Mười năm tích hợp chương trình các môn lý luận Mác – Lênin (2009 – 2019): Quá trình thực hiện và kinh nghiệm

Thứ hai - 07/08/2023 09:16
Trân trọng giới thiệu bài viết "Mười năm tích hợp chương trình các môn lý luận Mác – Lênin (2009 – 2019): Quá trình thực hiện và kinh nghiệm" của PGS.TS.Lê Văn Thịnh.
 
MƯỜI NĂM TÍCH HỢP CHƯƠNG TRÌNH CÁC MÔN LÝ LUẬN MÁC – LÊNIN (2009 – 2019):  QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN VÀ KINH NGHIỆM
 
                                                                            PGS TS Lê Văn Thịnh
                                                                                Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội
 
Tóm tắt: Trong các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các môn lý luận chính trị góp phần quyết định vào việc trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam trung thành với với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và với chế độ, nên được coi là những môn học chính. Song hiệu quả công dạy và học các môn học này chưa được như mong muốn. Nội dung bài viết tập trung làm rõ những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tích hợp chương trình các môn lý luận Mác – Lênin và quá trình thực hiện chương trình này. Từ đó đúc rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu, làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học các môn lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo nguồn nhân lực cho thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
 
Từ khóa: Tích hợp giảng dạy, Lý luận Mác – Lênin, Lý luận chính trị, giảng dạy Lý luận chính trị
         
1. Tình hình, chủ trương và giải pháp
 
Việt Nam là quốc gia có nền giáo dục đại học khá phát triển trong khu vực Đông Nam châu Á. Thực hiện chủ trương của Đảng, giáo dục đại học Việt Nam có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện nhiệm vụ đó, các trường đại học Việt Nam không chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, mà còn trang bị cho họ một hệ thống tri thức lý luận đúng đắn, góp phần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường, để họ tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
 
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, công tác giáo dục lý luận chính trị cho học viên, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng đi vào nền nếp, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nội dung chương trình, giáo trình còn “trùng lặp, chưa gắn với thực tiễn đất nước và xu hướng xa rời các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” [1], phương pháp giảng dạy thiếu hấp dẫn. Cùng với những tác động khác từ tình hình quốc tế, sự tan rã của mô hình chủ nghĩa xã hội Đông Âu, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” và những ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống kinh tế – xã hội đất nước, đã dẫn đến “tình trạng học sinh đại học, cao đẳng không hứng thú học các môn lý luận Mác – Lênin” [2], làm cho chất lượng dạy và học các môn lý luận chính trị bị sa sút, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
 
Để khắc phục tình trạng trên, Ban Bí thư đã chỉ đạo “Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành khảo sát đánh giá đúng thực trạng dạy và học các môn này trong các trường đại học và cao đẳng” [3]. Ngày 1 tháng 8 năm 2007, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết 16-NQ/TW về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, đưa ra chủ trương: “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục lý luận trong hệ thống các trường chính trị, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong cả nước; khắc phục sự lạc hậu của chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, hiện đại và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tham khảo, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế về cải cách giáo dục chính trị. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ khoa học, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” [4]. Đồng thời giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, “Phối hợp với Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án đổi mới việc giảng dạy, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và giáo dục đạo đức công dân trong nhà trường ở từng cấp học và đề án tăng cường công tác giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên” [5].
 
2. Quá trình thực hiện, những bất cập và chủ trương điều chỉnh
 
Căn cứ vào đề án đổi mới hoạt động giảng dạy, học tập các môn lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày 25-1-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 450/QD-BGDĐT về việc thành lập Ban biên soạn chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị dùng chung cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Sau 8 tháng biên soạn chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị theo hướng tích hợp, ngày 18-9-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo  đã ra Quyết định 52/2008 QĐ-BGDĐT, Ban hành chương trình các môn lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều 2 của quyết định nói rõ: “Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo”. Ngày 02-02-2009, Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn 512/BGDĐT-GDĐH về việc Giảng dạy các môn Lý luận chính trị gửi tất cả Giám đốc các trường đại học, các học viện, Hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng, hướng dẫn cách thức thực hiện Quyết định 52/2008/QĐ – BGDĐT của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, việc thực hiện chương trình tích hợp các môn lý luận Mác – Lênin trong hệ thống giáo dục đại học diễn ra trên 6một số lĩnh vực chủ yếu:

i. Về chương trình và giáo trình các môn học
 
Trước năm 2008, sinh viên các trường đại học và cao đẳng học năm môn lý luận: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 2009, thực hiện Quyết định 52/2008, các môn Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội khoa học đã được tích hợp thành môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin; môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được thay bằng môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; môn Tư tưởng Hồ Chí Minh được cấu trúc lại theo hướng tinh, gọn hơn.

Như chúng ta đã biết, Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học là ba bộ phận lý luận cấu thành chủ Nghĩa Mác – Lênin, nên các môn học tương ứng có mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ. Song mỗi môn học đều có đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu riêng. Việc tích hợp các môn lý luận Mác – Lênin đã khắc phục được sự trùng lặp trong chương trình, góp phần giảm tải thời lượng dạy học, nhưng lại làm cho việc biên soạn giáo trình gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu cụ thể của môn học. Môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nằm trong tình trạng như vậy.

Việc không xác định rõ đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu cụ thể của môn học đã làm giảm tính khoa học của môn học. Hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng vì thế mà kém hiệu quả. Thêm vào đó, vào thời điểm thực hiện Quyết định 52/2008 QĐ-BGDĐT, môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam chưa có mã số chuyên ngành. Chính điều này đã gây khó khăn lớn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên.
 
ii. Về thời lượng chương trình và thực hiện chương trình
 
Thời lượng của mỗi môn học thể hiện vai trò, vị trí của môn học trong hệ thống giáo dục. Trước năm 2008, thời lượng dạy học các môn lý luận Mác – Lênin trong hệ thống giáo dục đào tạo được phân bổ theo ngành học, bậc học.
 
Tại các trường đại học, với các ngành không chuyên kinh tế và quản trị kinh doanh, dạy 300 tiết. Trong đó, môn Triết học Mác – Lênin 90 tiết, môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin 75 tiết. Với các ngành chuyên về kinh tế và quản trị kinh doanh, dạy 345 tiết. Trong đó, môn Triết học Mác – Lênin dạy 90 tiết, môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin dạy 120 tiết. Môn Chủ nghĩa xã hội khoa học dạy 45 tiết, môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam dạy 60 tiết và môn Tư tưởng Hồ Chí Minh dạy 30 tiết cho sinh viên tất cả các ngành.
 
Tại các trường cao đẳng, với ngành không chuyên kinh tế và quản trị kinh doanh, dạy 255 tiết. Trong đó, môn Triết học Mác – Lênin dạy 75 tiết, môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin dạy 60 tiết.  Với ngành chuyên kinh tế, quản trị kinh doanh, dạy 285 tiết. Trong đó, môn Triết học Mác – Lênin dạy 75 tiết, môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin dạy 90 tiết. Các môn Chủ nghĩa xã hội khoa học 45 tiết, môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 45 tiết và môn Tư tưởng Hồ Chí Minh 30 tiết, dạy cho sinh viên tất cả các ngành.

Từ năm 2009, thực hiện Quyết định 52/2008/QĐ – BGDĐT, thời lượng các môn lý luận chính trị đã được cắt giảm và tính theo tín chỉ, mỗi tín chỉ tương đương 15 tiết. Cụ thể: môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin 5 tín chỉ, tương đương 75 tiết; môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam 3 tín chỉ, tương đương 45 tiết; môn Tư tưởng Hồ Chí Minh 2 tín chỉ, tương đương 30 tiết. Đây là thời lượng chung cho tất cả các ngành của hai hệ đào tạo, đào tạo đại học và đào tạo cao đẳng. Như vậy, theo Quyết định 52 (2008), thời lượng chung cho dạy học các môn lý luận chính trị ở tất cả các trường đại học và cao đẳng là 150 tiết, giảm 44% với các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh và 50% với các ngành khác. Cũng theo quyết định này, mỗi môn học chỉ giành 70% thời lượng cho giảng dạy, 30% còn lại giành cho thảo luận.
 
Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện quy định này của các trường không giống nhau. Có trường thực hiện thời lượng một tín chỉ như niên chế, tức 15 tiết, có trường thực hiện 1 tín chỉ tương đương 22,5 tiết, song lại giành 1/3 thời lượng cho sinh viên tự nghiên cứu, nên số tiết học trên lớp cũng chỉ 15 tiết. Ngoài ra, tại một số trường khác đã áp dụng dạy học theo hình thức online, thời lượng dạy học trên lớp cũng bị cắt giảm [6].
 
Thêm vào đó, việc quy ước giành 30% cho thảo luận, semina cũng là vấn đề nan giải. Để làm được điều đó, giảng viên phải ra bài tập, hướng dẫn sinh viên cách làm việc theo nhóm, cách tập hợp, sử lý tư liệu, cách giải quyết các vấn đề và phải theo dõi hoạt động của nhóm sinh viên, cũng như thành viên của mỗi nhóm để thực hiện công tác kiểm tra đánh giá việc tự học, tự nghiên cứu… Đây thực sự là một công việc khó khăn, không phải giảng viên nào cũng có thể làm được.
 
Cuối cùng, việc xắp xếp trình tự các môn học tại nhiều trường cũng không giống nhau. Phần lớn các trường cho sinh viên học các môn lý luận theo trình tự: Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, cuối cùng là môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Song cũng có trường do số lượng sinh viên quá đông, lớp học quá nhiều, do giảng đường, thiếu cán bộ quản lý…nên tiện đâu xếp đấy, môn Đường lối có thể học trước môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc học song hành cùng môn Tư tưởng Hồ Chí Minh…Việc sắp xếp các môn học cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

iii. Về giảng viên và bố trí giảng viên
 
Vào thời điểm tích hợp các môn lý luận Mác – Lênin, hầu hết giảng viên các môn lý luận đều được đào tạo ở trình độ đại học và sau đại học theo các chuyên ngành Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Phần lớn giảng viên đã có trình độ thạc sĩ, một số là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Từ khi thực hiện chương trình tích hợp các môn lý luận, tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có sự xáo trộn lớn trong việc cơ cấu lại tổ chức các môn học Mác – Lênin và xắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giảng viên. Khoa Mác – Lênin được đổi tên thành Khoa lý luận chính trị. Trừ bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, các bộ môn khác được sát nhập hoặc đổi tên. Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đổi thành bộ môn Đường lối Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; ba bộ môn Triết học Mác – Lênin, Kinh tế học chính trị Mác – Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học được sát nhập thành bộ môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin.
 
Song điều đáng bàn ở đây là công tác sắp xếp, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Chính việc tích hợp ba môn học Mác – Lênin và việc cắt giảm thời lượng của tất cả các môn lý luận chính trị đã buộc các cơ sở đào tạo phải tính toán và phân bổ lại nguồn nhân lực. Và cái điều bất cập, không ai muốn có đã diễn ra. Hầu hết các giảng viên chỉ được đào tạo chuyên sâu một chuyên ngành, nay họ phải dạy cả những học phần mà mình không được đào tạo. Có giảng viên được đào tạo chuyên sâu về triết học, song lại phải dạy cả học phần kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Có giảng viên được đào tạo chuyên ngành Mác – Lênin, song lại được điều chuyển sang dạy môn Đường lối Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoặc môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại một số trường đại học tư thục và trường cao đẳng, việc xắp sếp giảng viên các môn lý luận còn khó khăn hơn nữa. Một giảng viên có thể phải dạy nhiều môn lý luận chính trị.

Trước thực trạng có nhiều giảng viên dạy không đúng chuyên ngành được đào tạo, để khắc phục khoảng trống về chuyên môn của họ, hàng năm, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục & Đào tạo, các học viện và các trường đã cử giảng viên đi tập huấn kiến thức, hoặc học các lớp bồi dưỡng lấy chứng chỉ các môn lý luận chính trị do Bộ ủy nhiệm các cơ sở đào tạo tổ chức. Song nếu chỉ dừng lại ở cấp độ “chứng chỉ môn học” thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy ở bậc đại học.

iv. Về phương pháp giảng dạy và học tập
 
Phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quyết định chất lượng dạy học. Trước yêu cầu đổi mới, nhiều giảng viên đã tiếp cận các phương pháp giảng dạy hiện đại, sử dụng thành thạo giáo án điện tử, các sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh, phim tư liệu… trong giảng dạy. Song vẫn còn một bộ phận giảng viên chưa coi trọng việc đổi mới phương pháp. Phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm rất ít được sử dụng. Một phần do cơ sở vật chất của một số trường còn nghèo nàn, các phương tiện hỗ trợ dạy học còn thiếu, phần nữa là do năng lực chuyên môn, khi giảng viên phải đảm nhiệm cả những học phần mà họ không được đào tạo. Tình trạng giảng dạy mang tính cơ giới, giảng viên đọc, sinh viên chép khá phổ biến. Khi giờ học thiếu tính đối thoại, các tiết giảng sẽ trở nên nhàm chán. Hậu quả là đã làm cho nhiều sinh viên mất hứng thú học tập, xa rời các môn lý luận.
 
Một khảo sát trực tiếp thực trạng dạy và học các môn lý luận chính trị ở ba trường đại học trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long – Đại học Cần Thơ, Đại học Đồng Tháp và Đại học An Giang cho thấy, khi trả lời câu hỏi: Bạn có thích học các môn lý luận chính trị không? chỉ có 35,2% sinh viên được hỏi trả lời là thích học, vì các môn học này bổ ích. Song với một câu hỏi khác: “Thái độ của bạn như thế nào khi học các môn lý luận chính trị?”, chỉ có 25.7% trả lới là cảm thấy có hứng thú khi học các môn học này. Đối với những sinh viên không ứng thú, không thích học các môn lý luận chính trị, khi được hỏi nguyên nhân vì sao? có 22,6% trả lời do nội dung môn học khô khan, trừu tượng; 66,2% trả lời do phương pháp dạy của giảng viên thiếu hấp dẫn và 7,8% trả lời là do lớp học quá đông. Số còn lại coi các môn học lý luận chính trị không phải là môn học quan trọng [7].
 
 Trước những bất cập khó khắc phục trong việc dạy học các môn lý luận chính trị theo chương trình tích hợp, ngày 28 tháng 3 năm 2014 Ban Bí thư đã ra Kết luận 94-KL/TW về tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, “nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và với chế độ ta”[8]. Ngày 9 tháng 10 năm 2014, tại Nghị quyết số 37-NQ/TW về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương: “Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật kiến thức mới, khắc phục sự trùng lắp, khép kín, thiếu liên thông giữa các chương trình, các cấp học, bậc học”[9] và “giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì…, chỉ đạo, định hướng xây dựng hệ thống chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lý luận giai đoạn 2016 – 2021 và tiếp theo”[10]. Thực hiện chủ trương đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có hướng dẫn chỉ đạo, môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin được kết cấu lại làm 3 học phần: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học, môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được thay bằng môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
3. Một vài kinh nghiệm

Sau mười năm thực hiện chương trình tích hợp các môn lý luận Mác – Lênin (2009-2019), có thể rút ra một số kinh nghiệm có tính giải pháp sau đây.

i. Xây dựng chương trình các môn lý luận chính trị phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam
 
Chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị là tài liệu dạy học chính thức của giảng viên và sinh viên. Giáo trình phải đảm bảo tính hệ thống, tính ứng dụng, tính cơ bản, tính chân xác, tính cập nhật và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Một giáo trình dù tốt, dù hiện đại đến mấy cũng bị lạc hậu ít nhiều trước thực tiễn sống động. Để nâng cao chất lượng dạy học các môn lý luận đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản sự nghiệp Giáo dục & Đào tạo, việc Đảng đưa ra chủ trương khắc phục sự “trùng lặp, chưa gắn với thực tiễn đất nước và xu hướng xa rời các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” của các giáo trình là đúng và kịp thời, song việc khắc phục sự trùng lặp đó bằng chương trình tích hợp ba môn học thành một môn chưa phải là giải pháp tối ưu. Việc tích hợp đó có thể giúp cho người học dễ nhận thấy được sự thống nhất và tính logic của học thuyết Mác – Lênin, song lại làm gia tăng thêm khuynh hướng khép kín, tính kém liên thông của môn học, làm cho việc biên soạn giáo trình, việc dạy học gặp nhiều khó khăn.
 
Do đặc điểm của các môn lý luận là quá trừu tượng, chung chung, không sát với mỗi ngành học, nên giải pháp tốt nhất chỉ có thể là biên soạn một bộ giáo trình chuẩn quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam[11] theo hướng cơ bản, hiện đại, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kết hợp các tri thức hàn lâm với tri thức ứng dụng như trước đây đã từng làm. Mỗi giáo trình chứa đựng một khung tri thức cơ bản về môn học. Trên cơ sở giáo trình này, tổ chức biên soạn các giáo trình chuyên biệt phù hợp với từng khối ngành đào tạo, như: Khối ngành Kinh tế – Quản trị Kinh doanh; Khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật; Khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn; Khối ngành Sư phạm; Khối ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp; Khối ngành Y – Dược…

Cùng với biên soạn giáo trình, cần đẩy mạnh việc biên soạn tài liệu tham khảo. Tài liệu tham khảo cũng phải đa dạng, phong phú, phải góp phần luận giải, làm sáng rõ những vấn đề lý luận có tính trừu tượng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm, nhận định, đánh giá, tổng kết của Đảng được thể hiện trong các giáo trình, bằng những luận chứng, luận cứ từ thực tiễn sống động trong và ngoài nước, kết hợp với bài tập thực hành môn học. Các tài liệu này có thể giao cho các trường biên soạn phù hợp với mục tiêu đào tạo và với yêu cầu của giáo trình chuyên biệt từng khối ngành.

Làm được như vậy chúng ta vừa giữ được sự thống nhất quốc gia trong việc dạy và học các môn lý luận chính trị, vừa khắc phục được tính hàn lâm, trửu tượng, khô khan, khó hiểu, nặng về lý thuyết của các môn học này. Đồng thời góp phần gia tăng thêm tính định hướng, tính gợi mở, tính cập nhật của các môn học, tạo hứng thú cho cả người dạy và người học.

ii. Coi việc đào tạo và sử dụng đúng đắn đội ngũ cán bộ, giảng viên là công việc gốc, có tầm quan trọng quyết định

Để dạy học tốt, nếu chỉ có giáo trình tốt chưa đủ mà phải có giảng viên chuyên nghiệp với phương pháp giảng dạy ưu việt. Đây là ba yếu tố quan trọng bậc nhất làm nên chất lượng giáo dục đại học. Trong ba yếu tố này, giảng viên có vai trò quyết định. Chương trình tích hợp các môn lý luận thời gian qua chưa phát huy được thế mạnh của ba yếu tố này, trước hết là yếu tố giảng viên. Do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành đã phải chuyển sang dạy cả những học phần không được đào tạo. Chính điều này đã làm mất đi tính chuyên môn hóa sâu, tính chuyên nghiệp bền vững trong giảng dạy các môn lý luận Mác – Lênin mà giáo dục đại học Việt Nam đã dày công xây dựng trong nhiều thập kỷ, dẫn đến việc dạy học các môn này bị sa sút.

Từ thực tế trên, để nâng cao chất lượng dạy học, việc cần làm đầu tiên là các học viện, các trường phải rà soát, đánh giá lại đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng để có giải pháp quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đúng đắn. Không nên bố trí, sắp xếp giảng viên dạy không đúng chuyên ngành được đào tạo. Đồng thời có chính sách khuyến khích giảng viên kết hợp chặt chẽ công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học, coi đó là một nhiệm vụ bắt buộc, một giải pháp tốt để nâng cao trình độ chuyên môn.

Với công tác đào tạo, cần chuẩn hóa chương trình khung đào tạo giảng viên các môn lý luận Mác – Lênin làm cơ sở cho việc triển khai đào tạo ở nhiều trường khác nhau. Khi xây dựng chương trình, cần chú ý đến sự cân đối giữa nhóm tri thức chuyên môn và nhóm tri thức kỹ năng cấu thành phẩm chất và năng lực đặc thù của giảng viên lý luận chính trị; kết hợp bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đào tạo chuyên môn sâu với huấn luyện nghiệp vụ sư phạm và cập nhật kiến thức theo môn học, theo lĩnh vực chuyên môn hóa. Trong đó việc bồi dưỡng phẩm chất chính trị và đạo đức phải được đặt lên hàng đầu.

Giảng viên lý luận chính trị không chỉ là người lính “gác cổng” tư tưởng của Đảng, mà còn là người đứng ở hàng đầu trong công tác tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền cho chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đặc trưng nghề nghiệp, thu nhập của họ thường thấp hơn so với các đồng nghiệp khác. Do vậy, Đảng và Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ tích cực lực lượng này cả về vật chất lẫn tinh thần để họ yên tâm công tác. Đồng thời cần phải có chính sách cụ thể để khuyến khích việc tuyển mộ những sinh viên, học viên có thành tích học tập xuất sắc ở các học viện, các trường đại học đưa đi đào tạo thành giảng viên lý luận chính trị cho các trường đó. Nghị quyết số 37/NQ-TW (09-10-2014) của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 cũng chỉ rõ: cần “xây dựng cho được đội ngũ giáo viên lý luận chính trị tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm tin, có kiến thức mới gắn với thực tiễn. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong nhà trường” [12].

iii. Tăng cường các yêu tố đảm bảo đổi mới phương pháp dạy và học các môn lý luận chính trị

Số liệu điều tra tại ba trường đại học trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đã trình bày ở trên cho thấy, có tới 66,2% sinh viên không thích học các môn lý luận chính trị là do phương pháp dạy của giảng viên thiếu hấp dẫn. Không còn nghi ngờ gì, việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay đã trở thành vấn đề cấp bách. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học không đơn thuần là việc riêng của đội ngũ giảng viên, mà còn là việc chung của các cơ sở đào tạo, của toàn ngành giáo dục.

Thực tế chứng tỏ rằng, để đổi mới dạy và học các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo cần phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề, như: tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học, thiếu giáo viên, tình trạng ghép lớp. Đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu về các trang thiết bị phục vụ dạy học như: máy tính, máy chiếu, băng ghi hình, micro, tài liệu học tập…

Hiện nay có nhiều phương pháp dạy học hiệu quả, song phương pháp dạy học tích cực vẫn được coi là phương pháp dạy học tốt nhất. Phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm là tên gọi chung của nhiều phương pháp. Điểm cốt lõi, chung nhất của các phương pháp này là: thông qua dạy học, đem lại cho sinh viên một kỹ năng thực hành tốt nhất. Muốn vậy, bằng mọi cách, giảng viên phải làm cho sinh viên chủ động tìm tòi, nghiên cứu, khám phá, sáng tạo. Nói cách khác, giảng dạy chủ yếu thông qua việc tổ chức các hoạt động nhận thức của người học.

Thực tiễn cho thấy, để dạy học tích cực, người giảng viên phải có bản lĩnh, tâm huyết với nghề, có vốn tri thức rộng, kiến thức chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm thực tiễn, biết cách phối kết hợp thành thạo các phương pháp giảng dạy khác nhau và biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật một cách hợp lý. Trong hoạt động giảng dạy, phải làm việc hết công xuất, phải ứng biến linh hoạt, mềm déo; phải hiểu rõ trình độ, năng lực, sở trường của người học để có cách nêu vấn đề, cách tiếp cận các nội dung môn học phù hợp với người học; phải có tinh thần trách nhiệm, thực hiện công khai, công bằng, dân chủ và khai phóng. Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý trong việc bố trí giảng đường, quy mô lớp và trình tự các môn học…

iv. Coi trọng công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị

Công tác tổ chức, quản lý chỉ đạo và điều hành luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động giáo dục. Tổ chức và quan lý tốt sẽ tập trung và phát huy hiệu quả các nguồn lực, sớm phát hiện được các lỗ hổng cần phải che chắn, lấp đầy, các sai phạm cần phải uốn nắn, điều chỉnh. Công tác này quan trọng là vậy, song do nhiều nguyên nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Trong suốt thời kỳ thực hiện chương trình tích hợp các môn lý luận, ở tầm vĩ mô vẫn chưa tổ chức được một đơn vị chuyên trách có thể giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, chỉ đạo và điều hành việc giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị một cách hiệu quả. Tại một số trường đại học và cao đẳng cũng có tình trạng tương tự. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập trong công tác giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị thời gian qua.

Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng, cần phải nhanh chóng xây dựng một đơn vị chuyên trách trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, chỉ đạo, điều hành việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; ở mỗi học viện, mỗi trường đại học, cao đẳng cũng phải có một đơn vị chuyên trách quản lý việc dạy và học các môn lý luận chính trị trong nhà trường.

4. Kết luận 
Cần phải có lập trường kiên định khi đánh giá vai trò, vị trí của các môn lý luận Mác – Lênin trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tất cả mọi động thái với các môn học này cần phải được cân nhắc và tính toán thật kỹ lưỡng. Các môn lý luận Mác – Lênin liên quan máu thịt với nền tảng tư tưởng của Đảng, của chế độ, là môn học chính, bắt buộc, cần phải được quan tâm xây dựng, tổ chức và quản lý thật tốt. Việc xem nhẹ các môn lý luận Mác – Lênin đồng nghĩa với việc làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng, của chế độ, cũng như xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, dễ dẫn đến những lệch lạc trong tư tưởng và hành động, hậu quả sẽ khôn lường. Kinh nghiệm từ sự tan rã của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô đã cho chúng ta thấy rõ điều này.


Chú thích
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 66, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2016, tr 405
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 66, Sđd, tr 405.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 66, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2016, tr 405
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 66, Sđd, tr 425-426
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 66, Sđd, tr 430
[6] Phùng Danh Cường, Dạy và học các môn lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng – Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Lý luận chính trị tháng 12/2017
[7] Trần Văn Hiếu : Thực trạng dạy và học các môn lý luận chính trị khảo sát ở trường đại học  Cần Thơ, đại học Đồng Tháp, và đại học An Giang. Trường Đại học Cần Thơ Tạp chí khoa học, 2011:19a, tr 79-80
[8] Kết luận số 94-KL/TW, ngay-28-3-2014 của Bộ Chính trị/Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-94-kltw-ngay-28-3-2014-cua-ban-bi-thu-ve-viec-tiep-tuc-doi-moi-viec-hoc-tap-ly-luan-chinh-tri-trong-he-224
[9] Nghị quyết số 37/NQ-TW, ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.
Nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-37-nqtw- ngay 9-10-2014-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-tac-ly-luan-va-dinh-huong-nghien-cuu-den-nam-2030-192
[10] Nghị quyết số 37/NQ-TW, ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.
Nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-37-nqtw- ngay 9-10-2014-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-tac-ly-luan-va-dinh-huong-nghien-cuu-den-nam-2030-192
[11] Đó là bộ giáo trình chuẩn quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh được biên soạn theo Quyết định số 255 – CT ngày 13-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
[12] Nghị quyết số 37/NQ-TW, ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.
Nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-37-nqtw- ngay 9-10-2014-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-tac-ly-luan-va-dinh-huong-nghien-cuu-den-nam-2030-192

 
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 11-01-2021.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây