1. Kết thúc bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx và Engels đưa ra lời kêu gọi: "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!". Đó là khẩu hiệu mang tính chiến đấu, đã thôi thúc giai cấp công nhân châu Âu thời bấy giờ đứng lên chống lại chế độ tư bản, giải phóng lao động. Công xã Paris năm 1871 là đỉnh cao của phong trào công nhân Pháp, đồng thời còn là biểu hiện sinh động tình đoàn kết chiến đấu của công nhân thế giới. Sát cánh cùng các chiến sĩ Công xã trên các chiến luỹ Paris có những đại biểu ưu tú của công nhân các nước Ba Lan, Hung, Tiệp, Đức, Nga... tham gia. Dấu tích đó được ghi đậm nét trong bài thơ Quốc tế của Eugène Pottier, sau được phổ nhạc thành bản Quốc tế ca hùng tráng, vang vọng đến ngày nay với tư cách là bài ca chính thức của những người cộng sản toàn thế giới.
Nền tảng của tình đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân xuất phát từ địa vị xã hội và mục tiêu đấu tranh của họ. Là giai cấp bị chủ nghĩa tư bản áp bức bóc lột, muốn giành lại quyền tự do trong lao động, họ đã kết liên từ khuôn khổ nhỏ bé của những người thợ cùng ngành nghề, cùng khu vực đến quy mô rộng lớn trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Cùng hoàn cảnh, cùng đối thủ, cùng mục tiêu, giai cấp công nhân các nước đã xích lại gần nhau, đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản để giải phóng cho chính giai cấp của mình và nhân dân lao động. Quốc tế thứ nhất (1864 - 1875) được thành lập với sứ mệnh đoàn kết công nhân toàn thế giới để giáo dục họ, tổ chức họ thành một lực lượng chống chọi với kẻ thù.
Song ngay từ những ngày đầu tiên đó, phong trào công nhân chưa thể gắn kết thành một lực lượng thống nhất vì sự phân hoá trong hàng ngũ. Khác nhau về trình độ nghề nghiệp, khác nhau về nguồn gốc xuất thân trước khi trở thành vô sản, lại chịu tác động của những chính sách khác nhau của giai cấp cầm quyền trong mỗi nước, những yếu tố đó làm xói mòn sự nhất trí trong đội ngũ họ. Bi kịch đó bộc lộ rõ nét vào những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX khi các loại chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại chiếm ưu thế trong phong trào công nhân. Thử thách gay cấn nhất giữa chủ nghĩa quốc tế và lơi ích quốc gia bộc lộ khi thế giới đứng bên bờ của cuộc Thế chiến thứ nhất. Trong cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa đó, thái độ của giai cấp công nhân nên như thế nào? Hoặc là đứng về phía chính phủ nước mình dưới khẩu hiệu "Bảo vệ Tổ quốc", điều đó sẽ đồng nghĩa với việc cầm súng bắn vào những người lao động anh em ở phía bên kia; hoặc là công nhân các nước liên kết với nhau để chống lại cuộc chiến tranh "99% là phi nghĩa" (Lênin). Những người lãnh đạo các Đảng Xã hội dân chủ nhiều nước đã chọn giải pháp thứ nhất, đứng trên lập trường dân tộc hẹp hòi, bảo vệ lợi ích của "nước mình", thực chất là lợi ích của giai cấp tư sản thống trị. Như vậy là công nhân và những người lao động các nước đã lao vào cuộc chém giết lẫn nhau vì lợi ích của giai cấp tư sản mang danh "Tổ quốc". Riêng V.I. Lênin tìm ra giải pháp mới với khẩu hiệu "Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mang", lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành thành công cuộc Cách mạng tháng Mười, thành lập chính quyền Xô viết. Mối mâu thuẫn giữa chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân và lợi ích của mỗi quốc gia đã được thể nghiêm như thế, song lúc đó các chính đảng công nhân đều chưa phải là đảng cầm quyền, cuộc tranh cãi chủ yếu là về thái độ ứng xử, còn việc hoạch định chính sách và tiến hành chiến tranh thì thuộc về các chính phủ tư sản.
2. Cuộc cách mạng tháng Mười năm 1917 lần đầu tiên đưa Đảng cộng sản lên địa vị Đảng cầm quyền, đại diện lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động trên đất nước xô viết. Nhưng đây mới là trường hợp duy nhất, các Đảng theo quan điểm Lênin tăng cường đoàn kết trong Quốc tế thứ ba tiến hành cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Đến nửa sau thế kỷ XX, tình hình đã đổi khác. Thế chiến thứ hai kết thúc, chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống thế giới, Đảng cộng sản trở thành Đảng cầm quyền trong nhiều nước. Lớn nhất là Đảng cộng sản Liên Xô với Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa xô viết, Đảng cộng sản Trung Quốc với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Trong các nước XHCN, Đảng cộng sản đã trở thành người lãnh đạo quốc gia, lợi ích giai cấp gắn liền lợi ích dân tộc. Khi đó, Đảng cộng sản cầm quyền là người đại diện lợi ích quốc gia, đồng thời phải gắn kết với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ. Xử lý đúng đắn mối quan hệ này là thách thức đối với mỗi Đảng, mỗi Nhà nước XHCN khi phải đứng trước sự cân nhắc giữa các lợi ích không phải khi nào cũng đồng nhất.
Thành tựu tiêu biểu cho sự gắn kết chủ nghĩa quốc tế và lợi ích quốc gia được biểu hiện thành công trong sự đồng tình và ủng hộ của các nước XHCN, các Đảng cộng sản và phong trào công nhân thế giới đối với hai cuộc kháng chiến cứu nước ở Việt Nam. Đó chính là một trong những nhân tố cơ bản góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước nhà. Đã nhiều lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhân tố quốc tế này với lòng biết ơn sâu sắc. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người viết: "...tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta".
Trong suổt cuộc kháng chiến 30 năm đầy gian khổ ấy, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đã chiến đấu hy sinh vì lợi ích của toàn dân tộc, vì sự nghiệp độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Bản thân nó là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống mọi kẻ thù xâm lược nước ta. Điều kiện địa lý và lịch sử đã gắn kết vận mệnh của ba quốc gia trên bán đảo Đông Dương, cả hai phía ta và địch đều coi Đông Dương là một chiến trường không thể chia tách được. Cho nên cuộc chiến tranh giải phóng được nhân dân cả ba nước cùng tiến hành, đoàn kết bên nhau, nương tựa vào nhau. Các đội quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng lực lượng cách mạng Lào và Campuchia để chống kẻ thù chung là thực dân Pháp, sau là đế quốc Mỹ vì mục tiêu độc lập của mỗi nước, vì hoà binh trên toàn bán đảo. Như vậy, lợi ích của mỗi dân tộc gắn liền với lợi ích của cả ba quốc gia, hun đúc thành tình đoàn kết chiến đầu của nhân dân Đông Dương. Nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế được hoàn thành trên cơ sở của những điều kiện lịch sử như vậy nên nó được khẳng định và mang lại chiến thắng.
Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, thế giới chia làm hai phe, cách mạng Việt Nam còn mang ý nghĩa của cuộc đấu tranh góp phần thắng lợi của CNXH, nhằm vào kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Do vậy, xương máu của quân dân Việt Nam đổ xuống trên chiến trường không chỉ vì sự nghiệp độc lập, thống nhát của dân tộc mà còn vì lợi ích chung của các nước XHCN và của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Ý nghĩa quốc tế của cuộc đấu tranh này đã thu hút được sự đồng tình ủng hộ về tinh thần, sự giúp đỡ hiệu quả về vật chất của các nước XHCN và bầu bạn năm châu. Ngay cả khi mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc bộc lộ sâu sắc thì việc ủng hộ Việt Nam kháng chiến vẫn là nghĩa vụ quốc tế, là đòi hỏi của lương tri loài người. Không phải không có những tính toán vì lợi ích riêng biệt của mỗi quốc gia trong sự ủng hộ Việt Nam, song lời giải đáp cuối cùng là không ai có thể khước từ nhiệm vụ được coi là thiêng liêng và cao cả đó. Việt Nam, tự bản thân mình ý thức được sự kết hợp giữa lợi ích dân tộc với nghĩa vụ quốc tế và đã làm tròn phận sự đó.
3. Nhưng lịch sử hiện đại đã có những minh chứng đau lòng về mối mâu thuẫn giữa chủ nghĩa quốc tế và lợi ích quốc gia trong phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới. Có thể dẫn ra 2 sự kiện nói lên thực trạng đó.
Người ta thường giải thích rằng sự bất đồng Xô-Trung từ những năm 50 của thế kỷ trước bắt nguồn từ sự đánh giá khác nhau về vai trò lịch sử của J. Stalin - nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô trong gần 3 thập kỷ (1924 - 1953). Sự đánh giá đó bắt đầu bộc lộ từ Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô (1956) với bản báo cáo mật của Bí thư thứ nhất N. Khrutchev về "Tệ sùng bái cá nhân Stalin" và bùng nổ thành cuộc tranh luận công khai, bài xích lẫn nhau vào những năm 60. Vấn đề Stalin thực ra chỉ là cái cớ để mỗi bên tự nhận mình là người bảo vệ chân chính học thuyết Marx và kết tội bên kia là chủ nghĩa xét lại hiện đại hoặc chủ nghĩa giáo điều lỗi thời. Nguồn gốc của nó là sự khác biệt trong đánh giá đối thủ và xu hướng phát triển của thế giới. Bản thân sự nhận định khác nhau không dẫn đến chia rẽ nếu như không ẩn chứa trong đó mưu đồ giành giật địa vị hàng đầu của hai Đảng, hai Nhà nước lớn XHCN trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trước đây, trong suốt một thời gian kéo dài hàng chục năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tiến hành 3 lần nội chiến chống Đảng Quốc dân và một lần chống phát xít Nhật, đến năm 1949 mới giành thắng lợi hoàn toàn với sự ra đời Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Trong giai đoạn đó, cách mạng Trung Quốc đương nhiên phải dựa vào sự ủng hộ của Liên Xô và của phong trào cách mạng thế giới. Nhưng khi cách mạng đã thành công, công cuộc xây dựng đất nước trên đà tiến triển thì trở ngại lớn nhất ttên con đường phía trước đối với Trung Quốc lại là Liên Xô, cần gạt bỏ. Về phần mình, với cương vị là người đứng đầu phong trào trong nhiều năm, Liên Xô không dễ gì chấp nhận việc chia sẻ quyền lãnh đạo với một Đảng khác dù là Đảng Cộng sản. Cuộc tranh cãi tăng dần lên từ lĩnh vực tuyên truyền sang đấu tranh chính trị rồi dẫn đến cuộc xung đột vũ trang trên vùng biên giới hai nước (1969). Thế là lần thứ Nhất "những người anh em Đỏ đánh nhau" chẳng phải vì sự bảo vệ ý thức hệ mà vì lợi ích hẹp hòi của quốc gia dân tộc. Kẻ hí hửng và được lợi trong cuộc đổ máu này chính là chủ nghĩa đế quốc Mỹ, cho đến lúc này vẫn được coi là kẻ thù lớn nhất và chủ yếu của chủ nghĩa xã hội!
Năm 1972 Tổng thống Mỹ Richard Nixon được đón tiếp như vị thượng khách trong vòng tay của những người cộng sản ở Bắc Kinh và ở Moskva. Trong trò chơi "tam giác quyền lực" này, mỗi bên đều cố kiếm tìm bạn đồng minh trong sự đối địch với bên kia. Sợi dây đồng minh này không phải là sự liên kết Xô Trung "cùng chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ' mà là liên kết Trung Mỹ và Xô Mỹ để hai nước Liên Xô, Trung Quốc chống phá lẫn nhau. Nghĩa là kẻ thù đã biến thành đồng minh và đồng minh đã trở thành kẻ thù. Hiện thực này không hề có trong kinh điển học thuyết Marx Lenine nhưng lại là thực tiễn được phơi bày trong cuộc sống.
Trong những cuộc hội đàm của Trung Quốc với Mỹ và Liên Xô với Mỹ lần này, chiến tranh Việt Nam trở thành một trong những đề tài được đưa ra để mặc cả. Người ta muốn lặp lại kịch bản Geneve 1954, muốn kết thúc chiến tranh ở mức độ nửa vời trong sự hoà hoãn giữa các nước lớn. Nhưng kinh nghiệm của ngoại giao Việt Nam và những thắng lợi trên chiến trường đã đưa Hội nghị Paris tiến triển theo đúng chủ trương của Việt Nam, buộc Mỹ phải rút quân, phải thừa nhận thực trạng 2 vùng và 3 lực lượng chính trị ở miền Nam, tạo nên một bước quá độ để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Điều đó thể hiện rất rõ rằng 2 nước lớn XHCN trong khi viện trợ cuộc kháng chiến cũng vẫn sẵn sàng bắt tay với đối thủ để kình địch nhau và coi nhẹ lợi ích của các nước khác nhằm đạt được sự nhân nhượng, hoà hoãn với đối thủ.
Chỉ 5 năm sau, vở bi kịch này lại tái diễn trên bán đảo Đông Dương. Thắng lợi năm 1975 của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia mở ra một triển vọng mới về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở ba nước Đông Dương và có ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á. Nhưng tình hình thực tế đã diễn ra ngược lại hoàn toàn so với dự báo. Lần thứ hai, lại diễn ra cảnh "những người anh em Đỏ đánh nhau" mà chiến trường là biên giới phía tây nam và phía bắc nước ta. Lực lượng tham chiến là quân đội của ba nước láng giềng đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo mà không có bóng dáng một tên lính đế quốc. Đương nhiên, các thế lực đế quốc và phản động lợi dụng cơ hội này để quay trở lại chống Việt Nam, bao vây cô lập Việt Nam. Không đi sâu vào những diễn biến cụ thể của sự kiện này, song chúng ta có thể rút ra điều gì ở đây?
Rõ ràng là mâu thuẫn dẫn đến những cuộc xung đột vừa kể trên không phải là một trong 4 mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ quá độ: mâu thuẫn giữa 2 hệ thống xã hội, giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản, giữa phong trào giải phóng dân tộc với chủ nghĩa đế quốc và giữa các nước tư bản. Mà mâu thuẫn lúc này lại là giữa các đảng cộng sản, giữa các quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền, thống trị xã hội và đại diện cho lợi ích quốc gia. Cho nên mâu thuẫn này cũng như mâu thuẫn giữa các nước tư bản (đã từng dẫn đến 2 cuộc chiến tranh thế giới) vẫn chỉ là đối kháng lợi ích quốc gia, điều mà về mặt lý thuyết ta cho rằng không có trong các nước XHCN. Câu trả lời khá thô bạo "chỉ có đồng chí, không có đồng minh" đã nói lên sự thực trần trụi mà ta cần nhận thức đầy đủ. Thực ra khi không còn là đồng minh thì cái gọi là đồng chí cũng cần được nhìn nhận một cách thận trọng.
Vậy trong bối cảnh thế giới toàn cầu hoá ngày nay thì nên xử lý mối quan hệ giữa chủ nghĩa quốc tế và lợi ích quốc gia như thế nào trên tiến trình hội nhập quốc tế? Bài toán thời đại vẫn còn đó.
GS. Vũ Dương Ninh
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 30-10-2012.
Ý kiến bạn đọc
Thứ hai - 16/09/2024 14:09
Thứ hai - 16/09/2024 12:09
Thứ hai - 16/09/2024 07:09
Chủ nhật - 15/09/2024 16:09
Thứ bảy - 14/09/2024 08:09