… Ở đời có hai chuyện: sự nghiệp và nhân cách là đáng kể hơn cả. Trong đó, nhân cách có thể ví như là một thứ vàng ròng, mà đã "ròng" thì dù có một phân hay một lượng cũng là vàng ròng. Nói nhiều không ăn thua, làm được nhiều việc mới ăn thua. Còn như, bằng cách nào đó để cho người khác tuyên dương mình, đó không phải là đất đứng vững được. Mà làm thế nào qua những cuộc bể dâu, mình tỏ ra xứng đáng với vai trò của mình, không ai kêu ca lắm; có được như vậy là được rồi.
Có lẽ tôi đã nói một, hai lần với chú (PGS. Nguyễn Phan Quang) rằng: giảng dạy trong tù cũng là giảng dạy. Nhưng cái người ta chú ý có lẽ là người ta xem coi mình làm có đúng với cái mình nói, mình dạy hay không? Nếu đúng thì học trò theo, anh em theo, người ta tin tưởng; nếu không đúng thì vị tất đã xứng đáng là thầy giáo. Việc làm lớn nhất của người thầy giáo là làm gương.
Nghề giáo hay ở chỗ truyền lại cho mọi người những cái gì hay mà mình học được trong sách vở thánh hiền, những nhà lỗi lạc xưa nay. Mình làm cho con người yêu mến con người hơn. Vả chăng, khi mình giảng dạy cho người khác cũng là một cách mình làm thầy giáo cho chính mình, lợi cho thiên hạ mà trực tiếp là lợi cho mình. Hằng ngày mình nghĩ và nói như thế, dù nhiều, dù ít tự nhiên mình cũng phải làm như thế. Nói với người ta mãi như vậy thì rồi rốt cục mình cũng sống như vậy; nếu không thì hóa ra mình là người giả dối. Dù có lặp lại những tư tưởng hay của người khác mà bản thân mình không thực hiện hay hướng theo đó thì không thể là người thầy giáo thực sự được.
Tôi làm nghề giáo, bắt đầu việc giảng chính trị, giảng về cách mạng, cũng tức là giảng về những điều quý nhất của con người ta, nhất là dưới chế độ thuộc địa. Mình thấy làm việc này là kế tục sự nghiệp ông cha, có thể nói là mình góp phần làm cho dân tộc tiến bộ lên, xứng đáng với lịch sử hơn, bản thân mình xứng đáng với đồng bào mình hơn.
Cái hay nhất của nghề giáo là lựa chọn - dạy là chọn (enseigner c'est choisir) - lượm lặt những cái gì hay nhất về tinh thần để nói cho người khác. Thầy giáo có thể coi như một quyển sách, nhưng là quyển sách biết gạt bỏ những cái gì xấu, dở, dối trá để giữ lại cái gì đúng, hay, sự thật. Thầy giáo tựa như một cuốn lịch toàn thư (almanach) cổ kim đông tây. Nếu người Công giáo luôn có cuốn Kinh Thánh (Évangile) bỏ trong túi, thì thầy giáo tuy không có sách trong mình, nhưng trong mình lại đầy những cái hay ở đời, tóm lược (résumer) lại, rồi hằng ngày lặp đi lặp lại, tựa như khắc ghi trên đá, càng ngày càng sâu thêm, xét cho cùng là chính nó làm ra mình, tạo ra nhân cách của mình.
Ưu điểm của thầy giáo là đã dạy người ta thì không thể dạy điều dở mà phải dạy điều hay, điều ngay thẳng; nên bản thân thầy giáo, dù muốn dù không, phải là một cái “túi khôn” thì mới truyền được cái khôn cho người, mà trước hết lại là có lợi cho bản thân thầy giáo, cho bản thân mình. Thầy giáo không phải là người giữ vàng cất trong kho, mà là đem vàng gieo ra cho mọi người, càng rộng càng hay. Với ý nghĩa đó, thầy giáo là người hào hiệp (généreux) về tư tưởng và hành vi tốt. Cho nên ngày xưa người ta trọng ông thầy nhiều khi hơn cả cha mình, đó là điều có lý. Sau này người ta học nhiều thầy quá, mà ông thầy gắn bó với học trò không bao nhiêu, do vậy ảnh hưởng của ông thầy đối với học trò không được như xưa. Dù sao, ông thầy vẫn là người tập hợp những điều hay trong cuộc đời, mà điều đáng quý nhất trong cuộc đời chính là những điều hay.
Bây giờ tôi nói về nghề dạy sử của tôi. Đây cũng là do tình cờ (par hasard) thôi; vả chăng làm chính trị cũng là làm sử. Tôi nghĩ: ở trên đời không có sách nào, đạo lý nào có tác dụng xây dựng con người bằng sử hết. Sử là cách xây dựng hơn hết. Triết lý có thể xây dựng con người, nhưng nói chung là trừu tượng. Kinh kệ có nhiều cái hay, nhưng lại là việc xa vời, mông lung. Tôi thấy duy có môn sử là môn gắn liền với con người hơn hết, trong đó chính tà, phải quấy, tốt xấu..., các loại người được ghi lại, dựng lên một cách điển hình. Cho nên sử là sự biểu hiện để mình lựa chọn những điều hay dở, tốt xấu, nên chăng...
Theo tôi, giáo dục tư tưởng cho nhân dân ở bất kỳ thời nào, nhất là hiện nay, thì học sử nói chung, lịch sử cách mạng và kháng chiến nói riêng là cách giáo dục tư tưởng sâu xa nhất, cụ thể nhất. Không có quyển Đạo đức (Morale) nào hơn lịch sử, trước hết là lịch sử cách mạng và kháng chiến của mình. Các thứ tốt xấu, mưu trí cao, mưu trí hẹp, mưu trí thiện, mưu trí ác... đều hiển hiện trong lịch sử cả. Cho nên cái nghề sử - không phải mình làm nghề đó mà khen nó - là môn giáo dục uốn nắn, làm tốt cho con người ta hơn bất kỳ môn học nào. Đương nhiên còn tùy cách người ta viết sử, dạy sử như thế nào, nhưng sử là môn khoa học mà tính giáo dục, tính “trồng người” chắc chắn, sâu sắc nhất, mà lại không chán, rất biến hóa (varié).
Con người vốn rất khác biệt. Con người trong lịch sử lại càng rất khác nhau. Mà học tập qua lịch sử lại dễ dàng, dễ nhớ. Có thể qua lịch sử mà học được bao nhiêu chuyện: người làm quan, người làm dân, người làm chính trị đều học được trong lịch sử cả. Có thể giỏi về sử mà không phải thánh hiền, nhưng không có thánh hiền nào dốt về sử. Học sử có tầm quan trọng như thế cho nên người viết sử, dạy sử phải ý thức về trách nhiệm của mình vì sự thật lịch sử và sự thật viết trong sử nhiều khi không giống nhau.
Cho nên nhiệm vụ những thầy giáo sử là không chỉ đề cao mà có lẽ trước hết là phê phán. Nhiệm vụ thầy giáo nói chung và thầy giáo sử nói riêng là làm cho cuộc sống mỗi người - tuy cũng đều chỉ sống bấy nhiêu thôi - nhưng sống cuộc sống đông đặc hơn người không biết sử. Cũng là bấy nhiêu của cải (một đời người), nhưng người biết sử là người giàu có hơn. Người am hiểu lịch sử, với ý nghĩa đó, là người "đầy đủ" hơn.
****
Đúng 100 ngày sau khi GS.NGND. Trần Văn Giàu tạ thế, PGS.TS. Phạm Hồng Tung được GS. Nguyễn Phan Quang gửi cho cuốn GS. Trần Văn Giàu: Nghe Thầy kể chuyện. PGS.TS. Phạm Hồng Tung viết "Cầm cuốn sách trên tay lòng tôi rưng rưng xúc động, vừa nhớ Thầy Giàu, vừa thầm biết ơn Thầy Nguyễn Phan Quang. Tôi vội mở sách, vừa đọc, vừa suy ngẫm về những điều nhắn nhủ của Người Thầy lớn. Đây là những lời căn dặn của Thầy Giàu đã được Thầy Nguyễn Phan Quang ghi lại theo một cách vô cùng cẩn trọng của một sử gia chuyên nghiệp. Có những đoạn Thầy Giàu chia sẻ tâm sự và suy nghĩ rất đặc biệt của Thầy về nghề làm thầy và nghề dạy sử. Tôi nghĩ đây là lời chia sẻ, di huấn chung cho tất cả đồng nghiệp và học trò của Thầy, nên xin chép lại ra đây để mọi người cùng đọc, ghi nhớ và suy nghĩ".
Tiêu đề bài viết do Ban biên tập đặt, trích từ dòng viết của GS.NGND. Trần Văn Giàu. Xem Nguyễn Phan Quang, GS. Trần Văn Giàu: Nghe Thầy kể chuyện, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr.43-48.
Website Khoa Lịch sử