Thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – từ nhận thức của một sinh viên

Thứ sáu - 11/08/2023 13:02
Trân trọng giới thiệu bài viết "Thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – từ nhận thức của một sinh viên"
1.Yêu cầu của cách mạng Việt Nam và sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam
 
Năm 1884, nhà Nguyễn đã ký Hiệp định Patanot đầu hàng thực dân Pháp. Nền độc lập dân tộc Việt Nam đã mất. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã phải chịu sự áp bức về chính trị, bóc lột về kinh tế và kìm hãm về văn hóa. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai phát triển ngày càng gay gắt. Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều phong trào yêu nước theo những hệ tư tưởng khác nhau lần lượt nổ ra, nhưng đều bị thất bại. Sự nghiệp cứu nước của dân tộc Việt Nam “dường như trong đêm tối không có đường ra”. Yêu cầu tìm ra con đường cứu nước mới đặt ra hết sức cấp thiết.
 
Nhận thức được yêu cầu trên và cùng với trí tuệ và nhãn quan của mình, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước mới. Nguyễn Tất Thành đã hướng tới phương Tây, nơi có khoa học kỹ thuật phát triển và nhiều tư tưởng dân chủ, tự do. Đích đến đầu tiên trên là Pháp, với những suy nghĩ muốn đánh đuổi kẻ thù thì phải hiểu rõ kẻ thù. Người đã tiến hành một hành trình đến những châu lục và quốc gia trên thế giới. Ở đâu, Người cũng kết hợp giữa nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn. Từ đó, Người rút ra nhiều kết luận quan trọng về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, về bạn và thù của cách mạng Việt Nam, về tinh thần độc lập, tự chủ. Đến tháng 7-1920, khi tiếp cận Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc thấy tin tưởng, sáng tỏ và cảm động, từ đó Người đã khẳng định con đường cứu nước của mình. Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.  
 
Sau khi tìm ra con đường cứu nước mới, Nguyễn Ái Quốc đã không truyền bá nguyên văn chủ nghĩa Mác-Lênin, mà có sự vận dụng sáng tạo, xây dựng lý luận giải phóng dân tộc, rồi diễn đạt thành tiếng nói của dân tộc Việt Nam, sau đó truyền bá vào Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tập hợp những thanh niên yêu nước Việt Nam rồi mang lý luận giải phóng dân tộc truyền bá cho họ, dẫn dắt họ đi theo con đường mà Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn: từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin.
 
Hoạt động truyền bá lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ cách mạng tạo nên chuyển biến quan trọng trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Giai cấp công nhân đã dần chuyển từ giai cấp tự mình đến giai cấp cho mình. Phong trào công nhân đã dần phát triển từ tự phát sang tự giác. Phong trào yêu nước đã chuyển dần sang quỹ đạo cách mạng vô sản.
 
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không còn đủ sức lãnh đạo cách mạng, từ đó hình thành ba tổ chức cộng sản. Điều đó chứng tỏ rằng lý luận cách mạng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản của Nguyễn Ái Quốc đã thấm sâu vào phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Ba tổ chức cộng sản ra đời và đi vào hoạt động, tổ chức tuyên truyền lãnh đạo quần chúng đấu tranh đã có tác dụng làm cho phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, hoạt động riêng rẽ của ba tổ chức này cũng gây ảnh hưởng không lợi đối với phong trào.
 
Để giải quyết tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc đã rời Xiêm, về Quảng Châu, Trung Quốc để triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí ý kiến của Nguyễn Ái Quốc là thống nhất thành một đảng cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đó là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, có giá trị lý luận và thực tiễn lâu dài đối với cách mạng Việt Nam.
 
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin và lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Nguyên nhân cho sự kết hợp thành công trên gắn với vai trò tích cực của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1911-1930. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam: 1) Từ chỗ khủng hoảng về đường lối cứu nước, đã xác lập một đường lối cứu nước đúng đắn, sáng tạo; 2) Từ chỗ khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo, đã xác định được giai cấp đủ sức lãnh đạo cách mạng; 3) Từ chỗ chưa có phương hướng thống nhất, cách mạng Việt Nam đã có sự xác định rõ ràng về phương hướng: i) Gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; ii) Gắn cách mạng cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới; 4) Đưa phong trào yêu nước sang giai đoạn phát triển mới.
 
2. Đưa Việt Nam từ nước thuộc địa trở thành quốc gia độc lập

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển mới, thể hiện rõ nhất trong phong trào cách mạng 1930-1931. Từ năm 1931, đế quốc Pháp tiến hành chiến dịch khủng bố dữ dội nhằm đàn áp phong trào cách mạng và do những chính sách đó mà lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Chỉ trong quý I/1931, toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều bị bắt và bị cầm tù. Từ tháng 4-1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt; đến tháng 6-1931, nhà cầm quyền Anh bắt giam trái phép Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông. Giai đoạn 1930-1931 hơn 15.000 chiến sĩ cách mạng bị tù đày. Trong thời gian 6 tháng cuối năm 1931 và cả năm 1932, trong các nhà tù ở Đông Dương với khoảng 16.000 tù chính trị. Trong 3 năm 1931-1933, 164 bản án tử hình, trong đó 88 bản án đã được thi hành, những người bị kết án chủ yếu là các chiến sĩ yêu nước và cách mạng [1]. Cùng với đó, là các Xứ ủy, Tỉnh ủy đều bị đế quốc tiến công và tan rã. Tổ chức cơ sở đảng cũng bị tổn thất ở nhiều nơi. Có thể nói, đây là thời gian đầy khó khăn, nguy hiểm lớn đối với cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, với chủ nghĩa yêu nước và cách mạng, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn do khủng bố tràn lan, các chiến sĩ cách mạng đã len lỏi hoạt động, gây nhân, bắt mối, chắp nối lại cơ sở quần chúng và cơ sở của Đảng. Đến tháng 3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng được triệu tập tại Ma Cao, đánh dấu sự phục hồi hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam sau một thời gian dài phải đấu tranh chống khủng bố trắng để khôi phục lực lượng và hệ thống tổ chức cách mạng. Đó chính là điều kiện đưa cách mạng tiến lên.
 
Sau khi khôi phục lực lượng, Đảng từng bước khắc phục hạn chế trong đường lối cách mạng của Đảng trong giai đoạn 1931-1935, tăng cường lực lượng cách mạng và mở rộng trận địa cách mạng. Trong phong trào dân chủ 1936-1939, Đảng lãnh đạo quần chúng và các đoàn thể vào những tổ chức khác nhau với nhiều hoạt động đa dạng, xây dựng một đội quân chính trị hùng hậu. Đội ngũ cán bộ, Đảng viên có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, được rèn luyện và trưởng thành. Trong giai đoạn 1939-1945, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa vũ trang, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chớp thời cơ phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam bước từ địa vị nô lệ lên vị thế làm chủ đất nước, có quyền quyết định vận mệnh của mình; Đảng Cộng sản Đông Dương từ chỗ phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành đảng cầm quyền và ra hoạt động công khai. Việt Nam từ một nước thuộc địa mất độc lập tự do trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền. Cách mạng tháng Tám đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập, tự do hướng tới chủ nghĩa xã hội, kỷ nguyên nhân dân nắm chính quyền, làm chủ đất nước.

3. Lãnh đạo thắng lợi 30 năm chiến tranh bảo vệ đất nước
 
Sau khi giành được độc lập dân tộc, Đảng lãnh đạo nhân dân đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Trong những năm 1945-1946, Đảng sử dụng sách lược “vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo” nhằm cứu vãn một nền hòa bình mong manh, vừa tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến có thể xảy ra. Trong những năm 1946-1954, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, Đảng đã lãnh đạo và đưa cuộc kháng chiến dần đi đến thắng lợi: 1) Từ chỗ phòng ngự chiến lược, đã chuyển sang thế chủ động và liên tiếp giữ vững, mở rộng thế tiến công chiến lược; 2) Từ chỗ bị cô lập, đã thiết lập quan hệ với quốc tế; 3) Từ chỗ lực lượng quân dân du kích đã tiến lên xây dựng lực lượng ba thứ quân, kết hợp chiến tranh chính quy và chiến tranh du kích; 4) Từ chỗ đánh vào nơi địch yếu, nhưng lại có tầm quan trọng về mặt chiến lược chuyển sang đánh vào nơi địch mạnh nhất, chấp nhận trận quyết chiến chiến lược, làm nên trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh ngoại giao giành thắng lợi. Thắng lợi của chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương 1954 báo hiệu cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi.
 
Sau khi Pháp thất bại, đế quốc Mỹ tiến hành xâm lược miền Nam với âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành một quốc gia độc lập thân Mỹ. Thời kỳ 1954-1975, Mỹ thực hiện chính sách can thiệp và xâm lược Việt Nam với 5 đời Tổng thống thông qua các chiến lược chiến tranh khác nhau. Trong bối cảnh này, Đảng vừa lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân hai miền đã giành được thắng lợi to lớn, tạo ra nhiều chuyển biến quan trọng: 1) Miền Bắc bước đầu tạo ra cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, trở nên vững mạnh; làm căn cứ địa chung của cách mạng cả nước; là hậu phương lớn của hậu phương lớn miền Nam; 2) Miền Nam lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ; hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và trong cả nước. Nhờ đó, Đảng lãnh đạo nhân dân hai miền đánh bại sự xâm lược của đế quốc Mỹ, đưa cả nước tiến lên hòa bình, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
4. Từ Khủng hoảng sang Đổi mới
 
Sau khi hai miền Nam – Bắc thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân thống nhất đất nước về mặt nhà nước và đề ra chủ trương đối nội và đối ngoại của đất nước. Về đối nội, do “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện” của Đảng, Việt Nam đã “kéo dài ưu điểm” (V.I.Lênin) của “thời chiến”, thực hiện cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, không tuân theo quy luật khách quan của xã hội… dẫn đến tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế – xã hội. Về đối ngoại, do nặng về tư duy “ý thức hệ” trong quan hệ quốc tế và “không căn cứ vào thực tế khách quan của tình hình trong nước và thế giới, vào mục tiêu chiến lược, lợi ích cao nhất của chúng ta sau thắng lợi 1975” và “lấy tình cảm làm điểm xuất phát chiến lược và sách lược đối ngoại” [2] trước sự chuyển biến phức tạp của tình hình thế giới đương đại.  
 
Trước những yêu cầu của tình hình thế giới và trong nước, Đại hội VI của Đảng (12-1986) “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” [3] về những thành tựu và khuyết điểm, sai lầm trong đường lối cách mạng và tập trung đổi mới ba vấn đề chính sau: nhận thức về con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; hai là, chủ trương đổi mới đất nước toàn diện: 1) Từ đổi mới kinh tế và chính trị (đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị) đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; 2) Từ đổi mới tư duy, nhận thức, tư tưởng đến đổi mới hoạt động thực tiễn, đổi mới tổ chức cán bộ và phong cách công tác[4]. Nhận thức về những vấn đề thời đại và thế giới đương đại. Trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng từng bước bổ sung, chỉnh sửa đường lối đổi mới đất nước.“Đổi mới nhưng khổng đổi màu”. Đường lối đổi mới đất nước của Đảng từng bước được bổ sung, chỉnh sửa và phát triển qua các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, đặc biệt thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, được bổ sung, phát triển năm 2011.
 
Dưới đường lối đúng đắn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đưa đất nước đạt được nhiều thắng lợi to lớn. Về đối nội, từ chỗ khủng hoảng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng (1996), vươn lên nước phát triển khá và tăng trưởng liên tục, lạm phát, phi mã được đẩy lùi. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, Việt Nam đã tự túc được lương thực. Từ chỗ là nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới. Từ chỗ có hai thành phần kinh tế, nền kinh tế đã chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần. Nhiều hình thức kinh tế mới hình thành và phát triển dần theo hướng bền vững. Trật tự an toàn xã hội ổn định. Lực lượng an ninh nhân dân triệt phá nhiều tổ chức, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ở Việt Nam. Đời sống nhân dân được đảm bảo và ngày càng củng cố. Khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường và phát huy cao độ. Quốc phòng được bảo vệ vững chắc và chuyển dần tư duy phòng thủ theo tuyến sang phòng thủ theo khu vực. Về đối ngoại, Việt Nam đã từng bước tái thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.  Với phương châm ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Đảng đã lãnh đạo đất nước thực hiện hiệu quả ngoại giao đa phương và ngoại giao song phương, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng và ngoại giao nhân dân, ngoại giao trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa,… đưa uy tín Việt Nam tăng cao trên trường quốc tế. Từ chỗ là quốc gia đàm phán hòa bình, Việt Nam trở thành quốc gia giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả rõ rệt. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Sự thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội được tăng cường. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến Việt Nam, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế – xã hội và sự phát triển của đất nước. Do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch Covid-19; từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta” [5].
 
Tuy nhiên, Việt Nam còn một số hạn chế, khuyết điểm. Hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao. Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số mặt bất cập. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có mặt, có nơi chưa được phát huy đầy đủ. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế [6]. 

Nhằm phát huy những ưu điểm, thành tựu và khắc phục các khuyết điểm, hạn chế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã đề ra nhiều chủ trương đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ và hiệu quả công cuộc đổi mới đất nước. Nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [7].
 
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với những định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025), 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Huỳnh Thanh Mộng
Sinh viên Chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

 
[1] Trần Trọng Thơ (2014), Xây dựng cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương, xứ ủy của Đảng thời kỳ 1930-1945, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr. 29.
[2] Vũ Dương Huân (2009), Một số vấn đề quan hệ quốc tế: Chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, tập II, Nxb. Lý luận chính trị-Hành chính, Hà Nội, tr.103.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.12.
[4] Nguyễn Phú Trọng (Chủ biên) (2008), Đổi mới và phát triển ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.75.
[5] Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2020), Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội, tr.9-10.
[6] Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2020), Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội, tr.10-16.
[7] Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2020), Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội, tr.24.
 
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 03-02-2021. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây