Phan Đại Doãn: nhà khoa học - nhà giáo
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, là đơn vị hàng đầu về đào tạo và nghiên cứu sử học của cả nước (năm 2000 Khoa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới). Làm nên một khoa Lịch sử Anh hùng là đóng góp của lớp lớp thày cô giáo và sinh viên. Sau thế hệ xây nền đắp móng với các giáo sư Đào Duy Anh, Trần Văn Giầu, Trần Đức Thảo, rồi “tứ trụ” Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, là nhiều tên tuổi lớn của nền sử học Việt Nam hiện đại. Trong số này, có một gương mặt xứ Nghệ tiêu biểu: GS.NGND Phan Đại Doãn.
Giáo sư Phan Đại Doãn tuổi Bính Tý, sinh ngày 18 tháng 11 năm 1936 tại xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Theo lời ông kể thì gia đình ông không thuộc diện nghèo, nhưng làng ông - hay cả vùng quê ông thì nghèo lắm. Cả tuổi thơ ông sống với bạn bè cùng trang lứa, phần lớn là con nhà nghèo, nên tâm hồn ông sớm cảm thông và sẻ chia, và có lẽ từ trong sâu thẳm đó mà sau này, khi đã trở thành cán bộ giảng dạy đại học, cùng là cái nghèo cái khó thời bao cấp, nhưng ông vẫn sẵn sàng chia cho học trò đến bơ gạo cuối cùng, đồng xu cuối cùng. Ký ức tuổi thơ về một vùng quê nghèo cứ bám đuổi ông, để sau này ông viết những dòng thật cảm động mở đầu cuốn sách Làng Việt Nam một số vấn đề kinh tế - xã hội: “Tôi xin nói về vùng quê xứ Nghệ của tôi cách ngày nay ba bốn chục năm. Dầu cho các sách báo ca ngợi rằng đây là nơi giàu đẹp, đất đai phì nhiêu, nhưng đối với tôi, cái nghèo và cái khổ đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, chẳng thể phai mờ. Vào mùa hè, bãi cát đầu làng ran rát bỏng đôi bàn chân không giày dép. Dây khoai gầy và héo, ủ rũ trên vồng đất bạc màu trơ cát sỏi. Người nông dân đầu tắt mặt tối, đen, khô, sắt lại đến giới hạn tận cùng. Trẻ mục đồng đói bụng cồn cào, moi khoai sống mà không cần phải rửa, phải cạo, cứ xoa xoa phủi phủi rồi “ngạp” ngốn ngấu. Tôi thật sự thông cảm, pha chút tủi buồn”. Nhưng cũng chính trong cái nghèo, cái khó đó, những phẩm chất đẹp đẽ nhất của con người lộ lên sáng ngời như ngọc: “Nhưng đồng thời, quê tôi và hầu hết làng quê khác lại rất kiên cường mạnh mẽ, rất cộng đồng và cởi mở, vững chắc mà nhân hậu, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa cả cứu nước cứu dân. Dường như cái gì cũng là của chung, có ấm nước chè xanh cả xóm cùng uống, có mái nhà cần lợp cả xóm cùng giúp, các thanh niên lên đường nhập ngũ đi chống Pháp, chống Mỹ cả xóm cho tiền “uống nước”, “hút thuốc”, hoặc có ai ở xa lâu ngày mới về thăm quê, bà con nào cũng mời cơm “rau dưa” thân mật. Làng quê cũng là một điểm tựa trong cuộc sống của tất cả mọi người từ khi chào đời đến lúc tắt thở”[1]. Ông đi qua tuổi thơ và lớn lên trong làng quê và vùng quê ấy, dẫu đời sống vật chất gia đình ông không thật khó khăn, mà tâm hồn ông thì dường như lại sớm nhọc nhằn, rồi sẽ đeo đẳng ông suốt cuộc đời làm thầy, làm nhà khoa học.
Năm 1956, học hết cấp III, ông trở thành sinh viên khóa đầu tiên của Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1959, tốt nghiệp xuất sắc, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại. Từ đây, bắt đầu một cuộc phấn đấu không mệt mỏi của ông cho đến lúc nghỉ hưu: để làm nhà khoa học, để làm nhà giáo - làm thầy hơn bốn mươi năm (1959-2003). Gần một nửa thế kỷ, ông dường như đã nếm trải đủ mọi cay đắng ngọt bùi, đủ mọi được mất hơn thiệt đời người. Trong nhân gian, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một quan niệm. Chỉ biết rằng ông đã hết mình cho cuộc nhân gian đó, để xứng danh với tên gọi thật giản dị: nhà khoa học - nhà giáo Phan Đại Doãn.
Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại ngay từ đầu đã là nơi hội tụ của những tên tuổi lớn. Người Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn là nhà sử học, nhà văn hoá lớn Đào Duy Anh, với những cán bộ giảng dạy trẻ như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, tiếp đó là các sinh viên xuất sắc Khoá I được giữ lại như Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm… Sau khi Giáo sư Đào Duy Anh chuyển công tác khác (1958), Giáo sư Phan Huy Lê đảm nhiệm trọng trách Chủ nhiệm Bộ môn trong suốt ba mươi năm (1988). Dưới sự tổ chức của Giáo sư Phan Huy Lê, Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại đã trở thành nòng cốt, nhân tố hợp lực trong việc triển khai nhiều công trình nghiên cứu lớn, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Trong số những người tiên phong nhất trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ môn luôn có mặt Giáo sư Phan Đại Doãn.
Thập niên sáu mươi và đầu bẩy mươi thế kỷ trước, chặng đường đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của ông, là khi đất nước phải tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược của đế quốc Mỹ. Góp phần trực tiếp vào cuộc chiến đấu này, giới sử học tập trung hướng nghiên cứu vào các vấn đề truyền thống dân tộc, trong đó truyền thống chống ngoại xâm được đặc biệt ưu tiên nhằm động viên, khích lệ tinh thần yêu nước, lòng tự hào và ý chí quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiều công trình về lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm thời kỳ cổ trung đại lần lượt ra đời trong thời gian này. Ông cùng Giáo sư Phan Huy Lê viết Khởi nghĩa Lam Sơn (in lần đầu năm 1965, đã tái bản lần thứ ba), cùng với Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, được coi là những cuốn sách tiêu biểu của sử học Việt Nam hiện đại viết về đề tài này. Rồi ông cùng viết Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (in lần đầu 1976, tái bản 2004), viết Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 (in lần đầu 1976, tái bản 1979). Cuối thập niên tám mươi thế kỷ trước, ông cùng Bộ môn “cày xới” đất Nghĩa Bình khảo sát về khởi nghĩa Tây Sơn, để rồi là tác giả và đồng tác giả bộ sách bốn tập Tư liệu về Tây Sơn Nguyễn Huệ (tập I: Trên đất Nghĩa Bình, tập II: Khởi nghĩa diệt Nguyễn chống Xiêm, Tập III: Diệt Trịnh - đại phá Mãn Thanh, tập IV: Xây dựng đất nước). Bên cạnh những sách mang tính chuyên khảo, ông còn có một loạt các luận văn về lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Trong những thành tựu của Khoa Lịch sử, của Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, mảng đề tài kháng chiến chống ngoại xâm có thể coi là một thành tựu tiêu biểu, trong đó có đóng góp to lớn của Giáo sư Phan Đại Doãn.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề kinh tế - xã hội và tư tưởng - văn hoá. Sức viết của ông cũng từ đây bắt đầu tăng lên không ngừng (tính đến năm 2006, khi Khoa Lịch sử tròn nửa thế kỷ, ông đã công bố 151 công trình, trong đó có tới 140 công trình công bố sau năm 1975). Ông viết rộng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực. Ngoài mảng đề tài kháng chiến chống ngoại xâm vẫn được tiếp tục thì mảng đề tài mà ông tập trung nhiều hơn cả, làm nên tên tuổi Phan Đại Doãn trong nước và quốc tế là làng xã. Không bó hẹp trong nghiên cứu truyền thống, ông gắn truyền thống với hiện đại - từ truyền thống soi về hiện đại, giải mã hiện đại. Vì thế mà các công trình của ông có giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc. Xin được trích dưới đây đánh giá về những đóng góp của Giáo sư Phan Đại Doãn với việc nghiên cứu về làng xã Việt Nam trong Lời giới thiệu cuốn sách Làng Việt Nam đa nguyên và chặt do các học trò, đồng nghiệp của ông tổ chức nhân dịp mừng ông bẩy mươi tuổi:
“…Dường như ông sinh ra là để nghiên cứu và đào tạo về làng xã Việt Nam. ông quanh năm, suốt đời cặm cụi với cái làng “đa nguyên và chặt” của mình, bởi vì theo ông, “làng quê là một điểm tựa trong cuộc sống của tất cả mọi người từ khi chào đời cho đến lúc tạ thế”.
Từ đầu những năm 1960 cho đến giữa những năm 1970, là thời kỳ ông chuyên tâm học hỏi, tự tìm, tự bơi, tự xác định phương hướng cho riêng mình giữa biển cả làng xã mênh mông của các vùng xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc, xứ Thanh, xứ Nghệ… Loạt bài viết của ông vào những năm 1977, 1978 cũng mới chỉ là những làng chiến đấu trong kháng chiến chống Minh, những làng gốm miền Bắc, những làng khai hoang Kim Sơn, Tiền Hải. Phải đến đầu những năm 1980, ông mới bắt đầu xuất hiện với tư cách là một chuyên gia đích thực về làng xã Việt Nam. Ông dồn tâm dồn sức, thể nghiệm, suy tư, tìm tòi cho mình một lối đi riêng, thật dân dã, chất phác, mà sâu sắc, độc đáo đến bất ngờ. Đây cũng là những năm tháng ông tự hoàn thiện các mô hình lý thuyết với những khái niệm và thuật ngữ khoa học, có thuật ngữ đã trở thành tài sản chung của giới nghiên cứu làng xã Việt Nam và thế giới, mà vẫn còn rất đậm phong cách Phan Đại Doãn. Từ cuối thập kỷ tám mươi và thập kỷ chín mươi của thế kỷ XX, ông viết hối hả, viết như đang chạy đua với thời gian để thể hiện hết mình. Ông “bao sân” từ những vấn đề về lý luận chung, những khái quát mô hình làng Việt cổ truyền cho đến các vấn đề cụ thể. Ông say mê với cơ cấu tổ chức, quản lý, kinh tế, văn hóa làng xã nhưng vẫn không bỏ qua dù chỉ một góc sân riêng. Lúc đầu ông định khoanh phạm vi nghiên cứu của mình ở làng Việt cổ truyền miền Bắc, rồi sau ông mở ra cả khu vực các dân tộc thiểu số ở miền núi, làng xã thời kỳ cận đại và hiện đại, làng xã ở các khu vực miền Trung và miền Nam. Ông trăn trở với những vấn đề hết sức bức xúc của nông thôn, nông nghiệp như lao động, việc làm, phân hóa giàu nghèo, công bằng xã hội, thiết chế dân chủ… Ông đặc biệt quan tâm đến thể chế kinh tế và xã hội nông thôn, cấp thôn bản, bộ máy quyền lực cấp xã, quản lý nông thôn vùng dân tộc thiểu số…
Từ những năm 1990, nhiều công trình của Giáo sư Phan Đại Doãn không chỉ có tính tổng kết khoa học cao mà còn có khả năng dẫn dắt nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống thực tiễn… Ông chính là người khai mào, thúc đẩy và góp phần tạo nên sự phát triển vượt bậc của môn học về làng xã Việt Nam ở trong nước và nhiều nước trên thế giới, tính từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây”[2].
Ông cũng viết nhiều về tư tưởng - các vấn đề về Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, về tín ngưỡng dân gian, nhưng dù gần hay xa cũng đều gắn với làng xã. Và chính bởi xuất phát từ làng xã mà sự luận giải của ông về các vấn đề tư tưởng nêu trên đi đến được bản chất của vấn đề hơn.
Số lượng công trình ấy, những đóng góp đáng trân trọng ấy đủ làm nên một tên tuổi Phan Đại Doãn - nhà khoa học. Công trình Làng xã Việt Nam: Một số vấn đề kinh tế - văn hoá - xã hội của ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.
Nhưng nhà khoa học Phan Đại Doãn không tách rời nhà giáo Phan Đại Doãn. Bao nhiêu năm làm nhà khoa học thì có bấy nhiêu năm ông làm thầy - nghĩa là cho tới khi nhắm mắt xuôi tay cho dù nay sức ông đã yếu đi nhiều. Làm thầy, ông không thuộc nhóm những người có tài hùng biện. Ông “có gì nói ấy” chân chất như người nông dân xứ Nghệ, vậy thôi nhưng vẫn lôi cuốn người nghe, lôi cuốn học trò, bởi chiều sâu của kiến thức và đặc biệt là những chiều cạnh của vấn đề luôn được ông suy ngẫm, mổ xẻ. Vì thế mà học trò theo ông rất đông, từ các cô cậu sinh viên mới năm một năm hai chập chững làm báo cáo khoa học, làm niên luận, đến những sinh viên năm cuối làm khóa luận tốt nghiệp, những người làm thạc sĩ, làm tiến sĩ. Đến ngày trọng bệnh, ông đã hướng dẫn (phần lớn là hướng dẫn chính và độc lập) 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Không phải chỉ là những nghiên sinh về Lịch sử Việt Nam hay Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, mà thuộc nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều người trong số đó nay đã trở thành những nhà khoa học tên tuổi, đảm nhiệm những vị trí quan trọng của các cơ quan nghiên cứu khoa học Trên 20 Tiến sĩ đã được ông đào tạo, với chất lượng như thế, đời một người làm nhà khoa học - làm thầy mấy ai có được. Đó là kết quả của sức hút trí tuệ - nhưng còn phần quan trọng không kém - là sức hút của nhân cách Phan Đại Doãn. Ông được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân và ông xứng đáng với mọi ý nghĩa của danh hiệu này.
Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, nơi ông làm việc từ ngày tốt nghiệp đại học đến lúc nghỉ hưu, là một trong những bộ môn ra đời ngay sau ngày thành lập khoa Lịch sử, thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là một cán bộ giảng dạy, ông cần mẫn và trách nhiệm với mọi nhiệm vụ, kể cả những công việc “đoàn thể” - như công đoàn. Mãi tận tuổi 60 (năm 1996) ông vẫn chẳng nề hà nhận chức Chủ nhiệm Bộ môn khi “tiền nhiệm” - một học trò của ông - lên “chức vụ” cao hơn. Ông đã hết mình. Ông - bằng toàn bộ cuộc đời công tác của mình - đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiêp xây dựng và phát triển của Bộ môn, của khoa Lịch sử nói chung.
Ông cùng tuổi cha tôi. Năm 2000, cha tôi bệnh trọng, rồi qua đời để lại trong tôi nỗi đau mãi nhiều năm sau vẫn chưa thể nguôi ngoai. Cũng năm 2000, ông bị bệnh nặng. Thế là hết những ngày ông vào trường, vào khoa, cuối buổi đèo ông về nhà bằng xe máy, rồi vào quán bia bình dân gần nhà ông thày trò làm đôi ba vại, nhấm nháp vài gói lạc rang, không ăn uống gì nhiều vì còn phải để bụng về “ăn cơm vợ”. Nhưng con người khoa học, con người nhà giáo trong ông thì vẫn không hề ngừng nghỉ. Có quyển sách mới, có bài viết mới, chưa kịp mang ra biếu là ông gọi điện nhắc nhở - đủ biết ông vẫn quan tâm, vẫn từng ngày dõi theo mỗi bước tiến của học trò. Không nâng được cây bút nữa nhưng ông vẫn đều đặn có bài in, có sách ra, thì đã có “thư ký” - người bạn đời ông - lấy từ trong đống bản thảo cũ, ghi chép lời ông hay đọc lại lời ông, đọc suy nghĩ của ông... Tấm gương ấy, nhân cách ấy, lớn lao thay.
PGS.TS Vũ Văn Quân
Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội
[1] Phan Đại Doãn: Làng Việt Nam một số vấn đề kinh tế xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.3.
[2] Lời giới thiệu của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc trong sách Làng Việt Nam đa nguyên và chặt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.6-8