Khi nhập học, chúng tôi tập trung tại 19 Lê Thánh Tông. Tôi vốn là học sinh lớp chuyên văn (Đặc biệt Văn) của tỉnh Hà Tĩnh, nên khi đến Trường, thấy tên mình đứng ở số 19 Khoa Lịch sử, đã xin gặp GS. Dương Hữu Thời, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban đón tiếp sinh viên, hỏi việc đăng ký ngành Văn sao lại ở ngành Sử, được Giáo sư giải thích là do điểm môn Sử của tôi cao nhất trong ba môn thi, nên Trường chuyển tôi sang học ở Khoa Lịch sử.
Chúng tôi đa số mới đến Hà Nội, nên sau khi hoàn thành thủ tục nhập Trường, đã xếp hàng đi theo anh Trần Vĩnh Bá, một sinh viên lớp trước, để về Khoa. Cả đoàn, người nào cũng đeo ba lô, vác hòm, mang túi, ôm chăn, chiếu lũ lượt theo nhau lên tàu điện để đến một địa điểm được gọi là Mễ Trì. Sau khi qua Ngã Tư Sở, đến một cánh đồng có mấy căn nhà 4 tầng ở bên phải thì cả đoàn xuống tàu và rẽ vào. Đó là Khu nhà của trường Trung cấp Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội), có nhà bị bom đánh sập một nửa. Anh Bá nói đó là nơi Khoa Văn, Khoa Sử ở và học tập. Giáo viên, sinh viên Khoa Văn ở và học tại nửa phía Đông nhà Đ1 và Đ2; giáo viên và sinh viên Khoa Sử ở nửa phía Tây. Chúng tôi tập hợp trước sân nhà Đ1 và được PTS. Phan Hữu Dật thay mặt Ban Chủ nhiệm Khoa cùng các giáo viên chào đón rất niềm nở. Sau đó chúng tôi được đưa sang nửa phía Tây của nhà Đ2 và ở tại đó với các bạn khóa trên. Phòng ở không có giường, phải trải chiếu giữa sàn để ngủ. Điện không có, đêm hôm đó đã có mấy người bị mất dép nhựa…
Khóa chúng tôi có 81 sinh viên, tổ chức thành một lớp. Cả Khoa chỉ có 4 lớp gọi là G1 (năm thứ nhất), G2 (năm thứ 2), G3 (năm thứ 3), G4 (năm thứ 4). Lúc đó Trường Đại học Tổng hợp có ký hiệu là T104, Khoa Lịch sử ký hiệu là G. Khi viết thư, địa chỉ của tôi là Ngô Đăng Tri, G1, T104, Hà Nội. Do có khoảng một phần ba là cán bộ, bộ đội đi học hay phục viên chuyển ngành sang học nên lớp có một chi bộ Đảng hơn 10 đảng viên (cán bộ lớp là các anh Hồ Uông, Nguyễn Khánh Bật, Trần Viết Hoàn…), số còn lại là đoàn viên. Cũng có vài ba người là thanh niên chưa vào Đoàn.
Khóa học của chúng tôi được bắt đầu bằng 4 tuần tập quân sự, sau đó mới học văn hóa. Cuối học kỳ 1, chúng tôi đi thực tập khảo cổ, chia thành 2 đoàn: Đoàn Vĩnh Lại (Phú Thọ) và đoàn Dục Tú (Hà Nội), giữa học kỳ 2 đi thực tập Dân tộc học ở Lạng Sơn. Năm thứ 2 (tháng 9-10 năm 1971) chúng tôi mở đầu bằng đợt đi kéo gạo bị ngập lụt ở Yên Viên, đắp đê ở Cống Thôn (Gia Lâm), khắc phục hậu quả lũ lụt ở Liên Hà (Đông Anh). Tháng 4-1972, Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, Khoa Lịch sử sơ tán lên Vạn Thắng, Ba Vì, sau đó sang Yên Phong, Hà Bắc. Mùa hè 1972 chúng tôi đi đắp đê ở huyện Quế Võ. Học tập lúc đó rất tự giác, say sưa, nghiêm túc, dù là ở nơi sơ tán, học trong nhà dân, trong đình, chùa. Giáo viên, sinh viên cùng sinh hoạt tập thể, ăn ở gần gũi với nhau.
Khóa 15 chúng tôi có 14 sinh viên nhập ngũ, theo 3 đợt khác nhau trong năm 1971 và 1972. Hai đợt trước có 11 người là Trần Văn Tuấn, Lê Văn Doan, Nguyễn Xuân Toản, Nguyễn Văn Tài, Lương Gia Tĩnh, Trương Minh Dục, Trần Đức Hậu, Đặng Ngọc Hoan, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Trường Kỳ, Phạm Gia Hùng (anh này sau khi về trường, tốt nghiệp cử nhân, năm 1979 lại tái ngũ cho đến năm 1983). Đợt ba, có 3 người là Ngô Đăng Tri, Nguyễn Văn Tâm và Ngô Ngọc Thắng. Có 2 bạn là Trần Kim Đỉnh và Nguyễn Hải Kế cũng có giấy gọi nhập ngũ, đã lên đường tòng quân, nhưng sau gần 1 tháng mặc áo lính thì có lệnh hoãn, được trở về tiếp tục học tập.
Tôi nhập ngũ ngày 25-9-1972, lúc mới bước vào những tuần học đầu tiên của năm thứ ba. Do là người đi bổ sung nên tôi lên đường chậm hơn các bạn khác 3 ngày. Ban Giám hiệu đóng tại Hiệp Hòa, nên lệnh nhập ngũ của tôi do Huyện đội Hiệp Hòa ký và ghi là Ngô Đăng Tri, thuộc xã Đại học Tổng hợp (tôi vẫn giữ được văn bản này). Cùng nhập ngũ với tôi đợt đó có nhiều sinh viên khác của Khoa, của Trường và nhiều trường đại học đang sơ tán ở Hà Bắc. Chúng tôi được đưa lên Mai Siu, Lục Nam, Hà Bắc, lập thành một tiểu đoàn chỉ gồm các giáo viên, sinh viên, công nhân kỹ thuật, cán bộ các cơ quan nhà nước. Lúc huấn luyện, Tiểu đoàn tôi có phiên hiệu là Tiểu đoàn 495, thuộc Trung đoàn 568, Quân khu Tả ngạn. Trên đường đi B (vào Nam), Tiểu đoàn 495 đổi thành Đoàn 2004. Đoàn 2004 có 4 đại đội, trong đó đại đội của tôi là Đại đội 2 (C2), gồm khoảng 150 người. Do đại đội của tôi có độ 130 người là sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nên chúng tôi thường gọi là “Đại đội Tổng hợp“, để phân biệt với “Đại đội Bách Khoa“, đại đội “Kinh tế quốc dân“,… Sau 3 tháng huấn luyện ở Lục Nam, Hà Bắc và hơn 6 tháng hành quân theo đường Tây Trường Sơn, qua Lào, Campuchia, ngày 6-7-1973, tôi đến Tây Ninh. Nghe nói Đoàn 2004 sẽ được Trung ương Cục sử dụng cho các công việc sau khi có Hiệp định Paris, nhưng thực tế, sau 3 tháng xây dựng doanh trại, cầu đường ở vùng giải phóng Tây Ninh, tháng 11-1973 chúng tôi được lệnh đi bổ sung cho đơn vị chiến đấu ở vùng giáp giới giữa B2 và B3 là mặt trận Bù Bông – Tuy Đức, thuộc huyện Đắc Soong, tỉnh Quảng Đức (Đắc Nông). Từ tháng 1-1975, tôi tham gia nhiều chiến trận khác thuộc tỉnh Phước Long, Kiến Tường, Mỹ Tho, Long An và Tây Nam Sài Gòn. Sáng ngày 10-5-1975, từ Cần Giuộc, Cần Đước (Long An) lên xem Sài Gòn và nhờ một người đồng hương đang làm nhiệm vụ bảo vệ dinh Độc Lập, tôi đã được vào trong dinh tận mắt xem các căn phòng của nó… Tháng 9-1976, với quân hàm Thượng sĩ, tôi được chuyển từ E 172, Quân khu 9 về Trường tiếp tục học tập. Thầy Chủ nhiệm Khoa Lê Mậu Hãn phân công tôi về học năm thứ 3 chuyên ngành Lịch sử Đảng.
Trong 14 người nhập ngũ, đi chiến đấu ở các chiến trường đánh Mỹ, sau hòa bình có 9 người trở về, đều là đảng viên, học tiếp và tốt nghiệp cử nhân, dự nhiều cương vị quan trọng ở nơi công tác. Đó là Nguyễn Trường Kỳ, TS, Viện Khảo Cổ học (bị bệnh hiểm nghèo, qua đời năm 1989); Trần Đức Hậu, Thượng úy, Huyện ủy Bỉm Sơn, Thanh Hóa; Đặng Ngọc Hoan, Trưởng phòng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định; Phạm Gia Hùng, Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì, Hà Nội; Lương Gia Tĩnh, GVC, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Chí Dũng, PGS.TS, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Ngô Ngọc Thắng, PGS.TS, Quyền Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 1; Trương Minh Dục, PGS.TS, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trường Đảng Đà Nẵng; Ngô Đăng Tri, PGS.TS. NGƯT, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Có 5 người đã hy sinh là Trần Văn Tuấn, Lê Văn Doan, Nguyễn Xuân Toản, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Tâm.
Anh Trần Văn Tuấn, quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Anh nhập ngũ vào tháng 9-1971, đợt đầu. Hôm đó, tôi và anh lớp trưởng Trần Viết Hoàn sang tận nhà để đưa lệnh nhập ngũ cho anh và gia đình biết, vì lúc đó anh đang nghỉ Chủ nhật và nước lũ đang lên to ngập cả vùng Gia Lâm. Anh Tuấn có dáng người trắng trẻo, thư sinh, rất đẹp trai, vui tính, hiền hòa. Anh là người nhập ngũ đầu tiên và cũng là người hy sinh đầu tiên trong số 14 người đi bộ đội của lớp tôi.
Anh Lê Văn Doan, quê ở Yên Định, Thanh Hóa, nhập ngũ đợt đầu. Anh Doan có dáng người tương tự như anh Tuấn, tính tình hồn hậu, hóm hỉnh, thông minh, hoạt bát. Trên đường đi B, theo địa chỉ tôi ghi trong sổ lưu niệm lúc chia tay, anh đã đến nhà tôi chơi khi đơn vị anh dừng chân ở đó (xã Hương Thanh, Hương Khê, Hà Tĩnh). Anh có viết thư báo cho tôi việc ấy lúc tôi còn ở Hà Nội. Anh cũng là người hy sinh sớm nhất của lớp tôi, vào đầu năm 1972.
Anh Nguyễn Xuân Toản, quê ở Sơn Vi, Lâm Thao, Phú Thọ, nhập ngũ đợt đầu. Anh có dáng người đậm đà, da bánh mật, tính tình hiền hòa, phúc hậu, chắc chắn, chăm chỉ, có vẻ già dặn hơn so với chúng tôi. Anh hy sinh năm 1972.
Anh Nguyễn Văn Tài, quê ở Nghệ An, cũng nhập ngũ đợt đầu. Anh Tài có dáng người như anh Toản, tình tình vui nhộn, thông minh, chất phác, cởi mở. Anh cũng hy sinh năm 1972.
Anh Nguyễn Văn Tâm quê ở Quảng Bình. Anh Tâm vốn là sinh viên khóa 14, nhưng do thiếu điểm môn học nào đó nên ở lại học năm thứ nhất cùng lớp tôi. Anh Tâm có dáng người cao to, hơi gầy, trán cao, tính tình chân thật, nghiêm nghị. Anh Tâm nhập ngũ cùng đợt với tôi, ở khác trung đội, nhưng cùng đại đội khi huấn luyện và khi đi B. Hôm tôi được kết nạp Đảng (6-5-1973, tại tỉnh Crachê, Campuchia), anh Tâm và nhiều bạn có đến chúc mừng với tư cách tôi là sinh viên đầu tiên của “Đại đội Tổng hợp” được kết nạp Đảng. Khi đến Tây Ninh, chúng tôi được bổ sung về Trung đoàn 271, thuộc Đoàn 95, tham gia đánh địch ở tỉnh Quảng Đức (nay là Đắc Nông). Tôi và anh Ngô Ngọc Thắng, anh Nguyễn Đình Lê (K14), anh Lê Tất Vinh (K16) anh Đặng Công Nga (K13) ở Đại đội 22, trực thuộc Trung đoàn bộ, anh Tâm ở Tiểu đoàn 2. Tuy khác đơn vị, nhưng thỉnh thoảng anh em có gặp nhau. Có lần, ở gần nhau, khi bắn cá dưới suối được mấy cân, gặp anh đi qua tôi gọi anh vào ăn cơm. Có lần anh từ đơn vị tăng gia đi lên “chốt”, mang đầy ba lô và bao tượng ngô rang làm lương khô, gặp tôi anh bảo ngả mũ cối ra, sẻ cho lưng mũ… Anh hy sinh ngày 20-4-1974, tại một khu rừng vùng Ngã ba Tuy Đức, nay là huyện Đắc Soong, tỉnh Đắc Nông.
Tập 2 bộ nhật ký chiến trường của tôi mang tựa đề: Những ngày cầm súng (ghi từ tháng 6-1973 đến cuối năm 1974), vào ngày 9-5-1974, nguyên văn có đoạn: “Chiến sự hiện nay đang có chiều hướng phát triển. Quân ta đã tiền nhập các mục tiêu quy định để phối hợp với Tây Nguyên – B3 đánh một số vị trí địch dọc hành lang đường Hồ Chí Minh mới. Riêng E mình thì mở rộng vùng Bù Bông – Tuy Đức, kể từ cầu Doãn Văn lên Đắc Soong, mà cụ thể là đánh đuổi địch khỏi Ngã ba Tuần Hanh. C22 sáng nay cũng đã theo sát bộ binh ra mạn Đắc Soong…
Một điều đáng buồn là và thương xót là ngày 20-4 anh Tâm, một đồng chí, một bạn học chí cốt, cùng nhóm, cùng tổ, cùng nhập ngũ đã mất tích trong trận đánh địch ở một khu rừng gần ngã ba Tuy Đức. Theo tin tức thu lượm được thì sáng hôm ấy, B anh Tâm đánh xộc vào một đại đội thám báo địch có công sự phục sẵn. Anh Tâm đi đầu, gặp địch, địch nổ súng trước. Địch có quân số, hỏa lực mạnh gấp bội, lại có công sự nên chống trả và bắn loạn xạ. Một đồng chí bị thương, Tâm băng bó cho rồi 1 mình cầm 2 khẩu AK tiếp tục chiến đấu… Tình hình hết sức hiểm nghèo, đơn vị phải rút lui và anh Tâm bị kẹt ở đó. Chờ mãi không được, họ đã 3 lần đánh vào tìm nhưng cũng không thấy và đều bị địch đẩy lui ra. Đồng chí bị thương do Tâm băng bó sau 2,5 ngày đã bò về được đơn vị. Còn anh Tâm thì không thấy về. Theo dõi đài kỹ thuật cũng không nghe địch nói bắt sống hoặc chết. Đơn vị nhận định là anh đã anh dũng hy sinh trong trận kịch chiến không cân sức ấy và xác cũng không tìm được. Ôi, phải chi anh em ta đã tâm sự được cho nhiều để mình khỏi bùi ngùi ân hận… Chiều tối 19-4 mình đưa một chuyến hàng theo chiếc ô tô Vọt tiến số BC 1967 ra mặt trận, gặp anh đi lấy đạn. Anh em chỉ nhìn được mặt nhau có lần ấy nữa là hết. Vì quá vội, địch lại đang bắn pháo, nên xe không dừng lâu được, 2 anh em chỉ vẫy tay chào nhau như nhắn nhủ nhau điều gì. Ai biết được đó lại là lần anh em ta vĩnh biệt nhau. Mình sẽ viết thư như thế nào đây về cho bè bạn anh bây giờ…”.
Chiến tranh là vậy. Tôi không rõ có nơi nào mà trong những người nhập ngũ lại có tỷ lệ hy sinh cao như của lớp tôi, hay đây là một trường hợp đặc biệt: 14 người nhập ngũ thì 5 hy sinh tại chiến trường, 1 người chỉ mấy năm sau chiến tranh cũng bị bệnh hiểm nghèo mà qua đời. Tính ra hơn 40%. Thật là dữ dội.
Có một lần, tại đại hội Hội Cứu chiến binh Trường, tôi đã nêu ý kiến: nên chăng, cần có một tấm bia đá, rộng 1m, cao 1,5m, khắc tên các liệt sĩ là cán bộ, sinh viên Trường ta, dựng ở bãi cỏ trước nhà D, để các thế hệ sau biết và tưởng nhớ đến Lê Anh Xuân, Ngô Văn Sở… (Khoa Sử), Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định… (Khoa Văn) thì có ý nghĩa nhiều mặt lắm, nhưng chưa có hồi âm.
Thời gian và cuộc sống nói chung, của một con người nói riêng, lúc chậm rãi, lúc hối hả vẫn không ngừng trôi đi. Đã hơn 41 năm kể từ ngày nhập Trường, gần 40 năm kể từ ngày lên đường nhập ngũ, những ký ức về bạn bè cùng lớp, nhất là bạn bè cùng nhập ngũ, đã hy sinh, vẫn thường xuyên lưu dấu trong tâm trí tôi, một người “Từ mái trường đến chiến trường, rồi từ chiến trường lại về với mái trường“.
Mấy dòng hồi ức trên đấy tuy còn đơn sơ, ngắn ngủi về những bạn bè, đồng đội đã ngã xuống, nhưng xin hãy coi đó như là một tấm lòng, một nén hương thơm kính viếng hương hồn các sinh viên – anh hùng liệt sĩ. Đồng môn – đồng khóa – đồng đội ơi, các anh không còn nhưng các anh là bất tử.
PGS.TS Ngô Đăng Tri – Trích từ cuốn sách “55 năm ấy” – NXb Thế giới.H.2011.