PHỐI HỢP KHAI QUẬT DI CHỈ KHẢO CỔ HỌC QUỲNH VĂN, NGHỆ AN NĂM 2025

Thứ năm - 08/05/2025 10:46
Thầy trò Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với chuyên gia Đại học Quốc gia Australia, Bảo tàng tỉnh Nghệ An đã có những phát hiện quan trọng trong khai quật Khảo cổ học di tích Quỳnh Văn, tỉnh Nghệ An năm 2025.
Sau hơn một tháng khai quật thì các chuyên gia đã phát hiện nhiều mộ hài cốt người Việt cổ có niên đại từ khoảng 4.000 – 6.000 năm tại di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Đây là số lượng hài cốt được phát hiện nhiều thứ hai tính từ khai quật lần đầu cách đây hơn 60 năm.

Hai hố thám sát có tổng diện tích khoảng 18 m2 được các chuyên gia của Việt Nam và Australia. Địa điểm khai quật là Cồn Điệp nằm trong phạm vi di chỉ Khảo cổ học Quỳnh Văn được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2017. Ở độ sâu khoảng 3m, tại hố thứ 2 đã phát lộ nhiều bộ hài cốt của người Việt cổ có niên đại cách ngày nay từ 4.000 – 6.000 năm. Tất cả đều an táng tập trung, theo tư thế bó gối.

GS. Philip Piper (Viện Khảo cổ học và Nhân học, Đại học quốc gia Australia) nhận định: Đợt khai quật khảo cổ học này sẽ cho nhiều thông tin về lịch sử dân cư, đời sống sinh hoạt. Chúng tôi nhận thấy cư dân Quỳnh Văn xưa đã có sự phân chia nhất định giữa nơi ở của người sống và nơi chôn cất người chết. Đây là di chỉ thời tiền sử có giá trị không chỉ riêng của Việt Nam mà còn rất quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á.

Ở cả hai hố khai quật các chuyên gia cũng đã phát hiện được dấu tích của 55 bếp lửa thuộc nhiều tầng văn hóa. Điều này cũng chứng minh cho nhận định Quỳnh Văn là địa điểm cư trú cổ nhất thời tiền sử ở vịnh Quỳnh Lưu cách đây hàng ngàn năm.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) cho biết: “Đồ đá thì khá là đặc trưng cho hiện vật đá được ghè đẽo. Các chày nghiền, bàn nghiền, mảnh tước được sử dụng làm công cụ đá. Kết quả đồ đá lần này cho thấy những nhận định trước đây của các nhà khảo cổ là chính xác là cư dân văn hóa Quỳnh Văn vẫn tiếp nối các truyền thống chế tác đồ đá của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn. Đặc biệt là của văn hóa Bắc Sơn”.

Theo kế hoạch, các nhà khảo cổ sẽ tiến hành đưa 09 bộ hài cốt lên để phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày. Các bộ hài cốt còn lại sẽ được giữ nguyên hiện trạng. Dự kiến đến cuối tháng 5 sẽ công bố bước đầu kết quả khai quật.
 
 
Nguồn: VTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây