HỘI NGHỊ THẢO LUẬN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN VIỆC HOÀN THIỆN HỌC HÀM HỌC VỊ VÀ CÔNG BỐ QUỐC TẾ TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Thứ ba - 26/11/2024 03:14
Chiều ngày 23/11/2024, tại Hà Nam, Công đoàn Khoa Lịch sử tổ chức Hội nghị thảo luận chiến lược phát triển nguồn nhân lực với trọng tâm là yêu cầu, giải pháp thực hiện việc hoàn thiện học hàm, học vị và công bố quốc tế trong bối cảnh chuyển đổi của giáo dục Đại học.
    Thực hiện Nghị quyết số 09/2023-NQ/CB ngày 10/8/2023 của Chi bộ Khoa Lịch sử về Chiến lược phát triển Khoa Lịch sử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chi uỷ Khoa Lịch sử về việc thực hiện chiến lược hoàn thiện đội ngũ nhân lực chất lượng cao của các đơn vị trực thuộc Chi bộ Khoa Lịch sử, đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh chuyển đổi của giáo dục đại học; Thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử và BCH Công đoàn Khoa Lịch sử, chiều ngày 23/11/2024, tại Hà Nam, Công đoàn Khoa Lịch sử tổ chức Hội nghị thảo luận chiến lược phát triển nguồn nhân lực với trọng tâm là yêu cầu, giải pháp thực hiện việc hoàn thiện học hàm, học vị và công bố quốc tế trong bối cảnh chuyển đổi của giáo dục Đại học.
    Tham dự hội nghị có sự hiện diện của các diễn giả:
- GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV;
- TS Ngô Thị Kiều Oanh, UVTV Đảng ủy, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học;
- GS.TS Nguyễn Văn Kim, Thành viên Ủy ban Di sản thế giới, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Lịch sử, Khảo cổ học và Dân tộc học - Nhân học;
- GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giảng viên cao cấp.
Cùng 35 công đoàn viên Khoa Lịch sử, Bảo tàng Nhân học, Trung tâm Biển và Hải đảo, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên Văn hóa.
    Phát biểu đề dẫn hội nghị, PGS.TS Đặng Hồng Sơn - Trưởng Khoa Lịch sử cho biết ý tưởng tổ chức Hội nghị đã được chuẩn bị từ năm 2019 nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan mà đến nay mới thực hiện được. PGS.TS Đặng Hồng Sơn nhấn mạnh đến ba giá trị cốt lõi của một cơ sở giáo dục đại học gồm: Chương trình đào tạo; Đội ngũ giảng viên, nhà khoa học; và Hệ thống giáo trình. Trong đó, đội ngũ giảng viên Khoa Lịch sử có học vị tiến sĩ gồm 23 người cần hoàn thiện các học hàm trong những năm sắp tới. Trong quá trình đó, không chỉ chú trọng vấn đề công bố quốc tế, mà còn cần quan tâm công bố trong nước, nhất là công bố có chất lượng cao, có dấu ấn cá nhân. Chính vì vậy, Hội nghị được tổ chức để lắng nghe chia sẻ từ các nhà khoa học có nhiều thành tích trong công bố và công bố quốc tế, từ những người làm công tác quản lý và xây dựng chính sách của Nhà trường, từ các thành viên của Hội đồng chức danh, và đặc biệt là ý kiến từ các tiến sĩ của Công đoàn Khoa đang trong quá trình hoàn thiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu của Hội đồng chức danh.
 
DSC 1449
PGS.TS Đặng Hồng Sơn 

    GS.TS Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Lịch sử, Khảo cổ học và Dân tộc học - Nhân học đã cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ ứng viên đăng kí xét chức danh Giáo sư, Phó giáo sư các ngành khoa học trong những năm vừa qua. Trong đó, các ngành KHXHNV đều gặp ít nhiều khó khăn trong việc đăng kí và tỉ lệ ứng viên đạt được học hàm, học vị PGS và GS. Giáo sư cũng đặt ra vấn đề: Hiện có tình trạng mất cân bằng giữa các ngành Khoa học Công nghệ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội Nhân văn hay không? Hay do chúng ta thiếu cố gắng? Hay do thang đo giữa các ngành chưa đảm bảo sự công bằng? Có phải trước năm 2019 thì các tiêu chí dễ dàng hơn? Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim thì đó là thang đo phù hợp với sự phát triển của thời đại. Giáo sư cũng cho biết những quyền lợi, cơ hội mà các chức danh Giáo sư, Phó giáo sư sẽ được thụ hưởng. Giáo sư khẳng định, Khoa Lịch sử, hai Trung tâm và Bảo tàng Nhân học có những thuận lợi cơ bản để đáp ứng các tiêu chí chức danh GS, PGS. Các thầy, cô tham gia vào các chương trình chuẩn hóa chức danh vì tinh thần cộng đồng khoa học và nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân đối với Bộ môn, Khoa và Nhà trường. Giáo sư cũng nhấn mạnh, các thầy, cô cần cảnh giác với “bẫy trình độ trung bình” và “bẫy phồn vinh” trên lộ trình phấn đấu hoàn thiện học hàm, học vị của bản thân. Giáo sư khuyến khích các thầy, cô hãy tự cố gắng vươn lên để đạt chuẩn. Tập thể cũng nên có sự điều phối, tạo điều kiện để các thầy, cô hoàn thiện tiêu chí. Hội nghị mang tính chất thiết thực để nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên. Nhà trường nên ghi nhận sáng kiến của Công đoàn Khoa Lịch sử và mở rộng hình thức Hội nghị như này ra các đơn vị khác.

DSC 1523
   GS.TS Nguyễn Văn Kim

    Tiếp đó, TS. Ngô Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ khẳng định công tác cán bộ đối với các tổ chức là rất quan trọng. Con người là chủ thể để thực hiện mọi hoạt động trong tổ chức. Đầu tư cho con người cũng chính là đầu tư để phát triển tổ chức. Chúng ta cần bền bỉ, thường xuyên và liên tục trong hoạt động đầu tư phát triển con người. Tiến sĩ cho biết yêu cầu liên quan đến quy định hiện hành với đội ngũ. Phải đạt chuẩn chức danh, học vị. Đối với ĐHQGHN chuẩn của giảng viên là TS, hiện ĐHKHXH&NV đạt chuẩn đến trên 80%. Các trường hợp giảng viên không đạt chuẩn sẽ không được tuyển dụng, bổ nhiệm, xét thăng hạng chức danh. Chính vì vậy, Khoa và Nhà trường cần nhanh chóng đặt lộ trình cho từng nhóm đối tượng giảng viên để đạt được chức danh GS, PGS. Lộ trình cũng cần rất cụ thể cho từng giảng viên. Vấn đề chất lượng, tiêu chuẩn cốt lõi là hướng dẫn học viên, NCS, đề tài cơ sở, công bố quốc tế và sách chuyên khảo (Đối với ứng viên GS). Tiến sĩ cũng nhấn mạnh đến sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan trong việc hỗ trợ giảng viên hoàn thiện học hàm, học vị. Phía bộ môn và Khoa cần bố trí, phân công và tạo điều kiện về mặt thời gian để các thầy, cô thực hiện hoàn thiện chức danh. Phía nhà trường đã có hỗ trợ kinh phí công bố quốc tế, công tác hội thảo nước ngoài, tổ chức các hội nghị hội thảo quốc tế, đăng kí đề tài cơ sở… Cần phát huy thêm vai trò của các nhóm nghiên cứu đồng hành. Đồng thời là sự giúp đỡ của các chuyên gia, các thầy cô đi trước.
 
DSC 1567
    TS. Ngô Thị Kiều Oanh

 
    Liên quan đến hoạt động công bố và công bố quốc tế, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung khẳng định, các thầy, cô cần xác định mình là giảng viên đại học, gắn liền hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, không phải là giáo viên cấp 4. Cần xác định mình nên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu của bản thân. Theo cô, đọc là một hoạt động quan trọng đối với các nhà nghiên cứu. Hiện nay chúng ta rất thuận lợi để có thể tiếp cận các nguồn tư liệu, tài liệu trong và ngoài nước. Khi đọc, chúng ta cần quan tâm đến các nghiên cứu phê phán. Bộ môn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là các trưởng bộ môn trong việc phân công hướng nghiên cứu và lên lộ trình hoàn thiện chức danh cho các thành viên trong bộ môn. Giáo sư cũng chỉ ra những hướng để phát triển công bố quốc tế như tham dự hội thảo quốc tế, tổ chức hội thảo quốc tế hay phát triển hoạt động nghiên cứu hợp tác quốc tế.
 

DSC 1590
   GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung
 
    Tiếp sau ba phát biểu chia sẻ thẳng thắn, tình cảm và trách nhiệm của ba diễn giả, Hội nghị đã nhận được 12 ý kiến từ phía các thầy, cô tham dự. PGS. TS Trần Viết Nghĩa quan tâm sâu sắc đến vấn đề xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành và nghiên cứu mang bản sắc cá nhân của các thầy, cô trong toàn Khoa. Bên cạnh đó là đóng góp trong việc tham gia hoặc đứng ra tổ chức các Hội thảo Khoa học gắn liền với lịch sử đất nước và gắn liền với những hoạt động chính trị lớn của đất nước. TS. Lý Tường Vân thì rất tán đồng cách thức thực hiện thống kê chi tiết đến từng cá nhân trong vấn đề hoàn thiện học hàm GS, PGS của nhà trường. Từ đó để các cá nhân có thể thực hiện lộ trình của bản thân. Cô cũng đề xuất các thầy, cô có kinh nghiệm công bố quốc tế hỗ trợ để có thể hoàn thiện tiêu chí về công bố quốc tế. TS. Nguyễn Văn Anh dưới góc độ Phó Chủ tịch Công đoàn Khoa cho biết Hội nghị này là để góp phần nhận diện vấn đề hoàn thiện học hàm, học vị. Nội dung chính của Hội nghị là phương pháp và cách thức để giải quyết vấn đề trên. Vì thế, Tiến sĩ cho rằng chúng ta cần phải nhìn nhận chiến lược trước mắt và lâu dài để giải quyết vấn đề. Về trước mắt là nhà trường, Khoa, Bộ môn hỗ trợ cho từng thầy cô về mặt chính sách. Về lâu dài, bản thân từng Bộ môn cần xác định được những vấn đề nền tảng, cơ bản và vấn đề xã hội đang đòi hỏi để tạo được trụ cột nghiên cứu. Từ đó, chúng ta xây dựng những chiến lược lâu dài.
 
DSC 1593

DSC 1613
 
DSC 1651
 
    Thay mặt Ban lãnh đạo nhà trường, GS.TS Hoàng Anh Tuấn đã phát biểu tại Hội nghị. GS.TS Hoàng Anh Tuấn cung cấp thêm những thông tin về các chính sách, hoạt động hỗ trợ của nhà trường để các thầy, cô hoàn thiện học hàm học vị Giáo sư, Phó giáo sư như đăng kí đề tài cơ sở, kinh phí hỗ trợ công bố quốc tế, tổ chức hội thảo quốc tế có kỷ yếu xuất bản… Giáo sư cũng khẳng định căn bản nhất trí và ủng hộ những ý kiến phát biểu của các thầy, cô trong Hội nghị. Đồng thời, Giáo sư nhấn mạnh các thầy, cô cần xác định trách nhiệm của chúng ta. Hoàn thành học hàm, học vị giúp các thầy, cô có thêm rất nhiều quyền lợi và thu nhập. Đồng thời, việc hoàn thành học hàm, học vị còn là vấn đề danh dự, trách nhiệm của các thầy, cô đối với các vị tiền nhân đã xây dựng và phát triển các ngành đào tạo của Khoa, của Nhà trường. Về vấn đề công bố quốc tế, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh công bố quốc gia và công bố quốc tế cần phải hài hòa. Thậm chí vấn đề công bố quốc gia còn là vấn đề quan trọng hơn. Tuy nhiên, trong lộ trình hoàn thiện học hàm học vị của các thầy, cô thì công bố quốc gia đã tạm thời ổn, nên cần tập trung cho vấn đề thiếu, vướng là công bố quốc tế. Giải pháp là có, rất rõ và không khó nhưng khó ở đây là những ý chí, động lực và quyết tâm của các thầy cô, vượt qua 04 khía cạnh: sự trốn tránh, sự tự ti, sự “lãng mạn” và sự “thanh cao”. Phải tin tưởng Sử học là ngành có điều kiện thuận lợi nhất về nguyên liệu, chất liệu để các thầy, cô có được sản phẩm công bố quốc tế. Các thầy cô phải có niềm tin rằng chúng ta làm được. Khoa học xã hội không có gì đặc thù, các ngành khác làm được, chúng ta làm được.

z6070083087545 5c21a3478512b75d5307b8663c4eaf05
   GS.TS Hoàng Anh Tuấn
     
     Tổng kết Hội nghị, PGS.TS Đặng Hồng Sơn chia sẻ trách nhiệm của các thầy, cô đối với ngành và đối với các vị tiền nhân đã xây dựng các ngành và Khoa. Chúng tôi mong rằng các thầy, cô xác định được trách nhiệm này. Về phía Khoa: Xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng cá nhân và các Bộ môn để thúc đẩy cho các thầy cô đang tiệm cận tiêu chuẩn học hàm học vị hoàn thiện; Điều phối các hoạt động hỗ trợ giảng viên hoàn thiện các tiêu chí; Về lâu dài cần tập trung xây dựng những lĩnh vực khoa học trọng yếu của Khoa phù hợp với thế mạnh của từng ngành và nhu cầu thực tiễn đất nước. Chúng ta cần phát triển những lĩnh vực này ở nhiều khía cạnh và phương pháp khác nhau. Về cá nhân các thầy cô: quyết tâm, kế hoạch, cam kết. Ban Chủ nhiệm Khoa sẽ tập hợp các kiến nghị hỗ trợ của các thầy, cô để gửi lên nhà trường phối hợp hỗ trợ.
 
DSC 1795

Một số hình ảnh của Hội nghị:

DSC 1625

DSC 1636

DSC 1672

DSC 1685


DSC 1691

DSC 1724

DSC 1706

 
Bài và ảnh: Bích Ngọc, Trần Mạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

_KLS_ TuyensinhSDH
facebook youtube
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây