Từ ngày 22/4 đến ngày 26/4/2025, nhận lời mời của Viện Lịch sử và Ngôn ngữ thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan và Viện Khảo cổ học thuộc Đại học quốc lập Thành Công, đoàn công tác Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội gồm PGS.TS Đặng Hồng Sơn, PGS.TS Phạm Văn Thủy và GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung đã có chuyến công tác và thuyết trình học thuật tại Viện Khảo cổ học thuộc Đại học quốc lập Thành Công và Viện Lịch sử và Ngôn ngữ thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan.
Trong hai hoạt động thuyết trình tại hai trung tâm học thuật hàng đầu về khảo cổ học của Đài Loan, ba thành viên của đoàn công tác đã lần lượt trình bày ba bài thuyết trình về chủ đề Ảnh hưởng xã hội và văn hóa của con đường thương mại trên biển: Góc nhìn khảo cổ học Việt Nam trong chuỗi hoạt động liên quan đến Khảo cổ học Đông Nam Á.
Buổi thuyết trình tại Viện Lịch sử và Ngôn ngữ thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan
Buổi thuyết trình tại Viện Khảo cổ học thuộc Đại học quốc lập Thành Công
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung thuyết trình về Thương mại Óc Eo - Phù Nam, đã cung cấp nhiều nguồn tư liệu khảo cổ học cập nhật về hoạt động thương mại tại Óc Eo - Phù Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7. Đây là thời kỳ thịnh vượng của vùng đất Nam Bộ Việt Nam khi dự nhập vào con đường thương mại trên biển. Sự thịnh vượng này đã tác động mạnh mẽ đến xã hội và văn hóa của cư dân bản địa, đặc biệt là sự phát triển đô thị và tôn giáo. Ảnh hưởng mạnh mẽ của Ấn Độ thể hiện rõ trong các chữ viết (tiếng Phạn, Pallava), tôn giáo (Bà La Môn giáo, Phật giáo) và nhiều loại hình di vật còn tồn tại đến ngày nay, bao gồm tượng, chữ khắc và phù điêu. Mặc dù vậy, các truyền thống bản địa như thờ cúng thiên nhiên, thuyết vật linh và các hoạt động nông nghiệp vẫn có ý nghĩa, tạo nên sự kết hợp giữa các yếu tố địa phương và nước ngoài.
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung thuyết trình và trao đổi học thuật
PGS.TS Đặng Hồng Sơn thuyết trình về những tác động của con đường hải thương đối với xã hội Champa ở miền Trung Việt Nam thông qua báo cáo Đảo Cù Lao Chàm: Trạm trung chuyển trọng yếu của con đường tư lụa trên biển thế kỷ 9-10 ở miền Trung Việt Nam. Bài thuyết trình đã cung cấp nhiều tư liệu khảo cổ học mới của phần tư thế kỷ nghiên cứu Cù Lao Chàm. Trong đó nhấn mạnh đến các loại hình di vật có nguồn gốc bên ngoài như thủy tinh và gốm Islam có nguồn gốc từ Iraq, Ai Cập, Địa Trung Hải và Nam Á; gốm Trường Sa và gốm Việt Châu có nguồn gốc từ Trung Quốc; gốm thời Đường có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc… Từ những tư liệu này, báo cáo đã xác định vị trí trung chuyển trọng yếu của thương cảng Cù Lao Chàm đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh tế, cấu trúc xã hội, cơ chế quyền lực và đời sống tôn giáo, văn hóa của vương quốc Champa.

PGS.TS Đặng Hồng Sơn thuyết trình
PGS.TS Phạm Văn Thủy trình bày báo cáo về Miền Bắc Việt Nam trong Mạng lưới thương mại khu vực từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 16. Bài thuyết trình tập trung vào các nguồn sử liệu và tư liệu khảo cổ học để khôi phục lại các khu vực thương cảng trọng yếu của Đại Việt trong suốt thời kỳ từ thế kỷ 1o đến thế kỷ 16. Trong đó, tập trung vào phản ứng của các triều đại Việt Nam đối với tình hình thương mại khu vực thay đổi theo mỗi thời kỳ khác nhau, nhất là những chính sách của các triều đại Trung Hoa. Bài thuyết trình đặc biệt chú ý đến chức năng và hoạt động của cảng Vân Đồn, cũng như các cảng biển khác ở vùng Đông Bắc. Trong khi nhấn mạnh vào chính sách của các triều đại Việt Nam, bài thuyết trình cũng giải thích tình hình kinh tế và chính trị khu vực đang thay đổi như những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự xuất hiện và suy tàn của thương mại Đại Việt trong thời trung cổ.
PGS.TS Phạm Văn Thủy thuyết trình
Tại hai nơi thuyết trình, đoàn đã nhận được sự quan tâm trao đổi thông tin và đặt nhiều câu hỏi của các nhà nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử từ Viện Lịch sử và Ngôn ngữ, Đại học Thành Công, Đại học Đài Loan…
Các nhà khoa học Đài Loan và Việt Nam trao đổi về nội dung thuyết trình
Ngoài ra, trong thời gian làm việc tại Đài Loan, đoàn công tác của Khoa Lịch sử đã tham quan và làm việc trao đổi thông tin, tư liệu, kinh nghiệm và các vấn đề cùng quan tâm nghiên cứu ở phòng Khảo cổ học Đông Nam Á của Viện Lịch sử và Ngôn ngữ, Viện Khảo cổ học của Đại học Thành Công, Bảo tàng Cố cung Đài Bắc, Bảo tàng Lịch sử…
Tin bài và ảnh: Đặng Hồng Sơn