1. Theo Herodot (484-425 TrCN), nhà sử học Hy Lạp cổ đại nổi tiếng, lịch sử là những gì thuộc về quá khứ. Nhưng lịch sử cũng là những gì thuộc về tương lai. Vì không ai có thể xây dựng tương lai mà không trên bất cứ một nền tảng lịch sử nào. Vì lý do đó thì có thể nói rằng không có khoa học nào có thể so sánh được với khoa học lịch sử, bởi vì như một giáo sư trong giờ Nhập môn Khảo cổ học, năm 1978 đã nói với tôi và các cô cậu sinh viên năm thứ nhất vừa mới bỡ ngỡ bước chân vào giảng đường Khoa lịch sử của Đại học Tổng hợp: “Toán là cái gì, văn là cái gì, chỉ có lịch sử vì lịch sử chính là cuộc đời”. Chính sự so sánh có phần dung dị đến dị biệt đó đã làm cho chúng tôi bước đầu lờ mờ hiểu được tầm quan trọng của lịch sử, và vì thế thích lịch sử hơn và vững tin hướng về tương lai.
2. 60 Năm qua là một chặng đường vẻ vang, từ “giai đoạn xây nền đắp móng” những năm 1950, trải qua “giai đoạn kháng chiến hào hùng”, hy sinh anh dũng những năm 1960 – 1970, đến “giai đoạn đổi mới, mở cửa, hội nhập”, Khoa Lịch sử đã trở thành một địa chỉ đào tạo, nghiên cứu lịch sử uy tín hàng đầu của đất nước. Khoa trở thành Khoa anh hùng duy nhất của mái trường anh hùng. Như vậy Khoa lịch sử ta là khoa 2 lần anh hùng. Nói đến trường ĐHTH trước kia và Trường ĐHKHXHNV ngày nay mà không nói đến khoa Lịch sử là một điều thiếu sót, tựa như đến Hà Nội mà không thăm Hồ Gươm, đến Matxcova mà không thăm Hồng Trường, hoặc đến Bắc Kinh mà không thăm Quảng trường Thiên An Môn. Tất nhiên Khoa lịch sử sẽ không được như hôm nay, nếu như không đặt trong Trường Đại học Tổng hợp trước kia và Trường ĐHKHXHNV ngày nay ví như nói đến Kim tự tháp người ta gắn liền với văn minh Ai cập, Nghìn lẻ một đêm với xứ Ba Tư hay những người Inca, chủ nhân của nền văn minh trải rộng ở vùng Nam Mỹ.
3. Trong thời khắc có ý nghĩa lịch sử như thế này, cũng với tư cách là người học, yêu quý và nghiên cứu lịch sử, tôi mong muốn chúng ta làm được nhiều hơn nữa không chỉ cho lịch sử mà còn cho hiện tại, và tương lai của lịch sử. Hãy tìm cách truyền cảm hứng đam mê yêu thích môn lịch sử cho các thế hệ tương lai như chúng tôi đã từng được học năm nào. Hãy có những bộ sách giáo khoa lịch sử mà mỗi học sinh bậc phổ thông khi cầm đến đều có thể đọc say mê, thảo luận và kể cho nhau nghe một cách mê say. Hãy có nhiều hơn nữa những công trình nghiên cứu sử học được trao các giải thưởng quốc tế mà cho đến nay chúng ta vẫn còn vắng mặt. Hãy để các thư viện, trung tâm nghiên cứu Việt Nam xuất hiện các công trình của các nhà sử học Việt Nam, chứ không phải chỉ có công trình của David Marr, Keith Taylor, Stein Tonnesson, Daniel Emery, Philip Devillers, Pierre Brocheux hay Deopik, Furuta Motoo và Christopher Goscha. Cuối cùng, nhân dịp khoa Lịch sử tròn 60 tuổi, cho phép tôi được bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn đối với lớp lớp thế hệ các cô, các thầy và các khoá sinh viên đã làm nên tên tuổi của Khoa lịch sử anh hùng và kính chúc cho khoa chúng ta mãi xứng đáng với danh hiệu anh hùng đó. Nếu như phải nói một từ nào đó về Khoa Lịch sử, thì từ tôi muốn nói không phải là “tuyệt vời” mà là “trên cả tuyệt vời.”
GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Nhà trường tại Lễ kỷ niệm 60 năm Khoa Lịch sử
Nguồn: ussh.edu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thứ tư - 09/10/2024 11:10
Thứ tư - 09/10/2024 09:10
Thứ ba - 08/10/2024 22:10
Thứ hai - 07/10/2024 23:10
Thứ hai - 07/10/2024 21:10