Chương trình nhằm tăng cường hiểu biết của sinh viên ĐHQGHN về văn hóa, tín ngưỡng và đời sống văn hóa người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ (vùng châu thổ sông Hồng), qua đó giúp sinh viên có cơ hội tìm hiểu về các giá trị văn hóa bản địa người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ, các lễ giáo, tín ngưỡng được lưu truyền và tồn tại lâu đời...
Tham dự chương trình là các sinh viên đến từ các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN đang theo học năm nhất tại Hòa Lạc gồm: Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Việt Nhật, Trường Quốc tế, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật.
Tại buổi tọa đàm, TS. Đinh Đức Tiến, Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN chia sẻ: "Việc tổ chức chương trình tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng cho sinh viên đại học mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ giúp sinh viên mở rộng kiến thức về văn hóa và lịch sử, mà còn phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, tăng cường sự tôn trọng và khoan dung đối với sự khác biệt. Chương trình này còn giúp sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội, khám phá bản sắc văn hóa vùng, miền cũng như tự trang bị cho mình tâm thế và bản sắc khi hội nhập công việc trong môi trường đa văn hóa”.
Diễn giả TS. Đinh Đức Tiến, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Chương trình "Tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng vùng Đồng bằng Bắc Bộ” cho sinh viên chính quy năm thứ nhất của ĐHQGHN học tập tại Hòa Lạc diễn ra trong hai ngày, ngày 21 và ngày 22/12/2024. Ngày 21/12/2024, sinh viên được tham dự tọa đàm chia sẻ, trao đổi các kiến thức về văn hóa, tín ngưỡng vùng Đồng bằng Bắc Bộ, văn hóa làng xã truyền thống; vai trò của đình, chùa, miếu; các tín ngưỡng lưu truyền từ ngàn đời như: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng thần linh, tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc và các lễ hội, phong tục tập quán của người Việt tại vùng châu thổ Sông Hồng.
Sau thời gian học tập trên lớp, ngày 22/12/2024, sinh viên đã có chuyến nghiên cứu thực tế đầy thú vị tại Làng cổ Đường Lâm. Trong suốt chuyến đi, sinh viên được giảng viên, chuyên gia giới thiệu, giải thích từng điểm tham quan tại các di tích lịch sử, kiến trúc cổ như chùa Mía, đình làng Mông Phụ, đền thờ Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương, các ngôi nhà cổ… và lắng nghe những câu chuyện thú vị về đời sống tín ngưỡng của người dân địa phương. Từ những ngôi nhà cổ kính, đình chùa đến các lễ hội dân gian, mỗi điểm dừng chân đều mang lại những bài học sâu sắc và trải nghiệm thực tế quý báu.
TS. Đinh Đức Tiến hướng dẫn sinh viên nghiên cứu thực tế tại làng cổ Đường Lâm
Chuyến nghiên cứu thực tế này không chỉ giúp sinh viên nâng cao nhận thức về văn hóa dân tộc mà còn tạo điều kiện để các em rèn luyện kỹ năng quan sát, phân tích và làm việc nhóm. Bầu không khí hứng khởi và đoàn kết đã lan tỏa suốt cả hành trình, góp phần thắt chặt tình cảm và sự hiểu biết lẫn nhau. Sinh viên tham gia chương trình đều đánh giá đây là một chương trình bổ ích, thiết thực, mang lại giá trị to lớn trong quá trình tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng cho sinh viên nói chung và sinh viên năm nhất nói riêng.
Nguyễn Trung Hải, sinh viên Trường ĐH Y Dược chia sẻ: “
Qua chương trình, em cảm nhận được sự phong phú của các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng thờ cúng, và những giá trị văn hóa lâu đời đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Chương trình cũng giúp em nhận ra sự đa dạng và độc đáo của các phong tục tập quán, từ đó phát triển thêm lòng yêu quê hương, đất nước”.
Trần Thị Hồng Hạnh, sinh viên Trường ĐH Luật thì cho biết:
“Chương trình đã giúp em có nhiều kiến thức, hiểu biết hơn với văn hoá nói chung và văn hoá, tín ngưỡng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam qua những lời thầy chia sẻ về truyền thống, văn hoá dân tộc”.
VNU-HDC