Đây là lần đầu tiên hai đơn vị đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn – đại diện cho hai miền Nam – Bắc cùng phối hợp tổ chức một hội thảo quy mô quốc gia về chủ đề trọng đại này. Sự kiện mang ý nghĩa học thuật sâu sắc và cũng là hoạt động mang tính biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc, Bắc Nam sum họp một nhà cùng khát vọng kiến tạo tương lai.
Không gian đối thoại học thuật của hai miền Nhân văn – từ dòng chảy lịch sử đến tầm nhìn phát triển
Hội thảo quy tụ hơn 300 đại biểu là các nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực như lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội. Với hơn 130 tham luận được gửi về từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước, hội thảo là diễn đàn trí tuệ quy mô, nơi những góc nhìn đa ngành, những suy tư chiến lược và những trăn trở về vận mệnh dân tộc được trình bày và trao đổi trong không khí cởi mở nhưng sâu sắc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM nhấn mạnh, Hội thảo không chỉ là một dịp nhìn lại lịch sử, mà còn là không gian để tri ân quá khứ, đánh giá hiện tại và định hình tương lai. Cô khẳng định, 50 năm thống nhất không chỉ là một dấu mốc thời gian, mà là hành trình dài của đổi mới, hội nhập và phát triển. Trong hành trình đó, vai trò của giáo dục – đặc biệt là giáo dục khoa học xã hội và nhân văn – là nền tảng bền vững để bồi đắp bản lĩnh văn hóa, tinh thần trách nhiệm và khát vọng phát triển của thế hệ trẻ.
GS.TS Ngô Thị Phương Lan khẳng định 50 năm thống nhất không chỉ là một dấu mốc thời gian, mà là hành trình dài của đổi mới, hội nhập và phát triển - Ảnh: Lý Nguyên
Về phía Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ, hai Trường Nhân văn, tuy ở hai miền Nam – Bắc, nhưng cùng mang một tinh thần, một sứ mệnh – là những người gìn giữ, phát triển và lan tỏa giá trị nhân văn Việt Nam. Nếu lịch sử đã nối liền hai miền đất nước bằng chiến thắng ngày 30/04/1975 - non sông liền một dải, thì hôm nay, giáo dục và tri thức sẽ tiếp tục là chiếc cầu nối vững chắc, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới – bằng nhân văn, bằng khoa học và bằng đồng lòng dân tộc.
GS.TS. Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Lý Nguyên
Chiến thắng ngày 30/04/1975 dưới góc nhìn học thuật: Từ giá trị lịch sử đến khát vọng phát triển quốc gia
Tại Hội thảo, nhiều tham luận chuyên sâu đã được trình bày, mang đến những góc nhìn đa chiều về giá trị lịch sử của ngày thống nhất, quá trình phát triển quốc gia trong nửa thế kỷ qua, đồng thời đề xuất những định hướng và giải pháp chiến lược nhằm đưa Việt Nam vững bước trong hành trình kiến tạo kỷ nguyên mới. Trong tham luận “Đại thắng mùa Xuân 1975: Sức mạnh của ý chí độc lập, thống nhất và khát vọng hòa bình, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam”, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, đã lý giải sức mạnh của chiến thắng 1975 không chỉ nằm ở ưu thế quân sự, mà sâu xa hơn, chính là sức mạnh của khát vọng hòa bình, ý chí độc lập và đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cầu nối tri thức Nam – Bắc, nền tảng cho một kỷ nguyên mới
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS. Lại Quốc Khánh, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, đã hệ thống lại các tầng ý nghĩa cốt lõi xuyên suốt nội dung chương trình. Trước hết, thầy nhấn mạnh, chiến thắng 30/04/1975 là một dấu mốc lịch sử có ý nghĩa thời đại sâu sắc, không chỉ mở ra một kỷ nguyên hòa bình và thống nhất, mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 50 năm qua. Tiếp đến, GS.TS. Lại Quốc Khánh khẳng định, chặng đường nửa thế kỷ sau ngày thống nhất là quá trình tích lũy những thành tựu to lớn và bài học kinh nghiệm quý giá trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc gia trên trường thế giới. Đặc biệt, GS.TS. Lại Quốc Khánh chỉ ra, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, việc hoạch định chiến lược, ban hành chính sách hiệu quả và huy động đúng – đủ các nguồn lực phát triển sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – một kỷ nguyên phát triển toàn diện, bền vững và thấm đẫm tinh thần nhân văn.
GS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo - Ảnh: Lý Nguyên
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “50 năm thống nhất đất nước – Hành trình hướng tới kỷ nguyên mới của dân tộc” không chỉ là một diễn đàn học thuật có chiều sâu, mà còn là biểu tượng cho sự đồng hành và kết nối trí tuệ giữa hai cơ sở đào tạo hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn của đất nước – Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM và Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN. Trong bối cảnh đất nước đứng trước những vận hội phát triển mới, việc cùng tổ chức một diễn đàn mang tầm vóc quốc gia như hội thảo lần này cho thấy cam kết mạnh mẽ của hai Trường trong việc gắn kết nghiên cứu – đào tạo – phụng sự xã hội, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của khoa học nhân văn trong tư duy chiến lược quốc gia. Từ quá khứ hào hùng đến hiện tại chuyển mình và tương lai đang định hình, hội thảo đã góp phần làm sâu sắc thêm nhận thức về hành trình thống nhất dân tộc, lan tỏa khát vọng phát triển bền vững, và thắp lên tinh thần trách nhiệm công dân trong từng thế hệ – để tri thức không chỉ là di sản, mà là hành động kiến tạo tương lai.
Nguồn tin: https://ussh.vnu.edu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thứ bảy - 26/04/2025 11:04
Thứ sáu - 25/04/2025 22:04
Thứ sáu - 25/04/2025 15:04
Thứ sáu - 25/04/2025 14:04
Thứ sáu - 25/04/2025 09:04