BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ KHAI QUẬT KHẢO CỔ DI CHỈ QUỲNH VĂN NĂM 2025

Thứ tư - 30/04/2025 19:59
Chiều ngày 29/4, các nhà khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, Bảo tàng Nghệ An và Đại học Quốc gia Úc đã tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di chỉ Quỳnh Văn.
Cuộc khai quật từ ngày 28/3 đến ngày 29/4/2025 tại di chỉ Quỳnh Văn, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã mở ra chương nghiên cứu mới về một trong những nền văn hóa cổ xưa ở Việt Nam. Với diện tích khai quật 19m2, đoàn nghiên cứu đã phát hiện, khai quật 8 ngôi mộ với nhiều di vật và các dấu tích sinh hoạt của cư dân cách đây khoảng 4.000 - 6.000 năm, góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn về nguồn gốc, đời sống và văn hóa của cộng đồng cư dân cư trú quanh vịnh Quỳnh Lưu cổ.

3 (2)


Vị trí địa lý và lịch sử hình thành di chỉ
Di chỉ Quỳnh Văn nằm tại chân núi Lạp Sơn, giáp quốc lộ 1A, gần sông Quèn. Trước đây, diện tích của di chỉ rộng khoảng 11.200m², tuy nhiên, do các hoạt động khai thác vỏ điệp từ những năm 1970, phần lớn di tích đã bị phá hủy, chỉ còn lại một phần nhỏ được bảo tồn. Năm 2017, di chỉ Quỳnh Văn đã chính thức được xếp hạng di tích cấp quốc gia, hiện diện trong diện tích khoanh vùng gần 5.000m².
Các đây hơn 60 năm, vào năm 1963-1964, từ các đợt khảo sát và khai quật trước, các nhà khoa học đã phát hiện hàng loạt di vật đá, gốm, vỏ nhuyễn thể và đặc biệt là 30 ngôi mộ cổ. Qua các nghiên cứu về nhân chủng học cho biết các cư dân cổ tại đây thuộc chủng Australo-Negroid [Đại chủng Úc-Phi], mang đặc điểm của Mongoloid, sống dựa vào nguồn lợi thủy sinh, săn bắt hái lượm và chế tạo công cụ đá.
Sau hơn 60 năm, di tích Quỳnh Văn mới được nghiên cứu một lần nữa, ba hố khai quật năm 2025 đã được mở nhằm xác định rõ hơn về thời điểm cư trú, hoạt động sinh hoạt và mối liên hệ của cư dân cổ Quỳnh Văn với môi trường tự nhiên. Bằng cách khai quật theo phương pháp tầng vị cuộc khai quật lần này đã thu thập hàng nghìn mẫu vật, di vật và nhiều di tích xuất lộ.
  • Hố 1 có lớp địa tầng dày 3,2m, chứa các dấu tích bếp, lỗ cột, cùng nhiều di vật đá, gốm và vỏ nhuyễn thể. Các dấu tích này cho thấy cư dân đã xây dựng các nền cư trú từ vỏ sò, vỏ điệp tạo thành cồn sò điệp cao rộng, có hoạt động chế biến thực phẩm và sinh hoạt cư trú lâu dài.
  • Hố 2 phát hiện hai lớp mộ chôn người trong tư thế ngồi co bó gối, cùng các dấu tích hoạt động cư trú, công cụ đá, mảnh tước. Các ngôi mộ cổ có thể liên hệ với các tập tục táng thức như việc phủ các lớp cát vàng, người chết được chôn theo đồ trang sức là vỏ nhuyển thể, đặt ngà voi và các tảng đá để đánh dấu mộ. Dù cho 8 ngôi mộ đã được khai quật và nhiều ngôi mộ chưa được khai quật nằm trong 9m2 nhưng không thấy hiện tượng cắt phá các ngôi mộ, điều này cho thấy người Quỳnh Văn xưa ý thức rõ ràng về táng tục người chết.
  • Hố 3 được khai quật nhằm thu thập mẫu vật bổ sung, cung cấp dữ liệu về môi trường cổ, đa dạng loài động vật như cá biển, rùa, lợn, hươu, điệp giấy Placuna và các loài thân mềm khác, phản ánh chiến lược thích nghi cao của cư dân cổ với không gian cư trú môi trường ven biển và núi đá vôi.
6

7

Ý nghĩa và triển vọng nghiên cứu

Cuộc khai quật năm 2025 tại Quỳnh Văn đã mở ra một trang mới trong nghiên cứu về nền văn hóa thời đại đá mới ở Bắc Trung Bộ, góp phần làm rõ vai trò của di chỉ trong quá trình hình thành, định cư của một trong những cộng đồng cư dân sớm nhất của khu vực ở miền Trung Việt Nam. Những phát hiện về các ngôi mộ cổ, các dấu tích sinh hoạt và sự đa dạng di vật đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về nguồn gốc, tập tục táng thức, chế độ sinh hoạt của cư dân cổ Quỳnh Văn.

2


Đặc biệt, kết quả khai quật đã xác nhận rằng cư dân cổ sinh sống và xây dựng các nền cư trú từ vỏ sò điệp, chế tạo công cụ đá và chôn cất người chết trong tư thế ngồi co bó gối, không có gốm hoặc công cụ đá mài, cho thấy sự đa dạng trong tập tục táng thức và có thể cổ hơn các nền văn hóa như Đa Bút hay Bắc Sơn hoặc thuộc về một “truyền thống, quỹ đạo khác”.
Các mẫu di vật, xương và các mẫu sinh vật cổ sẽ tiếp tục được nghiên cứu, phân tích định niên đại, khảo cổ học và môi trường để làm rõ hơn về lịch sử cư trú, nguồn gốc chủng tộc, chế độ dinh dưỡng và mối quan hệ giữa con người và môi trường tại Quỳnh Văn. Đây là những nguồn tư liệu quan trọng trong nghiên cứu về DNA, nghiên cứu gen… về cộng đồng người văn hóa Quỳnh Văn đã từng sinh sống trên dải đất hình chữ S.

5

4


Trong buổi báo cáo, đoàn khai quật kêu gọi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học và cộng đồng tiếp tục quan tâm, bảo vệ giá trị của khu di chỉ này, nhằm phát huy tối đa tiềm năng nghiên cứu trong tương lại.

Một số kết quả khai quật khảo cổ di chỉ Quỳnh Văn:

8


109

Đoàn khai quật khảo cổ học Quỳnh Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây