(ĐBND) HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN KÊU GỌI GIẢNG VIÊN "KHÔNG NHÂN DANH HÀN LÂM ĐỂ CHỐI BỎ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO"

Thứ hai - 12/05/2025 09:01
GS.TS Hoàng Anh Tuấn kêu gọi đội ngũ giảng viên tiếp tục đổi mới để có thể phát triển đột phá trong thời gian tới với triết lý lấy hàn lâm làm nền tảng, song không phải cái gì cũng nhân danh hàn lâm - núp bóng kinh viện để né tránh, thậm chí chối bỏ sự đổi mới, sáng tạo, hội nhập.
Tại Hội nghị điển hình tiên tiến và Hội nghị giảng viên năm 2025 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.TS Hoàng Anh Tuấn đã phân tích những thách thức chủ yếu và yêu cầu cấp thiết phải đổi mới một cách hệ thống hoạt động dạy học của giảng viên.
1gs hoang anh tuan
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn GS.TS Hoàng Anh Tuấn phân tích những thách thức chủ yếu và yêu cầu cấp thiết phải đổi mới một cách hệ thống hoạt động dạy học của giảng viên
Bề dày truyền thống là vốn quý
80 năm trước, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 45, thành lập ban Đại học Văn khoa thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hôm nay. Nhắc lại truyền thống và dẫn lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn khẳng định, chất lượng đội ngũ cán bộ đóng vai trò quyết định danh tiếng và vị thế của một cơ sở giáo dục đại học: “Nếu chuyên viên xuất sắc góp phần tạo nên hệ thống quản trị đại học chuyên nghiệp thì chính đội ngũ giảng viên xuất sắc tạo lập danh tiếng khoa học và vị thế xã hội của một trường đại học”.
Tiếp tục dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lá thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc tháng 3/1955  rằng “Nhà trường phải gắn liền với thực tiễn xã hội, gắn liền với đời sống của nhân dân… động cơ giáo dục của người thầy giáo phải gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể theo nhu cầu của xã hội, phải đáp ứng được lợi ích của nhân dân, vì sự mưu cầu hạnh phúc cho con người”, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cho rằng triết lý  của Bác Hồ về vai trò, trách nhiệm người Thầy là rất “mở” và rất “động”, thích ứng với bối cảnh xã hội mà người thầy cần nỗ lực điều chỉnh, đổi mới hoạt động dạy học sao cho hiệu quả nhất. Đội ngũ giảng viên của Nhà trường vì thế cần liên tục đổi mới công tác giảng dạy và nghiên cứu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ra.
Cạnh tranh đại học ngày càng gia tăng
Trong bối cảnh áp lực ngày càng cao đối với hệ thống giáo dục đại học trong nước, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nhắc đến nhiều thách thức và tập trung phân tích 03 yếu tố đang tác động thường xuyên đến Nhà trường:
Thứ nhất: cạnh tranh giáo dục mạnh mẽ trong cộng đồng các trường đại học (và bản thân trong nội khối Đại học Quốc gia), ngày càng nhiều đơn vị mở ngành và chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Thứ hai: công cuộc tái cấu trúc bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương đang tạo ra áp lực lớn cho thị trường lao động sau khi sinh viên tốt nghiệp, tác động trực tiếp đến không khí tuyển sinh của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học chuyên về khoa học xã hội, nhân văn và nghệ thuật.
“Chúng ta không bàn luận việc sinh viên ra trường làm việc ở khu vực công tốt hơn hay khu vực tư tốt hơn, bởi mỗi khu vực có những thế mạnh riêng và sứ mệnh riêng. Thành công của sinh viên trong cuộc sống là thước đo thành công của Nhà trường: không ai nói cựu sinh viên Nhân văn trở thành giáo sư đại học hoặc chuyên gia nghiên cứu thì thành công hơn làm giám đốc công ty truyền thông, CEO tập đoàn tài chính...
Bối cảnh thay đổi của đất nước hôm nay đòi hỏi Nhà trường phải định hình lại triết lý, quan điểm, chiến lược, kế hoạch về đào tạo, trong đó đổi mới hoạt động giảng dạy và điều chỉnh chương trình đào tạo phải đảm bảo bắt nhịp với xu thế đất nước: nhân lực Nhà trường đào tạo ra sẽ hướng mạnh tới khu vực tư đang ngày càng mở rộng bên cạnh khu vực công truyền thống…”
, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn phân tích.

4ussh lop hoc
Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội
 
Thứ ba: công nghệ, số hóa, trí tuệ nhân tạo đã - đang - sẽ tiếp tục đảo lộn rất nhiều thứ liên quan đến giáo dục đại học và nguồn nhân lực cung ứng ra thị trường lao động.
Theo Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn, tự thân AI không đào thải ai, mà chính những người biết tối ưu hoá AI sẽ đào thải những người lười sử dụng công nghệ và chậm đổi mới. Vì vậy, người thầy hôm nay cần làm chủ công nghệ để đảm bảo công việc dạy học và nghiên cứu hiệu quả hơn, không bị chính người học vượt qua.
Phải đảm bảo được nền tảng học thuật - hàn lâm - chuyên sâu đã tạo thành danh tiếng Văn khoa - Tổng hợp - Nhân văn 80 năm qua, song phải đồng thời đảm bảo được các yêu cầu rất cấp thiết để sinh viên thành đạt, bao gồm: năng lực ngoại ngữ tốt, năng lực số và trí tuệ nhân tạo ứng dụng cao, hệ kỹ năng mềm uyển chuyển, tư duy tích cực và sáng tạo, kiến lập phẩm chất Nhân văn cho các thế hệ sinh viên Nhà trường…
Đổi mới dạy học là thuộc tính tự nhiên của nghề giáo
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn kêu gọi đội ngũ giảng viên tiếp tục thúc đẩy đổi mới để có thể phát triển đột phá trong thời gian tới: “Nhà trường kiên định triết lý lấy hàn lâm làm nền tảng, song không phải cái gì cũng nhân danh hàn lâm - núp bóng kinh viện để né tránh, thậm chí chối bỏ sự đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Đổi mới dạy học nói chung là thuộc tính tự nhiên của nghề giáo, là trách nhiệm tự thân của người làm Thầy. Chúng ta phải liên tục đổi mới để cân đối và hài hoà giữa ngành của Bộ - nghề của Thầy - nghiệp của Trò. Hàn lâm làm nền tảng nhưng hiện đại phải là xu hướng là như vậy”.
Theo đó, sự đổi mới của giảng viên trong thời gian tới cần toàn diện và đồng bộ, trong đó cần tập trung vào 5 trọng tâm: Đổi mới tuyển sinh và cơ cấu đào tạo theo hướng chính quy hoá; đổi mới cách thức tổ chức quản lý đào tạo theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, tiến độ, hiệu quả; Đổi mới phương pháp giảng dạy - đánh giá trong đó đặc biệt chú trọng quốc tế hóa thực chất và công nghệ hóa mạnh mẽ hơn; Đổi mới hỗ trợ và chăm sóc người học, trong đó vai trò của người thầy trong tư vấn chuyên môn là đặc biệt lớn; Đổi mới chương trình đào tạo.

486595086 1093481589487494 5644151907076954997 n

6
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, bối cảnh mới của giáo dục đại học và xu hướng nghề nghiệp đặt ra yêu cầu phải tổ chức đổi mới chương trình đào tạo
 
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ cấp thiết trước mắt là điều chỉnh các chương trình đào tạo. Kể từ đợt điều chỉnh quy mô lớn năm 2019 đến nay, các chương trình đào tạo đều có sự vi chỉnh hàng năm.
Tuy nhiên, bối cảnh mới của giáo dục đại học và xu hướng nghề nghiệp đặt ra yêu cầu phải tổ chức đổi mới chương trình đào tạo theo 6 quan điểm then chốt gồm:
- Đổi mới thực chất và kiên định;
- Lấy chất lượng chương trình đào tạo làm mục tiêu và lấy logic của chương trình đào tạo làm nguyên tắc;
- Đậm triết lý “Hàn lâm làm nền tảng - hiện đại là xu hướng” và lấy tương lai - thành công của người học làm mục tiêu điều chỉnh chương trình năm 2025;
- Cân đối giữa chuyên môn sâu và liên thông cao cho các chương trình bởi sự chuyên sâu không loại trừ khả năng liên thông để tạo điều kiện cho sinh viên học bằng kép;
- Cơ cấu học phần gọn hơn bằng cách tăng số lượng tín chỉ cho mỗi môn học để thuận lợi cho hoạt động dạy - học;
- Ưu tiên đặc biệt cho đội ngũ giảng viên cơ hữu của Nhà trường được tham gia giảng dạy, hướng dẫn, tham gia hội đồng.
“Cán bộ cơ hữu của Nhà trường phải được ưu tiên trong bố trí giảng dạy học phần, hướng dẫn khoa học, tham gia hội đồng…
Ưu tiên nhưng không phải đương nhiên mà có điều kiện: giảng viên phải không ngừng trau dồi chuyên môn và cập nhật phương pháp, chủ động điều tiết nội dung giảng dạy để thích ứng với triết lý và tính logic của chương trình đào tạo mới, chủ động đổi mới phương thức giảng dạy, kiểm tra-đánh giá để nâng cao chất lượng dạy học, chủ động đổi mới hoạt động chăm sóc – tư vấn khoa học và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên…
Nhà trường đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh giao quyền cao nhất cho lãnh đạo khoa, hội đồng khoa học đào tạo khoa trong xây dựng triết lý, bản sắc của ngành và chương trình đào tạo” 
– Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

5ussh dao tao gen ai
Giờ học AI của sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đảm bảo người học thành công trong hành trình lập nghiệp
Trên cơ sở 6 quan điểm về đổi mới chương trình đào tạo và thực hiện chặt chẽ theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đề nghị bộ phận Đào tạo và Công tác người học của Nhà trường đặc biệt lưu ý phân tích về việc tái cơ cấu thành 4 khối kiến thức chủ đạo: khối kiến thức nền tảng của Bộ và ĐHQG, khối kiến thức nền tảng của Nhà trường, khối kiến thức của lĩnh vực, khối kiến thức của ngành (và hướng chuyên ngành – nếu có).
“Khối kiến thức nền tảng của Trường Nhân văn cần được xác lập cụ thể với triết lý sâu sắc, nguyên tắc rõ ràng, mang tính bao trùm các yêu cầu đương hiện về năng lực đối với người học sau khi tốt nghiệp, để đảm bảo người học thành công trong hành trình lập nghiệp”.
Theo đó, Hiệu trưởng yêu cầu đảm bảo: Năng lực ngoại ngữ, Hệ kỹ năng mềm, Năng lực số - năng lực AI và tiến tới trang bị Nhân văn số, Tinh thần khởi nghiệp Nhân văn, Tư duy tích cực và sáng tạo, Văn hoá và phát triển trong kỷ nguyên số.
Đối với khối kiến thức ngành và hướng chuyên ngành, Nhà trường chủ trương trao quyền cho trưởng khoa và Hội đồng khoa học và đào tạo đơn vị chủ động xây dựng, trình Hội đồng Khoa học và Đào tạo Nhà trường xem xét thông qua.
Tương tự, các vấn đề cụ thể khác như niên luận, thực tập, khoa học, khoá luận tốt nghiệp, du học và công nhận tín chỉ… cũng cần được trao đổi thảo luận công khai – dân chủ tại đơn vị đào tạo để đảm bảo sự hô ứng với triết lý và bản sắc của ngành, danh tiếng của Nhà trường.
“Giữ cũ thì dễ, đổi mới thì khó! Nhưng nếu người thầy sẵn sàng đặt tương lai của học trò lên trên sở nguyện chuyên môn của cá nhân mình, biết hài hoà giữa nghề của thầy với nghiệp của trò và mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy… thì không có gì là không thể”, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn kết luận.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây