Nội dung cuốn sách gồm hai phần:
Phần thứ nhất: Đại cương sử liệu học giới thiệu những vấn đề cơ bản của Sử liệu học lý thuyết, từ Sử liệu học là gì cho đến cách thức làm việc với sử liệu qua các khâu phân loại, phát hiện, lựa chọn, giải mã và phê phán sử liệu.
Phần thứ hai: Các nguồn sử liệu chữ viết lịch sử Việt Nam giói thiệu khái quát những nguồn sử liệu quen thuộc nhất không chỉ với người học mà cả những nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Các nội dung được thiết kế để người học đi từ vấn đề lý thuyết ở các chương đầu đến nội dung mang tính “cầm tay chỉ việc” ở những chương cuối.
Với ý tưởng như vậy, nội dung Sử liệu học lý thuyết được trình bày trong một tổng thể tương đối trọn vẹn, trong khi nội dung Sử liệu học ứng dụng về các nguồn chữ viết trong lịch sử Việt Nam chủ yếu mang tính gợi mở.
Cuốn giáo trình là kết quả của những trăn trở, suy ngẫm của nhóm tác giả từ thực tiễn công tác giảng dạy và nghiên cứu trong một thời gian tương đối dài, với mong muốn cung cấp một công cụ hữu ích trong quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên ngành Lịch sử nói riêng và những ai quan tâm đến lĩnh vực này nói chung.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 21-05-2020.