Chùa Đậu thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội là một ngôi “danh lam, cổ tự” có bề dầy lịch sử và nổi tiếng ở trấn Sơn Nam. Trải qua các giai đoạn lịch sử từ Trần, Lê, Mạc và đặc biệt là Lê Trung Hưng, chùa Đậu đã trở thành ngôi chùa gắn liền với hoàng tộc nhà Lê, với phủ chúa Trịnh ở kinh sư Thăng Long.
Chính vì vậy, nhà chùa không chỉ sở hữu kiến trúc, nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt, mà còn là nơi tu tập của hai thiền sư họ Vũ là Khắc Minh (Đạo Chân), Khắc Trường (Đạo Tâm). Sau khi hai thiền sư họ Vũ viên tịch, các ngài đã để lại “nhục thân” hay còn gọi là “toàn thân xá lợi” - một dấu ấn đặc biệt quan trọng trong quá trình tu hành, chứng đạo.
Với mục đích góp phần làm rõ thêm vị trí, vai trò của chùa Đậu trong dòng chảy lịch sử văn hóa của Phật giáo Việt Nam nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung với tư cách là một trung tâm tôn giáo – tâm linh quan trọng; nhận thức đầy đủ hơn về cuộc đời và hành trạng của hai vị thiền sư đã tu hành đắc đạo và để lại di sản to lớn là hai pho tượng nhục thân - Bảo vật Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng Chùa Đậu (Thành Đạo tự) tổ chức Hội thảo Khoa học: “Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử, văn hoá dân tộc”.
GS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo
Hòa thượng, TS.Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội thảo
Đoàn Đại biểu Phật giáo tặng lẵng hoa chúc mừng Hội thảo
Hội thảo quy tụ nhiều học giả, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Lịch sử, Phật học, Khảo cổ học, Mỹ thuật, Văn hóa học và Bảo tồn di sản… Ngoài ra hội thảo còn nhận được những ý kiến, bài nghiên cứu chuyên sâu của những tăng sĩ hàng đầu, những vị đại Hòa thượng trong giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 37 tham luận của các Hòa thượng, chư tăng, nhà tu hành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam; cùng các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển; Viện Trần Nhân Tông; Viện Khảo cổ học; Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Viện Dân tộc học và Tôn giáo; Viện Sử học; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Trường Đại học Hà Nội; Phòng Văn hóa Thông tin huyện Thường Tín; Sở Văn hóa Bắc Ninh; Hội Khảo cổ học Việt Nam, Nhóm nghiên cứu Văn hóa Việt Nam (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV)...
Nội dung các tham luận tập trung vào bốn chủ đề sau: Tổng quan về di tích chùa Đậu; Các nguồn tài liệu trong và ngoài nước về hiện tượng để lại nhục thân của các cao tăng Phật giáo; Thời đại, quê hương và hành trạng của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường; Di sản văn hóa chùa Đậu trong bối cảnh đương đại.
Được tổ chức trong không gian tôn nghiêm của Chùa Đậu, hội thảo cũng là dịp để cộng đồng học thuật, Phật tử và nhân dân cùng nhìn lại những giá trị to lớn của di sản chùa Đậu, từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy phù hợp trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển văn hóa – du lịch bền vững.
Hòa thượng, TS. Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
GS.TS Nguyễn Văn Kim - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV; Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia phát biểu tổng kết hội thảo
Hội thảo có sự hiện diện của các học giả, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực; các tăng sĩ hàng đầu, các vị đại Hòa thượng trong giáo hội Phật giáo Việt Nam
Đại diện Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín, TP.Hà Nội phát biểu chúc mừng Hội thảo
Đại đức, TS. Thích Quang Minh - Trụ trì chùa Đậu
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, vị đại Hòa thượng, các tăng ni Phật tử. Một số hình ảnh của Hội thảo:
Nguồn: phatsuonline.vn; ussh.vnu.edu.vn