Tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX: Từ Gia Định Thành đến Nam Kỳ lục tỉnh (ThS. Nguyễn Ngọc Phúc)

Thứ sáu - 11/08/2023 11:42
Tương quan đó quyết định thái độ, cách thức phản ứng từ phía chính quyền Gia Định Thành, cũng như việc chọn lựa chính sách, biện pháp của triều đình Nguyễn áp dụng trên bước đường “giải quyền lực” đối với vùng đất Nam Bộ.

TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX: TỪ GIA ĐỊNH THÀNH ĐẾN NAM KỲ LỤC TỈNH
 
Những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, cục diện đất nước luôn ở thế biến động, giằng co quyền lực. Vương triều Tây Sơn quật khởi cùng những chiến công oanh liệt, song không ổn định, tồn tại lâu dài. Chiến thắng trong cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn đưa Nguyễn Ánh – người đứng đầu lực lượng trung thành với dòng tộc chúa Nguyễn vươn tới đỉnh cao quyền lực, trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của vương triều mới.  

Triều Nguyễn thiết lập trong bối cảnh đất nước vừa trải qua thời kỳ dài bất ổn, xung đột giữa các tập đoàn phong kiến thống trị, đất nước chia cắt, hệ luỵ từ các cuộc nội chiến tương tàn nhiều thế kỷ là những nguyên nhân chính khiến đời sống kinh tế – xã hội luôn xáo động và kìm hãm nghiêm trọng… Nhưng mặt khác, đó cũng là thời kỳ lịch sử – do nhiều nguyên nhân, trong đó gồm cả những yêu cầu về củng cố thế lực, khẩn hoang phát triển kinh tế, giải toả áp lực gia tăng dân số.., quá trình lãnh thổ của người Việt không ngừng mở rộng. Hơn một thế kỷ – nếu chỉ tính từ thời điểm Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được chính quyền Đàng Trong cử vào kinh dinh vùng đất Nam Bộ (1698) đến khi triều Nguyễn thiết lập, công cuộc khai phá và thực thi chủ quyền của người Việt đối với vùng đất phương Nam đã được xác lập khá vững vàng… 

Bước sang thế kỷ XIX, từ những tiền đề phong trào Tây Sơn tạo dựng, quá trình thống nhất lãnh thổ và quyền lực được nhà Nguyễn kế thừa, tiến tới xác lập trọn vẹn. Với triều Nguyễn, đây là yếu tố nền tảng, trở thành điều kiện và mở ra cơ hội phát triển đất nước. Song chính yêu cầu của việc quản lý một lãnh thổ rộng lớn hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó cũng là thách thức to lớn đặt ra cho vương triều mới. Dưới góc độ thực thi quyền lực hành chính, thực tế triều Nguyễn phải đối mặt, và giải quyết – như nhận xét của một nhà nghiên cứu: “không chỉ là vấn đề cai trị lãnh thổ được mở rộng mà còn là vấn đề thống nhất ba phần lãnh thổ khác biệt: phần đất trước đây của nhà Trịnh ở miền Bắc, vùng đất trung tâm của nhà Nguyễn ở miền Trung và chính quyền Gia Định ở miền Nam” [1].

Nam Bộ – như đã đề cập, là vùng đất hội nhập vào lãnh thổ Việt Nam trong một thời kỳ biến động. Xuất phát từ những đặc thù về điều kiện tự nhiên, cũng như lịch sử suốt cả quá trình trước, trong và sau khi người Việt khai phá, thực thi chủ quyền, Nam Bộ sớm đã định hình, xác lập với tư cách một không gian lịch sử – văn hoá [2]. Các đặc điểm địa lý, lịch sử dân cư, văn hoá tộc người không chỉ tác động tới đời sống kinh tế xã hội mà còn là nhân tố chi phối quá trình tổ chức, hoạt động của bộ máy quản lý hành chính, nhất là trong những giai đoạn giao thời lịch sử. Đầu thế kỷ XIX, khi chính quyền trung ương mới thiết lập, thực lực chưa đủ mạnh để có thể vươn xuống nắm quyền kiểm soát, chi phối toàn bộ lãnh thổ. Vì thế, trong quá trình chọn lựa, xây dựng mô hình quản lý, triều đình Huế không thể không cân nhắc đến yếu tố vùng miền của Nam Bộ. Phương án Gia Định Thành thực chất được xem là giải pháp quá độ trên con đường củng cố, tăng cường sức mạnh quyền lực của triều đình Nguyễn. Hệ quả của giải pháp này là hàng chục năm dưới thời Gia Long và đầu triều Minh Mệnh, từ cơ cấu hành chính cũng như thiết chế quản lý đi kèm, Nam Bộ được tổ chức, điều hành bởi một chính quyền địa phương mà tính tự trị được coi là đặc điểm nổi bật.

Nhìn nhận bối cảnh cùng những nguyên nhân, tác động trên sẽ góp phần tìm lời đáp cho câu hỏi vì sao, bằng phương cách nào, trong mấy thập kỷ đầu thế kỷ XIX, từ thiết lập Gia Định Thành, rồi xoay chuyển, đưa đến việc chia đặt, hình thành lục tỉnh Nam Kỳ. Suốt quá trình đó, tương quan quyền lực chính quyền trung ương – địa phương là yếu tố quyết định cho mỗi bước đi và sự lựa chọn, để cuối cùng tạo nên những biến chuyển sâu sắc cả về thiết chế hành chính lẫn cơ cấu quyền lực Nam Bộ… Theo hướng tiếp cận này, bài viết của chúng tôi sẽ đưa ra những lý giải, nhằm góp phần làm rõ thêm thực chất, căn nguyên của quá trình trên.  

1. Gia Định Thành – bước chuyển quá độ của Nam Bộ trong Việt Nam thống nhất
Giữa những ngổn ngang bề bộn của công cuộc kiến thiết đất nước, thiết lập và tổ chức bộ máy quản lý hành chính là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ý thức được điều đó, nhà Nguyễn – với vai trò nổi bật của hai vua đầu triều Gia Long, Minh Mệnh – đã dành nhiều tâm sức, nỗ lực cho sứ mạng này.

Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long chia cả nước thành 27 trấn (Đàng Ngoài cũ) và doanh (Đàng Trong cũ). Đàng Ngoài có 13 trấn và 1 phủ Phụng Thiên (năm 1805 đổi làm phủ Hoài Đức), Đàng Trong cũ gồm 14 doanh (trừ doanh Quảng Đức sau đổi thành phủ Thừa Thiên, từ năm 1808 các doanh còn lại đều lần lượt đổi thành trấn). Tuy nhiên, triều đình chỉ trực tiếp quản lý 4 “trực doanh” (gồm “tứ Quảng”: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức – Thừa Thiên, Quảng Nam) cùng 7 “cơ trấn” (Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Khương và Bình Thuận).

Đối với những doanh, trấn còn lại, ở Đàng Ngoài cũ, năm 1802, vua Gia Long lập ra Bắc Thành, phạm vi gồm năm nội trấn (Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Kinh Bắc, Sơn Tây và Hải Dương) và sáu ngoại trấn (Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Quảng và Hưng Hoá). Với Bắc Thành, lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn, một cấp hành chính trung gian, quản lý trực tiếp địa bàn rộng, gồm nhiều trấn được thiết lập.

Đứng đầu Bắc Thành là Tổng trấn, được triều đình giao cho “trọng thần trấn giữ”. Tổng trấn có quyền lực rất lớn: “phàm những việc cất bãi quan lại, xử quyết kiện tụng, đều được tùy mà làm rồi sau mới tâu”. Các cơ quan giúp việc Tổng trấn ở Bắc thành gồm ba tào Hộ, Binh, Hình, có nhiệm vụ “theo quan Tổng trấn để xét biện công việc”[3].

Dưới Bắc Thành, các cấp hành chính có trấn (gồm nội và ngoại trấn), phủ, huyện, tổng và đơn vị hành chính cơ sở thôn/xã/phường… Theo quy định, mỗi trấn đặt hai ty Tả thừa, Hữu thừa. Mỗi ty ở nội trấn đặt 1 câu kê, 1 cai hợp, 1 thủ hợp và 22 người thuộc ty. Cấp phủ, huyện, mỗi phủ đặt 2 đề lại, 10 thông lại; huyện đặt 2 đề lại, 8 thông lại; mỗi phủ huyện đều có 50 lính lệ; cấp tổng đặt 1 tổng trưởng, 1 phó tổng. Riêng đối với các ty Tả thừa, Hữu thừa thuộc 6 ngoại trấn chỉ đặt 1 cai hợp, 1 thủ hợp và 13 người thuộc ty[4].

Còn với Nam Bộ, năm 1800, Nguyễn Ánh đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định[5], đứng đầu là Lưu trấn. Đơn vị hành chính doanh lúc này cơ bản giống như thời kỳ Đàng Trong[6]. Đứng đầu doanh là Lưu thủ, giúp việc có Cai bạ, Ký lục. Năm 1804, Gia Long thay thế hai ty Tướng thần và Xá sai bằng việc đặt ty Tả thừa và Hữu thừa, mỗi ty 100 người, chia làm bốn phòng Hộ, Binh, Hình, Công. Sai Lưu trấn chọn các ty của chính doanh thuộc trấn để sung bổ[7].

Tuy nhiên, phải đến năm 1808, những thay đổi căn bản về quản lý hành chính Gia Định mới thực sự bắt đầu. Vua Gia Long “thấy địa thế Gia Định rộng lớn”, sau khi “sai đình thần bàn kỹ việc kinh lý để giữ gìn bờ cõi cho vững mạnh”[8] đã quyết định thiết lập một khu vực hành chính mới với tên gọi Gia Định Thành[9]. Phạm vi gồm địa giới của 5 trấn (vốn là các doanh): doanh Phiên Trấn đổi làm trấn Phiên An, doanh Trấn Biên đổi làm trấn Biên Hoà, doanh Vĩnh Trấn đổi làm trấn Vĩnh Thanh, doanh Trấn Định đổi làm trấn Định Tường và trấn Hà Tiên (đặt từ năm 1810). Nhiệm vụ của Gia Định Thành, theo Gia Định thành thông chí gồm: “trông coi các việc binh dân, thuế dịch và hình án của 5 trấn: Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên, đồng thời còn kiêm lãnh đạo từ xa thêm trấn Bình Thuận ở phía Bắc. Phàm việc binh thì do thành chỉ huy, còn các việc thuế má, hình án thì trấn tự sắp đặt”[10].

Cũng như Bắc Thành, đứng đầu Gia Định Thành là Tổng trấn, ngoài ra có Hiệp tổng trấn (sau đổi là Phó Tổng trấn). Đại Nam thực lục cho biết năm Gia Long thứ 7 (1808): “Bắt đầu đặt chức Tổng trấn thành Gia Định… lấy Nguyễn Văn Nhân làm Tổng trấn, Trịnh Hoài Đức làm Hiệp tổng trấn. Ban ấn Tổng trấn thành Gia Định (ấn bạc núm hình sư tử)”[11]. Quyền hạn của Tổng trấn rất lớn: “phàm truất thăng quan lại, hưng lợi trừ hại, tất cả việc thành và việc biên cương đều cho tuỳ nghi mà làm”[12].

Giúp việc cho Tổng trấn Gia Định, từ năm 1813, Gia Long đặt bốn tào Hộ, Binh, Hình, Công. Người đứng đầu mỗi Tào sẽ lấy từ chức Tham tri, Thiêm sự ở các bộ biệt phái xuống[13]. Tuỳ từng giai đoạn và yêu cầu công việc cụ thể, số viên lại ở các tào có sự thay đổi. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), triều đình chuẩn định ba tào Hộ, Binh, Hình ở Gia Định Thành mỗi tào 2 Thiêm sự, Công tào 1 Thiêm sự, phái từ mỗi bộ Hộ, Binh, Hình 1 viên Thiêm sự đưa đến Gia Định Thành làm các công việc của 3 tào Hộ, Binh, Hình. Năm 1824, Minh Mệnh lại cho Hộ tào được bổ thêm 1 viên Thiêm sự, Binh tào thì Lang trung, Chủ sự mỗi chức 1 viên, Hình tào mỗi chức Thiêm sự, Lang trung, Chủ sự mỗi chức 1 viên[14].

Các công việc cụ thể về hành chính, tư pháp, quân sự… ở Gia Định Thành được giải quyết thông qua hai ty Tả thừa, Hữu thừa, mỗi ty có 3 phòng. Ty Tả thừa gồm các phòng Lại, Binh và Hình, ty Hữu thừa gồm các phòng Hộ, Lễ và Công. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, năm 1808, số nhân viên thuộc hai ty Tả thừa, Hữu thừa của Gia Định Thành được quy định[15]:
 
Ty/phòng Chức vụ Cộng
Câu kê Cai hợp Thủ hợp Bản ty
Ty Tả thừa:
      Phòng Lại
      Phòng Binh
      Phòng Hình
1 2  
2
2
2
 
10
20
30
69
Ty Hữu thừa
      Phòng Hộ
      Phòng Lễ
      Phòng Công
1 2  
2
2
2
 
30
10
20
69
Cộng 2 4 12 120 138
Năm 1821, Minh Mệnh cho đổi chức Cai hợp các thành, dinh, trấn làm Thư lại chánh bát phẩm, Thủ hợp làm Thư lại chánh cửu phẩm[16]. Sau 1 năm, lại tiếp tục “đổi định lại số viên chức ở hai thừa ty và các thành dinh trấn”, số nhân sự tại các phòng được tăng thêm 22 người, cụ thể: “ba phòng Lại, Binh Hình thuộc Tả thừa ty và ba phòng Hộ, Lễ, Công thuộc Hữu thừa ty, mỗi phòng 1 người Câu kê. Phòng Lại, bát cửu phẩm thư lại đều 1 viên, vị nhập lưu 15 người. Phòng Binh, bát phẩm 1, cửu phẩm 2, vị nhập lưu 25. Phòng Hình, bát phẩm 1, cửu phẩm 3, vị nhập lưu 30. Phòng Hộ, bát phẩm 1, cửu phẩm 5, vị nhập lưu 35. Phòng Lễ, bát cửu phẩm đều 1, vị nhập lưu 10. Phòng Công, bát cửu phẩm đều 2, vị nhập lưu 25”[17].

Thư lại giúp việc tại mỗi phòng cũng được quy định cụ thể. Năm 1821, số lượng và phẩm hàm lại viên của Gia Định Thành như sau[18]:
 
Phòng Thư lại Cộng
Chánh bát phẩm Chánh cửu phẩm Vị nhập lưu
Lại 1 1 15 17
Hộ 1 3 35 39
Lễ 1 1 10 12
Binh 1 2 25 28
Hình 1 3 30 34
Công 1 2 25 28
Cộng 6 12 140 158
Năm 1829, trong chủ đích tiết giảm quyền lực và tái cơ cấu bộ máy quản lý ở cả hai Thành, nhân việc bộ Lại: “tâu xin xem công việc phiền hay giản mà định số nhân viên nhiều hay ít, cho được thích đáng”, Minh Mệnh đã ban hành hàng loạt các quy định thay đổi, cho: “định ngạch nhân viên ở các tào, phòng, cục thuộc Bắc Thành và Gia Định… Gia Định thì Hình tào kiêm quản Lễ phòng, Từ chương kiêm quản Lại phòng, mà Bắc Thành thì Binh tào kiêm quản Lễ phòng, Hình tào kiêm quản Lại phòng”[19], cụ thể[20]:
 
 
Hộ, Tào
Lang trung Viên ngoại lang Chủ sự Tư vụ Chánh bát cửu phẩm thư lại Vị nhập lưu Cộng
Tào Hộ kiêm
phòng Công và cục Tạo tác
1 2
2
2
2
2
3
7
7
50
40
64
54
Tào Binh kiêm
 phòng Lại
1 2
1
2
1
2
1
9
5
50
20
66
28
Tào Hình kiêm
 phòng Lễ
1
 
2
 
2
1
2
1
7
4
40
15
54
21
Phòng Ấn   1     5   6
Cộng 3 10 10 11 44 215 293
Ấn phòng (phòng giữ ấn) đặt năm 1829: “làm một phòng riêng, nhưng thuộc thành ấy chuyên giữ. Các công việc phòng ấn, không phải lệ thuộc tào nào trông coi”[21]. Cơ chế điều hành, quản lý các Tào cũng được điều chỉnh: “hiện đặt chức tả hữu Thông phán mỗi chức 1 viên, tả hữu Kinh lịch mỗi chức 1 viên, đều tạm chi chức hàm Chủ sự, Tư vụ ty Hộ, Binh, Hình, chia giữ công việc của ba phòng Lại, Lễ, Công thành ấy. Còn chức Thông phán, Kinh lịch không phải đặt nữa”[22].

Dưới Gia Định Thành, về mặt hành chính, đứng đầu mỗi Trấn là Trấn thủ[23] (võ quan), giúp việc có các chức Hiệp trấn, Tham hiệp (văn quan)[24].

Tương tự cấp Thành, quản lý các công việc hành chính, tư pháp, xây dựng, quân đội… ở mỗi trấn được bố trí thành hai tào (gồm 6 phòng), nhưng nhân sự cụ thể thì khác biệt. Theo quy định năm 1808: “Tả thừa, Hữu thừa ở các trấn, doanh và các ty thuộc lại các đạo, phân định số nhân viên phẩm trật có khác nhau, hai thừa ty chia làm 6 phòng”[25]. Cụ thể, số nhân viên các trấn Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường gồm[26]:
 
Ty/phòng Chức vụ Cộng
Câu kê Cai hợp Thủ hợp Bản ty
Ty Tả thừa:
      Phòng Lại
      Phòng Binh
      Phòng Hình
1
 
2  
2
2
2
 
10
15
25
59
Ty Hữu thừa
      Phòng Hộ
      Phòng Lễ
      Phòng Công
1 2  
2
2
2
 
25
10
15
59
Cộng 3 4 12 100 118
Năm 1822, Minh Mệnh giảm nhân sự thuộc các ty ở hai trấn Phiên An, Định Tường từ 118 xuống còn 108 người[27].

Riêng đối với trấn Hà Tiên, năm Gia Long 13 (1814), hai ty cùng số nhân sự mới được thiết lập, gồm 46 người, cơ cấu đơn giản hơn so với 4 trấn cũ. Cụ thể, ty Tả thừa Câu kê, Cai hợp, Thủ hợp đều 1 người, 20 Bản ty. Ty Hữu thừa Câu kê, Cai hợp, Thủ hợp đều 1 người, 20 Bản ty. Đạo Long Xuyên và đạo Kiên Giang từ năm 1808 ty thuộc lại đều có 1 Thủ hợp, 10 Bản ty. Tuy nhiên, năm 1814, khi hai đạo này cho lệ vào trấn Hà Tiên, được chuẩn định đặt ty Thuộc lại Cai hợp, Thủ hợp đều 1 người, 20 Bản ty[28].

Dưới trấn, trước và sau thời kỳ thiết lập Gia Định Thành, quá trình diên cách đơn vị hành chính đưa đến sự biến đổi mạnh về quy mô, số lượng phủ, huyện, tổng, thôn/xã/nậu/thuộc… Cấp phủ trước năm 1808 chưa có, khi đặt Gia Định Thành, nhiều huyện được nâng thành phủ, tổng trở thành huyện mới. Như trường hợp trấn Phiên An, theo Gia Định thành thông chí, gồm 1 phủ, 4 huyện, 8 tổng, 460 xã, thôn, phường, ấp, điếm. Trong đó phủ Tân Bình trước là huyện, nay cải đôn lên làm phủ, gồm 4 huyện:

– Huyện Bình Dương (trước là tổng), đổi thành huyện; lãnh 2 tổng Bình Trị, Dương Hoà mới đặt.

– Huyện Tân Long (trước là tổng); lãnh 2 tổng Tân Phong, Long Hưng mới đặt.

– Huyện Phước Lộc (trước là tổng); lãnh 2 tổng Phước Điền, Lộc Thành mới đặt.

– Huyện Thuận An (trước là tổng Bình Thuận); lãnh 2 tổng Bình Cách, Thuận Đạo mới đặt[29].

Các trấn Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên đều có tình trạng tương tự. Thống kê từ Gia Định thành thông chí, cơ cấu đơn vị hành chính các cấp ở Gia Định Thành sau năm 1808 gồm[30]:
 
Trấn Phủ Huyện Tổng Thôn/xã/ấp…
Phiên An 1 4 8 460
Biên Hòa 1 4 8 310
Định Tường 1 3 6 314
Vĩnh Thanh 1 4 6 353
Hà Tiên   2 4 103
Cộng 4 17 32 1.540
So sánh các con số trên với thống kê năm 1776 của Lê Quý Đôn càng thấy rõ sự biến động đơn vị hành chính các cấp thuộc Gia Định Thành[31].

Với cách thức tổ chức hành chính, quy định cắt đặt, tuyển chọn quan lại trên, có thể thấy, cơ cấu bộ máy chính quyền Gia Định Thành chưa thật quy củ, ổn định, phương thức tổ chức quản lý một số lĩnh vực còn khá đơn giản. Bốn tào, lục phòng thuộc hai ty là những cơ quan thừa hành thuộc các lĩnh vực khác nhau, dù được bố trí theo cách dễ liên hệ nó với hình ảnh một “tiểu triều đình”, nhưng giữa tào, ty, phòng, các cơ chế phối hợp, quy định về thanh tra, giám sát hoạt động chưa có, hoặc nếu có thì vai trò cũng chỉ mờ nhạt. Bên cạnh đó, nguyên tắc quan lại cấp trấn đặt dưới sự điều khiển trực tiếp, nhận chỉ thị từ Tổng trấn, không được liên hệ thẳng với các bộ ở trung ương cũng như tấu trình vượt cấp lên Hoàng đế; ngược lại, triều đình cũng chỉ làm việc với địa phương thông qua Tổng trấn. Điều đó cho thấy sự liên hệ giữa lục bộ ở triều đình với những cơ quan thừa hành 6 phòng, nhất là với cấp trấn khá hạn chế.

Quy trình tuyển chọn, bố trí nhân sự, cách thức biệt phái quan lại trị nhậm tại Gia Định cũng có không ít bất cập. Ngay từ năm 1813, khi lập bốn tào thuộc Thành, Tham tri hoặc Thiêm sự được điều phái từ lục bộ có thể đồng thời nắm giữ một hoặc hai tào. Nhiều Tham tri, Thiêm sự được giao quản lĩnh các tào không đúng với bộ viên quan đó. Chẳng hạn, năm 1813, Tả Tham tri Công bộ Nguyễn Khắc Thiệu lãnh Công tào kiêm lý Hộ tào, Hữu Tham tri Hình bộ Lê Bá Phẩm lãnh Hình tào kiêm lý Binh tào, Hàn lâm thị thư Nguyễn Công Định làm Thiêm sự Hộ bộ, Hàn lâm viện Lê Hy làm Thiêm sự Binh bộ, sung làm công việc hai tào Hộ, Binh[32]. Năm 1820, lấy Hữu Tham tri Binh bộ Nguyễn Xuân Thục lĩnh Công tào, Hộ tào Gia Định, Thiêm sự Hình bộ Trần Hữu Châu làm biện lý Hình tào, Công tào, Thiêm sự Hộ bộ Ngô Quang Đức biện lý Hộ tào kiêm biện Binh tào[33]. Năm 1821, lấy Hữu Tham tri Lại bộ Trần Văn Tuân lĩnh hai tào Binh, Công; Hữu Tham tri Hộ bộ Nguyễn Xuân Thục lĩnh Hộ tào[34]… 

Cách thức bổ dụng, bố trí nhân sự này khiến cho quan hệ giữa các ty, phòng, tào, cũng như giữa quan lại Gia Định Thành phức tạp hơn. Trở lại với danh sách nhân sự bổ nhiệm trong hai năm 1820, 1821 trên đây, sẽ thấy một loạt những quan hệ kép. Trần Hữu Châu là thuộc cấp dưới quyền của Nguyễn Xuân Thục ở Công tào, đồng thời vẫn chịu sự điều hành của viên quan đứng đầu Hình tào Gia Định Thành khi đó. Thiêm sự Hộ bộ Ngô Quang Đức giúp việc cho Nguyễn Xuân Thục ở Hộ tào, song vẫn phải thực thi các nhiệm vụ tại Binh tào do Tham tri Trần Văn Tuân phụ trách! 

Trên phương diện quản lý, cách thức bố trí “liên thông” giữa các tào tại Gia Định Thành dường như để tiết giảm, song thực ra lại cho thấy tính chưa quy củ, ổn định của tổ chức bộ máy, nhân sự. Tham tri, Thiêm sự cũng như nhiều nhân viên lục bộ khác có thể được điều chuyển, nhậm lĩnh một hoặc hai tào không thuộc bộ viên quan này. Cũng vì thế, trong điều hành xử lý công việc nha môn của các tào, phòng, nhiều trường hợp do kiêm nhiệm, quản lĩnh nên khó có thể tìm thấy sự phân định chức năng, quy trách nhiệm một cách rành rọt.

Ở khía cạnh khác, dấu ấn, ảnh hưởng từ mô hình tổ chức chính quyền quân sự là một đặc điểm dễ nhận thấy trong bộ máy quản lý hành chính Gia Định. Suốt thời kỳ Gia Định Thành, từ Tổng trấn – người nắm giữ quyền lực cao nhất cho đến Phó Tổng trấn, Hiệp Tổng trấn, Trấn thủ… phần nhiều xuất thân từ võ quan. Chính vì nắm giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính quyền, võ quan trở thành thế lực có ảnh hưởng rất lớn. Lê Văn Duyệt – người giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành hai lần là trường hợp điển hình.  

Tổng trấn là người nắm trong tay cơ chế quản lý và thực thi quyền lực rất rộng, gồm các khâu từ cất nhắc, bổ dụng, bãi miễn quan lại thuộc cấp, chỉ huy điều động quân đội, giải quyết công việc thường ngày… Thế lực, ảnh hưởng của viên Tổng trấn không quá khó để có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát của triều đình. Mặt khác, quyền hạn to lớn đó dễ trở thành mảnh đất thuận lợi để dung dưỡng ý đồ gây dựng thanh thế, cát cứ quyền lực của viên quan trị nhậm “thênh thang một cõi” xa cách triều đình. Đơn cử trường hợp năm 1821, trong một lần, Tổng trấn Lê Văn Duyệt thâu nạp 219 người tuyển chọn trong số con em quan lại Gia Định, bổ vào các chức vụ hành chính địa phương[35]. Kết quả tuyển lựa không tránh khỏi việc người nắm giữ quyền lực địa phương chủ yếu được chọn từ những nhân vật có quan hệ mật thiết với Tổng trấn hơn là với chính quyền trung ương. Ảnh hưởng, ràng buộc giữa Tổng trấn với quan lại Gia Định vì thế sẽ sâu sắc hơn so với triều đình. 

Có lẽ, triều Nguyễn sớm đã nhận ra “nguy cơ” này, cho nên, các vị trí quan trọng trong bộ máy quan lại Gia Định Thành, việc thuyên chuyển, cất nhắc nguyên tắc đều phải thông qua triều đình. Song rõ ràng, không thể tránh khỏi sự chi phối, thao túng của viên Tổng trấn quyền lực.

Những diễn biến trên đây, một mặt, phản ánh đúng tình hình, thực lực của chính quyền triều Nguyễn khi đó. Mặt khác, là biểu hiện của sự dung hoà, “chia sẻ” quyền lực, trong điều kiện năng lực so với mong muốn của chính quyền trung ương còn có khoảng cách chưa thể khắc phục. Song, nếu tình trạng này tồn tại không kiểm soát hoặc kiểm soát kém hiệu quả, nó không chỉ còn là nguy cơ tiềm tàng, mà sẽ trực tiếp phương hại đến quyền lực triều đình. Vì thế, Minh Mệnh đã chủ động, khôn khéo nhưng cũng không kém quyết liệt, từ thuyên chuyển, thay thế dần nhân sự, cắt giảm số quan lại… Đó là những chỉ dấu báo hiệu cho cuộc thay đổi lớn lao sắp diễn ra.

2. Cục diện giằng co và những giải pháp cho vấn đề “giải quyền lực” Gia Định Thành

Thừa hưởng thành quả trị vì được Gia Long nỗ lực tạo dựng, song di sản mà Minh Mệnh tiếp nhận vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khắc phục những hạn chế đang tồn tại trong hệ thống chính quyền, nhằm thâu tóm, nhất thống quyền lực, xây dựng vương triều hùng mạnh theo di nguyện của tiên đế Gia Long được Minh Mệnh đặc biệt chú ý. Lúc này, bài toán Bắc Thành, Gia Định Thành trở thành một trong những ưu tiên chiến lược của vị Hoàng đế trẻ tuổi.

Đối với Bắc Thành, vấn đề giải quyết có phần đơn giản hơn. Nguyễn Văn Thành – Tổng trấn Bắc Thành nổi tiếng quyền lực qua đời năm 1816, người kế nhiệm là Lê Chất (quê Bình Định) qua đời không lâu sau khi từ chức năm 1826. Trương Văn Minh – viên Tổng trấn tiếp theo cũng từ chức sau hai năm tại nhiệm. Dường như có chủ đích, chức vụ Tổng trấn Bắc Thành sau đó bị bỏ trống nhiều năm. Cuối cùng, năm 1831, triều đình bổ nhiệm Lê Đại Cương – vốn xuất thân văn quan vào chức Phó Tổng trấn. Đây cũng là người mà sau Minh Mệnh giao nhiệm vụ giải thể, chia Bắc Thành làm các tỉnh. Cuối năm 1831, cải cách hành chính ở Bắc Thành cơ bản hoàn thành.

Nhưng ở Gia Định Thành, tình hình không suôn sẻ như vậy. Gia Định vốn là đất hưng nghiệp triều Nguyễn. Trong quan hệ với Chân Lạp, Xiêm La cùng các quốc gia phía nam khác, đất Gia Định có vị thế chiến lược đặc biệt. Đặc điểm dân cư Gia Định lại không thuần nhất, nhiều giai tầng (Hoa kiều, người Công giáo, đại địa chủ, thương nhân…) có nguồn gốc, vai trò và thái độ chính trị khác nhau. Quá trình xác lập nền hành chính của chúa Nguyễn cũng như triều Nguyễn sau này chưa có lịch sử lâu dài, ổn định như các vùng miền khác của đất nước. Vì thế, việc lựa chọn, trao phó quyền lực Tổng trấn cho nhân vật nào sẽ có tác động to lớn, trực tiếp đến cục diện và sự ổn định vương triều. Thực tế, những nhân vật từng nắm giữ chức vụ này, đều là kết quả của mọi tính toán, cân nhắc từ phía triều đình Huế. 

Từ năm 1808 cho đến khi giải thể Gia Định Thành, 4 người đã lần lượt giữ chức Tổng trấn, trong đó 2 người triều đình tái cử:
 
TT Tổng trấn Thời gian trị nhậm
1 Nguyễn Văn Nhân 1808 – 1812
1819 – 1820
2 Lê Văn Duyệt 1812 – 1815
1820 – 1832
3 Trương Tấn Bảo 1816
4 Nguyễn Hoàng Đức 1816 – 1819
Ở đây, những quy định “hồi tị” của triều Nguyễn dường như bị bỏ qua, cả bốn viên Tổng trấn đều quê quán Nam Bộ: Nguyễn Văn Nhân – Tổng trấn đầu tiên (trước đó từng giữ chức Lưu trấn Gia Định) người An Giang; Lê Văn Duyệt, Nguyễn Hoàng Đức người Định Tường, Trương Tấn Bảo người Vĩnh Long. Đó là chưa kể đến các Hiệp trấn như Trịnh Hoài Đức người Minh hương Trấn Biên, Ngô Nhân Tĩnh ở Phiên An[36]… Không chỉ vậy, Tổng trấn và nhiều quan lại cao cấp ở Gia Định vốn xuất chính từ nghiệp binh, từng là tướng lĩnh trận mạc. Bốn Tổng trấn Gia Định thì Lê Văn Duyệt là Chưởng Tả quân, Trương Tấn Bảo từng giữ chức Đề đốc Tả biên bộ Binh. Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Hoàng Đức đều là “công thần trung hưng” triều Nguyễn.

Với nhà Nguyễn, thiết lập Bắc Thành, Gia Định Thành, “san sẻ” quyền lực cho Tổng trấn và những chức vụ trọng nhậm khác đều trong thế chẳng đừng. Quyền lực đó lại “giao phó” cho những tướng lĩnh, công thần – lực lượng mà tân vương ấu chúa vừa không thể không trả ơn phò tá, vừa luôn phải dè chừng, cảnh giác. Cho nên, sự xung đột lúc ngấm ngầm, khi công khai là điều khó tránh khỏi.

Trong những diễn biến xung quanh câu chuyện quyền lực trên đây, nổi lên mối quan hệ giữa Gia Long, Minh Mệnh với một bên là Tổng trấn Lê Văn Duyệt – nhân vật ảnh hưởng và cũng nổi tiếng sắc sảo chính trị[37]. Quan hệ đôi bên này vốn chất chứa nhiều mâu thuẫn, tuy âm thầm, nhưng cũng ngày càng khó có thể dung hoà. Sử dụng Lê Văn Duyệt, nhưng trong lường định, chủ đích của Gia Long, nhất là Minh Mệnh, tìm cách để kiềm chế quyền lực của Lê Văn Duyệt được coi là một trong các nhân tố quan trọng, tác động trực tiếp vào vấn đề thu hồi quyền lực Nam Bộ của triều đình Nguyễn.

Sự kiện đáng chú ý là năm 1820, ngay sau khi lên ngôi, Minh Mệnh tái bổ nhiệm Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định[38]. Với Lê Văn Duyệt, Gia Định là đất cố hương; trước đó, trong các năm 1812- 1815, Lê Văn Duyệt đã từng giữ chức vụ này, ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt ở Gia Định rất lớn. Biết vậy, nhưng vì sao Minh Mệnh lại tái cử Lê Văn Duyệt vào cương vị đó? Căn cứ vào tình hình thực tế bấy giờ, từng có những luận giải cho rằng vì tình thế, Minh Mệnh muốn tạm thời đẩy ra xa một cái gai trong mắt, khi điều kiện chưa cho phép nhổ ngay được![39] Và có lẽ Lê Văn Duyệt hiểu thâm ý của Minh Mệnh, cho nên, suốt thời gian nhậm chức, viên Tổng trấn này một mặt kiên trì chủ trương giữ quan hệ với người Pháp, một mặt tiếp tục âm thầm củng cố lực lượng, gây dựng phe cánh và cơ sở xã hội, đặc biệt là trong đội ngũ võ quan, thương nhân người Hoa, giáo dân và tầng lớp địa chủ Gia Định.

Về phía triều đình, vốn có sự dè chừng nên những hành động của Lê Văn Duyệt không qua được tầm mắt của Minh Mệnh, song vì thực lực và ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt còn khá lớn, Minh Mệnh chưa thể “ra tay” sớm. Mọi việc chỉ bắt đầu khi ngôi vị của Minh Mệnh được củng cố vững chắc. Nhưng ngay cả lúc này, trước khi thực thi bất kỳ biện pháp nào, Minh Mệnh vẫn luôn tỏ ra cân nhắc, thận trọng. Sau khi Lê Văn Duyệt qua đời (1832), Minh Mệnh – bằng thái độ và những hành động khá quyết liệt – mới kết thúc câu chuyện “giải quyền lực” Gia Định.

Trở lại câu chuyện giằng co quyền lực, để giảm dần thế lực của Lê Văn Duyệt, Minh Mệnh đã thi hành các biện pháp nhằm từng bước chuyển hoá, hoặc vô hiệu hoá lực lượng trung thành với Tổng trấn. Mục tiêu đầu tiên là các nhân vật then chốt trong hàng ngũ có thế lực, đưa vào đó những nhân vật thân cận của Minh Mệnh. Trường hợp thay thế Trần Nhật Vĩnh bằng Nguyễn Khoa Minh năm 1828 là một ví dụ[40]. Các biện pháp tương tự cũng được áp dụng để triều đình từng bước chi phối, thâu tóm quyền kiểm soát tướng lĩnh Gia Định Thành. Năm 1831, Minh Mệnh phái viên tướng thân cận là Thống chế hậu dinh quân Thần sách Nguyễn Văn Quế tới “quản lý biền binh thành Gia Định, hiệp cùng Tổng trấn Lê Văn Duyệt làm công việc thành, phàm có việc gì phải tâu thì cùng ký tên”[41]. Năm 1832, ngay sau khi Lê Văn Duyệt chết, lực lượng quân sự chủ chốt của nhân vật này bị giải tán, rời khỏi Gia Định[42]. Trước đó, năm 1829, Nguyễn Văn Thuỵ – Thống chế lĩnh ấn bảo hộ Chân Lạp (nhậm chức năm 1820, là người chịu ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt) qua đời. Lê Văn Duyệt tiến cử Phó tướng Hữu quân Nguyễn Văn Xuân làm người kế nhiệm. Minh Mệnh từ chối, đích thân chỉ định Tả Tham tri Binh bộ Bùi Đức Minh (vốn xuất thân từ quan văn, thân cận của Minh Mệnh) thay thế Nguyễn Văn Thuỵ làm hiệp đồng bảo hộ (vẫn có sự hợp tác của Tổng trấn). Nhưng sự cân bằng quyền lực đó cũng nhanh chóng bị phá vỡ khi Minh Mệnh gia hàm Thượng thư cho Tả Tham tri Binh bộ Bùi Đức Minh[43]. Bằng cách đó, Minh Mệnh đã dần tách được ảnh hưởng và kiểm soát của Lê Văn Duyệt đối với Bùi Đức Minh, đồng thời xác lập mối liên hệ trực tiếp từ triều đình với chức quan bảo hộ Chân Lạp, thông qua cầu nối của viên quan vốn xuất thân văn giai…

Bằng những bước đi như thế, Minh Mệnh dần kiểm soát, hạn chế quyền lực, uy thế của Lê Văn Duyệt. Nhìn rộng hơn, khi sử dụng tới các biện pháp khác nhau để làm suy yếu quyền hành của Tổng trấn cũng như toàn bộ cơ cấu quyền lực Gia Định Thành, đó là những bước tiến của triều đình Minh Mệnh, nhằm chuẩn bị hiện thực hoá mục tiêu thu hồi trọn vẹn quyền lực đối với vùng đất Nam Bộ mà triều đình đã phải “san sẻ” bấy lâu nay. 

3. Nam Kỳ lục tỉnh – thành quả của quá trình thống nhất tổ chức hành chính quốc gia trên vùng đất Nam Bộ

Với triều Nguyễn, Bắc Thành, Gia Định Thành là những trở lực lớn nhất trên con đường củng cố, tăng cường sức mạnh quyền lực, thiết lập nền hành chính thống nhất quốc gia. Cải cách hành chính do Minh Mệnh chủ xướng chính là để khắc phục hạn chế đó.

Như đã nói, một trong các mục tiêu quan trọng của cải cách Minh Mệnh là xoá bỏ tình trạng phân quyền, thiếu thống nhất về cơ cấu đơn vị quản lý hành chính, tổ chức bộ máy quan lại giữa các địa phương. Mục tiêu này không thể hoàn thành nếu hai đầu đất nước vẫn tiếp tục duy trì hai khu vực hành chính đặc biệt. Do đó, đối tượng trung tâm mà cải cách Minh Mệnh nhắm tới chính là tổ chức hành chính và bộ máy chính quyền địa phương. Trong đó, việc giải quyết vấn đề Bắc Thành, Gia Định Thành giữ vai trò quyết định cho kết quả của cuộc cải cách. 

Bắt đầu với Bắc Thành, năm 1831, sau mấy chục năm tồn tại, Bắc Thành bị triều đình Huế giải thể, chia đặt làm các tỉnh. Tuy nhiên, phải một năm sau, cả đến khi Lê Văn Duyệt qua đời, triều đình mới tiến hành với Gia Định Thành. Tại sao vậy, có phải vì Minh Mệnh còn e ngại Lê Văn Duyệt? Nhìn lại bối cảnh lúc đó, cũng như diễn biến suốt mấy chục năm đầu triều Nguyễn, có thể thấy:

Thứ nhất, cải cách hành chính do Minh Mệnh khởi xướng tiến hành trên quy mô toàn quốc, đụng chạm đến nhiều vấn đề phức tạp, từ tái cơ cấu các đơn vị hành chính đến chọn lựa, sắp đặt lại bộ máy quan lại thừa hành. Vì thế, Minh Mệnh không muốn lập tức có sự xáo trộn lớn, đồng thời ở cả hai khu vực chiến lược, nhạy cảm về chính trị. Do đó, như thể lặp lại quá trình thiết lập cấp Thành trước đây, năm 1831, Bắc Thành một lần nữa trở thành bước “thử nghiệm”, cũng là để thăm dò phản ứng từ địa phương của triều đình Huế. 

Thứ hai, ngoài sự chờ đợi kết quả “thử nghiệm” ở Bắc Thành, Minh Mệnh cũng muốn thăm dò chính “phản ứng” từ phía Gia Định Thành. Trong cái “nghe ngóng” đó, có cả sự e dè với Lê Văn Duyệt. Song đấy không phải là lý do duy nhất. Cuộc cải cách trên quy mô sâu rộng và phức tạp buộc Minh Mệnh – như những gì đã đề cập – phải tiến hành qua cả quá trình, với những bước đi thích hợp cho mỗi giai đoạn. Năm 1832, cái chết của Lê Văn Duyệt tạo ra “khoảng trống quyền lực” tạm thời ở Nam Bộ, đó chính là thời điểm thuận lợi để hoàn thành một việc mà mọi thời cơ và sự chuẩn bị đã “chín muồi”, nhằm giải quyết dứt điểm cho vấn đề Gia Định Thành. 

Với “lộ trình” như thế, một lần nữa, cho thấy sự đánh giá cao vị trí, vai trò – thể hiện qua các đối sách – của triều đình Nguyễn đối với Nam Bộ. Trong cuộc cải cách này, Gia Định Thành là đối tượng rất quan trọng mà triều đình nhắm tới. Nhưng Gia Định Thành lại là nơi chọn để thực thi cuối cùng. Tuy là bước cuối cùng nhưng đóng vai trò chiến lược, quyết định thành công hay thất bại của cuộc cải cách do Minh Mệnh chủ xướng.

Như thế cũng để thấy rằng – từ những tính toán và dự liệu trên – đã lý giải cho quyết định của triều đình Huế về quá trình và thời điểm kết thúc của Gia Định Thành: “Việc chia hạt đặt quan ở Bắc Kỳ, hiện đã quy định xếp đặt rồi, vậy Nam Kỳ từ Quảng Nam đến Gia Định cũng nên theo các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc… để tỏ ra có sự thống nhất”. “Năm trước chia đặt các tỉnh Bắc Kỳ, những việc mưu ích lợi, trừ tệ hại, thực có công hiệu sờ sờ ra rồi. Các trấn Nam Kỳ, địa thế dẫu có lớn nhỏ, xa gần khác nhau, nhưng mọi việc như quân, dân, tài chính, thuế khoá, hình án đều không khác gì Bắc Kỳ”. “Một hạt Gia Định là nơi có nhiều công việc quan trọng, như vỗ về thuộc quốc, phòng giữ nước ngoài. Vậy ra lệnh cho đình thần bàn tâu đợi chỉ thi hành. Đến bấy giờ đình thần họp bàn cho rằng chia đất, đặt quan làm phên giậu che đỡ, thực là mưu kế rất hay về việc trị dân, giữ nước”[44].

Từ những “bàn tâu” và “mưu kế” đó, một năm sau khi xoá bỏ Bắc Thành, 3 tháng sau cái chết của Lê Văn Duyệt, tháng 10 năm 1832, triều đình Huế giải thể Gia Định Thành, bãi bỏ chức Tổng trấn. Gia Định được tổ chức lại thành 6 tỉnh mới, gồm:

– Tỉnh Phiên An[45] (đổi từ trấn Phiên An), thống trị 2 phủ, 5 huyện.

– Tỉnh Biên Hoà (đổi từ trấn Biên Hoà), thống trị 1 phủ, 4 huyện.

– Tỉnh Vĩnh Long (đổi từ trấn Vĩnh Thanh), thống trị 3 phủ, 6 huyện.

– Tỉnh Định Tường (đổi từ trấn Định Tường), thống trị 1 phủ, 3 huyện.

– Tỉnh An Giang (tách từ 2 huyện Vĩnh An và Vĩnh Định thuộc Vĩnh Long, gộp với đất Châu Đốc), thống trị 2 phủ, 4 huyện.

– Tỉnh Hà Tiên (đổi từ trấn Hà Tiên), thống trị 1 phủ, 3 huyện[46].

“Lục tỉnh” (6 tỉnh) hay “Nam Kỳ lục tỉnh” chỉ chung toàn bộ khu vực Nam Bộ là cách gọi xuất hiện chính từ sau việc thiết lập 6 tỉnh năm 1832 này. 

Cùng với việc thiết lập các đơn vị hành chính mới, tổ chức bộ máy quản lý ở Nam Kỳ, nhất là cấp tỉnh cũng có nhiều thay đổi. Trong đạo dụ năm 1832, sau khi đánh giá kết quả cũng như kinh nghiệm của việc bãi bỏ Bắc Thành đối với Gia Định Thành, vua Minh Mệnh cho rằng: “Nay (Gia Định Thành – TG) chia đặt tỉnh hạt, thiết lập quan chức, có hai ty Bố chính, Án sát, chia giữ các việc tài chính, thuế khoá và hình luật; có Lãnh binh quan cai quản, quan võ và binh lính tất cả đều thuộc quyền Tổng đốc, Tuần phủ. Như vậy thì chức vụ đều có chuyên trách, mọi việc mới mong sắp xếp được hẳn hoi. Còn Gia Định Thành Tổng trấn và các chức Trấn thủ, Hiệp trấn, Tham hiệp ở các trấn đều nên bỏ đi”[47]. 

Theo đó, tại Nam Kỳ, triều đình bãi bỏ các chức Tổng trấn, Trấn thủ, đặt Tổng đốc, Tuần phủ đứng đầu tỉnh. Theo cơ cấu hành chính mới, Tổng đốc vừa là chức quan cao nhất tại địa phương, vừa có tư cách thành viên, được triều đình phái cử về cai quản. Chức Tuần phủ theo quy định đứng đầu một tỉnh. Tổng đốc thống hạt hai tỉnh[48], trong đó một tỉnh chuyên hạt (chuyên chủ công việc trong hạt của mình), một tỉnh kiêm hạt (kiêm lý công việc ngoài hạt mình thống trị). Các tỉnh ghép tại Nam Kỳ được triều đình đặt chức Tổng đốc có: An – Biên (Phiên An – Biên Hoà); Long – Tường (Vĩnh Long – Định Tường); An – Hà (An Giang – Hà Tiên). Thông thường Tổng đốc đóng trị sở tại tỉnh nào thì kiêm luôn Tuần phủ tỉnh đó: “các tỉnh An – Biên, Long – Tường, An – Hà, Tổng đốc kiêm làm việc của Tuần phủ”[49].

Dưới quyền Tổng đốc, Tuần phủ có các chức Bố chính (đứng đầu Bố chính sứ, tức Phiên ty); Án sát (đứng đầu Án sát sứ, tức Niết ty). Thuộc quan ở hai ty này có Thông phán, Kinh lịch, Thư lại (số Bát, Cửu phẩm thư lại, Vị nhập lưu tuỳ tỉnh to hay nhỏ mà nhiều ít khác nhau). Công việc về quân sự do Đề đốc, Phó Đề đốc, Lãnh binh (tỉnh lớn), Lãnh binh, Phó Lãnh binh (tỉnh nhỏ) phụ trách, dưới quyền có các Chưởng cơ, Vệ uý phụ tá. Để quản lý các công việc giáo dục, triều đình còn cho đặt ở mỗi tỉnh 1 viên Đốc học.

Theo Minh Mệnh chính yếu, nhiệm vụ của các quan đứng đầu tỉnh được quy định:

– Tổng đốc giữ việc cai trị quân dân, trông coi cả quan văn, quan võ, khảo hạch các quan lại và sửa sang chốn biên cương.
–  Tuần phủ giữ việc tuyên bố ơn đức nhà vua, phủ dụ yên dân, trông coi hành chính, giáo dục, chấn hưng việc có lợi và trừ bỏ tục lệ.
– Bố chính coi việc thuế, tiền của trong toàn hạt, triều đình có ban ơn huệ hoặc lệnh cấm thì tuyên đạt cho các chức việc biết.
– Án sát giữ việc hình phạt, phát dương kỷ cương, phong tục, xem xét việc quan lại trị dân, kiêm lý việc bưu chính truyền đi trong hạt.
– Lãnh binh cai quản binh lính, đều theo quan Tổng đốc mà thi hành[50].

Dưới tỉnh, cơ cấu đơn vị hành chính các cấp vẫn gồm phủ, huyện, tổng và thôn/xã/ấp… Ngoài việc năm 1828, Minh Mệnh đổi chức Xã trưởng thành Lý trưởng, quy định mỗi xã đặt một Lý trưởng thay vì có thể một hoặc nhiều Xã trưởng như trước đây. Còn lại, cơ cấu đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy quản lý hành chính dưới cấp tỉnh ở Nam Bộ cơ bản không thay đổi so với trước năm 1832. Sự biến động sau năm 1832 chủ yếu chỉ diễn ra ở quy mô, số lượng các đơn vị do quá trình diên cách.

Có thể thấy, cơ cấu hành chính các cấp Nam Bộ từ sau cải cách Minh Mệnh tuân thủ tối đa theo mô hình thống nhất, áp dụng trên quy mô cả nước. Tuy nhiên, bộ máy quan lại ở Nam Bộ, do tình hình, đặc điểm cụ thể, vẫn có những điều chỉnh nhất định, ngay giữa các tỉnh cũng không hoàn toàn như nhau. Khác biệt về số nhân sự 2 ty của 6 tỉnh Nam Kỳ thống kê dưới đây là một ví dụ[51]:
 
 
Tỉnh
 
Ty
 
Thông phán
 
Kinh lịch
Thư lại  
Tổng cộng
Chánh bát phẩm Chánh cửu phẩm Vị nhập lưu
Phiên An
 
Bố chính
Án sát
1
1
1
1
3
2
6
4
60
40
119
Định Tường
 
Bố chính
Án sát
1
1
1
1
2
1
5
3
40
20
75
Biên Hoà
 
Bố chính
Án sát
1
1
1
1
2
1
5
3
40
20
75
Vĩnh Long
 
Bố chính
Án sát
1
1
1
1
3
2
6
4
60
40
119
An Giang
 
Bố chính
Án sát
1
1
1
1
2
1
5
3
40
20
75
Hà Tiên
 
Bố chính
Án sát
1
1
1
1
1
1
2
1
20
10
39
Tổng cộng   12 12 21 47 410 502
 
Một số trường hợp, khi bổ nhiệm chức vụ cụ thể tại địa phương, sự điều chỉnh ở những mức độ khác nhau cũng được áp dụng. Chẳng hạn, mỗi tỉnh, theo cơ cấu do triều đình quy định, Bố chính thường do Tuần phủ kiêm chức. Hội điển cho biết các tỉnh Nam Bộ: “phàm lệ đặt Tuần phủ Biên Hoà, Định Tường, Hà Tiên thì ấn triện của Bố chính do viên Tuần phủ kiêm lĩnh, nếu chỉ đặt Bố chính thì ấn triện Tuần phủ do Bố chính, Án sát hội đồng hộ lý”[52]. Thực lục chép Tuần phủ 3 tỉnh Biên Hoà, Định Tường, Hà Tiên: “dùng chức Bố chính giữ quyền ấn và làm việc Tuần phủ”[53]. Như vậy, có thể thấy, do Tổng đốc kiêm nhiếp 3 tỉnh nên 6 tỉnh Nam Kỳ chỉ có 3 tỉnh đặt Tuần phủ là Biên Hoà, Định Tường, Hà Tiên. Nhưng 3 tỉnh trên, ít nhất trong giai đoạn đầu, khi mới lập tỉnh đều chưa có chức Tuần phủ. Những tỉnh không có Tuần phủ này, quyền lực được giao cho viên Bố chính. Ngay cả tỉnh đặt trị sở Tổng đốc, Bố chính vẫn là viên quan đóng vai trò khá quan trọng. Trường hợp năm 1832 tại tỉnh Phiên An là một ví dụ, khi bàn bạc với triều đình về cách thức xử trí Lê Văn Khôi, đề nghị “tâu xin bắt Khôi (tức Lê Văn Khôi – TG) nghiêm xét” do cả Tổng đốc An – Biên Nguyễn Văn Quế và Bố chính Bạch Xuân Nguyên cùng tâu lên triều đình[54].

Cơ chế quan lại “kiêm lĩnh”, trao quyền cấp trên cho cấp dưới thừa hành – vì thế, có thể dẫn đến hiện tượng lạm quyền. Cho nên, dù đã có những quy định về quyền hạn, chức trách của từng viên quan đầu tỉnh, song để minh định rõ ràng hơn chức năng, phận sự, ngăn chặn việc lạm quyền, trong một đạo dụ năm 1834, Minh Mệnh đã lưu ý: “Tổng đốc, Tuần phủ là quan to đầu hạt, không việc gì là không thống nhiếp thì Bố chính, Án sát và Lãnh binh trở xuống phải bảo nhau mà nghe theo. Nếu tỉnh nào chỉ có các viên Bố chính, Án sát, Lãnh binh thì chức quan không cách xa nhau lắm, kiến thức cũng không ai hơn ai kém, phải nên tuỳ việc châm chước mà làm mới mong cho xong xuôi được. Chuẩn định trừ các tỉnh Gia Định, Vĩnh Long, An Giang… nguyên có Đốc, Phủ đại viên kiêm quản, không phải bàn lại. Còn như các tỉnh Biên Hoà, Định Tường, Hà Tiên… như chi phát tiền lương, tra biện việc án, chọn cử những văn chức phủ huyện, cùng các việc thừa biện tầm thường nên do Bố, Án đều căn cứ chức trách mà làm, viên Lãnh binh không phải dự đến, để chuyên trách việc thành. Còn như chọn cử vũ chức, sai phái biền binh, phân phái đồn trát, cấm phòng mặt đất, phàm việc có quan hệ việc quân, chuẩn cho Lãnh binh hoặc Phó lãnh binh quan tỉnh ấy hội đồng với Bố, Án cùng bàn; một lòng làm việc, có nêu tấu thì chuẩn đến nhất luật liên danh, để cho phối hợp trí tuệ mà làm việc, văn vũ cùng giúp lẫn nhau”[55].

Sự “nhắc nhở” đó của Minh Mệnh, một mặt, giúp cho việc hạn chế, ngăn ngừa các nguy cơ về quyền lực tại địa phương; mặt khác, bổ khuyết, làm rõ chức trách, phân nhiệm, xử lý sự vụ trong địa hạt quản lý của quan lại thừa hành, nhất là những nơi khuyết chức hay kiêm lĩnh… trong bộ máy quan lại. 

Tóm lại, dù có những điều chỉnh và đôi chỗ khác biệt trong cơ cấu tổ chức bộ máy quan lại địa phương ở Nam Bộ so với những quy định chung, được xác lập và thực thi trên quy mô cả nước từ sau cải cách Minh Mệnh; nhưng đó chỉ là những bổ sung, điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình, hoàn cảnh, theo yêu cầu cụ thể địa phương. Trên nguyên tắc cao nhất, tổ chức đơn vị hành chính và bộ máy quản lý hành chính Nam Kỳ lục tỉnh tuân thủ triệt để các quy định thống nhất về hành chính của triều đình.

Trong bối cảnh chung cả nước, cũng như diễn biến quanh câu chuyện quản lý hành chính Nam Bộ suốt mấy chục năm đầu triều Nguyễn, ý nghĩa của việc thiết lập Nam Kỳ lục tỉnh không đơn thuần chỉ là tách nhập diên cách thông thường. Cả với Nam Bộ cùng triều đình nhà Nguyễn, sự kiện này đều mang tầm vóc đặc biệt.

Lần đầu tiên, sau cải cách Minh Mệnh, với Nam Kỳ lục tỉnh, cấp tỉnh – đơn vị hành chính địa phương cao nhất được thiết lập trên toàn Nam Bộ, kèm với đó là sự thống nhất về cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý hành chính. Với sự kiện này, vùng đất Nam Bộ đã hội nhập một cách đầy đủ về phương diện tổ chức hành chính cùng cả nước.

Với triều Nguyễn, Nam Kỳ lục tỉnh không chỉ là thành công của chính quyền trung ương trong việc bãi bỏ cơ cấu đơn vị hành chính cũ, thiết lập các đơn vị mới tại Nam Bộ, mà còn là thành quả, đánh dấu cho việc hoàn thành quá trình cải cách, xác lập hệ thống tổ chức đơn vị hành chính thống nhất trên quy mô cả nước.

*
*        *
Thay lời kết

Như một tất yếu lịch sử, thống nhất lãnh thổ và quyền lực luôn là tiền đề, điều kiện tiên quyết cho việc xác lập nền hành chính thống nhất quốc gia. Đầu thế kỷ XIX, thách thức đối với nhà Nguyễn chính là thực lực của một vương triều vừa thiết lập mâu thuẫn với yêu cầu quản lý lãnh thổ rộng lớn, nhưng còn khó khăn bộn bề – hệ quả sau bao năm đất nước biến động. Trong bối cảnh đó, tự lượng sức mình, phương án Bắc Thành, Gia Định Thành là giải pháp như không thể khác mà triều Nguyễn đã phải chọn.  

Những giằng co quyền lực xung quanh câu chuyện quản lý hành chính Gia Định, bề ngoài, chỉ là những biểu hiện trong phạm vi hoặc những liên hệ trực tiếp tới vùng đất Nam Bộ. Song thực chất, căn nguyên, cốt lõi của nó phản ánh mối tương quan quyền lực chính quyền trung ương – địa phương. Tương quan đó quyết định thái độ, cách thức phản ứng từ phía chính quyền Gia Định Thành, cũng như việc chọn lựa chính sách, biện pháp của triều đình Nguyễn áp dụng trên bước đường “giải quyền lực” đối với vùng đất Nam Bộ.

Từ Gia Định Thành, trải qua quá trình với những tính toán, giằng co, để rồi đi đến lục tỉnh Nam Kỳ, điều đó không đơn giản chỉ là kết quả diên cách như vẫn thường có trong lịch sử. Một mặt, đấy là sự nhất thể hoá mô hình quản lý hành chính được thực thi trên lãnh thổ quốc gia thống nhất. Mặt khác, sau cả quá trình, Nam Kỳ lục tỉnh chính là thành quả trên con đường củng cố, tăng cường sức mạnh quyền lực của vương triều Nguyễn, trong một Việt Nam thống nhất.
 
[1] Choi Byung Wook, Southern Vietnam under the Reign of Minh Mạng (1820-1841): Central Policies and Local Response, Cornell University, Ithaca, New York, 2004, p.45.
[2] Vũ Văn Quân, Nam Bộ – một số vấn đề tiếp cận thiết chế quản lý xã hội, in trong: Lịch sử nghiên cứu và phương pháp tiếp cận (Kỷ yếu Hội thảo khoa học lần thứ nhất Đề án khoa học xã hội cấp Nhà nước: Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.39.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.528.
[4] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 1, sđd, tr.523.
[5] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, bản dịch, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2005, tr.115. Tuy nhiên, theo Đại Nam thực lục, việc này bắt đầu vào năm 1802 (Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 1, sđd, tr.487).
[6] Theo Gia Định thành thông chí, năm 1805, khi Gia Long lệnh cho 5 doanh, trấn của Gia Định: “kê khảo đầy đủ về sự tích, cương vực, thổ sản trong địa hạt, cùng với đường sá xa gần, núi sông chỗ nào bình thường, chỗ nào hiểm yếu, vẽ thành bản đồ, chép thành biên bản, ghi chú rõ ràng để làm thành trình lục”, 5 doanh trấn lúc này vẫn là Phiên Trấn, Trấn Biên, Vĩnh Trấn, Trấn Định và Hà Tiên. (Gia Định thành thông chí, bản dịch, sđd, tr.115).
[7] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 1, sđd, tr.617.
[8] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 1, sđd, tr.716.
[9] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 1, sđd, tr.716.
[10] Gia Định thành thông chí, bản dịch, sđd, tr.120.
[11] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 1, sđd, tr.739.
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.62.
[13] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 1, sđd, tr.873.
[14] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1993, tr.259.
[15] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.257
Trong khi đó, cũng theo quy định năm 1808, số lượng nhân viên ở các cơ quan tương ứng tại Bắc Thành là:
Ty/phòng Chức vụ Cộng
Câu kê Cai hợp Thủ hợp Bản ty
Ty Tả thừa:
      Phòng Lại
     Phòng Binh
     Phòng Hình
 
1
2
2
 
1
2
2
 
2
4
4
 
40
80
80
220
Ty Hữu thừa
 Phòng Hộ
Phòng Lễ
    Phòng Công
 
 
1
1
 
2
1
1
 
4
2
2
 
80
50
70
214
Cộng 7 9 18 400 434
[16] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, sđd, tr.149.
[17] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, sđd, tr.227-228.
[18] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.258-259.
[19] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, sđd, tr.918.
[20] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.260-261.
[21] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.261.
[22] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.261.
[23] Năm 1808, sau khi đặt Gia Định Thành, chức quan đứng đầu trấn lúc này không thấy chép trong chính sử, có lẽ cho đến trước năm 1810 vẫn là các chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục. Năm Gia Long thứ 9 (1810), triều đình khi đó mới ban chỉ dụ: “Đổi chức Lưu thủ các trấn từ Quảng Ngãi về Nam làm Trấn thủ” (Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 1, sđd, tr.803).
[24] Năm 1827, vua Minh Mệnh “chỉ dụ quan trấn tam tứ phẩm từ tỉnh Quảng Nam trở vào Nam, chuẩn theo như quan trấn từ Nghệ An trở ra đổi làm Hiệp trấn, Tham hiệp, không phải giữ những chức danh Cai bạ, Ký lục và Hiệp lý như trước” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.137-138). Riêng trấn Hà Tiên ngay từ năm Gia Long thứ 10 (1811) đã cho đặt chức Hiệp trấn.
Đến đây thì cấp trấn cùng các chức vụ đứng đầu trấn ở Bắc Thành và Gia Định Thành đã được thống nhất, chỉ còn ở miền Trung vẫn tồn tại 4 dinh dưới sự quản lý của triều đình.
[25] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.160.
[26] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.161-162.
[27] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, sđd, tr.228.
[28] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.164-165.
[29] Gia Định thành thông chí, bản dịch, sđd, tr.121-132.
[30] Gia Định thành thông chí, bản dịch, sđd, tr.121-178.
[31] Năm 1776, theo thống kê của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, đơn vị hành chính các cấp ở Nam Bộ có:
Dinh/trấn Phủ Huyện/châu Tổng Thôn/xã/ấp…
Phiên Trấn   1 4 650
Trấn Biên   1 4 320
Long Hồ   1 3 350
Cộng   3 12 1.320
(Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp tục, bản dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.196-197).
[32] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 1, sđd, tr.873.
[33] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, sđd, tr.60.
[34] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, sđd, tr.115.
[35] Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2, Uỷ ban phiên dịch sử liệu, Viện Đại học Huế, 1962, tr.28.
[36] Điểm này khác hẳn với Bắc Thành, 4 người lần lượt nắm giữ chức Tổng trấn Bắc Thành đều quê quán miền Nam, hoặc miền Trung: Nguyễn Văn Thành (người trấn Phiên An), Nguyễn Hoàng Đức (quê trấn Định Tường), Lê Chất (quê Bình Định) và Trương Văn Minh (quê Thanh Hoá).
[37] Trong cuốn Minh Mạng, Gaultier từng nhận xét Lê Văn Duyệt: “là một con người mạnh mẽ, giàu có và được toàn dân biết đến… Hơn nữa, cùng với những con chiên mà ông ủng hộ, cùng với người dân Nam Kỳ ngỗ ngược thì ông đại diện cho một sức mạnh đáng ngại mà Minh Mệnh cảm thấy vẫn chưa thể nào chế ngự được” (Xem Gaultier, Minh Mạng, Éditions La Rose, Paris, 1935, p.92-93; dẫn theo Nguyễn Minh Tường, Cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996, tr.120-121).
[38] Tháng 5/1820, Minh Mệnh “lấy Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt lãnh Tổng trấn Gia Định Thành”, “Duyệt bệ từ. Vua cho rằng ký thác công việc ở biên khổn khó tìm được người, hai ba lần vỗ về yên ủi” (Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, sđd, tr.62).
[39] Nguyễn Phan Quang, Lê Văn Khôi và sự biến thành Phiên An (1833-1835), Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002, tr.34.
[40] Trần Nhật Vĩnh – một nhân vật thân cận của Lê Văn Duyệt – bị tố cáo tham nhũng, buôn lậu. Lê Văn Duyệt đứng ra bảo vệ, gây áp lực với việc điều tra. Tuy quá trình điều tra phải dừng lại nhưng Minh Mệnh cũng đã điều được Trần Nhật Vĩnh ra Bắc Thành, thay thế cho vị trí của Nhật Vĩnh là Hữu Tham tri bộ Binh Nguyễn Khoa Minh. Và sau thì Trần Nhật Vĩnh cũng bị bắt đưa về kinh đợi tội (Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, sđd, tr.722, 744-745).
[41] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.152.
[42] Đại Nam thực lục chép ngay sau khi truy tặng “công thần” cho Lê Văn Duyệt, Minh Mệnh: “rồi đó, sắc cho hai vệ Tả bảo nhất và Tả bảo nhị thuộc Tả quân đồn thú ở thành Gia Định rút về hàng ngũ ở Kinh, vệ Minh Nghĩa rút về tỉnh Quảng Ngãi, chia bổ vào 6 cơ Tĩnh Man, còn lính trước ở cơ An Thuận thì cứ cho lưu lại liệu bổ vào các đội Tả Sai, Tả Thuận, đợi sau khi an táng Lê Văn Duyệt xong thì về Kinh. Bọn thuộc binh, viên tử, hào mục của Duyệt thì sung bổ vào chân khuyết trong cơ đội ở thành, ai muốn về quê quán thì giao sở tại ghi vào sổ để chịu sai dịch” (Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 3, sđd, tr.354).
[43] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 2, sđd, tr.866-867, 902.
[44] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 3, sđd, tr.392-393.
[45] Năm 1833, tỉnh Phiên An đổi gọi thành tỉnh Gia Định.
[46] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 3, sđd, tr.394.
[47] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 3, sđd, tr.393.
[48] Có hai trường hợp ngoại lệ, đó là 1 trường hợp duy nhất Tổng đốc cai quản 3 tỉnh (Sơn – Hưng – Tuyên, tức Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang), 1 trường hợp Tổng đốc chỉ đứng đầu 1 tỉnh (Thanh Hoá – “quý hương” của triều Nguyễn). 
[49] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 3, sđd, tr.394.
[50] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, bản dịch, tập 1, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1994, tr.205-206.
[51] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.171-172.
[52] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.137.
[53] Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 3, sđd, tr.395.
[54] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, bản dịch, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1997, tr.475-476.
[55] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập 2, sđd, tr.140.
ThS. Nguyễn Ngọc Phúc
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu, 19-12-2013.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây