Vài ký ức của tôi về Giáo sư Hà Văn Tấn

Thứ tư - 29/12/2021 16:32
Tôi bắt đầu biết anh Hà Văn Tấn từ năm 1956-1957 khi anh là sinh viên năm thứ 2 khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và lưu trú tại ký túc xá Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách Khoa). Do nhu cầu giáo viên cấp 3 cho các trường sau khi hòa bình lập lại, khóa học chỉ có 2 năm , nên từ hè năm 1957 sau khi tốt nghiệp vào loại xuất sắc - nếu tôi không lầm thì anh đứng thứ hai (á nguyên), đứng thứ nhất (giải nguyên) là anh Hoàng Văn Lân (hiện nay là Phó giáo sư ở Đại học sư phạm Vinh), anh Tấn được giữ lại trường làm công tác giảng dạy ở Bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam do Giáo sư Đào Duy Anh phụ trách.
Vài ký ức của tôi về Giáo sư Hà Văn Tấn
VÀI KÝ ỨC CỦA TÔI VỀ GIÁO SƯ HÀ VĂN TẤN
                                                                                                              
Tôi bắt đầu biết anh Hà Văn Tấn từ năm 1956-1957 khi anh là sinh viên năm thứ 2 khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và lưu trú tại ký túc xá Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách Khoa). Do nhu cầu giáo viên cấp 3 cho các trường sau khi hòa bình lập lại, khóa học chỉ có 2 năm , nên từ hè năm 1957 sau khi tốt nghiệp vào loại xuất sắc - nếu tôi không lầm thì anh đứng thứ hai (á nguyên), đứng thứ nhất (giải nguyên) là anh Hoàng Văn Lân (hiện nay là Phó giáo sư ở Đại học sư phạm Vinh), anh Tấn được giữ lại trường làm công tác giảng dạy ở Bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam do Giáo sư Đào Duy Anh phụ trách.

Kỳ nghỉ hè chấm dứt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (mới được thành lập từ năm học 1956) dời về ký túc xá mới cuối phố Lò Đúc (khu Việt Nam học xá dành hoàn toàn cho trường đại học Bách Khoa) nên anh Tấn với tôi có điều kiện ở gần nhau, căn phòng của anh Tấn đối diện với căn phòng gia đình tôi cách nhau chỉ có mảnh sân nhỏ với một bể nước công cộng, 10 hộ dùng chung. Cùng công tác trong một khoa - dù thuộc hai bộ môn khác nhau (anh Tấn ở bộ môn Cổ đại Việt Nam, sau đó thêm Khảo cổ học; tôi thuộc bộ môn Cận - Hiện Việt Nam, sau đó có thêm dân tộc học), lại ở gần nhau nên cũng thân quen nhau. Anh Tấn lại ở cùng với anh Đặng Huy Vận chung bộ môn với tôi nên những lúc rảnh rỗi, những ngày nghỉ, tôi hay sang chơi bên hai anh; có lúc tôi sang ngồi nhờ làm việc bên phòng hai anh vì nhà tôi hẹp, lại có trẻ con, còn phòng hai anh rộng vì bố trí cho bốn cán bộ mà mới chỉ có hai anh. Chính tôi hoàn thành việc biên soạn cuốn Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế ngay tại phòng anh Hà Văn Tấn, tại một đầu của chiếc bàn rộng, góc phòng là bốn chiếc hòm gỗ cá nhân chỉ hai chiếc có chủ.

Cái thuở ban đầu nghiên cứu và còn hàn vi ấy, bây giờ nhớ lại có chuyện thật hồn nhiên mà cũng thật cảm động. Có lần không hiểu tại sao, bốn chúng tôi (Lê, Tấn, Vượng, Lâm) lại hăng hái viết chung với nhau một bài về Thủ đô Hà Nội - chắc đây là sáng kiến của anh Trần Quốc Vượng - gửi đăng báo Thủ đô Hà Nội (tiền thân báo Hà Nội mới ngày nay), ký bút danh Trần - Hà (Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn) và Lê - Lâm ( Phan Huy Lê và Đinh Xuân Lâm). Sau khi bài được đăng, nhận tiền nhuận bút (lâu quá rồi tôi không còn nhớ là bao nhiêu, dù cho là cao nhất cũng chỉ năm đồng là cùng, vì sau đó bốn chúng tôi ra liên hoan tại hiệu Bôđêga thì mỗi người chỉ được “hưởng thụ” một chiếc bánh kem và một cốc cà phê đá!). Từ sau đó gần như thành lệ là mỗi khi có ai đăng báo hay tạp chí thì lại đưa nhau ra Bôđêga, lệnh đó tiến hành khá chặt chẽ một thời gian mới kết thúc, không nhớ kết thúc vào lúc nào và vì lẽ gì, có thể về sau các bài đăng báo và tạp chí ngày càng nhiều mà còn cả in sách nữa, nếu có liên hoan thì quy mô phải lớn hơn, phải toàn tổ hay toàn khoa, như lần toàn khoa ở khách sạn Phú Gia nhân dịp giáo trình Lịch sử Việt Nam được Bộ Giáo dục tặng bằng khen. Lần này còn có đại diện trường; đặc biệt có cả giáo sư khảo cổ Bôricốpxki đang làm chuyên gia tại khoa Lịch sử tham dự.

Anh Hà Văn Tấn sau khi được giữ lại trường công tác đã sớm tỏ rõ khả năng nghiên cứu, từ lúc anh mới trên dưới 20. Thông minh và hiếu học, anh nhanh chóng nắm được một số ngoại ngữ cần thiết cho công tác nghiên cứu như Anh, Pháp, Nga. Đặc biệt anh thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, kể cả chữ Phạn và chữ Nhật nữa, mà tất cả đều là tự học; không phải theo một lớp chính quy nào. Có lợi thế về ngoại ngữ như vậy, anh Hà Văn Tấn có điều kiện mở rộng và đi sâu tham khảo các sách báo nước ngoài còn hiếm hoi hồi đó để đi vào một vấn đề “Phương thức sản xuất Châu Á” trước cán bộ và sinh viên khoa Lịch sử. Trong cuộc hội thảo về chế độ nô lệ ở Việt Nam tiến hành ở Thủ đô Hà Nội năm 1960 với sự tham gia của đông đảo cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, cũng như sau đó, anh Hà Văn Tấn đã viết riêng hay chung với anh Trần Quốc Vượng nhiều bài trao đổi ý kiến với Giáo sư Văn Tân là người chủ trương có chế độ nô lệ ở Việt Nam. Có bài anh Tấn vừa viết xong, hình như là bài Trở lại vấn đề tô tem của người Việt là tôi “xung phong” cầm lên nộp ngay cho Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu để đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Tôi còn nhớ là để viết bài này anh Tấn đã tham khảo nhiều sách khoa học nước ngoài để phản bác ý kiến của Giáo sư Văn Tân, chứng minh rằng con chim “Cù dục” mà Giáo sư Văn Tân cho là tô tem của người Lạc Việt không phải con gì lạ lẫm mà chính là con sáo thân thuộc chốn đồng quê Việt Nam. Những bài nghiên cứu về Cột Kinh Phật phát hiện ở Hoa Lư, về Vấn đề Việt Nam và phương Đông cổ đại, về Bài minh trên chuông Thông Thanh Quán… và đặc biệt là công trình nghiên cứu có giá trị “Chống Nguyên – Mông” (viết chung với Giáo sư Phạm Thị Tâm) đã khẳng định từ rất sớm trình độ uyên bác, khả năng thâm hậu của anh Tấn. Để rồi sau đó, cùng với thời gian ngày càng nở rộ với hàng loạt luận văn về khảo cổ, về tư tưởng Việt Nam, về Phật học.

Làm việc lâu năm cùng cơ quan với anh Tấn, lại được chứng kiến từng bước đi vững chắc của anh trong nghiên cứu, tôi lại thấy rõ một đức tính lớn của anh mà tôi dù muốn cũng không sao học được. Đó là cách làm việc chắc chắn, cẩn thận, chu đáo, đến nơi đến chốn, tuyệt nhiên không bao giờ nóng vội, chạy theo sản phẩm.

Giờ đây, Giáo sư Hà Văn Tấn đã làm Viện trưởng Viện khảo cổ học, là một nhà khảo cổ có uy tín trong và ngoài nước. Nhưng tôi muốn nói thêm là sự am tường của anh về văn học cũng rất sâu sắc, anh dịch thơ chữ Hán cũng rất hay, có lần anh Nguyễn Bỉnh Khôi (ở Nhà xuất bản Văn học, anh Khôi nay đã mất) khi biên tập cuốn Hợp tuyển thơ yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858 - 1900) đã chọn đăng bài thơ Tặng thiếu niên tòng quân của nhà thơ yêu nước Vũ Tự đất Nam Hà với bài dịch rất sát nghĩa và hay của Hà Văn Tấn.

Tuy bài viết này đã dài, nhưng vẫn xin đăng cả bài nguyên tác kèm theo bài dịch của Hà Văn Tấn:
Mãn mục vân sơn sấu,
Thu phong thướng tú yên,
Cần vương đa nghĩa sĩ,
Sát tặc khởi cầu quan.
Nhất mã sậu quan ngoại,
Nhi đầu huyền yêu gian.
Nam nhi ngộ tri kỷ,
Thế sự tức vô nan.
Dịch:
Mây núi gầy trong mắt,
Lên yên trước gió thu.
Giúp vua, nhiều nghĩa sĩ
Giết giặc, quan chẳng cầu.
Ngoài ải bay một ngựa,
Bên lưng đeo hai đầu.
Làm trai gặp tri kỷ,
Việc đời khó gì đâu.


Tôi rất thích bài dịch của anh Tấn vì phong vị thơ Đường, là thơ dịch mà hơi thở mạnh, đầy hứng khởi.

Có một lần, nhân đọc bài: Thác lời người trai phường nón của Nguyễn Du do một nhà xuất bản có uy tín ở trung ương biên tập, anh Hà Văn Tấn đã vạch ra cho tôi thấy khá nhiều giải thích sai lầm của bản in, nhất là khi chú thích các từ địa phương Nghệ Tĩnh, ở Nghi Xuân quê anh.

Cuối cùng, tôi nhận thấy rằng sẽ rất thiếu sót khi nói về Hà Văn Tấn mà không đề cập đến tính hài hước đôi khi pha chút châm biếm của anh, một nét chung của người dân xứ Nghệ, nhưng ở anh Tấn có phát triển hơn ở người khác, có lẽ vì anh thông minh và mẫn tiệp hơn người. Dẫn chứng thì nhiều, chỉ xin nhắc lại với anh Tấn ba chuyện, có lẽ anh đã quên vì đã quá lâu, nhưng đối với tôi lại là những kỷ niệm nhớ đời trong dịp cùng anh và anh Phan Huy Lê về viết lịch sử quê hương Nghệ Tĩnh.

Chuyện thứ nhất là hôm cùng nhau đi ô tô qua Bãi Vọt (xưa kia vốn là một vùng đồi vắng, người đi đường qua đây rất sợ bị cướp, nhưng nay đã trở thành thị trấn Hồng Lĩnh đông vui), anh Tấn đã giải thích đùa vui rằng có địa danh này là vì sợ bị cướp nên phải “vọt” (tiếng Hà Tĩnh “vọt” là nhảy), chứ không đi bình thường được!

Cũng như có hôm đi xe comăngca trên đoạn đường chợ Nhe (Cam Lộc) đường xóc, nhiều khi xe lồng lên, người ngồi trong xe đập đầu vào trần xe rất mạnh, khá đau, anh Tấn đã pha trò: đúng là đường đi chợ Nhe vì xe xóc, đập đầu vào trần xe, đau đến “nhe răng”!

Nhưng vui nhất là có một lần anh Hà Văn Tấn cùng anh Phan Huy Lê và tôi về huyện Nghi Xuân là quê anh Tấn để sưu tầm tư liệu biên soạn cuốn Lịch sử Hà Tĩnh theo yêu cầu của tỉnh. Tại địa phương có một ngôi nhà thờ họ Phan, một vị lãnh đạo địa phương cùng người họ Phan đã sốt sắng mời chúng tôi đến thăm nhà thờ, thắp hương làm lễ. Trước khi lên xe ra về có chụp ảnh kỷ niệm. Dạo đó chúng tôi vào dịp ngày mùa, cánh đồng lúa trước nhà thờ họ Phan đã chín vàng, có rất đông người đang gặt. Thấy có xe ô tô và người lạ, họ ngừng lao động tới bao quanh đoàn khá đông. Khi chụp ảnh, có một số người, nhất là các em thiếu nhi, cũng đứng vào đoàn để được chụp. Vị lãnh đạo địa phương nói to “Ai không phải họ Phan thì không được chụp!”. Nghe vậy anh Hà Văn Tấn tủm tỉm cười vừa kéo tay tôi đứng ra dưới bóng mát bụi tre cạnh đó, vừa nói: “Chúng ta không phải họ Phan, ra đây đứng vậy!”. Và hai chúng tôi đã không có mặt trong tấm ảnh kỷ niệm quý về chuyến về Nghi Xuân năm đó.

Để kết thúc bài viết đã quá dài, mà lại tản mạn nữa, chỉ nhắc lại một kỷ niệm nhỏ giữa anh Tấn với tôi gần đây nhất. Đó là nhân dịp tôi lên tuổi “thất thập cổ lai hy”, trong không khí đông vui của buổi họp, khi lên chúc mừng, anh Tấn đã nói: “Anh tuổi Sửu (trâu) lên 70, tôi cũng tuổi Sửu (trâu) kém anh một giáp (58 tuổi). Hôm nay một con trâu già lên chúc mừng một con trâu rất già!”. Cả phòng họp cười vang trước câu nói dí dỏm của Anh Tấn!

Giáo sư Hà Văn Tấn của chúng ta là như thế đấy!
 
      Đinh Xuân Lâm 
Trung thu 1996

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây