Trần Quốc Vượng: Thác là thể phách còn là tinh anh

Thứ tư - 29/12/2021 16:25
GS. Trần Quốc Vượng - Người đã gắn bó máu thịt với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) suốt nửa thế kỷ qua, người “đi thật nhiều, nói thật nhiều và viết thật nhiều” đã ra đi... Trần Quốc Vượng - người con của sông Châu, núi Đọi, họ Trần ấy thông minh và nổi tiếng từ rất sớm!
Trần Quốc Vượng: Thác là thể phách còn là tinh anh
Trần Quốc Vượng: Thác là thể phách còn là tinh anh
 
Dẫu đã tìm mọi phương cách lo toan, cứu chữa, chăm sóc của các bác sĩ, người thân, các lớp học trò… nhưng GS. Trần Quốc Vượng - Người đã gắn bó máu thịt với Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) suốt nửa thế kỷ qua, người “đi thật nhiều, nói thật nhiều và viết thật nhiều” đã ra đi...

Trần Quốc Vượng - người con của sông Châu, núi Đọi, họ Trần ấy thông minh và nổi tiếng từ rất sớm!

Năm 22 tuổi, khi mới ra trường, ông đã bắt tay vào dịch "Việt sử lược". Năm 24 tuổi, bắt đầu đặt vấn đề tìm hiểu các trung tâm chính trị cổ của Việt Nam trong cách nhìn của địa - chính trị… Khá lâu, trước khi ông được Nhà nước chính thức phong học hàm giáo sư (năm 1980), vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, dân gian đã gọi ông là "Giáo sư" với cả sự ngưỡng mộ.

Và, trước khi Hà Nội sôi nổi dành gần hai thập kỷ cho chương trình hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã cặm cụi tìm tòi và thăng hoa với “Địa lý miền đất cổ Hà Nội", "Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử", "Hà Nội ngàn xưa văn hiến”, “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật”…
Con đường ấy bắt nguồn từ gia đình và nhân lên qua nửa thế kỷ tắm mình trong môi trường học thuật, nghiên cứu và giảng dạy của ông tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tự ngày ấy.

Trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp và vào những năm đầu sau khi miền Bắc được giải phóng, ông là một trong những người may mắn được thụ giáo những người thầy nổi tiếng và uyên bác như: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường… ở Thanh Hoá, rồi ở Khoa Sử - Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Năm 1956, sau khi tốt nghiệp, ông là tập sự trợ lý cho GS. Đào Duy Anh tại Bộ môn Cổ sử Việt Nam. Từ bấy đến nay, Ông đã gắn trọn cuộc đời mình với sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu của Khoa Lịch sử cũng như của Trường ĐHKHXH&NV. Ông đã mang những điều may mắn tiếp nhận được ở Tổ quốc mình, nhân dân mình, các thầy dạy của mình, ở lịch sử - văn hoá dân tộc và của cả thời đại để nhân lên, trao truyền cho các thế hệ học trò.

GS. Trần Quốc Vượng là người đã có công khai mở và gây dựng nhiều ngành khoa học mới, môn học mới. Từ năm 1980 đến năm 1993, ông làm Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học và từ năm 1989 đến nay là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên Văn hoá - Lịch sử. Từ năm 1993 đến 1996, GS.Trần Quốc Vượng làm Trưởng môn Văn hoá học của Trường Đại học Đại cương - ĐHQGHN. Từ năm 1998 đến nay, ông là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử - Văn hoá Việt Nam...

Ngay từ khi mới về công tác ở Khoa Lịch sử cũng như những năm tháng đất nước trải qua chiến tranh ác liệt nhất, bên cạnh việc giảng dạy và nghiên cứu Cổ sử Việt Nam, Ông đã sớm chú tâm xây dựng ngành Khảo cổ học. Cùng với sự giúp đỡ của một số đồng nghiệp, GS. Trần Quốc Vượng là người giảng dạy đầu tiên về Khảo cổ học cho sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội niên khoá 1959-1960. GS. Trần Quốc Vượng đã trở thành nhà khảo cổ học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

GS. Trần Quốc Vượng là người cùng với thế hệ khai sáng của Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN đã thắp sáng và thổi bùng lên niềm say mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử - văn hoá dân tộc cho các thế hệ học trò. Không chỉ như vậy, GS. Trần Quốc Vượng còn là một trong những nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, bảo tồn, khẳng định bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc, tôi rèn qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.

GS. Trần Quốc Vượng được tôn vinh là một trong "tứ trụ" của Khoa Lịch sử, rộng ra là ngành Lịch sử - Văn hoá Việt Nam, mà vẫn dân dã, gần gũi, hết mực quý mến của học trò, đồng nghiệp. Tên tuổi ông trở thành huyền thoại, thành niềm kiêu hãnh của nhiều thế hệ học trò. Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp khoa học của GS. Trần Quốc Vượng luôn gắn bó với đất nước, nhân dân với hành trình lịch sử và văn hoá dân tộc.

Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới không thể có được những thành tựu, vinh quang như ngày hôm nay nếu không có công sức đóng góp và trí tuệ của những người thầy, những nhà khoa học gắn bó say mê, yêu nghề, yêu người như GS. Trần Quốc Vượng.

Trong cuộc đời đam mê “ngang dọc” khắp mọi miền Tổ quốc, ông đã "Theo dòng lịch sử" của dân tộc để "Tìm tòi và suy ngẫm", để “Đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”, để thấu hiểu con người, môi trường và văn hoá "Trên mảnh đất ngàn năm văn vật”. Trong những thập kỷ qua, hầu như không có một di tích lịch sử, một di chỉ, một thành tựu nghiên cứu khảo cổ quan trọng nào trên đất nước ta lại không có công phát hiện hoặc tham gia của ông. Là một trong những nhà khảo cổ học đầu ngành, cùng với đồng nghiệp, GS. Trần Quốc Vượng đã tham gia định danh, làm rõ những đóng góp và giá trị tiêu biểu của các nền văn hoá, các thời đại văn hoá Việt Nam trong mối liên hệ và tương quan với môi trường văn hoá khu vực, thế giới.

Ông tự nhận và các thế hệ đồng nghiệp, học trò đã thừa nhận ông là con người "Không đi thật nhiều, không nói thật nhiều và không viết thật nhiều thì ông không còn là ông nữa". Ông đã từng dành nhiều tháng năm lăn lộn với những chuyến đi khảo sát thực địa, “rong ruổi nơi đầu nguồn cuối biển”, từ trung tâm Hà Nội đến những nơi tận cùng của đất nước để tìm hiểu, nghiên cứu, phát hiện về lịch sử, văn hoá dân tộc. Ông đã vừa đi, vừa học, vừa chiêm nghiệm, thực sự dấn thân vào những vấn đề khoa học nan giải và đã vượt lên nhiều phong ba bão táp để làm nên một cánh chim bằng trong làng Sử học, Khảo cổ học, Văn hoá học Việt Nam. Trong gần 50 năm qua, ông đã viết hơn 50 đầu sách, gần 1.000 chuyên luận, bài báo trên hàng trăm loại tạp chí chuyên ngành và nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Những ngày lâm trọng bệnh, GS. Trần Quốc Vượng vẫn trăn trở với một số công việc còn đang dang dở, vẫn động viên một số học trò theo đuổi các dự định nghiên cứu. Trước lúc đi xa, ông vẫn gắng gượng để chỉnh sửa, hoàn thiện một số bài viết về quê hương Hà Nam như một sự hướng về nguồn cội. Phải có một tấm lòng yêu nghề và thông tuệ như ông - Trần Quốc Vượng, mới có thể thực hiện và hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ như vậy.

Nhiều công trình, giáo trình của ông và của các nhà khoa học cùng thế hệ đã đặt cơ sở ban đầu, thiết yếu cho việc nghiên cứu giảng dạy, học tập của sinh viên Khoa Lịch sử và nhiều khoa trong Trường ĐHKHXH&NV cũng như các trường đại học, cơ quan nghiên cứu và đào tạo trên cả nước. Các công trình nghiên cứu của GS. Trần Quốc Vượng không chỉ có giá trị tổng kết sâu sắc những thành tựu, quan điểm học thuật, cập nhật những thông tin khoa học mới trong nước, quốc tế mà còn gợi mở cho các nhà nghiên cứu thế hệ sau những định hướng, ý tưởng khoa học hết sức quý báu.

Ông là người đã trực tiếp đào tạo, hướng dẫn khoa học cho hàng trăm sinh viên, hàng chục học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nhiều người từng theo học hoặc chịu ảnh hưởng quan điểm học thuật của ông nay đã thành danh, đã và đang đảm trách những cương vị quan trọng trong các cơ quan quản lý, trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước.

Ông là người thầy, người bạn đồng tuế, đồng môn, đồng nghiệp và bạn vong niên với nhiều người học, tìm hiểu yêu mến lịch sử và lịch sử - văn hoá Việt Nam trong nước và quốc tế.

GS.Trần Quốc Vượng là người thực tế khơi mở và đi đầu trong việc thực hiện lối tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu. Nhiều công trình của ông thể hiện rõ cách tiếp cận liên ngànhđa ngành và xuyên ngành giữa Cổ sử và Khảo cổ học với Nhân học - Văn hoá học - Môi trường sinh thái học... Ông là một tấm gương lớn về tinh thần tự học, giỏi nhiều ngoại ngữ, sắc sảo và thông hiểu nhiều lĩnh vực, vấn đề khoa học và tất cả những điều đó khiến ông trở thành một học giả nổi tiếng quảng bác và uyên bác.

GS. Trần Quốc Vượng góp phần quan trọng làm nên danh hiệu, uy tín của Nhà trường và một số ngành học ở trong nước, khu vực và quốc tế. Ông thuộc lớp người đã làm nên vốn liếng tinh thần vô giá của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, của ngành Khảo cổ học, Lịch sử - Văn hoá học, Văn hoá dân gian, Văn hoá ẩm thực Việt Nam và ngành Hà Nội học…

Những mùa điền dã, khảo sát khắp Bắc - Trung - Nam, từ thị thành đến làng thôn và cả nhiều vùng đất xa xôi khác của đất nước để học - hỏi - hiểu - hành đã tôi rèn nên tài năng, danh tiếng của ông. Và chính ông, bằng lao động khoa học sáng tạo, độc đáo của mình đã làm rạng rỡ những đặc tính lịch sử - văn hoá của các vùng quê nơi ông đã từng sống và làm việc.

Là một nhà khoa học nổi tiếng trong nước và quốc tế, trong cuộc đời khoa học của mình GS. Trần Quốc Vượng đã từng tham gia và chủ trì nhiều hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế ở Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines… GS. Trần Quốc Vượng là người đã góp công gây dựng, thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế cho các ngành Khảo cổ học và Văn hoá học. Có thể nói không có một nhà khoa học quốc tế nào quan tâm, nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Việt Nam lại không biết đến tên tuổi và từng tham vấn ý kiến, khảo cứu những công trình của ông. GS. Trần Quốc Vượng là người đã có những đóng góp quan trọng đưa các ngành Lịch sử, Khảo cổ học, Văn hoá học… từng bước hội nhập với môi trường học thuật khu vực và quốc tế, làm cho thế giới hiểu thêm về truyền thống lịch sử và những đặc tính tiêu biểu của văn hoá Việt Nam. Trong bức điện chia buồn gửi đến Khoa Lịch sử và gia đình chiều ngày 8/8/2005, GS. Furuta Motoo, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Tokyo, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt viết: “GS. Trần Quốc Vượng mất đi là một tổn thất lớn đối với ngành Việt Nam học thế giới. Chúng tôi - những nhà Việt Nam học Nhật Bản đã từng có cơ hội tiếp xúc với Giáo sư Vượng và được Giáo sư Vượng dạy dỗ - vô cùng đau thương khi biết tin này và tưởng nhớ tới GS. Trần Quốc Vượng!".

Ông trở thành chính ông - GS. Trần Quốc Vượng. Và, cùng với những bậc đại thụ khác đi tiên phong, bền bỉ, kiên định trong suốt dặm đường dài để xây dựng, phát triển các khoa học Lịch sử và của ngành khoa học xã hội Việt Nam.

Giáo sư đã có một cuộc sống thực sự đáng giá!

Không phải chỉ hơn nửa thế kỷ qua nhiều người đã, đang cần đến ông mà mãi về sau các thế hệ học trò, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử, Khảo cổ học và Văn hoá học… cũng sẽ vẫn cần đến ông.

Tắm mình vào môi trường lịch sử - văn hoá của nhân dân, đất nước, thời đại để chắt lọc và trao truyền, nhân lên cho thế hệ trẻ tình yêu khoa học lịch sử và lòng tự hào dân tộc, tinh anh của GS.Trần Quốc Vượng vẫn còn sống mãi, sáng mãi với đời.
 
Hà Nội, mùa thu 2005
Hải Thanh - Ảnh: Bùi Tuấn [Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2005]

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây