Thú thực, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ học Văn hóa học.
Vào ngày đặt bút điền đơn nguyện vọng, trong đầu tôi chỉ toàn mơ mộng về những ngành học mang tên gọi mỹ miều như Truyền thông, Marketing, PR, Báo chí… Đặc biệt là ngành Tâm lý học – giấc mơ ngày ấy của tôi. Còn Văn hóa học, với tôi khi đó, đơn giản chỉ là một chiếc phao dự phòng, nếu chẳng may tôi ngắc ngoải giữa đại dương mênh mông mang tên “kỳ thi đại học”. Và cuối cùng, tôi đã phải bám vào chiếc phao ấy.
Bước vào năm nhất đại học với tâm thế chán chường, tôi mang suy nghĩ: học đại học chắc cũng chẳng cần cố gắng lắm, trượt môn học lại cũng đâu có sao. Tôi bắt đầu lao vào các công việc tự do liên quan đến truyền thông và marketing – những lĩnh vực mà tôi tin rằng tấm bằng Văn hóa học sau này sẽ chẳng giúp ích gì nhiều. Tôi đi làm nhiều đến mức bỏ bê hoàn toàn việc học, dẫn đến nợ môn chồng chất, bị cảnh cáo học vụ. Tất cả các bài tập, bài thi tôi đều làm một cách đối phó, nhờ cả vào Chinh. Thật lòng, tôi vô cùng biết ơn Chinh. Nếu không có Chinh, có lẽ tôi đã không trụ được hai năm đầu với chừng ấy tín chỉ. Đến mức thầy Tiến – giáo viên chủ nhiệm – phải thốt lên: “Bao giờ thằng H.A mới định ra trường?”
Mọi thứ bắt đầu thay đổi sau chuyến đi thực tế cuối năm hai trong môn Thực hành văn hóa của cô Phương. Nói thật, đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện nhiều đến thế với các bạn trong lớp. Tôi trò chuyện với chị Giang, với Vy, Hải Bình, Trang… và cả câu chuyện về “ngôi nhà 12 nữ, 1 nam”. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự thú vị của ngành học này, và cũng lần đầu tôi tự hỏi: “Phải chăng mình đã bỏ phí hai năm qua một cách quá vô nghĩa?” Thế nhưng, ý nghĩ bỏ học vẫn lởn vởn trong đầu tôi. Tôi nghĩ, hay là mình bắt đầu lại, học một ngành khác?
Chưa kịp quyết định thì tôi phải tham gia khóa học Giáo dục quốc phòng kéo dài hai tuần. Ở đó, tôi tiếp xúc với nhiều người bạn mới, hiểu thêm về cuộc sống sinh viên từ góc nhìn khác. Nhưng trên hết, chính cái khổ ở khu quân sự – một kiểu khổ mà suốt 20 năm đời tôi chưa từng nếm trải – khiến tôi tự nhủ: mình phải học xong cái ngành này, để bõ công chịu khổ.
Và thế là tôi bước vào năm ba, năm của hành trình trả nợ: nợ môn, nợ sự lười biếng và nông cạn của chính mình. Tôi đăng ký lớp vô tội vạ, chẳng quan tâm lịch học ra sao, cứ trống tiết là tôi đăng ký cho đủ 40 tín chỉ. Hậu quả là có những ngày suốt 4 tháng liền, tôi phải đi học từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Tôi kiệt quệ, cả về tinh thần lẫn vật chất. Lúc đó, tôi hiểu ra: mình đang phải trả giá, mà cái giá thì… đắt quá.
Năm ba cũng là lần đầu tiên tôi được học cô Trang trong môn Văn hóa giới và tính dục. Tôi thực sự choáng ngợp, cả bởi nội dung lẫn cách giảng dạy. Lần đầu tiên tôi gặp một giáo viên khiến tôi cảm thấy như có một người bạn, một người đồng hành, chứ không phải khoảng cách cứng nhắc thầy – trò. Rồi đến các lớp tiếng Anh cô dạy, rồi việc được cô hướng dẫn niên luận… Môn học của cô Trang chính là lý do tôi đến trường vào thời điểm ấy. Tôi thực sự tiếc nuối vì quá bận rộn nên không thể làm khóa luận để tiếp tục được cô hướng dẫn.
Và rồi năm cuối đến. Chúng tôi có chuyến đi thực tập tại Huế, một chuyến đi mang lại cho tôi vô vàn cảm xúc. Tôi đã từng đến Huế nhiều lần vì quê nội gần đó, nhưng chưa bao giờ tôi có một trải nghiệm đặc biệt đến thế.Tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ có lúc muốn quay lại thời sinh viên. Nhưng giờ đây, sau một năm tốt nghiệp, đã chuẩn bị bước vào chương trình thạc sĩ ngành Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, đã có một công việc liên quan đến lĩnh vực Văn hóa, đôi khi tôi lại ước mình được sống lại những ngày tháng ấy, dù chỉ một lần.
Tôi biết ơn Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, biết ơn tập thể K65 Văn hóa học, biết ơn thầy Tiến, thầy Minh, cô Trang, cô Phương, cô Thảo, cô Nguyệt… và rất nhiều thầy cô khác nữa. Chắc chỉ có nơi đây tôi mới có thể tốt nghiệp được, chứ không thì tôi… thất học lâu rồi.
Giờ đây, khi đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông và xúc tiến du lịch văn hoá tại các di sản – và là đồng sáng lập của một công ty nhỏ chuyên tổ chức các tour du lịch trải nghiệm văn hoá, tôi mới thực sự hiểu ngành Văn hoá học đã trang bị cho mình điều gì. Những khái niệm tưởng như chỉ có trong sách vở như “văn hoá dân gian”, “tín ngưỡng và lễ hội”, “di sản học”, “thực hành văn hoá”, “giao tiếp liên văn hoá”… lại chính là công cụ làm việc mỗi ngày của tôi.
Khi lên ý tưởng cho một hành trình du lịch khám phá di sản, tôi không chỉ đặt lịch trình đi đâu – tôi kể lại câu chuyện của vùng đất ấy, tôi kết nối du khách với cộng đồng địa phương một cách có chiều sâu, có sự tôn trọng và thấu cảm. Khi làm truyền thông cho một sự kiện hay sản phẩm văn hoá, tôi hiểu đâu là điểm chạm văn hoá, đâu là nét đặc trưng cần giữ gìn. Tôi không còn làm việc với “ý tưởng”, mà với “bản sắc”.
Ngành Văn hoá học giúp tôi nhìn sự vật không chỉ bằng con mắt thẩm mỹ, mà bằng tư duy hệ thống – hiểu vì sao một món ăn, một trang phục, một nghi lễ lại có thể trở thành biểu tượng của cả một cộng đồng. Tôi thấy rõ mình đang làm công việc có ý nghĩa: kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối cộng đồng với công chúng, kết nối di sản với sáng tạo.
Tôi từng không hiểu mình đang học để làm gì. Nhưng bây giờ, tôi thấy rõ: học Văn hoá học là học cách sống giữa con người, giữa ký ức, giữa giá trị – và học cách tạo ra điều gì đó có ích từ những điều tưởng như vô hình.
(N.H.A - một thành viên của K65 Văn hóa học)
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Thứ tư - 23/07/2025 06:07
Thứ ba - 22/07/2025 21:07
Thứ ba - 22/07/2025 16:07
Thứ ba - 22/07/2025 16:07
Thứ hai - 21/07/2025 18:07