trên lớp, vừa được trực quan về bố cục mặt bằng, kỹ thuật xây dựng đền tháp và về những điểm còn hạn chế/bất cập trong quản lý của người Việt tại khu đền - tháp Chăm...; Được chứng kiến những cấu kiện gỗ đã được phân loại, đánh số, xử lý... sau khi hạ giải tại di tích đình Phương Quan; Được lý giải những kiến thức thú vị tại chùa Khmer cả về kiến trúc điêu khắc, những nguyên tắc cơ bản khi vào chùa cũng như những quan niệm trong tâm thức mong cầu của người Việt...”. Còn đối với học viên Nguyễn Trung Khanh: “Buổi đi thực tế vừa rồi giúp tôi rút ngắn thời gian để tiếp cận với những hoạt động thực tiễn của những lý thuyết đã học trên lớp. Ngoài việc tích luỹ đc nhiều hơn kiến thức, ko những chỉ liên quan đến môn học. Tôi còn được học hỏi tư duy của giảng viên - chuyên gia về vấn đề và tôi nghĩ rằng đây là điều quan trọng đối với chúng tôi khi tốt nghiệp và tham gia trực tiếp vào công tác quản lý văn hoá”.

Với những kết quả đạt tích cực đạt được tại các chuyến đi thực tế, khoa Lịch Sử đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc mở rộng học tập thông qua các không gian thực tế đa chiều, sống động, để qua mỗi chuyến đi giúp cho học viên ngành Quản lý văn hoá tích luỹ được nhiều kiến thức, đặc biệt là kiến thức thực tiễn trong quản lý văn hoá hiện nay.







Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây