Học sử góp phần vun trồng trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc

Thứ ba - 31/08/2021 08:35
Đó là nhận định của PGS, TS Vũ Văn Quân, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (KHXH&NV, ĐHQGHN), khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân trước thềm năm học mới.

Phóng viên (PV): Tại k thi THPT năm 2021, môn Lịch sử có điểm trung bình thấp nhất trong số các môn thi. Là người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử lâu năm, ông suy nghĩ gì về kết quả này?
 
PGS, TS Vũ Văn Quân: Đây là một thực tế mà chúng ta cần phải chung sức để cải thiện. Nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử không chỉ nhằm mục đích tuyển sinh đại học, mà vì nhiều ý nghĩa lớn lao hơn. Biện chứng của phát triển vốn không có sự tách rời giữa quá khứ, hiện tại với tương lai. Chỉ có thể hiểu rõ được hiện tại, định hướng đúng tương lai nếu nắm chắc được quá khứ. Học sử dạy và rèn cho ta lối tư duy đó. Quan trọng hơn, lịch sử liên quan đến đất nước, đến dân tộc, học sử chính là để góp phần vun trồng cho học sinh, sinh viên tinh thần, ý thức và trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc.
 
 PGS, TS Vũ Văn Quân
 
Ngành lịch sử của Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV từng là ngành có điểm đầu vào thuộc hàng cao nhất, song những năm gần đây có giảm. Giảm nhưng không phải là thấp. Điểm sử thấp là tính trung bình, còn trong đó có nhiều em đạt điểm cao. Vấn đề là các cơ sở đào tạo ngành lịch sử có thu hút được những học sinh điểm cao này vào học hay không mà thôi.
 
PV: Lịch sử vẫn bị xem là môn học khô khan, vậy theo ông làm thế nào để học sinh, sinh viên nuôi dưỡng đam mê học môn này?
 
PGS, TS Vũ Văn Quân: Đây là một vấn đề lớn, được đặt ra từ lâu, phân tích dưới nhiều chiều, từ chính sách, đến sách giáo khoa, người dạy, người học Ở từng góc nhìn, mọi phân tích đều có cơ sở. Nhiều nước trên thế giới coi lịch sử là môn học bắt buộc ở cấp học phổ thông và có cách thức để thu hút học sinh học môn này. Hiện nay, theo quan sát, việc giảng dạy môn Lịch sử vẫn còn nặng về thuyết trình theo cách thầy đọc trò chép. Cần phải tăng cường tính chủ động của người học, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, dẫn dắt, gợi mở để tạo hứng thú cho người học. Các hoạt động học nhóm, trong đó học sinh có thể trao đổi, thảo luận, thậm chí tranh luận khi học sử. Tôi cho rằng, cần có một giải pháp đồng bộ trong giảng dạy và đào tạo môn Lịch sử để có được kết quả tốt nhất.
 
 Hoạt động ngoại khóa của sinh viên Khoa Lịch sử.Ảnh: HOÀNG LONG

PV: Cơ hội việc làm của sinh viên ngành sử sau khi ra trường như thế nào, thưa ông?
 
PGS, TS Vũ Văn Quân: Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế, trong thị trường lao động hiện nay thì các ngành khoa học cơ bản, trong đó có ngành lịch sử không phải là lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ. Mặc dù vậy, ngành lịch sử ở Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN với nhiều hướng chuyên ngành có cơ hội làm việc ở nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan. Trong đó, chuyên ngành Khảo cổ, Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam, Lịch sử toàn cầu sinh viên sau khi ra trường có thể làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, bảo tàng, cơ quan quản lý và bảo tồn di tích; làm việc tại các công ty du lịch, cơ quan nghiên cứu và biên soạn lịch sử. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành lịch sử nói chung còn có thể giảng dạy môn lịch sử ở các trường THPT, làm việc trong các cơ quan báo chí và truyền thông, làm biên tập trong các cơ quan xuất bản; làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị có sử dụng kiến thức lịch sử; làm việc tại các cơ quan văn hóa ở Trung ương và địa phương. Tất nhiên, để có điều kiện tìm kiếm được một công việc tốt đòi hỏi sinh viên bên cạnh kiến thức chuyên sâu cần trang bị thêm kiến thức bổ trợ, các kỹ năng cần thiết khác, đặc biệt ngoại ngữ và tin học.
 
PV: Nói đến Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV là nhắc đến một trong những cái nôi đào tạo ra nguồn nhân lực lịch sử chất lượng cao cho nước nhà, thế hệ giảng viên, sinh viên của khoa hôm nay đã làm gì để giữ gìn và phát huy truyền thống tự hào này, thưa ông?
 
PGS, TS Vũ Văn Quân: Khoa Lịch sử là một trong những khoa đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập năm 1956 (nay là Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN). Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Khoa Lịch sử từng có hơn 200 lượt cán bộ làm việc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu sử học. Cán bộ trong khoa đã công bố hơn 6.000 công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế, đào tạo gần một vạn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Khoa được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời k đổi mới năm 2000; tập thể khoa, nhiều bộ môn và cá nhân trong khoa được tặng Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba, 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 4 Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ Khoa Lịch sử hiện đang đào tại hai ngành học là Lịch sử và Văn hóa học. Trước nhiều thách thức trong bối cảnh mới, tập thể cũng như mỗi cá nhân trong khoa đều đang rất nỗ lực để tiếp nối được truyền thống, thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HỮU TRƯỞNG (thực hiện)
Nguồn: Báo https://www.qdnd.vn 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây